thanh văn

Phật Quang Đại Từ Điển

(聲聞) Phạm:Zràvaka. Pàli:Sàvaka. Hán âm: Xá la bà ca. Hán dịch: Đệ tử. Chỉ cho các đệ tử xuất gia nghe âm thanh thuyết pháp của Phật mà chứng ngộ, là 1 trong 2 thừa, 1 trong 3 thừa. Theo Đại thừa nghĩa chương quyển 17 phần đầu thì có 3 cách giải thích về ý nghĩa tên gọi Thanh văn, đó là: 1. Giải thích theo nhân duyên đắc đạo: Nghe âm thanh thuyết giáo của Phật mà tỏ ngộ được đạo, gọi là Thanh văn. 2. Giải thích theo pháp môn được quán xét: Như Thập địa kinh luận quyển 4 nói: Ngã, chúng sinh… chỉ có tên suông, gọi là Thanh(tiếng), nhờ Thanh mà được tỏ ngộ, gọi là Thanh văn. 3. Giải thích theo phương diện hóa tha: Như phẩm Tín giải trong kinh Pháp hoa quyển 2 nói: Dùng âm thanh Phật đạo khiến tất cả đều nghe, nên gọi là Thanh văn. Trong 3 cách giải thích trên, 2 giải thích đầu là Thanh văn của Tiểu thừa, còn giải thích thứ 3 thì thuộc Bồ tát, theo nghĩa nên gọi là Thanh văn. Thanh văn vốn chỉ cho các đệ tử lúc đứcPhật còn tại thế, về sau, đối lại với Duyên giác, Bồ tát mà trở thành 1 trong 2 thừa, 1 trong 3 thừa. Thanh văn là những người quán xét lí của 4 đế, tu phẩm trợ đạo, dứt trừ Kiến hoặc, Tư hoặc, lần lượt chứng được 4 quả sa môn, chờ mong vào Niết bàn vô dư khôi thân diệt trí. Thanh văn thừa là giáo pháp chỉ được nói cho hàng Thanh văn. Còn Thanh văn tạng là những kinh điển trình bày rõ về giáo pháp ấy. Về chủng loại của Thanh văn thì trong cáckinh luận có 2 loại, 3 loại, 4 loại, 5 loại khác nhau. Theo phẩm Vô tự tính tướng trong kinh Giải thâm mật quyển 2 thì có 2 loại Thanh văn là Hướng thú tịch thanh văn và Hồi hướng bồ đề thanh văn. Theo kinh Nhập lăng già quyển 4 thì có 3 loại Thanh văn là Quyết định tịch diệt thanh văn, Phát bồ đề nguyện thiện căn danh Thiện căn thanh văn và Hóa ứng hóa thanh văn. Theo luận Du già sư địa quyển 73 thì có 3 loại Thanh văn là Biến hóa thanh văn, Thệ nguyện thanh văn và Pháp tính thanh văn. Cứ theo luận Pháp hoa quyển hạ của ngài Thế thân thì có 4 loại Thanh văn là Quyết định thanh văn, Tăng thượng mạn thanh văn, Thoái bồ đề tâm thanh văn và Ứng hóa thanh văn. Còn Pháp hoa văn cú quyển 4thượng thì chia Thanh văn làm 5 loại, gọi là Ngũ chủng thanh văn như sau: 1. Quyết định thanh văn: Tu tập Tiểu thừa đã lâu, trải qua nhiều kiếp đạo lực thành thục, chứng được tiểu quả. 2. Thoái bồ đề thanh văn: Loại Thanh văn này vốn tu tập Đại thừa, trải qua nhiều kiếp tu đạo, nhưngnửa chừng vì nhàm chán sinh tử mà lùi bỏ tâm Đại đạo để chứng lấy tiểu quả. 3. Ứng hóa thanh văn: Vì hóa độ 2 loại Thanh văn trên nên chư Phật, Bồ tát, bên trong ẩn hạnh Phật, Bồ tát, bên ngoài hiện hình tướng Thanh văn để khuyên dụ Tiểu thừa nhập vào Đại thừa. 4. Tăng thượng mạn thanh văn: Loại Thanh văn ngạo mạn vì chán ghét sinh tử, ưa thích Niết bàn, tu tập Tiểu thừa chỉ mới được chút ít đã tự cho là đủ, chưa được nói là được, chưa chứng bảo đã chứng. 5. Đại thừa thanh văn: Dùng âm thanh Phật đạo, khiến tất cả người nghe không trụ ở hóa thành(ví dụ cho Niết bàn Tiểu thừa) mà cuối cùng trở về lí thực tướng của Đại thừa. Sự phân loại trên đây là căn cứ theo giáo nghĩa Đại thừa, nhưng các bộ kinh A hàm và các luận như luận Phát trí, luận Lục túc… thì không theo thuyết này; Thanh văn, theo các kinh luận này, chỉ có 1 loại là Thú tịch thanh văn nói trên mà thôi. Ngoài ra, trong Thánh điển nguyên thủy như kinh A hàm… từ ngữ Thanh văn là chỉ chung cho cả đệ tử xuất gia lẫn tại gia. Nhưng đến đời sau, khi giáo đoàn Phật giáo đã được xác lập, thì Thanh văn chuyên chỉ cho chư tăng xuất gia tu hành. [X. kinh Tạp a hàm Q.31; kinh Trường a hàm Q.1; luận Du già sư địa Q.67, 80; Pháp hoa huyền luận Q.1, 4, 7; Đại thừa nghĩa chương Q.17, phần cuối; Đại thừa pháp uyển nghĩalâmchương Q.2; Pháp hoa văn cú Q.1, thượng].