THÀNH THẬT LUẬN
Ha-lê-bạt-ma tạo luận
Cưu-ma-la-thập dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 6

Phẩm 77: TƯỞNG ẤM TRONG NHÓM KHỔ ĐẾ

Hỏi: Pháp gì là tưởng?

Đáp: Vì lấy tướng giả pháp nên gọi là tưởng. Bởi vì sao? Vì như trong kinh nói: Có người tưởng ít, có người tưởng nhiều, có người tưởng vô lượng, hoặc không có tưởng, mà thật không có các pháp nhiều ít v.v… nầy, cho nên biết tưởng là lấy tướng giả pháp. Tưởng nầy phần nhiều ở trong điên đảo mà nói. Như nói, trong vô thường, điên đảo tưởng thường, trong khổ điên đảo tưởng vui, trong vô ngã điên đảo tưởng ngã, trong bất tịnh điên đảo tưởng tịnh. Cũng nói trong tín giải quán tất cả nhập v.v…. Con người vì tưởng 3 thứ sai khác lấy cảnh duyên nghĩa là trong oán thân con người trong cảnh duyên ấy tiếp sinh 3 thứ thụ. Thụ sinh 3 thứ độc, nên tưởng có lỗi. Vì tưởng có lỗi, nên Phật dạy cần phải đoạn dứt. Như nói mắt thấy sắc đừng lấy tướng. Cho nên biết lấy tướng giả pháp, gọi là tưởng.

Hỏi: Lấy giả pháp là tưởng?

Nghĩa nầy không phải. Bởi vì sao? Vì tưởng nầy có thể dứt phiền não. Như trong kinh nói: Vì khéo tu vô thường tưởng, nên có thể dứt được tất cả nhiễm cõi Dục, nhiễm cõi Sắc, và nhiễm cõi Vô sắc, tất cả hý động, ngã mạn và vô minh. Cho nên biết không phải chỉ lấy giả pháp là tưởng. Lấy giả pháp là tưởng thì phải không dứt được các phiền não?

Đáp: Thật tuệ này lấy tưởng gọi tên. Như nói người thụ giả, đối với tất cả được giải thoát. Cũng nói dùng ý dứt tất cả phiền não.

Lại như nói dùng nghiệp không đen không trắng có thể hết các nghiệp. Cũng nói tín có thể qua sông, nhất tâm qua biển, tinh tiến trừ khổ, tuệ có thể sinh thanh tịnh. Mà thật dùng tuệ mới được qua, chứ không phải dùng tín v.v…. Như vậy trí tuệ mà lấy tưởng gọi tên.

Lại trong kinh nói: Lấy tuệ làm dao. Như nói Thánh đệ tử dùng gươm trí tuệ có thể dứt phiền não. Cho nên biết trí tuệ có thể dứt kết, chứ không phải tưởng.

Lại trong 37 phẩm Thánh đạo không nói tên của tưởng nên không đoạn dứt kết.

Lại trong kinh nói: Người biết, người thấy có thể được hết lậu, chứ không phải người không thấy không biết.

Lại trong 3 căn vô lậu nói: căn chưa biết muốn biết, căn biết, căn đã biết, đều lấy cái biết mà gọi tên.

Lại Phật nói: Tuệ là tuệ phẩm, giải thoát tri kiến phẩm.

Lại nói không thiền nào không trí, không trí nào không thiền.

Lại trong kinh thứ lớp nói người giữ gìn tịnh giới thì tâm không ăn năn, cho đến giữ tâm nơi cái biết, được như thật.

Lại pháp trí v.v… đều lấy tuệ làm tên.

Lại trong 3 môn học, tuệ học là vượt trội hơn hết. Cũng nói trí tuệ đầy đủ là tri kiến giải thoát đầy đủ.

Lại trong 7 tịnh nói tri kiến tịnh.

Lại Phật gọi là hiểu biết đúng đắn tất cả pháp nên gọi là trí tuệ vô thượng. Tưởng, thì không nói như vậy. Lại lẽ ra phải dùng tuệ dứt các phiền não, không phải dùng tưởng. Bởi vì sao? Như Kinh Đại Nhân Duyên nói: Nếu nghĩa nào ăn nhập vào trong Tuđa-la, và không trái với pháp tướng, tùy thuận Tì-ni, thì nghĩa ấy nên lấy.

Lại nói trong chính nghĩa để riêng lời tùy nghĩa, trong chính ngữ để riêng nghĩa tùy ngữ. Cho nên trong kinh tuy nói vô thường tưởng v.v… có thể dứt trừ các kết mà lý đúng ra phải là tuệ.

Lại nói vô minh là gốc phiền não, vì lìa vô minh nên tuệ được giải thoát. Cho nên lấy tuệ dứt các phiền não.

Hỏi: Ông nói các tưởng lấy tướng giả pháp. Vậy cái gì là tướng?

Đáp: Có người lấy giả pháp làm tướng. Giả pháp có 5 thứ: 1. Quá khứ. 2. Vị lai. 3. Danh tự. 4. Tướng. 5. Người. Điều này không đúng. Bởi vì sao? Vì người do 5 ấm tạo thành, tướng không có nhân tạo thành. Cho nên không phải giả danh.

Hỏi: Vậy nghĩa của tướng là gì?

Đáp: Cảnh duyên tức là tướng. Vì sao biết được? Như nói sư tử chúa loài thú, đứng bên nầy bờ sông, lấy tướng bờ bên kia, rồi cắt ngang dòng mà qua. Nếu không như vậy thì vẫn ở bờ nầy, đến chết không rời bỏ. Trong kinh nầy lấy cây cối v.v… làm tướng.

Lại nói Tì-kheo nêu tướng, trong ấy cũng lấy áo v.v… làm tướng. Lại nói Thế Tôn hiện tướng như vậy.

Lại quan trông coi bữa ăn của vua nhân khi vua ăn, nên mới lấy tướng thèm thuồng.

Lại nói sớm mai là tướng mặt trời mọc.

Lại nói 3 tướng là nhiếp tướng, phát tướng và xả tướng. Trong ấy lấy nhiếp v.v… làm tướng. Tùy nghĩ pháp nào, buộc tâm nơi cảnh duyên, gọi là nhiếp tướng.

Lại chư thiên khi thoái đọa, có 5 tướng hiện ra, trong đó lấy 5 pháp làm tướng. Cho nên biết không lấy giả pháp làm tướng, cũng không phải nhiếp thuộc hành ấm.

Lại Xá-lợi-phất lấy diện mạo các tướng của Phú-lâu-na.

Lại trong kinh nói mắt thấy sắc không lấy tướng.

Lại trong Pháp ấn nói nếu Tì-kheo tự thấy đoạn sắc thanh các tướng, ta chưa nói người nầy được tri kiến thanh tịnh . Vì các lẽ đó nên biết duyên tức là tướng, không phải giả pháp.

Hỏi: Duyên không phải tướng. Bởi vì sao? Vì Vô tướng Tammuội cũng có duyên. Lại nói thấy sắc rồi không lấy tướng. Nếu duyên là tướng, làm sao lấy sắc mà không lấy tướng?

Đáp: Tướng có 2 thứ: Có tướng có lỗi, có tướng không lỗi. Vì ngăn tướng lỗi, nên nói thấy sắc không lấy tướng. Vô tướng mà duyên cũng có lỗi, sau sẽ nói rộng ở phần diệt đế. Nghĩa là diệt 3 thứ tâm, nên gọi vô tướng. Hành giả mới nhập đạo thì không phải tất cả tướng đều là lỗi. Nếu lấy nhiếp tướng, phát tướng và xả tướng v.v… thì không lỗi.

Lại Niết-bàn gọi là vô pháp, cho nên không nên nạn vấn. Như nói nếu lấy pháp tướng, không thể là ô nhiễm, mà lấy giả danh tướng, thì sinh phiền não. Bởi vì sao? Vì lấy tướng sai khác oan, thân v.v… nên sinh buồn, vui v.v…. Do đó có thể sinh các lỗi tham, giận v.v…. Cho nên biết lấy tướng giả pháp, đó gọi là tưởng.

Phẩm 78: TƯỚNG CỦA THỤ TRONG LUẬN VỀ THỤ CỦA NHÓM KHỔ ĐẾ

Hỏi: Vậy thế nào là thụ?

Đáp: Khổ, vui, không khổ vui.

Hỏi: Sao gọi là khổ, sao gọi là vui, sao gọi là không khổ vui?

Đáp: Nếu tăng ích thân tâm là vui, tổn giảm thân tâm là khổ, trái với 2 điều trên là không khổ không vui.

Hỏi: Ba thứ thụ này không có tướng quyết định. Bởi vì sao? Vì như một việc, hoặc tăng ích thân tâm, hoặc làm tổn giảm, hoặc đều trái cả hai?

Đáp: Đó là cảnh duyên bất định, chứ không phải thụ bất định. Bởi vì sao? Vì như cùng là một thứ lửa, mà khi thì sinh vui, khi sinh khổ, khi sinh không khổ không vui. Từ duyên sinh thụ là quyết định. Như một việc mà tùy lúc làm nhân cho vui, hoặc làm nhân cho khổ; hoặc làm nhân cho không vui không khổ.

Hỏi: Do lúc nào duyên nầy làm nhân cho khổ vui v.v…?

Đáp: Tùy lúc có thể ngăn chận khổ, thì lúc đó sinh tướng vui. Như người đang bị lạnh, bấy giờ tiếp xúc hơi nóng là sinh tướng vui.

Hỏi: Tiếp xúc nóng nầy nếu quá nhiều lại có thể làm khổ, đâu phải vui, cho nên biết thụ vui cũng không có?

