thấp bà thiên

Phật Quang Đại Từ Điển

(濕婆天) Thấp bà, Phạm:Ziva. Cũng gọi Lỗ đạt la (Phạm:Rudra). Hán dịch: Hoang thần. Thần hủy diệt, thần khổ hạnh, thần nhảy múa, là 1 trong 3 vị chủ thần của Ấn độ giáo. Vị thần này được ghi chép trong quyển đầu của Lê câu phệ đà thuộc các Thánh điển của Bà la môn giáo ở Ấn độ xưa. Thấp bà thiên là thần cách lưỡng cực, có đủ 2 mặt là phá hoại khủng bố và ban ân cứu tế vạn bệnh, tượng trưng cho cảnh bão táp mưa sa thê thảm do gió mùa gây ra ở Ấn độ và cảnh xanh tươi khi vạn vật sống lại sau gió mưa. Vị thần này có rất nhiều tên khác nhau, nhưng từ thời đại Ma ha bà la đa (Phạm: Mahàbhàrata) về sau, đều gọi là Thấp bà thiên, thường thấy nhất là trong Thánh điển Phú lan na (Phạm: Puràịa). Theo truyền thuyết, vị thần này có năng lực hàng ma rất lớn, lửa thần của con mắt thứ 3 ở trên trán có năng lực thiêu hủy tất cả, thần từng đốt 3 tòa thành của yêu ma và của Ái thần thành tro bụi. Lại nghe nói Thần này quanh năm tu khổ hạnh trên núi Hi mã lạp sơn, cũng giỏi khiêu vũ, được gọi là Vũ vương(vua nhảy múa). Thấp bà thiên chuyên về việc phá hoại, đối lập với Phạm thiên sáng tạo và thần Tì thấp nô (Phạm: Viwịu) thần trông coi gìn giữ vũ trụ, do đó trong Ấn độ giáo có thuyết Tam thần nhất thể (Phạm: Trimùrti = 3 thần cùng một thể). Thấp bà thiên là thần chính của phái Thấp bà và tượng trưng bằng sinh thực khí nam tính, vì Ấn độ giáo cho rằng hủy diệt chính là nghĩa tái sinh, cho nên mới tượng trưng Thần Thấp bà trong tư thế đang khiêu vũ bằng sinh thực khí nam tính để biểu thị ý nghĩa năng lực sinh sản và rất được giáo đồ sùng bái. Trong Phật giáo, Thấp bà thiên thường được thấy xuất hiện trong tư thế của Đại tự tại thiên và Ma hê thủ la thiên, có quan hệ mật thiết với Mật giáo tả đạo ở đời sau. (xt. Đại Tự Tại Thiên).