thảo đường tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(草堂寺) Cũng gọi Khuê phong tự. Chùa ở chân núi phía bắc núi Khuê Phong, phía đông nam huyện Hộ, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Cứ theo mục Du hành nam kí trong Thạch mặc tuyên hoa quyển 7 của Triệu hàm đời Minh thì ở phía tây hang Cao quan là chùa Thảo đường, vua Diêu hưng nhà Hậu Tần rước ngài Cưu ma la thập đến chùa này dịch kinh, bấy giờ gọi là vườn Tiêu dao. Đầu năm Thiên bảo đời Đường, Thiền sư Phi tích trụ ở chùa này để hoằng pháp và soạn thuật. Về sau, Ngũ tổ tông Hoa nghiêm là ngài Khuê phong Tông mật trụ trì, gọi là chùa Thảo đường, sau lạiđổi tên là Thê thiền tự. Phía tây chùa có tháp xá lợi của ngài Cưu ma la thập được xây bằng đá, thân tháp cao 2,32m, hình bát giác cao 12 tầng, được khắc và nạm bằng loại đá ngọc 8 màu, thường gọi là Bát bảo ngọc thạch tháp. Tầng dưới của tháp là tòa núi Tu di, đài mây ở tầng 3 có khắc hoa văn mạn thảo (cỏ bò lan trên mặt đất), rất tinh khéo đẹp đẽ, nên người đời Tống làm đình để che cho tháp, nay vẫn còn. Nếu nhìn vào y phục của tượng Phật và tác phong khắc tạo mà nhận xét thì có vẻ như đây là tác phẩm đời Đường. Vào những năm đầu đời Bắc Chu, chùa được chia làm 4 chùa, về sau bị phá hủy và được xây dựng lại vào thời vua Chiêu tông nhà Đường, từ đời Tống về sau cũng được trùng tu nhiều lần. Hiện nay chỉ còn 3 gian đại điện, phía đông tây mỗi bên 2 gian, ở phía trước điện có 1 tấm bia được dựng vào đời Thanh, 2 tấm bia đời Minh, 1 quả chuông đời Nguyên, Sơn môn, ở phía sau điện xếp đống những mảnh vỡ của gạch ngói và bia đá, cột kinh Tôn thắng đà la ni đời Đường và những mảnh vụn bia Thiền sư Khuêphong Tông mật nằm lẫn trong đó; giữa các vách bên trong và bên ngoài điện có rất nhiều bia đá của nhữngngườiđời Tống, đời Nguyên. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.2, 8, 10, 14; Tây an thắng tích sử lược; Đại minh nhất thống chí Q.32].