Đáp: Theo danh tướng thế tục nên mới có thụ vui, không phải nghĩa chân thật. Tùy theo người nầy khi thích tiếp xúc nóng thì tăng ích, lại ngăn được khổ trước, bây giờ trong khi ấy thì sinh tướng vui. Nếu lìa khổ trước, thì tiếp xúc nóng này không có thể làm vui nên không phải thật có.

Hỏi: Ông nói chỉ vì danh tướng nên có vui. Điều này không đúng. Bởi vì sao? Vì trong kinh, Phật tự nói 3 thụ, nếu thật không vui, làm sao nói 3 thụ?

Lại nói sắc nếu quyết định là khổ, thì chúng sinh trong đó không sinh tham đắm.

Lại nói những gì là ý vị trong sắc? Như nói vì do sắc có thể sinh vui mừng.

Lại nói khi lạc thụ sinh thì vui, khi trụ thì vui, mà khi hoại thì khổ. Khổ thụ khi sinh thì khổ, khi trụ thì khổ, mà khi hoại thì vui. Cái thụ không khổ không vui thì không biết khổ không biết vui.

Lại lạc thụ là phúc báo, khổ thụ là tội báo. Nếu thật không có lạc thụ, thì tội phúc chỉ có quả khổ, mà thật không phải vậy.

Lại trong cõi Dục cũng có lạc thụ, nếu thật không có lạc thụ thì cõi Sắc, cõi Vô sắc phải không có thụ, mà thật không phải vậy.

Lại nói trong lạc thụ là tham sai khiến, nếu không có lạc thụ thì tham sai khiến chỗ nào? Không nên nói trong khổ thụ là tham sai khiến. Cho nên biết thật có lạc thụ?

Đáp: Nếu thật có lạc thụ thì phải nói ra tướng thế nào là vui, mà thật không thể nói được. Phải biết chỉ vì trong khổ có sai khác mà gọi là tướng vui mà thôi. Tất cả vậy giới, từ dưới đại địa ngục lên đến cõi Hữu đỉnh, đều là tướng khổ, bị nhiều khổ bức bách. Trong khổ ít sinh tướng vui đó thôi. Như người bị khổ nóng bức, thì lấy cảm xúc lạnh làm vui. Cho nên trong các kinh đều nói như vậy, không có phương hại gì.

Hỏi: Cũng có thể nói tất cả thế gian đều là vui, vì do trong ít vui, mà sinh tưởng khổ. Nếu không phải vậy, thì cũng không được nói do trong ít khổ, mà sinh tưởng vui?

Đáp: Tướng của khổ thụ thô, cho nên không thể cho ít vui là khổ.

Lại vui dù ít, cũng không phải tướng bức bách. Bởi vì sao? Vì không thấy có người thụ chút vui mà đưa tay lên kêu gào.

Lại lạc thụ chuyển ít dần nên gọi là tướng tịch diệt, giống như bậc trên chuyển dần tịch diệt. Cho nên nói trong ít vui sinh tướng khổ là chỉ có lời nầy: Phàm phu ngu nhân, trong ít khổ, vọng sinh tưởng vui thì có đạo lý.

Phẩm 79: HÀNH KHỔ

Các thụ đều khổ. Bởi vì sao? Các vật áo cơm v.v… đều là nhân khổ, không phải nhân vui. Vì sao biết được? Vì hiện thấy áo cơm tăng quá thì khổ cũng tăng, nên gọi là nhân khổ.

Lại đau tay các khổ có thể chỉ tướng được, mà tướng vui không chỉ được.

Lại áo cơm các vật đều vì để trị bệnh, như người không khát, uống không thấy vui.

Lại người bị khổ bức bách, đối với khổ khác mà sinh tưởng vui. Như người sợ chết, cho hình phạt là vui.

Lại roi gậy dao xà mâu, các nhân duyên khổ đều là quyết định, mà các nhân vui thì không phải vậy.

Lại vì tất cả đồ cần dùng rốt ráo là khổ, nên phải biết trước có, sau rồi mới hiểu, như guốc mòn dần.

Lại với nữ sắc v.v… trước sinh tưởng vui. Lìa nhớ tưởng tà vạy mới thấy tội lỗi của nó.

Lại nữ sắc v.v… đều là nhân khổ khô héo tiêu mòn sinh các bệnh hoạn. Cho nên không phải là vui.

Lại khi lìa dục đều xả duyên này. Nếu thật là vui thì sao lại xả?

Lại người ta tùy việc sinh vui, về sau cũng chính việc ấy lại sinh tâm khổ. Cho nên biết không phải vui.

Lại thân là ruộng khổ, không phải ruộng vui, như trong ruộng đồng, lúa mạ khó trồng, mà cỏ lác dễ sinh. Giống như vậy ruộng thân thì các khổ dễ tụ, mà vui hão khó sinh.

Lại người trong khổ trước, khởi sinh vui điên đảo, sau sinh tham đắm. Cái vui nếu có chút thật, thì không gọi là điên đảo. Như Thường, Ngã, Tịnh, chút thật cũng không có. Cái vui cũng như vậy, vì đều là điên đảo.

Lại người trong khổ cực, mà sinh lòng vui, như gánh nặng đổi vai, nên biết không có vui.

Lại trong kinh Phật nói: Phải quán vui là khổ, quán khổ như mũi tên đâm vào tim, phải quán không khổ không vui, là vô thường niệm niệm sinh diệt. Nếu quyết định có vui, không nên quán khổ. Phải biết phàm phu nhận khổ làm vui, cho nên Phật nói người phàm phu tùy chỗ sinh tưởng vui. Ông nên quán khổ.

Lại 3 thứ thụ nầy đều gồm trong khổ đế. Nếu thật là vui ,vì sao gồm trong khổ đế?

Lại khổ là chân thật, mà tướng vui là hư vọng. Vì sao biết được? Vì tâm quán khổ có thể dứt các kết, không phải tâm vui, nên biết đều là khổ.

Lại tất cả muôn vật đều là nhân khổ, giống như oán tặc. Có 2 thứ oán tặc: Hoặc có thể làm khổ tức thì, hoặc trước tuy có chút thiện, sau lại hại người. Muôn vật cũng vậy, hoặc ban đầu sinh thiện, sau trở lại làm hại, cho nên biết đều là khổ.

Lại chúng sinh được dục không chán, như uống nước mặn không đã khát nên khổ.

Lại không cầu dục vọng thứ gì, mới gọi là vui, tìm cầu nên gọi là khổ. Không thấy trong thế gian có người nào không cầu, cho nên biết không có vui.

Lại tất cả chúng sinh thường bị thân khổ tâm khổ đuổi theo cho nên biết thân là khổ.

Lại thân như lao ngục thường bị xiềng xích. Vì sao biết được?

Bởi diệt thân này mới gọi là giải thoát khổ xiềng xích.

Lại tất cả vật dần dần tuần tự đều trở nên xấu ác. Như thân địa ngục v.v… mùa đông mùa hạ v.v…, căn trẻ nhỏ v.v… biết các tướng lạnh nóng, đợi về sau đều chán ghét, nên biết đều là khổ.

Lại thân có nhiều oán tặc, như cái rương nhốt rắn độc, như 5 tên giặc cầm dao rượt, như kẻ giặc giả làm thân thiện, và như giặc giã phá hoại xóm làng, như ở bên này bờ con sông lớn bị các khổ rượt đuổi, cho nên biết đều là khổ.

Lại biết thân chúng sinh bị các khổ rượt đuổi, như sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán ghét gặp nhau khổ, thương yêu chia lìa khổ, trái điều mong ước khổ v.v… thường đuổi theo, cho nên biết thân là nơi hội tụ các khổ.

Lại vì có thân cho nên có cái sở hữu của ta và tham đắm v.v… tụ tập các suy não, cho nên biết thân là nhân duyên các khổ.

Lại 5 đường chúng sinh hành 4 oai nghi đều không có vui. Bởi vì sao? Như trong kinh nói sắc là khổ, thụ tưởng hành thức là khổ. Nếu khi sắc sinh, phải biết tức là già, bệnh, chết v.v… các suy não sinh. Thụ tưởng hành thức cũng như vậy.

Lại thân thường gặp những việc đột xuất, bởi thân miệng ý tạo tác các việc. Tạo tác các việc đều gọi là khổ.

Lại các hiền thánh lấy thân làm vui, nếu thật có vui, sao mất vui mà sinh hoan hỷ? Cho nên biết đều là khổ.

Phẩm 80: HOẠI KHỔ

Hỏi: Ông tuy đem nhiều nhân duyên để thuyết minh khổ, mà người đời hãy còn tham vui, tùy được sở dục cho là vui?

Đáp: Điều này trước đã đáp. Vì phàm phu điên đảo nên lấy khổ làm vui. Lại bị ngu si làm hại thì làm sao tin được! Tuy được sở dục cũng nên quán là khổ. Bởi vì sao? Vì những thứ đó đều vô thường, khi hư hoại sẽ sinh khổ. Như trong kinh Phật nói: Người, trời yêu sắc thích sắc tham sắc. Khi sắc đó hư hoại sinh sầu khổ lớn. Thụ tưởng hành thức cũng như vậy. Vì đều bị hư hoại nên phải biết cũng đều là khổ.

Lại người thụ cái vui giả dối mà sinh lòng tham đắm. Do nhân duyên tham đắm sinh các lỗi giữ gìn v.v…. Nên phải quán vui là rất khổ.

Lại vui là cửa ngõ cho khổ vào. Bởi tham vui, nên từ 3 độc khởi các nghiệp bất thiện, đọa địa ngục v.v… chịu các khổ não. Nên phải biết đều bởi vui là cội gốc của khổ.

