Thánh Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

聖天; S: āryadeva; cũng được gọi là “Ðơn nhãn”;
Một Ma-ha Tất-đạt trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, được xem sống trong đầu thế kỉ thứ 8, đệ tử của Ma-ha Tất-đạt Long Thụ (s: nāgārju-na). Trong thế kỉ thứ hai cũng có vị Long Thụ của Trung quán tông và vị này cũng có đệ tử tên Thánh Thiên.
Thánh Thiên là một Tỉ-khâu tu học tại Na-lan-đà. Một hôm Sư nghe có vị Tất-đạt nổi danh tên Long Thụ sống tại Nam Ấn Ðộ liền bỏ đi tìm, được Quán đỉnh vào Bí mật tập hội (s: guhyasamāja-tantra), và ở lại luyện Nghi quỹ (s: sādhana) chung với thầy. Sư đi khất thực luôn luôn được nhiều thức ăn ngon lạ hơn thầy. Long Thụ lấy làm lạ cho Sư ở nhà, tự mình đi. Khi về nhà thì Long Thụ thấy một thần nữ đã dâng cúng bánh trái cho Thánh Thiên và phê bình là mình chưa hết ô nhiễm hẳn như đệ tử. Long Thụ khâm phục môn đệ mình và đặt tên Thánh Thiên. Bài kệ chứng đạo của Thánh Thiên như sau:
Chư Phật cả ba đời,
duy nhất một Tự tính.
Chứng được tự tính này,
là chứng được tâm thức.
Ðể mọi sự diễn ra,
hoà vào với thật tại,
không hề có cơ cấu.
Chính trạng thái buông thỏng,
là đời sống Du-già.
Sau khi Long Thụ chế tạo được nước trường sinh, ông lè lưỡi liếm và đưa cho Sư làm theo. Sư liền cầm bát nước đổ hết vào một gốc cây, cây này bất chợt đâm tược. Long Thụ quát lớn: “Nếu ngươi phí phạm nước bất tử của ta thì phải hoàn lại!” Sư liền cầm một cái thùng, tiểu tiện vào rồi cầm một nhánh cây quậy đưa Long Thụ. “Nhiều quá” Long Thụ nói. Sư liền đổ nửa thùng vào gốc cây, cây này liền ra lá. Long Thụ nghiêm trang bảo: “Nay ngươi đã chứng Ðạo, đừng lưu lại lâu trong Luân hồi (saṃ-sāra)”. Nghe câu này, thân Sư bay vọt lên cao. Ngay lúc này, một người đàn bà đến gần xin Sư một con mắt. Không một chút chần chừ, Sư móc con mắt phải ra trao cho bà này và từ đây mang tên là “Ðơn nhãn” hay “Ðơn nhãn Ðề-bà”. Sau khi thuyết pháp từ trên không trung, Sư đứng ngược đầu xuống đất, chân đối trời rồi biến mất.