THÀNH THẬT LUẬN
Ha-lê-bạt-ma tạo luận
Cưu-ma-la-thập dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 3

Phẩm 24: CÓ TRUNG ẤM

Luận giả nói: Có người nói có thân trung ấm, hoặc có người nói không có.

Hỏi: Do nguyên nhân gì nói có, do nhân duyên gì nói không?

Đáp: Người nói có là căn cứ Phật nói trong kinh A-du-la-na rằng: Nếu khi cha mẹ giao hội, chúng trụ ở nơi nào đó liền đến nương vào trong ấy. Cho nên biết có trung ấm.

Lại như kinh Hòa-ta nói: Nếu chúng sinh sau khi bỏ thân nầy rồi, mà chưa thụ tâm sinh thân sau, trong khoản trung gian, ta nói ái là nhân duyên. Đó gọi là trung ấm.

Lại như trong 7 thứ người thiện, có thân trung hữu diệt.

Lại như trong kinh nói: Tạp khởi nghiệp, tạp thụ thân, và tạp sinh thế gian. Cho nên biết có trung ấm.

Lại như trong kinh nói 4 hữu là bản hữu, tử hữu, trung hữu và sinh hữu.

Lại nói 7 hữu là ngũ đạo hữu, nghiệp hữu, và trung hữu.

Lại nói vua Diêm-la quở trách tội nhân trung ấm mà biết túc mạng chúng sinh, nghĩa là chúng sinh nầy sinh chỗ nầy, chúng sinh kia sinh chỗ kia.

Lại như trong kinh nói: Dùng thiên nhãn xem thấy các chúng sinh khi chết khi sinh.

Lại nói chúng sinh bị ấm trói buộc nên từ thế gian nầy đến thế gian kia.

Lại như người đời cũng tin có trung ấm, người ta nói: Nếu người khi chết có thân tứ đại vi tế, ở từ ấm này mà đi.

Lại nếu như có trung ấm thì mới có đời sau. Nếu không có trung ấm, khi bỏ thân nầy rồi mà chưa thụ sinh thân sau, thì khoảng thời gian ấy phải gián đoạn.

Vì các lý do trên nên biết có trung ấm.

Phẩm 25: KHÔNG CÓ TRUNG ẤM

Có người nói không có trung ấm. Tuy ông dẫn trong kinh A-du-la-đa-na nói có trung ấm, điều này không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì nếu là Thánh nhân mà không biết đó là gì và từ đâu đi đến, tức là không có trung ấm, nếu có tại sao lại không biết?

Lại như ông dẫn câu trong kinh Hòa-ta nói, điều này là không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì trong kinh nầy hỏi khác đáp khác. Phạm Chí Hòa-ta nầy chấp thân khác thần khác, nên mới đáp như vậy, là trung ấm trung hữu, 5 ấm.

Lại như ông nói có trung hữu diệt, là người nầy ở trung gian cõi Dục và cõi Sắc thụ thân, ở trong đó diệt cho nên gọi là trung hữu diệt. Sở dĩ vì sao? Vì như trong kinh nói: Nếu người chết, đi đến chỗ nào, sinh về chỗ nào, ở tại chỗ nào. Nghĩa nầy không khác.

Lại như ông nói tạp thụ thân, tạp sinh thế gian. Nếu nói thụ thân, nói sinh thế gian, nghĩa nầy không khác.

Lại như ông nói 4 hữu, 7 hữu. Kinh ấy không phải như vậy, vì không thuận với pháp tướng.

Lại như ông nói vua Diêm-la quở trách. Đấy là thân sinh hữu chứ không phải trung hữu.

Lại như ông nói Phật nhân trung ấm mà biết đời trưỡc. Điều này không đúng, sức Thánh trí là như vậy, tuy không liên tục mà cũng có thể nghĩ biết.

Lại như ông nói dùng thiên nhãn xem thấy khi chết khi sinh. Sắp sinh gọi là khi sinh, sắp chết gọi là khi chết, chứ không phải trung ấm.

Lại như ông nói chúng sinh bị ấm buộc, từ đây đến kia. Đó là muốn chỉ cho biết có đời sau nên mới nói như vậy, chứ không phải nói rõ có trung ấm.