Lại tất cả hội họp đều là tướng của biệt ly. Khi mất chỗ yêu thương, sẽ chịu các khổ rất sâu nặng nề, do yêu thương mà ra. Cho nên biết rằng hưởng thụ vui còn khổ hơn là chịu khổ.

Lại sinh ra những thứ để làm vui đều là lừa dối chúng sinh khiến đọa các khổ, như dã cầm ăn phải bả độc, như cá cắn mồi, đều bởi tự rước lấy tại hại. Vật vui cũng vậy, nên phải quán khổ.

Lại trong sự hưởng lạc, được chút mùi vị, mà bị tội lỗi nhiều vô lượng. Như chim cá được vị rất ít mà bị hoạn nạn rất nhiều, nên phải quán khổ.

Lại lạc thụ là chỗ sinh phiền não. Bởi vì sao? Vì tham thân nên muốn đồ cần dùng; vì nhân duyên dục vọng nên giận dữ v.v… các phiền não lần lượt phát sinh.

Lại lạc thụ là cội gốc sinh tử. Bởi vì sao? Vì nhân vui sinh ái. Như trong kinh nói ái là gốc khổ.

Lại tất cả chúng sinh có những tạo tác không gì không vì vui, nên gọi là gốc khổ.

Lại lạc thụ khó trừ bỏ còn hơn gông cùm.

Lại trong sinh tử bị tham vui trói buộc. Bởi vì sao? Vì tham vui nên không thoát sinh tử.

Lại lạc thụ này thường hay sinh khổ như khi tìm cầu thì dục vọng là khổ, khi mất thì nhớ tiếc là khổ, khi được cũng khổ vì không biết chán, như biển cả nuốt các dòng sông, đó cũng là khổ.

Lại lạc thụ là nguyên nhân không mỏi mệt. Bởi vì sao? Vì chúng sinh khi tìm nhân vui, dù trải qua gian nan nguy hiểm đến đâu cũng cho là vui, nên tâm không mỏi mệt. Cho nên người trí cần phải quán khổ.

Lại lạc thụ là nguyên nhân khởi các khởi các nghiệp. Bởi vì sao? Vì tham vui nên có thể khởi nghiệp thiện, vì tham vui hiện tại nên khởi nghiệp bất thiện, tất cả cũng là nhân để thụ thân. Bởi vì sao? Vì lấy vui để sinh ái; ái nên mới thụ thân.

Lại lạc thụ với Niết-bàn trái nhau. Bởi vì sao? Vì chúng sinh tham đắm cái vui sinh tử, nên không vui Niết-bàn.

Lại người chưa lìa dục ưa lạc thụ này; bởi ưa nên sinh khổ. Cho nên biết lạc thụ là gốc các khổ.

Lại trong kinh nói 2 cầu khó dứt: một là cầu được, hai là cầu sống. Cầu theo ý muốn các thứ là cầu được. Cầu được thọ mạng để hưởng thụ các dục này gọi là cầu sống. Hai thứ cầu nầy, đều lấy lạc thụ làm gốc. Cho nên người trí nên dứt những điều khó dứt, nghĩa là có thể như thật quán tướng lạc thụ.

Lại mùi vị của lạc thụ cũng có thể làm nhiễm ô người chưa được lìa dục. Tâm của người đại trí cho là khó dứt còn hơn khổ thụ.

Lại mùi vị của lạc thụ là nhân của tham v.v…, nếu không có lạc thụ, thì không có tham.

Lại mùi vị của lạc thụ, người có chân trí có thể cắt đứt. Bởi vì sao? Vì các trí thế gian là muốn lấy mùi vị của bậc trên, mới có thể xả bậc dưới. Cho nên biết lạc thụ còn quá hơn khổ thụ.

Lại tâm chúng sinh ràng buộc nơi sinh ra. Thậm chí như súc sinh cũng tham tiếc sắc thân, nên phải biết đều bởi mùi vị của lạc thụ.

Cho nên phải quán lạc thụ là khổ.

Phẩm 81: LUẬN VỀ 3 THỤ

Hỏi: Đã biết tất cả đều khổ. Do sai khác nào nên có 3 thụ?

Đáp: Tức một khổ thụ, vì thời gian sai khác nên có 3 thứ. Có thể não hại gọi là khổ. Não hại rồi lại cầu khổ khác để ngăn khổ trước. Vì mong cầu nên khổ lớn kia được chút tạm ngừng, bấy giờ gọi là vui. Buồn vui không phân biệt, không mong không cầu, bấy giờ gọi là không khổ không vui.

Hỏi: Không khổ không vui không gọi là thụ. Bởi vì sao? Vì khổ vui cảm giác được, mà không khổ vui, không thể cảm giác được?

Đáp: Người này vì cảm xúc 3 thứ xúc là xúc khổ, xúc vui và xúc không khổ không vui. Vì có nhân nên phải biết có quả. Như người đang rất nóng gặp được xúc lạnh thì cảm giác vui, mà bị xúc nóng thì cảm giác khổ, được xúc không lạnh không nóng, thì cảm giác không khổ không vui. Cho nên biết có thụ không khổ không vui nầy. Ý ông cho rằng trong xúc không khổ không vui, không thể sinh thụ. Điều này không đúng. Bởi vì sao? Vì người cảm giác xúc không nóng không lạnh nầy, cảm biết được cảnh sở duyên, tức gọi là thụ, sao nói không có?

Lại cảnh duyên có 3 trường hợp khác nhau. Trường hợp oán thân thì với người thân sinh vui, với người oan sinh buồn. Còn với người không oán không thân thì dửng dưng không vui buồn. Cho nên biết do tưởng sai khác mới có 3 thứ thụ này. Vì duyên sai khác nên khởi 3 thứ tưởng nầy.

Lại cảnh duyên có 3 thứ là làm tăng ích, làm tổn giảm, hoặc đều trái cả hai. Có vui, không vui, và có đều trái cả hai. Cũng có chỗ tham, chỗ sân chỗ si. Có mừng, không mừng, có đều trái cả hai. Có phúc quả, tội quả, có bất động quả. Trong các cảnh duyên này tùy trường hợp sinh 3 thụ. Cho nên biết có thụ không khổ không vui nầy.

Lại chỗ khá vừa lòng gọi là lạc thụ; chỗ trái nghịch lòng gọi là khổ thụ, không nghịch không thuận gọi là không khổ không lạc thụ.

Lại 8 pháp của thế gian là được, mất, chê, khen, tán dương, bài bác, khổ, vui, người phàm phu đối với mất v.v… 4 pháp là nghịch ý, đối với được v.v… 4 pháp cho là vừa ý. Chắc phải có Thánh nhân lìa dục mới có thể bỏ cả hai, bỏ gọi là thụ không khổ không vui. Cho nên không phải là không có thụ ấy.

Hỏi: Nếu vì nhân duyên xúc v.v… nên có 3 thụ thì tất cả tâm hành đều gọi là thụ. Bởi vì sao? Vì có bao nhiêu tâm hành ở trong thân, đều là khổ, vui, không khổ không vui?

Đáp: Như vậy tất cả tâm hành đều gọi là thụ. Bởi vì sao? Vì trong kinh nói 18 ý hành. Trong đó chỉ là một ý có 18 thứ sai khác. Đó là: 6 hỷ hành, 6 ưu hành, 6 xả hành. Vì tưởng phân biệt nên có khổ phần, lạc phần, xả phần. Cho nên biết tất cả tâm hành không không phải là thụ.

Lại trong kinh nói: Các thụ đều khổ. Cho nên biết tâm hành ở trong thân đều là khổ.

Lại nói nếu sắc sinh tức là khổ sinh. Vì sao sắc gọi là khổ? Vì là nhân của khổ. Cho nên biết cảnh duyên và các căn đều có thể sinh khổ. Cho nên tất cả tâm hành đều gọi là thụ. Vì hành khổ nên tất cả các hành cần phải quán là khổ. Vì hoại khổ nên phải quán lạc thụ là khổ. Khổ khổ tức khổ. Ba thứ khổ này đều từ các duyên hòa hợp sinh ra, vì niệm niệm diệt nên Thánh nhân quán khổ. Cho nên tất cả tâm hành đều gọi là thụ.

Hỏi: Các thụ vô lậu cũng là khổ sao?

Đáp: Cũng khổ. Bởi vì sao? Vì các thụ vô lậu Thánh nhân cũng thứ tự xả. Từ Sơ thiền trở đi cho đến chứng tất cả diệt đều có khổ.

Lại vui hữu lậu thiền với vui vô lậu thiền đâu có khác gì? Tùy hữu lậu thiền vì nhân nào đó nên khổ. Các thiền vô lậu cũng bởi khổ nầy.

Lại như Thánh nhân trụ tâm vô lậu rất nhàm chán tất cả. Cho nên sinh tâm vô lậu thì sinh nhàm chán, như lông mi đâm vào mắt. Phàm phu không biết đều lấy khổ làm vui. Trí Thánh nhân biết sâu nên chán lìa cõi Hữu Đỉnh, hơn cả những người khác chán ghét cõi Dục. Cho nên khổ vô lậu dụ với hữu lậu.

Lại các bậc Thánh nhân được tâm vô lậu, chỉ hướng về Niếtbàn. Bởi vì sao? Vì bấy giờ người nầy thấy rõ tất cả khổ của pháp hữu vi, nếu thụ vô lậu là vui, thì nên vui mừng, không nên lại sinh tâm hướng về Niết-bàn.

Hỏi: Nếu các tâm hành đều gọi là thụ, thì sao còn riêng có các tâm pháp v.v…?

