thập chủng sở quán pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(十種所觀法) Chỉ cho 10 pháp sở quán của Bồ tát ở 5 giai vị Thập trụ, Thập hành, Thập hồi hướng, Thập địa và Đẳng giác được nói trong kinh Bồ tát anh lạc bản nghiệp quyển thượng. Đó là: I. Mười pháp sở quán của giai vị Thập tâm(Thập trụ): 1. Hậu tập nhất thiết thiện căn: Quán xét sâu rộng tất cả thiện căn, như 4 thệ nguyện rộng lớn. 2. Tu tập tất cả thiện hạnh: Quán xét và tu tập tất cả hạnh lành, như 4 niệm xứ.3. Thiện tập Phật đạo pháp: Khéo tu tập theo pháp Phật đạo, như quán xét 10 nhất thiết nhập. 4. Nhất thiết Phật tiền thụ pháp nhi hành: Ở trước tất cả Phật nhận lãnh pháp mà tu hành, như quán xét Bát thắng xứ. 5. Tu chư thanh bạch pháp: Tu các pháp trong trắng, như Bát đại nhân giác. 6. Vị chư Phật sở hộ: Được chư Phật che chở, như quán xét Bát giải thoát. 7. Quảng chính pháp: Mở rộng chính pháp, như tu pháp Lục hòa kính. 8. Tín hỉ đại pháp: Kính tin, ưa thích đại pháp, như quán xét Tam không. 9. Tâm trụ tứ đẳng pháp: Tâm trụ trong 4 pháp bình đẳng, như dùng pháp 4 đế giáo hóa chúng sinh. 10. Hảo cầu Phật công đức: Ưa cầu công đức của Phật, như quán 6 niệm. II. Mười pháp sở quán của giai vị Thập hành tâm: 1. Tự đắc nhất thiết chủng trí: Tự được Nhất thiết chủng trí, như tu 4 chính pháp. 2. Vị đắc tự thân hữu đại lực: Để tự thân có sức mạnh mẽ,nên cầnquán xét Tứ như ý túc. 3. Nguyện vô úy cụ túc: Nguyện đầy đủ vô úy nên quán xét ngũ căn. 4. Cầu cụ túc Tam bảo: Cầu đầy đủ Tam bảo nên quán 5 phần pháp thân. 5. Vị hóa nhất thiết chúng sinh: Để giáo hóa tất cả chúng sinh nên tu Bát chính đạo.6. Đắc đại từ bi: Được đại từ bi như tu 7 quán môn nhập nhất tướng. 7. Vị đắc tứ vô ngại: Để được 4 vô ngại nên quán 5 thiện căn. 8. Nhập nhất thiết Phật quốc trung hành: Đi vào tất cả cõi Phật như 4 hóa pháp. 9. Vi ư nhất niệm trung chiếu nhất thiết pháp: Chỉ trong một niệm chiếu soi tất cả pháp, như quán 12 nhân duyên trong 3 đời. 10. Vị tự tại chuyển đại pháp luân: Chuyển đại pháp luân trong tư thế tự tại, như Bồ tát Tam bảo. III. Mười pháp sở quán của giai vị Hồi hướng tâm: 1. Nhị đế chính trực: Hai đế ngay thẳng, tức học tập Đệ nhất nghĩa đế. 2. Thâm đệ nhất nghĩa trí: Trí Đệ nhất nghĩa sâu xa, như 5 thần thông. 3. Thuần chí: Tức Tứ bất hoại tịnh trong Vô sinh tuệ. 4. Lượng đồng Phật lực: Lượng ngang với Phật lực, như Tam tướng. 5. Thiện kế lượng chúng sinh lực: Năng lực khéo tính lường chúng sinh, như quán xét sắc 5 ấm. 6. Phật giáo hóa lực: Năng lực giáo hóa của Phật, như 12 nhập. 7. Thú hướng vô ngại trí: Hướng tới trí vô ngại, như quán xét 18 giới. 8. Tùy thuận tự nhiên trí: Thuận theo trí tự nhiên, như quán nhân quả. 9. Năng thụ Phật pháp tăng: Có năng lực lãnh thụ Phật pháp tăng, như quán 2 Không đế. 10. Dĩ tự tại tuệ hóa nhất thiết chúng sinh: Dùng tuệ tự tại hóa độ tất cả chúng sinh, như quán xét Trung đạo đệ nhất nghĩa đế. IV. Mười pháp sở quán của giai vị Thập địa tâm: 1. Hoan hỉ địa trụ Trung đạo đệ nhất nghĩa đế tuệ: Hoan hỉ địa trụ trong trí tuệ Trung đạo đệ nhất nghĩa đế, như quán xét 20 tâm hoan hỉ. 2. Kim cương hải tạng pháp bảo: Như tự làm 10 điều thiện, bảo người làm 10 điều thiện, khen ngợi 10 điều thiện. 3. Nhập như huyễn tam muội: Vào tam muội Như huyễn, như 12 môn thiền. 4. Biến hành Pháp bảo tạng: Tu hành khắp tạng Pháp bảo, như quán 37 đạo phẩm. 5. Nhập Pháp giới trí quán: Như quán xét 16 đế. 6. Đạt hữu pháp duyên cố khởi trí: Đạt được hữu pháp duyên nên khởi trí, như quán xét 10 thứ Thập nhị nhân duyên, 10 thứ chiếu sáng. 7. Tận quả báo vô chướng vô ngại trí: Trí hết quả báo không chướng không ngại, như dùng trí 3 không quán xét 2 tập trong 3 cõi. 8. Bất tư nghị vô công dụng quán: Quán vô công dụng không thể nghĩ bàn: Như quán đại dụng của trí phương tiện vô tướng. 9. Nhập pháp tế trí: Như quán 40 biện tài tất cả hạnh công đức đều thành tựu. 10. Vô ngại trí quán: Trí quán vô ngại, như vô lượng trận mưa pháp thấm nhuần hết thảy chúng sinh. V. Mười pháp tâm sở hành của Đẳng giác tâm: Như ở Dũng phục định, Bồ tát vào tam muội Pháp quang tu hành 10 pháp: 1. Học năng lực biến thông không thể nghĩ bàn của chư Phật. 2. Nhóm họp quyến thuộc của Bồ tát 3. Tu lại các pháp môn đã thực hành khi trước. 4. Thuận theo tất cả cõi Phật thăm hỏi hết thảy Phật. 5. Từ biệt cha mẹ vô minh. 6. Đi vào các lớp huyền môn. 7. Hiện giống như Phật hiện tất cả hình tướng. 8. Đầy đủ 2 loại Pháp thân. 9. Không còn 2 tập. 10. Lên đỉnh núi Trung đạo đệ nhất nghĩa đế.