thành tựu pháp man

Phật Quang Đại Từ Điển

(成就法鬘) Phạm:Sàdhana-màlà. Cũng gọi Thành tựu pháp tập (Phạm: Sàdhana-samuccaya). Tùng thư thu chép các thành tựu pháp, nghi quĩ… nói về việc sùng bái chư tôn của Kim cương thừa (Phạm: Vajra-yàna) trong Mật giáo vào thời kì cuối ở Ấn độ. Người thu tập và niên đại biên soạn đều không rõ. Nội dung tùng thư này gồm 312 loại kinh quĩ được sắp xếp theo thứ tự chư Phật, chư Bồ tát, chư tôn như: Tam muội da vương thành tựu pháp (Phạm:Tri-samaya-ràjasàdhana), Kim cương tòa chí tôn thành tựu pháp ưu ba đề xá nghi quĩ (Phạm: Vajràsana-bhaỉỉàraka-sàdhanopadezavidhi), Thánh lục tự mẫu đại minh thành tựu pháp (Phạm: Àrya-wađakwarìmahàvidyà-sàdhana)… Trong hơn 300 loại thành tựu pháp này, chỉ có 55 loại là còn tên tác giả, gồm 42 người. Theo sự khảo chứng của ông Benoytosh Bhattacharyya mà suy đoán thì tác giả có niên đại xưa nhất là ngài Vô trước (khoảng 300-390 Tây lịch) của phái Du già và người có niên đại gần nhất là ngài A ba ca lạp cấp đa (Phạm: Abhayàkaragupta, 1084-1130). Lại trong các bản chép tay của sách này thì bản viết trên lá bối được cất giữ tại thư viện của trường Đại học Cambridge tại Anh quốc có niên kỉ tương đương với năm 1165, vì thế có thể suy biết niên đại biên soạn sách này là giữa thế kỉ XII. Đến đời cận đại có bản tiếng Phạm do ông Benoytosh Bhattacharyya hiệu đính được xuất bản, đó là:Sàdhanamàlà (Gaekwad’s Oriental Series, No. 26, 41. Baroda, 1925- 1928). Ngoài ra, khoảng năm 1914, M. Henri Maspero tìm thấy ở chùa Phổ an tại huyện Ngân, tỉnh Chiết giang, Trung quốc, các lá bối xưa tương đương với các pháp thứ 217, 252, 253 trong bộ tùng thư này.Trong Đại tạng kinh Tây tạng tuy không có các tác phẩm phiên dịch tương đương với sách này, nhưng trong Bí mật bộ của Đan châu nhĩ thì có rất nhiều tác phẩm tương đương với các Thành tựu pháp được thu gom trong sách này, nhất là các Thành tựu pháp thuộc 220 loại đầu trong sách này gần như giống với thứ tự từng phần được nêu trong Bí mật bộ ấy. [X. Đông bắc Đế quốc Đại học Tây tạng đại tạng kinh tổng mục lục; Catalogue of the Buddhist Sanskrit MSS in the University Library, Cambridge, by C. Bendall].