thập đế

Phật Quang Đại Từ Điển

(十諦) I. Thập Đế. Chỉ cho 10 đế lí chân thực mà Bồ tát địa thứ 5 phải biết để tùy thuận giáo hóa chúng sinh. Đó là: 1. Thế đế: Đối với những người căn cơ chưa thuần thục, không kham nổi Đại thừa, thì nói pháp 4 đế, 16 hành tướng cho họ nghe. 2. Đệ nhất nghĩa đế: Đối với những Thập Đắc người căn cơ đã thuần thục, có khả năng vào Đại thừa thì nói pháp không Đệ nhất nghĩa cho họ nghe. 3. Tướng đế: Những người không hiểu Đệ nhất nghĩa, nghi ngờ đoạn diệt thì nói cho họ nghe về lí các pháp phi hữu phi vô, là nhất thực tướng. 4. Sai biệt đế: Người nghe lí nhất thực liền ngờ, cho đế là một thì nói cho họ nghe về nhị đế sai biệt bất nhất. 5. Thuyết minh đế: Người đã nghe về lí sai biệt, liền chấp có các thể riêng, xa lìa chính niệm thì nói các pháp 4 đế chỉ tùy ngôn thuyết và do nhân duyên tập thành, thể của chúng không có tự tính. 6. Sự đế: Vì các chúng sinh chính kiến nói về việc nếu mê 4 đế sẽ khởi quả khổ, tức nói về khổ đế. 7. Sinh đế: Nếu mê 4 đế sẽ tạo nhân nghiệp, thường sinh ra khổ về sau, tức nói Tập đế. 8. Tận vô sinh trí đế: Nếu hiểu 4 đế thì có khả năng diệt trừ phiền não ô nhiễm, tức nói Diệt đế. 9. Linh nhập đạo trí đế: Vì các chúng sinh có chính kiến, nói phải hiểu thấu các khổ, tức nói Đạo đế trong 4 đế. 10. Nhất thiết Bồ tát thứ đệ thành tựu chư địa khởi Như lai trí đế: Nói việc thành tựu hạnh đức Đại thừa như thực cho các chúng sinh có thể dùng Đại thừa để nhiếp hóa. II. Thập Đế. Chỉ cho 10 đế lí được triển khai từ 4 đế khổ, tập, diệt, đạo, đó là: 1. Bức thiết khổ đế: Tức 4 nỗi khổ sinh, lão, tử, oán tăng hội trong quả khổ bức não các chúng sinh. 2. Tài vị quĩ phạp khổ đế: Khổ vì tiền của và danh vọng thiếu thốn, mong cầu chẳng được. 3. Giới bất bình hòa khổ đế: Khổ vì bệnh tật sinh ra do 4 đại đất, nước, lửa, gió không điều hòa. 4. Sở ái biến hoại khổ đế: Khổ vì những người mình thương yêu phải xa lìa. 5. Thô trọng khổ đế: Tức ngũ thủ uẩn khổ.6. Nghiệp đế: Chỉ cho tất cả nghiệp nhân mang lại khổ quả. 7. Phiền não đế: Chỉ cho tất cả các hoặc. 8. Thinh văn chính pháp như lí tác ý đế: Nghe chính pháp vô lậu, như lí tư duy tu tập. 9. Chính kiến đế: Chỉ cho chính kiến trung đạo. 10. Chính kiến quả đế: Chỉ cho quả vắng lặng vô vi. Đại thừa nghĩa chương quyển 2 phần cuối, đem 10 đế trên phối hợp với 4 đế, trong đó, 5 đế đầu gồm 8 khổ là khổ đế, 2 đế kế tiếp thuộc Tập đế, 2 đế kế nữa thuộc Đạo đế và đế thứ 10 thuộc Diệt đế.