Lại như ông nói khi chết có 4 đại vi tế. Đó là chỗ thấy biết của người đời, không thể tin được, vì đây không phải dùng làm nhân.

Lại như ông nói nếu không có trung ấm thì thời gian giữa phải gián đoạn. Đó là vì nghiệp lực, người nầy sinh đây, người kia sinh kia, như quá khứ vị lai tuy không nối nhau mà có thể nghĩ nhớ được. Cho nên không có trung ấm.

Lại nữa, trong Kinh Túc Mạng Trí nói: Biết người nầy chết ở đây sinh nơi kia, chứ không nói trụ trong trung ấm.

Lại nữa, Phật nói 3 thứ nghiệp là nghiệp hiện báo nghiệp sinh báo và nghiệp hậu báo, chứ không nói có nghiệp trung ấm báo.

Lại nữa, nếu trung ấm có xúc tức gọi sinh hữu. Nếu không thể xúc, thì không có, nên thụ tưởng v.v… cũng không. Như vậy thì có chỗ nào?

Lại nếu như chúng sinh thụ hình trung ấm, tức gọi thụ sinh, như trong kinh nói: Nếu người bỏ thân nầy thụ các thân khác, ta nói là sinh, nếu không thụ thân thì không có trung ấm.

Lại nữa, nếu trung ấm có thoái, tức gọi là sinh. Sở dĩ vì sao? Vì cần trước sinh sau thoái vậy. Nếu không thoái, tức là thường. Lại do nghiệp lực mới sinh, thì còn dùng trung ấm làm chi?

Lại nếu như trung ấm do nghiệp mà thành, tức là sinh hữu, như nói nghiệp nhân duyên, nếu không do nghiệp thành, thì do đâu mà có? Cần phải trả lời ngay.

Đáp: Tôi cho sinh hữu có sai khác, nên gọi là trung ấm. Cho nên không có các lỗi như trên. Người nầy tuy trung ấm sinh, mà cùng với sinh có khác. Có thể khiến thức đi đến trong Ca-la-la, đó gọi là trung ấm.

Hỏi vặn lại rằng: Vì nghiệp lực có thể khiến đến, chứ cần chi phải dùng phân biệt nói trung ấm?

Lại tâm không chỗ đến, vì nghiệp nhân duyên nên mới từ nơi đây diệt mà sinh nơi kia vậy thôi.

Lại như hiện thấy tâm không liên tục sinh, như người chân đạp phải gai mà trong đầu biết đau. Thức nơi chân không có nhân duyên gì đến trong đầu, chỉ vì các duyên xa gần hòa hợp sinh tâm. Cho nên không cần phân biệt chấp có trung ấm.

Phẩm 26: THỨ TỰ

Luận giả nói: Có người nói 4 đế thấy theo thứ tự; lại có người nói thấy cùng một lúc.

Hỏi: Do nhân duyên gì nói thấy theo thứ tự? Lại do nhân duyên gì nói thấy cùng một lúc?

Đáp: Người nói thấy theo thứ tự, như trong kinh nói: Nếu người thấy thế gian tập, tức diệt được chấp không. Thấy thế gian diệt, tức diệt được chấp có. Phải biết tập diệt 2 tướng khác nhau.

Lại nếu như người nào có thể biết được bao nhiêu tướng tập đều là tướng diệt, gọi là lìa cấu uế được pháp nhãn thanh tịnh.

Lại nói, người trí tuệ lanh lợi dần loại bỏ các điều ác, như thợ vàng có thể dũa bỏ chất rét của vàng.

Lại như trong Kinh Lậu Tận nói: Người nào có tri kiến thì được hết các lậu. Hành giả không tự hay biết chứ hằng ngày thường tu tập nên được hết các lậu.

Lại nữa, Phật nói: Trong các đế, có thể sinh nhãn trí minh tuệ. Trong khổ đế cõi Dục có 2, 2 cõi Sắc và Vô săc cũng có 2. Tập v.v… cũng vậy.

Lại trong kinh miệng Phật tự nói ra lần lượt thấy đế, như người leo thang tuần tự mà lên. Vì các kinh nầy nên biết 4 đế không phải thấy cùng một lúc được.

Lại như các phiền não, trong 4 đế, có 4 thứ tà hành là không khổ, không tập, không diệt và không đạo. Cho nên trí vô lậu cũng phải thứ tự tu 4 thứ chính hành.

