thập chủng phát tâm

Phật Quang Đại Từ Điển

(十種發心) Mười loại phát tâm. Chúng sinh vì mê lầm nên niệm niệm khởi tâm, tham đắm các cảnh, nghiệp báo khác nhau, khổ vui sai biệt, đều do phát tâm không đồng thuần nhất. Cứ theo Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao quyển 35 thì 10 loại phát tâm là: 1. Phát tâm địa ngục: Chúng sinh niệm niệm khởi tâm tham sân, làm 10 điều ác thượng phẩm, thực hành địa ngục đạo. 2. Phát tâm súc sinh: Chúng sinh khởi tâm muốn có nhiều quyến thuộc, ngu si tham trước, làm 10 điều ác trung phẩm, thực hành đạo súc sinh. 3. Phát tâm ngã quỉ: Chúng sinh khởi tâm muốn được nổi tiếng, bên trong không có thực đức, chỉ biết dua nịnh, làm 10 điều ác hạ phẩm, thực hành đạo ngã quỉ. 4. Phát tâm hạ phẩm thập thiện: Hạ phẩm là sau khi làm điều thiện sinh tâm hối tiếc. Chúng sinh niệm niệm muốn hơn người, khinh người trọng mình, bên ngoài tỏ ra nhân nghĩa, thực hành đạo Tu la. 5. Phát tâm trung phẩm thập thiện: Trung phẩm là sau khi làm việc thiện khởi tâm hơi hối tiếc. Chúng sinh niệm niệm ưa thích thế gian, tu hành 5 giới, thực hành đạo làm người.6. Phát tâm thượng phẩm thập thiện: Thượng phẩm là khi thực hiện 10 điều thiện thì lúc định làm, lúc đang làm và lúc làm rồi, tâm đều không hối tiếc. Chúng sinh niệm niệm cầu sinh lên cõi trời, thu nhiếp các căn bên trong, không đắm cảnh trần bên ngoài, tu hành đạo trời. 7. Phát tâm Dục giới chủ: Dục giới chủ tức Tha hóa tự tại thiên chủ. Chúng sinh niệm niệm phô trương uy thế, chiếm đoạt thành quả hóa tha của người để tự vui chơi, tu hành đạo ma. 8. Phát tâm thế trí: Chúng sinh niệm niệm muốn được trí tuệ nhạy bén, biện luận thông suốt, không tin giáo pháp xuất thế, tu hành ngoại đạo. 9. Phát tâm Phạm thiên: Chúng sinh niệm niệm nhàm chán các trần cảnh ở cõi Dục, muốn được niềm vui thắng diệu trên cõi trời Phạm mà thực hành đạo Sắc giới và Vô sắc giới. 10. Phát tâm vô lậu: Chúng sinh niệm niệm nhàm chán và muốn thoát li nỗi sinh tử thế gian, đoạn trừ các vọng hoặc tham,sân, si… thường tu nhân vô lậu và tu hành đạo Nhị thừa(Thanh văn thừa và Duyên giác thừa).