Đáp: Tức là trong một thụ duyên này, hành khác nên có sai khác, các tâm pháp v.v… cũng hành duyên khác, chỉ khi thức duyên, hành nầy gọi là tâm. Các điều này như trước đã nói là tất cả pháp, khi ở trong thân, vì có lợi ích v.v… các sai khác, cho nên gọi là thụ.

Lại phần nhiều vì tâm có thể khởi phiền não, bấy giờ gọi là thụ. Như trong kinh nói: Trong lạc thụ tham sai khiến. Trong khổ thụ sân sai khiến. Trong không khổ không lạc thụ là vô minh sai khiến. Cho nên trong cảnh duyên tưởng phân biệt, mừng v.v… các pháp gọi là thụ. Bởi vì sao? Vì khi ấy có thể sinh các phiền não.

Hỏi: Nếu trong mỗi mỗi thụ đều bị 3 phiền não ấy sai khiến, Vì sao quyết định nói trong lạc thụ tham sai khiến?

Đáp: Trong khổ thụ không nên tham sai khiến. Si khiến tất cả chỗ vì sức mạnh của si. Trong khổ sinh tưởng vui, vì không thấy biết việc nên bị khổ mới sinh sân. Vì thụ không khổ không vui vi tế nên không biết tham sân. Bởi vì sao? Vì người nầy trong đó không sinh tưởng khổ vui, vì không thấy biết việc nên chỉ sinh si sai khiến mà thôi.

Lại trong cảnh duyên xả, không khổ vui, nếu tham sân không hiện hành, nên phàm phu trong đó bảo là cảnh duyên có thể thắng.

Cho nên Phật nói ông không thắng duyên nầy đâu, chỉ vì chưa hay biết nên tham sân không hiện hành đó thôi.

Như trong kinh nói: Phàm phu trong sắc sinh tâm xả là đều y chỉ nơi sắc. Nếu thắng duyên nầy với ngã làm tăng ích hay tổn giảm, thì trở lại sinh tham sân. Cho nên biết chưa thắng được cảnh duyên.

Lại thụ không khổ không vui, tướng đó tịch diệt, như định Vô sắc. Vì tịch diệt nên phiền não hiện hành rất vi tế, phàm phu trong đó sinh trưởng là giải thoát. Cho nên Phật nói trong đó có vô minh sai khiến.

Lại vì chưa biết được cảnh duyên nên khổ vui chưa hiểu rõ. Nếu biết khổ vui trong cảnh duyên ấy thì hiểu rõ được, bấy giờ mới sinh tham sân.

Hỏi: Nếu biết được cảnh duyên nầy thì sinh tưởng khổ vui. Cho nên chỉ phải có thụ khổ vui?

Đáp: Người nầy có khi trong cảnh duyên ấy tâm không sinh vui không sinh khổ. Cho nên không chỉ có khổ vui. Như trước đã nói đều là khổ mà có 3 thứ sai khác.

Hỏi: Ông nói biết cảnh duyên nầy lại sinh tưởng vui. Vì sao cái biết không thể lấy vô minh biết?

Đáp: Người ấy trong cảnh duyên nầy, vì trước lấy tướng, nên trong cảnh duyên nầy, hoặc vô minh sai khiến, hoặc tham sân sai khiến.

Hỏi: Chỉ trong khổ vui sinh si. Như trong kinh nói: Người nầy đối với các thụ, không như thật biết mùi vị của tập, diệt quá xuất v.v…, vì không biết nên trong không khổ không vui nói là vô minh sử sai khiến. Cho nên chỉ trong khổ vui khởi vô minh sử, không phải trong không khổ không vui?

Đáp: Kinh nầy tự nói đối với các thụ không như thật biết mùi vị của tập, diệt v.v…, nên trong không khổ không vui bị vô minh sử sai khiến.

Hỏi: Tuy có lời nầy, nhưng trong nghĩa ấy không đúng. Vì vì sao với khổ vui, mà không biết tập, diệt v.v…, nên trong thụ không khổ không vui vô minh sử sai khiến. Bởi vì sao? Vì ở trong các việc mà không biết các việc sử sai khiến. Cho nên kinh ấy phải nói như vậy. Người nầy ở trong thụ không khổ không vui, vì không biết tập v.v… nên bị vô minh sử trong thụ không khổ không vui sai khiến. Còn nếu trong thụ không khổ không vui, vô minh không khiến?

Đáp: Người nầy trong thụ không khổ không vui, sinh 3 thứ tâm. Vì tịch diệt tưởng, bất khổ bất lạc tưởng, nên sinh tâm không khổ không vui. Nếu đem tà trí lấy tướng, thì sinh tâm vui. Nếu lấy mùi vị vui bậc trên thì sinh tâm khổ. Cho nên trong kinh nói nhiều về các thứ thụ. Bởi vì sao? Vì tất cả các thụ đều do vô minh sai sử. Thứ thụ bất khổ bất lạc nầy vì tùy thời nên có 3 thứ sai khác.

Lại nếu chưa thông đạt được tập đế khổ v.v…, bấy giờ trong khổ thụ sinh tưởng vui, cũng sinh tưởng không khổ không vui. Cho nên mới nói vì không biết các thụ tập v.v… nên bị vô minh sử sai khiến. Chỉ trong thụ không khổ không vui nhiều vô minh sử sai khiến hơn.

Phẩm 82: HỎI VỀ THỤ

Hỏi: Trong kinh nói: Người nầy khi thụ lạc thụ, như thật biết ta thụ lạc thụ nầy. Như thật biết thụ gì ư? Quá khứ vị lai không thể thụ được, thụ hiện tại không tự biết được?

Đáp: Kinh nầy ý nói người thụ, cho nên không lỗi.

Lại vui v.v… các thụ đến nơi thân, do ý có thể duyên, nên cũng không lỗi.

Lại trong các thứ làm vui mà nói ra tên vui v.v…. Thế gian cũng có trong nhân nói quả vậy.

Lại người nầy trước thụ lạc thụ, sau mới lấy tướng, cho nên nói khi thụ lạc thụ biết như thật.

Hỏi: Vì bởi người thụ nên gọi là thụ, hay có thể thụ nên gọi là thụ? Nếu cho người thụ gọi là thụ, thì thụ và vui v.v… khác nhau. Mà trong kinh nói lạc thụ khổ thụ và bất khổ bất lạc thụ. Nếu cho rằng có thể thụ gọi là thụ, vậy ai là người thụ? Bởi thụ nên gọi là thụ?

Đáp: Ở trong cảnh duyên nói vui, như nói nửa khổ nửa vui. Cho nên vì biết cảnh duyên, nên gọi là thụ vui.

Lại chúng sinh thụ thụ nầy, nên nói có thể thụ là thụ.

Hỏi: Chúng sinh không gọi là thụ, vì trong kinh nói thụ là thụ?

Đáp: Danh nghĩa là như vậy, có tướng thì có tác. Trong giả danh có tướng là khổ, vui, không khổ không vui, ở tại thân, thì tâm có thể biết, nên nói thụ là thụ.

Hỏi: Trong kinh nói trong các thụ, người quán thuận thụ bấy giờ làm sao sinh tưởng khổ, vui, không khổ không vui? Người nầy bấy giờ không đều sinh khổ tưởng ư?

Đáp: Người ấy chưa được tất cả đều khổ, chỉ nghĩ nhớ 3 thụ.

Hỏi: Nếu dùng ý thức tu 4 niệm xứ, thì sao nói là thân vui?

Đáp: Trong tất cả thụ, phải buộc niệm như vầy: Thân nầy vui, tâm nầy vui.

Lại khi tu niệm xứ, trong thân sinh tướng vui, buộc niệm trong đó, nên gọi là thân vui.

Hỏi: Nếu tất cả thụ đều là tâm pháp, vì sao nói thân thụ?

Đáp: Vì ngoại đạo nên nói như vậy. Ngoại đạo bảo các thụ nương nơi thần, nên Phật nói các thụ y chỉ thân tâm.

Hỏi: Những gì là thân thụ?

Đáp: Do 5 căn sinh ra thụ, đó gọi là thân thụ. Do căn thứ 6 sinh ra thụ, gọi là tâm thụ.

Hỏi: Thụ nầy sao gọi là bẩn, sao gọi là sạch?

Đáp: Các phiền não là bẩn. Các phiền não nầy sai khiến thụ, nên gọi là bẩn. Phiền não không sai khiến thụ thì gọi là sạch.

Hỏi: Vì sao khổ thụ gọi là sạch?

Đáp: Khổ thụ để dứt trừ phiền não, đó gọi là sạch.

Lại khổ thụ cùng phiền não trái nhau, gọi là sạch.

Hỏi: Đã nói bẩn sạch, sao lại nói nương tham, nương xuất, tham tức phiền não, xuất tức là sạch?

Đáp: Trước đã nói chung là bẩn, nay lại nói riêng tham là nhân của bẩn. Như trong kinh nói: Có cái mừng bẩn, có cái mừng sạch, có cái mừng sạch ở trong sạch. Mừng bẩn là mừng do 5 dục sinh. Mừng sạch là mừng của Sơ thiền. Mừng sạch ở trong sạch là mừng của Nhị thiền. Nếu thụ chỉ vì Nê-hoàn, đó là nương xuất. Cho nên lại nói.

Hỏi: Trong 5 căn, vì sao khổ thụ lạc thụ đều phân chia làm 2, mà xả thụ thì không?

Đáp: Buồn mừng cần tưởng phân biệt mới sinh, khổ vui không cần do tưởng phân biệt. Còn xả thụ thì tưởng phân biệt vi tế nên không phân chia làm 2.

Hỏi: Trong Đệ tam thiền, những gì ý thức thụ được vì sao gọi là vui, mà không gọi là mừng?

