thập cảnh

Phật Quang Đại Từ Điển

(十境) Cũng gọi Chỉ quán thập cảnh, Thập chủng quán cảnh. Mười cảnh sở quán của Thập thừa quán pháp trong tông Thiên thai. Đó là: 1. Ấm giới nhập cảnh(cũng gọi Ấm nhập giới cảnh, Ấm nhập cảnh, Ấm vọng cảnh): Tức lấy 5 ấm, 12 nhập, 18 giới làm đối tượng để quán xét. Khi tu chính quán thì chỉ lấy Thức ấm trong 5 ấm làm đối tượng, tức lấy tâm tán động hiện thực hàng ngày làm đối tượng mà quán tưởng lí của tâm này tức Không, Giả, Trung. Vì thân của hành giả do 5 ấm và 12 nhập hợp thành, thường tự hiện trước, cho nên đặc biệt lấy nó làm cảnh đầu tiên để quán xét. 2. Phiền não cảnh: Tức quán xét cảnh do các hoặc(phiền não) tham, sân, si… dẫn khởi. Năm ấm, 12 nhập… là theo các phiền não mà sinh khởi, cho nên phải quán tham, sân, si, là nguyên nhân của chúng. 3. Bệnh hoạn cảnh(cũng gọi Bệnh cảnh): Bệnh hoạn do 4 đại không điều hòa hoặc do tuquánmà phát khởi, dùng nó làm đối cảnh, quán xét tướng bệnh, nguyên nhân của bệnh và phương pháp trị bệnh. 4. Nghiệp tướng cảnh(gọi tắt là Nghiệp cảnh): Quán 3 cảnh trên đều là các nghiệp tướng do phiền não thiện, ác của chính mình đã gây ra từ xưa, nay hiện hành, bởi thế, đối với cảnh này không nên vui mừng, cũng không nên sợ hãi mà phải quán xét rõ ràng, thì các cảnh tướng ấy tự nhiên tiêu diệt.5.Ma sự cảnh (gọi tắt là Ma cảnh): Khi quán xét nghiệp tướng mà cái ác tiêu diệt thì thiên ma sợ hãi và gây nhiễu loạn thêm, vì thế phải quán tưởng biết rõ sự chết. 6. Thiền định cảnh(cũng gọi Thiền môn cảnh, Thiền phát cảnh, Thế thiền cảnh, Thiền cảnh): Khi quán xét để diệt trừ ma sự nhưng chân trí vẫn chưa sinh, sẽ khởi các thiền định như Tứ thiền, Thập lục đặc thắng, Thông minh thiền… nhưng nếu đắm trước vào thiền vị này thì sẽ thành chướng ngại cho Chỉ quán, cho nên phải lần lượt quán xét các cảnh thiền. 7. Chư kiến cảnh(gọi tắt là Kiến cảnh): Khi quán xét các cảnh có thể sinh kiến giải tương tự chân lí, hoặc khi nghe pháp mà sinh ra trí giải tương tự diệu ngộ, nhưng đó đều thuộc tà kiến, thiên kiến chứ không phải chân lí, nếu đắm trước thì sẽ chướng ngại cho Chỉ quán, bởi vậy cần phải quán xét các kiến giải một cách sâu sắc. 8. Tăng thượng mạn cảnh (Cũng gọi Thượng mạn cảnh, Mạn cảnh): Khi quán xét các kiến giải trên đã biết là sai lầm thì có thể lại lầm tưởng chính trạng thái ấy là Niết bàn, rồi sinh tâm kiêu mạn mà chướng ngại Chỉ quán, cho nên phải quán xét tăng thượng mạn. 9. Nhị thừa cảnh: Khi kiến và mạn ngưng lặng thì sẽ sinh tâm mãn túc mà thiên chấp lí rỗng lặng, không thể nào tiến vào Đại thừa mà lại rơi vào Nhị thừa, cho nên phải quán xét Nhị thừa. 10. Bồ tát cảnh: Khi tâm Nhị thừa lắng xuống thì đồng thời sẽ sinh tâm Bồ tát Tạng, Thông, Biệt mà chướng ngại Chỉ quán, vì thế lại phải quán xét cảnh này. Như đã trình bày ở trên, theo thứ tự quán xét 10 cảnh tướng, cuối cùng sẽ phát sinh trí giải thực tướng Viên giáo. Trong 10 thì Ấm nhập cảnh thường tự hiện trước mắt chúng sinh, vì thế Thập thừa quán pháp trước hết phải dùng cảnh này làm đối tượng quán xét. [X. Ma ha chỉ quán Q.5, thượng; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.3, hạ; Tứ giáo nghi Q.11].