thập cú nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(十句義) I. Thập Cú Nghĩa. Chỉ cho 10 tinh thần cơ bản do Tăng đoàn Phật giáo kiến lập. Cứ theo luật Tứ phần quyển 1, Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ tì nại da quyển 1 và luận Thập tụng quyển 1 thì Thập cú nghĩa là: 1. Thu nhiếp và hộ trì chúng tăng. 2. Làm cho chúng tăng hoan hỉ. 3. Khiến cho chúng tăng được an vui. 4. Người nào chưa tin thì làm cho tin. 5. Người tin rồi thì làm cho niềm tin ấy tăng trưởng. 6. Người nào khó điều phục thì gắng sức điều phục. 7. Người có tâm hổ thẹn thì an vui. 8. Dứt hữu lậu ở hiện tại. 9. Dứt hữu lậu trong tương lai. 10. Làm cho chính pháp ở lâu nơi đời. II. Thập Cú Nghĩa. Phạm: Daza padàrthà#. Chỉ cho 10 phạm trù dùng để trình bày về thực thể thuộc tính và nguyên lí sinh thành, hoại diệt của tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ, là chủ trương của học phái Thắng luận (Phạm:Vaizewika) ở Ấn độ, do ngài Tuệ nguyệt (Phạm: Maticandra) đề xướng. Đó là: 1. Thực(Phạm:Dravya)cú nghĩa: Thực thể của các pháp, cũng là thể sở y(chỗ nương) của 9 cú nghĩa còn lại, gồm có 9 nguyên tố: Đất, nước, lửa, gió, hư không, thời gian, phương hướng, ngã và ý. Chín nguyên tố này hình thành vạn hữu, 5 nguyên tố trước thuộc vật chất, nguyên tố thời gian, phương hướng thuộc thời, không gian, ngã và ý là chỉ cho nguyên tố tâm lí. 2. Đức (Phạm: Guịa) cú nghĩa: Chỉ cho thuộc tính và công năng của Thực cú nghĩa. Tức các nghĩa tính chất, trạng thái, số lượng… của sự vật, gồm 24 thứ: Sắc, vị, hương, xúc, số lượng, biệt thể, hợp, li, bỉ thể, thử thể, giác, lạc, khổ, dục, sân, cần dũng, trọng thể, dịch thể, nhuận, hành, pháp, phi pháp, và thanh(thuyết xưa không có 7 tính từ trọng thể trở xuống). 3. Nghiệp (Phạm: Karma) cú nghĩa : Chỉ cho động tác của thực thể, gồm có 5 thứ: Thủ nghiệp, xả nghiệp, khuất nghiệp, thân nghiệp và hành nghiệp(tức là các động tác lấy, bỏ, co, duỗi, đi…), 5 thứ nghiệp(hành động)bao hàm tất cả vận động. 4. Đồng (Phạm:Sàmànya)cú nghĩa: Tức hữu tính nên cũng gọi Hữu cú nghĩa, là nguyên lí của các nguyên nhân đồng loại hỗ tương của sự vật; là nhân để biết 3 thứ Thực, Đức, Nghiệp, cùng là Hữu, cùng để giải thích trí. 5. Dị (Phạm: Vizewa) cú nghĩa : Nguyên lí tạo cho vạn hữu tất cả tính đặc thù, tính cá biệt, khiến chúng sinh ra các nguyên nhân sai khác(dị), cho nên mới tạo ra sự sai khác giữa 9 thứ Thực cú nghĩa. 6. Hòa hợp (Phạm: Samavàya) cú nghĩa: Kết hợp 5 nguyên lí độc lập nói trên, tức chỉ cho nguyên lí hệ thuộc khiến tất cả có mối quan hệ cộng đồng. 7. Hữu năng (Phạm: Zakti)cú nghĩa: Hòa hợp với 3 cú nghĩa Thực, Đức, Nghiệp, quyết định nhân phải tạo tự quả cộng đồng hoặc cá biệt. 8. Vô năng (Phạm: Azakti) cú nghĩa: Hòa hợp với 3 cú nghĩa Thực, Đức, Nghiệp, quyết định phải có nhân để không tạo các quả khác ngoài việc tạo tự quả 3 cú nghĩa nói trên. 9. Câu phần (Phạm: Sàdfzya) cú nghĩa: Một pháp thể có nhân vừa đồng vừa khác, tức sự quan hệ giữa pháp giống nhau và khác nhau, ngoại trừ cú nghĩa đồng, dị cực đoan, còn tất cả sự quan hệ khác đều bao hàm trong cú nghĩa này. 10. Vô thuyết (Phạm: Abhàva) cú nghĩa: Đối với nguyên lí của 9 thứ tồn tại nói trên, thì Vô thuyết cú nghĩa trở thành nguyên lí phi tồn tại. Hãy lấy Thực, Đức, Nghiệp làm ví dụ, nếu nhân duyên chưa hòa hợp thì có Vị sinh vô của cái chưa sinh; năng lực nhân duyên hết thì có Dĩ diệt vô của cái đã diệt; có 1 phương thì có cánh hỗ vô của phương khác; có sự bất hòa hợp giữa Tính và Thực, Đức, Nghiệp cho nên có bất hội vô, vì không có nhân nên có tất cánh vô của bất sinh trong quá khứ, hiện tại và vị lai.