Đáp: Thứ vui nầy sâu dày đủ khắp thân tâm nên gọi là vui. Còn mừng chỉ có thể khắp tâm, mà không khắp thân. Nên trong Tam thiền Phật y vào cái mừng sai khác mà nói thân thụ vui.

Hỏi: Trong 3 thụ nầy cái nào có thể sinh phiền não sâu dày?

Đáp: Có luận sư nói lạc thụ có thể sinh. Bởi vì sao? Vì như trước đã nói các nhân duyên bại hoại nên thụ khổ lớn.

Lại có luận sư khác nói khổ thụ có thể sinh. Bởi vì sao? Vì chúng sinh bị khổ bức bách, nên mới cầu vui mà khởi sâu phiền não.

Lại nhiều thứ vui mà chút khổ có thể thắng, như người khi hưởng đầy đủ 5 dục mà bị ruồi muỗi chích thì liền sinh cảm giác khổ. Biết sắc v.v… 5 dục không phải như vậy.

Lại như cái vui còn sống trăm đứa con, không bằng cái khổ chết mất một đứa.

Lại trong sinh tử, tướng khổ thụ nhiều, mà lạc thụ thì không như vậy. Bởi vì sao? Vì có nhiều chúng sinh ở 3 ác thú, mà ít sinh về trời người.

Lại không phải gia công, tự nhiên bị khổ, mà gia công cầu vui thì khi được khi không. Như trong ruộng cỏ dại tự mọc mà lúa thì không.

Lại do khổ thụ khởi tội nghiệp nặng. Bởi vì sao? Vì trong khổ thụ có sân sai khiến. Như trong kinh nói: Sân là tội nặng.

Lại có luận sư khác nói có thụ không khổ không vui sinh. Bởi vì sao? Vì trong đó có si sai khiến. Si là cội gốc tất cả phiền não.

Lại thụ nầy vi tế vì phiền não trong đó khó biết được.

Lại thụ nầy là bản tính của chúng sinh, mà khổ vui là khách.

Lại thụ nầy phổ biến khắp 3 cõi, còn 2 thụ kia không như vậy.

Lại thụ nầy là nhân của sống lâu, vì tham thụ nầy nên được sống lâu 8 vạn đại kiếp, chịu tướng khổ các ấm.

Lại thụ nầy với Nê-hoàn trái nhau. Bởi vì sao? Vì trong đó lầm sinh tướng tịch diệt, tướng Nê-hoàn, nên không còn có thể được Nêhoàn chân thật.

Lại thụ nầy nhờ Thánh đạo nên có thể được qua, như nói nhờ tính lìa mà được giải thoát. Khổ thụ lạc thụ nhờ thế gian đạo cũng có thể được qua.

Lại thụ nầy tận cùng biên giới sinh tử mới đoạn khi đoạn dứt sự tiếp nối. Cho nên có thể sinh phiền não sâu dày.

Phẩm 83: NĂM THỤ CĂN

Hỏi: Lạc căn ở tại đâu? Cho đến xả căn ở tại đâu?

Đáp: Khổ lạc tại thân, tùy chỗ được thân cho đến Tứ thiền. Còn 3 căn kia tại tâm, tùy chỗ được tâm, cho đến cõi Hữu đỉnh.

Hỏi: Như trong kinh nói: Trong Sơ thiền diệt ưu căn, trong Tam thiền diệt hỷ căn, trong Tứ thiền diệt lạc căn, trong Diệt tận đinh diệt xả căn. Cho nên lời ông nói không đúng?

Đáp: Nếu ông tin kinh này, thì khổ căn phải ở tại Sơ thiền. Mà trong pháp ông, Sơ thiền thật không có khổ căn. Cho nên kinh này không đáng tin.

Hỏi: Cõi Sắc và Vô sắc tu sâu thiện pháp, phải không có ưu khổ?

Đáp: Ba cõi đều khổ. Trong 2 cõi trên tuy không có khổ về mặt thô, cũng có khổ về mặt vi tế. Vì sao biết được? Trong Tứ thiền nói có 4 oai nghi. Đã có oai nghi, tức đều có khổ.

Lại cõi Sắc có mắt tai thân thức. Trong thức này có bao nhiêu thụ, đều là khổ vui. Từ một oai nghi cầu một oai nghi khác, nên biết có khổ.

Lại trong kinh hỏi: Trong sắc có mùi vị gì? Như là bởi sắc sinh vui sinh mừng. Trong sắc có những lỗi gì? Như là có sắc là tướng vô thường, khổ, bại hoại. Vì cõi Sắc có sắc nên có tâm đắm vị, có tâm tội lỗi, cho nên có khổ vui.

Lại có hành giả đối với các thiền định cũng tham, cũng bỏ, ắt phải vì nhân duyên lạc thụ nên tham, nhân duyên khổ thụ nên bỏ.

Cho nên biết có khổ vui.

Lại Phật nói âm thanh v.v… là tác động kích thích đối với Sơ thiền. Giác quán là tác động kích thích đối với Nhị thiền, cho đến có tưởng thụ là tác động kích thích đối với phi tưởng phi vô tưởng xứ. Tác động kích thích là nghĩa của khổ. Cho nên biết tất cả có khổ.

Lại tất cả 5 ấm đều là khổ. Chính vì não hại là khổ. Như cõi Dục vì chịu não hại nên khổ. Hai cõi trên cũng có chịu não hại, vì sao không khổ? Như cõi Dục nói có bệnh v.v… 8 hành nghiệp, cõi Sắc và cõi Vô sắc cũng đồng nói 8 hành nghiệp, vì sao không khổ?

Lại cõi Sắc nói ánh sáng có hơn kém, nên biết nghiệp cõi Sắc cũng có sai khác. Vì nghiệp sai khác nên quyết phải có nghiệp báo khổ.

Lại trong kinh nói trong đó có các phiền não ganh ghét v.v…. Như có Phạm Thiên bảo các Phạm chúng rằng: Chính nơi đây là Thường, các ngươi đừng đến Sa-môn Cù-đàm. Cũng có Phạm Thiên đến nạn hỏi Phật.

Lại trong kinh nói vào Đệ tứ thiền mới dứt pháp bất thiện.

Lại trong kinh cũng nói trong đó có phiền não tà kiến. Các phiền não đó tức bất thiện, phải bị khổ báo, vì sao không khổ?

Lại có luận sư nói tất cả phiền não đều là bất thiện. Trong đó làm sao không có khổ thụ.

Lại trong kinh nói: Các người trời yêu sắc, thích sắc, tham sắc và đắm sắc. Các người trời nầy vì yêu, thích, tham, đắm sắc, cho nên khi sắc ấy bại hoại thì sinh sầu khổ, cho đến thức cũng như vậy. Cho nên biết tất cả người chưa lìa dục đều có buồn mừng.

Lại ái duyên sinh mừng, lìa ái duyên nầy, quyết sinh buồn rầu. Phàm phu vô trí đâu có sức gì gặp được ái duyên mà không sinh mừng, mất không sinh buồn? Như trong kinh nói: Chỉ có người đắc đạo, khi sắp mạng chung không hiện sắc buồn mừng. Cho nên biết tất cả phàm phu, buồn mừng thường bám theo.

Lại Phật nói: Không buồn không mừng một lòng hành xả, đó là công đức La-hán.

Lại 6 xả hành duy chỉ Thánh hành, không phải phàm phu thực hành được. Phàm phu hoặc khi tu hành xả đều vì chưa có thể biết kiến duyên. Như trong kinh nói: Phàm phu trong sắc, có tâm xả đều nương dựa sắc, tham sắc không rời, cho nên biết phàm phu không có tâm xả .

Lại trong kinh nói: Trong lạc thụ tham sai khiến. Nếu không có lạc thụ thì tham sai khiến chỗ nào? Ý ông hoặc cho rằng trong bất khổ bất lạc thụ tham sử sai khiến. Trong kinh không chỗ nào nói như vậy.

Lại trong bậc trên càng càng chuyển tăng vui tịch diệt, càng lợi lớn thân tâm. Như nói vị trời nầy một khi ngồi là một ngàn kiếp. Nếu khổ thì hành giả không thể trụ lâu trong các oai nghi được. Như trong kinh nói: Ngồi yên 7 ngày thụ vui giải thoát.

Lại trong đó khoan khoái vui đệ nhất. Như trong kinh nói: Người khoan khoái mới hưởng thụ vui. Cho nên biết trong tất cả bậc đều có cái vui. Ý ông hoặc bảo khoan khoái khác, thụ vui khác. Điều này không đúng. Vì có bao nhiêu lợi ích đến nơi thân thì gọi là vui. Cho nên khoan khoái vui không khác thụ vui.

Hỏi: Nếu cõi trên quyết định có khổ, vui, buồn, mừng, thì sao thuận với Kinh Thiền?

Đáp: Kinh ấy trái hại pháp tướng, nếu bỏ nào có lỗi gì?

Lại trong ấy lạc hành tịch diệt không hiển lộ, không thể phát khởi tham giận về mặt thô. Cho nên nói là không khổ không vui.

Lại trong đó khổ vui vi tế không rõ, không có các thứ khổ về đao, gậy; các thứ buồn rầu về mất người thân v.v… Cho nên gọi không buồn mừng. Như nói cõi Sắc không lạnh không nóng. Trong đó cũng có tứ đại, sao nói là không lạnh không nóng được? Như nói chúng sinh ở Tam thiền một thân một tướng. Trong ấy cũng có ánh sáng sai khác. Như nói nếu người hành thiền không thể khéo trừ sự buồn ngủ, sự đùa giỡn thì ánh sáng không trong sạch.

Lại như người ít trí gọi là không có trí.

Lại như người đời thức ăn ít mặn nói là không mặn. Như vậy trong đó buồn mừng không hiển hiện, nên gọi là không có.

