thanh tự thật tướng

Phật Quang Đại Từ Điển

(聲字實相) Chỉ cho thực tướng của âm thanh, văn tự, 1 trong các giáo nghĩa của tông Chân ngôn Nhật bản. Tức âm thanh, văn tự chính là thể của thực tướng, cũng tức là tự thể của tất cả âm thanh, văn tự đều không ngoài thực tướng này. Đứng về phương diện Tam mật của Như lai mà nói thì 3 nghiệp thân, ngữ, ý vốn là bình đẳng, trùm khắp toàn thể vũ trụ, tức hết thảy sum la muôn tượng đều đầy đủ Tam mật của Như lai, đây là Phật sẵn có, chỉ vì chúng sinh không tự biết, cho nên đức Như lai mới phải dùng âm thanh nói pháp, dùng văn tự để chỉ dạy cho chúng sinh tỉnh ngộ mà tự nhận ra Phật sẵn có của mình. Vì thế biết âm thanh, văn tự là Ngữ mật của Như lai, hoàn toàn bình đẳng với Thân mật(thực tướng, tức bản lai diện mục của sự vật) của Như lai, cho nên âm thanh và văn tự chính là thực tướng sẵn có của Thân mật ấy. Lại 5 đại đầy đủ tất cả âm hưởng, 10 cõi đều đầy đủ ngôn ngữ, 6 trần có đầy đủ văn tự, Pháp thân chính là thực tướng, vì thế thực tướng âm thanh, văn tự là Tam mật biểu thị Phật pháp bình đẳng, cũng là Mạn đồ la sẵn có của chúng sinh. [X. Thanh tự thực tướng nghĩa (Không hải)].