Lại các ông nói trong đó không giác. Trong kinh Phật nói tưởng làm nhân duyên cho giác. Trong đó có tưởng mà Vì sao không giác? Cho nên phải biết giác pháp cho đến cõi Hữu Đỉnh vẫn còn là thô giác, nên mới nói vào Nhị thiền mới diệt được.

Cho nên trong 2 cõi trên cũng có khổ vui v.v….

Xong phần luận về thụ ấm.

Phẩm 84: LUẬN VỀ TƯ TRONG HÀNH ẤM CỦA NHÓM KHỔ ĐẾ

Trong kinh nói tư duy là hành ấm.

Hỏi: Những gì là tư duy?

Đáp: Nguyện cầu là tư duy. Như trong kinh nói: Tư duy thấp, cầu thấp, nguyện thấp.

Hỏi: Vì sao biết cầu là tư duy?

Đáp: Như trong kinh nói: Vì khởi làm nên gọi là hành. Thụ ấm khởi làm, gọi là cầu. Như trong kinh nói: Khởi làm đều nương nơi ái.

Lại trong kinh nói: Như một bó lúa mạch để giữa ngả tư đường, 6 người đến đập, có người thứ 7 lại đến đập nữa. Ý các Tì-kheo nghĩ sao? Là thành thục chưa? Thành thục rồi thưa Thế Tôn! Phật nói: Người si cũng vậy, thường bị 6 thứ xúc nhập đánh đập. Khi bị đập như vậy là nghĩ thân sau, tức là đến thành thục. Phải biết cầu tức là tư duy.

Lại nói ý nghĩ đến cái ăn nên quán như đống lửa. Lửa dụ cho cái gì? Là người cầu thân sau; thân sau như lửa, vì thường sinh các khổ.

Lại trong kinh nói: Ngã tức là chỗ động, cũng là hý luận. Tác khởi nương nơi ái, tùy chỗ có ngã thì có động niệm hý luận. Tác khởi nương ái. Nếu pháp tác khởi, thì nói là nương nơi ái. Phải biết cầu tức là tư duy.

Lại nói nếu đứa trẻ từ khi sinh tập lòng từ, có thể khởi nghiệp ác, suy nghĩ nghiệp ác chăng? Thưa không, Thế Tôn! Nghĩa nầy là cầu muốn tạo nghiệp ác.

Lại nói nghiệp là tư duy, tư duy rồi thì trong tư duy là ý nghiệp. Tư duy rồi là thân khẩu nghiệp. Tư duy rồi gọi là cầu rồi.

Lại trong Kinh Hòa Lợi nói: Ni-kiền tử dứt thụ nước lạnh, mà thụ nước nóng; khi sắp chết cầu nước lạnh cuối cùng không được mà chết, sinh ý mong lên trời. Vậy thì vì suy nghĩ cái lạnh nên sinh. Cho nên biết cầu tức là tư duy.

Hỏi: Ông nói cầu là tư duy. Đó là tướng của ái, chứ không phải tư duy. Bởi vì sao? Vì trong Kinh Hữu Nhân Hữu Duyên nói: Cái tìm cầu của người si tức là ái.

Lại trong Kinh Đại Nhân nói: Do ái nên mới cầu v.v…

Lại trong kinh nói: Người khổ cầu nhiều, người vui không cầu. Lại nói nếu người muốn hành 5 dục, muốn tức là cầu…

Lại nói ái nhân duyên nên lấy. Trước cầu sau lấy. Cầu tức là ái. Cho nên ông cho cầu là tư duy, cũng không đúng. Bởi vì sao? Vì trong Kinh Hòa Lợi nói: Không tư duy mà tạo nghiệp, thì nghiệp ấy không nặng. Không tư duy là không biết trước. Thế gian cũng cho biết là tư duy, như nói làm sao người trí có thể làm điều này. Ai có tư duy, sẽ làm điều này. Nghĩa của lời nầy là người trí cho nên biết, biết tức là tư duy?

Đáp: Nguyện gọi là nhóm. Muốn, một phần của nguyện gọi là tư duy. Như người nguyện nói: Đời sau tôi sẽ được thân như vậy.

Hỏi: Nếu muốn là một phần của tư duy, thì không có tư duy vô lậu.

Lại tư duy là nhân của ái. Như trong kinh nói: Nếu biết, thấy, ý nghĩ ăn, tức là biết, thấy, dứt, 3 thứ ái. Cho nên biết tư duy là nhân của ái?

Đáp: Ông nói không có tư duy vô lậu. Tôi cũng không nói có tư duy vô lậu. Bởi vì sao? Vì hành tướng khởi làm, nên gọi là tư duy. Pháp vô lậu không có tướng khởi làm. Cho nên tư duy là khởi làm, không phải diệt pháp.

Lại ông nói tư duy là nhân của ái. Đó cũng không đúng. Bởi vì sao? Vì tư duy là quả của ái, cũng là một phần của ái, không phải nhân của ái. Vì quả đoạn nên nói nhân đoạn, nghĩa là ý, tư, thực đoạn nên 3 ái đoạn. Hành v.v… các nhân duyên đều lấy đây giải đáp. Cho nên biết ái phần là tư duy. Ái có 2 thứ: có nhân có quả. Nhân gọi là ái, quả gọi là cầu. Cầu tức là tư duy.

Hỏi: Nếu lúc ở trong nhân gọi ái, lúc ở trong quả gọi tư duy, thì tư duy không phải ái phần. Bởi vì sao? Vì nói pháp ở trong nhân tướng khác, ở trong quả tướng khác. Cho nên biết tư duy không phải ái phần. Như trong Kinh Hữu Nhân Hữu Duyên nói: Chỗ tìm cầu của người si tức là ái, chỗ ra làm của người ái tức là nghiệp. Cho nên tư duy tùy theo nghiệp tướng mà khác với ái.

Lại nếu người vì tham việc này nên tìm cầu việc này, cho nên từ tham sinh cầu. Cầu tức là tư duy. Cho nên tham là nhân của tư duy?

Đáp: Tôi trước đã nói ái phần là tư duy, ái phần tức là ái, chỉ có ái mới khởi gọi là tham, tham rồi gọi là cầu.

Lại ông nói nguyện, điều này không đúng. Bởi vì sao? Vì nguyện là một phần của tư duy. Trước nguyện là nghiệp, sau nghiệp là hồi hướng.

Hỏi: tư duy với ý là một hay là khác?

Đáp: Ý tức là tư duy. Như trong Pháp Cú nói: Ác tâm làm ra, nói ra đều chịu quả khổ. Thiện tâm cũng như vậy. Cho nên biết ý tức là tư duy. Nếu ý không phải là tư duy, thì cái gì là nghiệp của ý? Ý nghiệp là ý hành trong cảnh duyên. Cho nên tư duy tức là ý. Tuy tướng chung nói ý hành là tư duy, mà tư duy ấy phần nhiều nói trong thiện và bất thiện. Tư duy này có nhiều phần. Nếu người vì chúng sinh cầu thiện cầu ác, bấy giờ gọi là tư duy. Nếu việc cầu chưa được, bấy giờ gọi là cầu. Nếu cầu thân sau, bấy giờ gọi là nguyện. Cho nên biết một thứ tư duy mà gọi bằng nhiều tên.

Phẩm 85: XÚC

Thức ở trong cảnh duyên gọi là xúc. Vì 3 thứ hòa hợp gọi là xúc. Đó không phải tướng của xúc. Bởi vì sao? Vì căn không đến duyên. Cho nên căn, duyên không phải hòa hơp. Vì 3 thứ nầy có thể lấy duyên nên gọi là hòa hợp.

Hỏi: Riêng có tâm số pháp gọi là xúc. Bởi vì sao? Vì trong 12 nhân duyên nói Xúc nhân duyên thụ.

Lại nói xúc làm nhân cho thụ, tưởng, hành v.v…. Nếu không có pháp, làm sao làm nhân? Cho nên biết có tâm số pháp nầy gọi là xúc. Lại trong Kinh Lục Lục nói có nhiều lục xúc.

Lại trong kinh nói: Nên quán vô minh các xúc. Nếu nói các nhân của thành giả pháp, không nên lại nói riêng giả pháp.

Lại trong kinh có 2 thứ xúc: Một là 3 việc hòa hợp là xúc. Hai là 3 việc hòa hợp nên xúc. Cho nên biết xúc có 2 thứ. Một là có tự thể. Hai là giả danh. Như mặt trời và phân trâu, 3 thứ khác với lửa, mặt trăng khác với nước, đất v.v… khác với mầm. Như vậy xúc khác với mắt v.v… có lỗi gì sao?

Lại như các Tì-kheo hòa hợp không khác các Tì-kheo. Các ấm hòa hợp không khác các ấm. Hai cây hòa hợp không khác 2 cây. Hai tay hòa hợp không khác 2 tay. Các bệnh hòa hợp không khác các bệnh. Xúc cũng như vậy, không khác mắt v.v… lại có lỗi gì?

Đáp: Tôi trước đã nói tâm có thể lấy duyên, bấy giờ gọi là xúc. Cho nên, khi tâm làm nhân sinh thức, rồi sau thụ v.v… các pháp mới sinh. Trong Kinh Lục Lục cũng nói bấy giờ gọi là xúc. Đó là có đạo lý.

Lại chúng tôi không công nhận 2 thứ xúc đó. Thường nói 3 thứ hòa hợp gọi là xúc. Dù cho có 2 thứ xúc đó, cũng nên bỏ hẳn kinh ấy đi, vì trái với pháp tướng. Cho nên dẫn kinh không phải là nhân.

Lại nếu xúc nầy khác nhau như nước với lửa, thì làm cũng phải khác mà thật không thấy có khác với làm. Cho nên biết xúc nầy không khác với 3 thứ kia.

Lại nếu xúc là tâm số thì khác nhau với các tâm số khác. Bởi vì sao? Vì xúc là các tâm số duyên mà xúc, chứ không phải xúc duyên để sinh khác, nên không phải tâm số pháp.

Hỏi: Vì xúc thắng nên xúc duyên, tâm số không phải xúc duyên. Xúc như thụ duyên ái, không phải ái duyên thụ?

Đáp: Xúc có thắng tướng gì mà các tâm số không có, cần nói tướng nó ra, mà thật nói không được. Cho nên không phải là nhân. Thụ là thời gian đầu, ái là thời gian sau, cho nên thụ duyên ái, không phải ái duyên thụ.

Lại nếu xúc là tâm số pháp đặc biệt cần nói tướng nó, nhưng thật không thể nói được, nên phải biết là không khác.

Lại Phật với trong pháp khác, cũng có nói tên xúc. Như nói nếu có khổ não đến xúc thân người.

Lại nói: Thụ lạc, xúc, không buông lung, thụ khổ xúc không giận dữ. Trong các thụ này là nói tên của xúc.

Lại Phật nói con quỷ mình có lông nhọn như mũi tên ngươi chạm xúc thì nhám rít không thể lại gần thân. Như người đời nói xúc lửa thì vui, cũng nói xúc là ăn, cũng nói tay chạm xúc. Các việc trên đây đều do thân thức biết mà nói tên là xúc.

Lại các chỗ khác nói người mù không xúc sắc màu. Cũng đối với duyên sắc v.v… mà nói tên là xúc. Xúc này vì lời nói không nhất định, nên không phải riêng có tâm số pháp này. Nếu nói xúc là tâm số thì với xúc tướng trái nhau. Bởi vì sao? Vì Phật nói 3 thứ hòa hợp nên gọi là xúc. Cho nên biết thật không riêng có tâm số pháp. Nếu pháp đến nơi thân đều gọi là xúc.

Lại tùy có thể cùng với thụ v.v… làm nhân cho tâm số, bấy giờ mới gọi là xúc.

Phẩm 86: NIỆM

Tâm tác phát gọi là niệm. Niệm nầy là tướng của tác phát nên niệm niệm mới có thể sinh lại tâm khác.

Lại nói niệm tướng có thể thành xong công việc. Như trong kinh nói: Nếu nhãn nội nhập sắc không hư hoại, ngoại nhập tại trước mắt, mà trong đó không thể có niệm hay sinh tâm khác, thì nhãn thức không sinh.

Hỏi: Biết của các thức đều do niệm lực sinh khởi phải không?

Đáp: Không phải. Bởi vì sao? Vì các thức sinh biết không hẳn quyết định. Hoặc do sức tác phát sinh, như cưỡng trừ dục v.v… Hoặc do sức của căn sinh, như người tỏ mắt có thể quan sát từng đầu sợi lông. Hoặc do sức của duyên sinh, như xa thấy ánh sáng đèn, thấy ánh sáng không xao động. Hoặc do khéo tập nên sinh, như nghề nghiệp tinh xảo v.v… Hoặc do đế lấy tướng nên sinh, như đắm say nơi sắc. Hoặc do pháp tự phải sinh, như thiền định trong thời kiếp tận. Hoặc do thời tiết nên sinh, như chúng sinh ác tâm bị đoản mạng. Hoặc do chỗ sinh nên sinh như tâm bò dê v.v… Hoặc tùy thân lực nên sinh, như tâm nam nữ v.v… Hoặc tùy theo năm nên sinh như tâm trẻ nhỏ v.v… Hoặc do mỏi mệt nên sinh, hoặc do nghiệp lực nên sinh, như thụ các thứ dục. Hoặc do định lực nên sinh, như buộc tâm một chỗ là tăng tăng trưởng htri thức. Hoặc do quyết định nên sinh, như kế tiếp vô ngại đạo ắt sinh giải thoát. Hoặc do lâu chán nên sinh, như chán mùi cay đắng thì nghĩ đến vị ngon ngọt. Hoặc theo sở thích nên sinh, như đối với sắc v.v… hoặc thích xem sắc, mà không ưa nghe tiếng, như màu xanh đỏ v.v… cũng vậy. Hoặc do mềm mại nên sinh, như lông đâm vào mắt thì sinh khổ tâm mà đâm vào nơi khác thì không vậy. Hoặc do hết khổ nên sinh, như chữa thiện bệnh mắt thì ăn mới biết ngon. Hoặc do diệt chướng nên sinh như diệt trừ dục v.v…, thì mới biết nó là tội lỗi. Hoặc lần lượt nên sinh, như do dưới mà sinh giữa, do giữa mà sinh trên. Hoặc tùy chỗ thiên vị mà sinh.

Hỏi: Nếu tất cả tri thức đều do thứ lớp tùy thuộc nhau, cớ sao nói không có thể sinh tâm niệm khác ư?

Đáp: Là vì ngoại đạo. Các ngoại đạo nói vì thần ý hợp nên biết của thức mới sinh. Vì muốn phá thuyết này, nên mới chỉ rõ các biết của thức đều thuộc thứ lớp duyên, cho nên nói lời như vậy. Nếu người không có thể sinh tâm niệm khác, thì biết của thức không sinh. Bởi vì sao? Vì thứ lớp duyên, tức biết của thức có nhân, mỗi mỗi mới sinh.

Lại tùy chỗ nghiêng về đó mà mỗi mỗi thức sinh, như đốn cây, cây thường ngã về phía nghiêng nặng.

Lại như trước đã nói các thức không phải sinh đồng thời. Vì nhân duyên ấy mà biết các thức mỗi mỗi theo thứ lớp sinh.

Lại các thức pháp phải theo thứ lớp sinh, chứ không đợi thần ý hòa hợp. Như ngoại vật mầm, cây, nhánh, lá, hoa quả theo thứ lớp sinh. Nội pháp cũng như vậy, biết của mỗi mỗi thức theo thứ lớp sinh. Niệm ấy có 2 thứ. Một là chính. Hai là tà. Chính là thuận lý, như nói chính vấn chính nạn. Đó là nên đáp, vì nạn vấn có lý.

Lại như hỏi thật tướng các pháp, tính vô thường v.v…, đó gọi là chính.

Lại tùy chỗ có thể thành nên gọi là chính. Cho nên biết tùy thuận đạo niệm chân thật niệm v.v… gọi là chính niệm.

Lại tùy khi tùy người niệm gọi là chính niệm. Như người nhiều dục quán bất tịnh là chính niệm. Khi tâm chìm lặng mà phát khởi tướng lên là chính niệm. Trái lại trên đây gọi là tà niệm. Chính niệm có thể sinh tất cả công đức, tà niệm có thể khởi tất cả phiền não.

Phẩm 87: DỤC

Tâm có điều cần, gọi là dục. Bởi vì sao? Kinh nói dục dục. Vì cần các điều mình muốn nên gọi dục dục.

Lại trong kinh nói: Dục là gốc của pháp. Vì muốn tìm cầu nên được tất cả pháp, cho nên nói dục là gốc của pháp.

Lại nói: Nếu các Tì-kheo thâm dục pháp ta, thì pháp trụ lâu dài. Nếu nhất tâm cần đến gọi là thâm dục.

Lại trong như ý túc nói: Dục Tam-muội, tinh tiến Tam-muội, tâm Tam-muội, tư duy Tam-muội. Tùy tâm cần đến gọi là dục. Pháp dục này, lấy tinh tiến giúp tu tập định tuệ. Từ 4 việc nầy, chỗ cần đến đều được gọi là như ý phần.

Lại nói: Ông muốn bay đi.

Lại có một Tì-kheo thường ưa đọc tụng. Vị nầy tu thiền chứng được A-la-hán, nên không đọc tụng nữa. Có vị trời hỏi rằng: Ông thường ưa đọc tụng, nay sao không tụng nữa? Tì-kheo đáp: Trước kia tôi chưa lìa dục nên phải cần kinh sách. Nay đã lìa 3 cõi nên không cần đến nữa. Có bao nhiêu kinh sách, thiền định, trí tuệ, Thánh nhân đều nói là pháp có thể xả bỏ. Cho nên biết cái cần đến là nguyên nhân của dục. Vì cần đến nên tham các thứ mình muốn, đó gọi là tham dục.

Phẩm 88: HỶ

Nếu tâm ưa thích, gọi là hỷ. Như nói chúng sinh tính loại theo nhau. Thích ác theo ác, ưa thiện theo thiện, gọi là hỷ.

Hỏi: Tính không gọi là hỷ. Bởi vì sao? Phật biết chúng sinh có nhiều thứ tính, tính đó là trí lực. Biết nhiều thứ hỷ là dục trí lực. Cho nên biết tính của hỷ đều khác nhau.

Đáp: Tu lâu, nhóm họp tâm, thì gọi là tính, tùy tính sinh hỷ. Cho nên biết nhóm họp tâm lâu gọi là tính trí lực. Trí tùy theo tính sinh hỷ, gọi là dục trí lực. Cho nên nói chúng sinh tùy tính theo nhau, nhóm họp lâu ác tâm thì ưa thích điều ác, nhóm họp lâu thiện tâm thì ưa thích điều thiện. Như lúc lạnh ưa thích nóng. Đó là nhân duyên hiện tại không phải từ tính sinh. Đó sự khác nhau của tính hỷ.

Phẩm 89: TIN

Quyết định là tướng của tin..

Hỏi: Quyết định là tướng của tuệ. Quyết định là dứt nghi, là tướng của tuệ?

Đáp: Tự mình chưa thấy pháp, theo lời dạy của hiền thánh, tâm được thanh tịnh. Đó gọi là tin.

Hỏi: Nếu vậy thì tự thấy pháp rồi không cần tin nữa?

Đáp: Phải. A-la-hán gọi là người không tin. Như trong Pháp Cú nói: Người không tin, người không biết ơn, gọi là bậc Thượng nhân.

Lại trong kinh nói: Bạch Thế Tôn! Tôi đối với việc này là tin theo lời Phật. Nếu tự thấy pháp tâm được thanh tịnh, thì đó gọi là tin. Trước nghe pháp, sau dùng thân chứng, khởi ý niệm như vầy: Pháp nầy chân thật chắc chắn không hư dối, tâm được thanh tịnh, đó gọi là tin trong 4 thứ tin. Ví như người bệnh, trước tin lời thầy, uống thuốc thiện bệnh, sau đối với thầy sinh tâm thanh tịnh, đó gọi là tin. Tin nầy có 2 thứ: một sinh từ si, một sinh từ trí. Sinh từ si là không nghĩ thiện ác, như đối với các ác sư Phú-lan-na v.v… sinh tịnh-tâm. Sinh từ trí là như trong 4 thứ tin, đối với Phật v.v… sinh tịnh tâm. Tin nầy 3 thứ: thiện, bất thiện, vô ký.

Hỏi: Tin bất thiện nầy tức là phiền não. Pháp bất tín trong đại địa không phải là tin vậy?

Đáp: Không phải pháp bất tín. Tín nầy là tịnh tướng, bất thiện tín đó cũng là tịnh tướng. Nếu không phải vậy thì bất thiện thụ không nên gọi là thụ, mà thật không phải vậy. Cho nên mới có 3 thứ sai khác. Nếu như tin ở căn số tùy thuận giải thoát, ở 37 phẩm trợ đạo thì quyết định là thiện.

Phẩm 90: CẦN

Tâm phát hành động gọi là cần. Thường nương các pháp hoặc nghĩ nhớ hoặc định, trong đó phát động nhất tâm thường hành gọi là cần. Cần có 3 thứ là thiện, bất thiện và vô ký. Nếu ở trong 4 chính cần thì gọi là thiện, ngoài ra không gọi là thiện. Nếu hành giả tin bất thiện là tội lỗi, thiện pháp là lợi ích, sau đó sinh siêng năng là dứt bất thiện, và tụ tập pháp thiện. Cho nên kế tiếp tín căn mới nói tinh tiến căn. Cần nầy khi vào trong thiện pháp gọi là tinh tiến, vì có thể làm căn bản cho tất cả việc lợi ích. Nhờ tinh tiến nầy trợ giúp các pháp ức niệm v.v… mới có thể được quả lớn, như lửa gặp được gió đốt cháy càng nhiều.

Phẩm 91: HỒI ỨC

Biết cảnh từng trải qua từ trước gọi là nhớ lại. Như trong kinh nói: Đã trải qua lâu xa có thể nhớ không quên. Đó gọi là nhớ.

Hỏi: Nhớ nầy ở trong 3 đời. Bởi vì sao? Vì trong kinh nói nhớ tất cả đều là đúng.

Lại nhớ nầy ở trong 4 ký ức. Bốn chỗ ký ức nầy cũng duyên 3 đời, vì sao chỉ nói quá khứ ư?

Đáp: Đó nói đều đúng, là không phải 3 đời. Nếu tâm dao động, lặng chìm thì nhớ theo 2 chỗ, đó gọi khắp đi. Ông nói 4 chỗ ký ức duyên 3 đời, trong đó tuệ có thể duyên hiện tại, mà không phải là nhớ. Cho nên Như Lai trước nói tên nhớ, hiểu thì nói là tuệ.

Hỏi: Vì sao một thức khác trải qua biết, lại một thức khác có thể nhớ?

Đáp: Pháp về nhớ là như vậy. Trong pháp tự nối nhau sinh diệt, liền sinh thức khác rồi trở lại có thể tự duyên.

Lại pháp tri thức là như vậy. Một thức khác trải qua, một thức khác có thể biết. Như nhãn thức nhận thức sắc, ý thức có thể biết.

Lại một người khác đã dùng qua, một người khác có thể biết. Như các Thánh nhân cho đến các thân đời trước đã từng trải qua, nhờ sức ký ức nên biết.

Hỏi: Nếu biết cảnh đã trải qua từ trước gọi là nhớ, thì nay thức v.v… các pháp đều nên gọi là nhớ. Bởi vì sao? Vì pháp ấy cũng đi qua cảnh đã từng trải từ trước?

Đáp: Các thức pháp cũng gọi là nhớ. Như Phật bảo Tát-già-nidiên tử rằng: Ngươi nhớ lại việc trước thì hãy đáp.

Lại nói: Nếu nhớ việc hý lạc từ trước thì phiền não phát sinh. Cho nên các thức v.v… các pháp nhớ việc trước, nên cũng gọi là hồi ức. Hồi ức nầy do lấy tướng mà sinh, tùy pháp nào đó rồi lấy tướng thì hồi ức phát sinh, khác thì không sinh. Về định tuệ, sẽ nói trong Phẩm định tuệ.

Phẩm 92: GIÁC QUÁN

Nếu tâm thường khởi sinh tán hành, gọi là giác.

Lại trong tán tâm, cũng có thô, tế. Thô gọi là giác, vì không giữ sâu nên gọi thô tâm. Như trong kinh nói: Phật nói hạnh của ta có hạnh giác quán. Cho nên Sơ thiền chưa giữ sâu được, nên gọi là hữu giác quán. Tán tâm vi tế thì gọi là quán. Hai pháp này phổ biến khắp 3 cõi, vi tướng thô, tế của tâm này.

Lại tâm tán loạn gọi là giác quán, vì tướng này ứng tất cả chỗ.

Lại việc chưa hiện biết việc, phải dùng trí so sánh mới biết. Suy nghĩ so lường nên vậy hay không nên vậy, gọi là giác. Cho nên suy nghĩ so lường việc hiện chưa biết nên có tên chính giác và tà giác. Lìa phân biệt suy nghĩ so lường thì gọi là chính kiến. Ba thứ biết nầy là: Tà giác là suy nghĩ điên đảo cho rằng trong vô thường là thường v.v… Chính giác là chưa được chân trí, dùng tướng so sánh mà biết. Hành giả này trong đạt phần thiện căn gọi là nhẫn. Như vậy các điều thuận đạo so sánh biết, gọi là chính giác. Trong đó nếu xa lìa tướng nghĩ nhớ phân biệt, gọi là biết trong hiện tại. Trong giác này suy nghĩ tính toán, cho rằng do nhân duyên này nên như vậy, nhân duyên kia nên không như vậy, đó gọi là quán.

Hỏi: Có thuyết cho rằng giác quán ở trong một tâm. Việc ấy thế nào?

Đáp: Không phải vậy. Bởi vì sao? Vì các ông tự nói dụ như đánh chuông linh, tiếng đầu là giác, các tiếng sau là quán.

Lại như dụ sóng nước, thô là giác, tế là quán. Là vì thời gian và phương hướng khác, nên không phải một tâm.

Lại 5 thức không phân biệt nên không có giác quán.

Phẩm 93: CÁC TÂM SỐ

Nếu không làm điều thiện, hoặc làm điều thiện mà không chính đáng, gọi là phóng dật. Không riêng có một pháp gọi là phóng dật.

Khi tâm hành, gọi là phóng dật. Trái với đây gọi là không phóng dật. Nến tâm hành thiện gọi là không phóng dật, cũng không có pháp riêng khác.

Lại tâm chạy theo bất thiện gọi là phóng dật. Thuận theo thiện pháp gọi là không phóng dật. Người có thiện căn thì không tham, sân, si. Lấy suy nghĩ so lường làm đầu, có thể không tham đắm gọi là không tham. Lấy từ bi làm đầu, không sinh giận dữ gọi là không sân. Lấy chính kiến làm đầu, không sai lầm gọi là không si. Không riêng có một pháp gọi là không tham. Có người nói không tham gọi là không tham. Điều này không đúng. Bởi vì sao? Vì không tham gọi là không pháp. Không pháp làm sao làm nhân cho pháp? Không sân không si cũng như vậy.

Lại cùng với 3 bất thiện căn trái nhạu nên chỉ nói 3. Kiêu mạn v.v… cũng phải là bất thiện căn. Vì lược bớt nên chỉ nói là 3 bất thiện căn. Sẽ nói đến trong Phẩm bất thiện. Vô ký căn, có người nói có 4 là: vô ký, ái kiến, mạn và vô minh.

Lại có người nói có 3 là: ái, vô minh và tuệ. Đó không phải Phật nói. Tùy tâm vô ký mà nhân duyên nào sinh, thì gọi nhân duyên đó là vô ký căn.

Lại vì nghiệp thân khẩu phần nhiều từ tâm vô ký sinh khởi, cho nên vô ký tâm gọi là vô ký căn. Khi tâm hành có thể khiến thân tâm yên tĩnh, diệt trừ được thô trọng, bấy giờ gọi là khoan khoái. Khi có nhiều tâm hành gọi là xả. Nếu trong các thụ, tâm hành không rõ gọi là xả. Trong các Thiền lìa khổ vui mặc cho tâm hành gọi là xả. Trong 7 giác không chìm lặng, không động, tâm hành bình đẳng gọi là xả. Lìa lo buồn mừng vui, được tâm bình đẳng gọi là xả. Trong 4 vô lượng, lìa tâm yêu ghét gọi là xả. Như vậy tùy nhiều thứ pháp trái nhau thì có vô lượng tâm số sai khác.