Lại nữa, hành giả cần định tâm phân biệt; đây là khổ, đây là nhân của khổ, đây là khổ diệt, và đây là đạo diệt khổ. Nếu như trong một tâm, làm sao quyết định phân biệt được như vậy? Cho nên biết là thứ tự chứ không phải thấy được cùng một lúc.

Phẩm 27: CÙNG MỘT LÚC

Có người nói 4 đế thấy cùng một lúc chứ không phải theo thứ tự. Ông nói: Thấy thế gian tập, tức diệt chấp không. Thấy thế gian diệt tức diệt chấp có ấy. Nếu nói vậy tức hoại tự pháp, vì nếu như vậy cũng không cần 16 thứ tâm, 12 hành để đắc đạo.

Lại như ông nói: Biết bao nhiêu tướng tập đều là tướng diệt thì được pháp nhãn. Nếu vậy phải dùng 2 tâm mới đắc đạo: một là tâm tập, hai là tâm diệt. Nhưng không phải vậy.

Lại nữa, như ông nói trí lanh lợi dần dần loại bỏ các ác, nếu vậy cũng không nên chỉ 16 thứ tâm.

Lại như ông dẫn Kinh Lậu Tận nói: Người nào có thể biết sắc v.v… thì được hết các lậu. Nếu vậy phải có vô lượng tâm, chứ không phải chỉ 16 tâm.

Lại như ông nói nhãn trí minh tuệ là Phật tự nói trong 4 đế được nhãn trí minh tuệ, mà không nói thứ tự có 16 tâm.

Lại như ông nói miệng Phật tự nói ra rằng tuần tự thấy đế, như người leo thang. Tôi không học kinh nầy, dù có cũng nên bỏ, vì không thuận với pháp tướng.

Lại như ông nói 4 thứ tà hành thì đối với 5 ấm v.v… cũng phải tà hành, tùy theo chỗ tà hành, đều nên sinh trí. Nếu vậy không cần chỉ 16 thứ tâm mà đắc đạo.

Lại như ông nói nên định phân biệt, thì đối với sắc v.v… cũng cần phân biệt. Cho nên không chỉ cần có 16 thứ tâm.

Lại nữa hành giả không được các đế, chỉ có một đế. Nghĩa là thấy khổ diệt gọi là sơ đắc đạo. Vì thấy pháp v.v… các nhân duyên nên hành giả từ pháp noãn v.v… lần lượt thấy đế diệt đế, sau cùng thấy diệt đế nên gọi là đắc đạo.

Phẩm 28: THOÁI LUI

Luận giả nói: Có người nói A-la-hán thoái lui, hoặc có người nói không thoái lui.

Hỏi: Do nhân duyên gì nói có thoái lui, do nhân duyên gì lại nói không thoái lui?

Đáp: Nói thoái lui là như trong kinh nói: Khi giải thoát, A-lahán do 5 nhân duyên bị thoái lui là ưa làm việc, ưa đọc tụng, ưa xử đoán, ưa đi xa, và luôn bệnh tật. Như trong kinh nói có 2 hạng A-lahán là thoái tướng và không thoái tướng.

Lại trong kinh nói: Nếu Tì-kheo nào thoái lui môn giải thoát thì có điều đó.

Lại như trong kinh nói: Quán thân như chiếc bình, ý tưởng phòng vệ như thành trì, đem tuệ chiến đấu với ma, giữ phần thằng không thua bại. Nếu không thoái thì không cần thủ thắng.

Lại có 2 thứ trí là tận trí và vô sinh trí. Nếu tận trí không sinh trở lại thì dùng vô sinh trí làm chi?

Lại như Ưu-đà-da khó được diệt tận định, tức là nhân thoái lui. Người nầy tuy thoái lui mà cũng được sinh về cõi Sắc. Vì các duyên cớ nầy, nên biết có thoái lui.

Phẩm 29: KHÔNG THOÁI LUI

Có người nói Thánh đạo không có thoái lui, chỉ có thiền định thoái lui.

Hỏi: Nếu như vậy thì không có 2 hạng A-la-hán, mà chỉ có thoái tướng, vì tất cả A-la-hán trong thiền định đều có thoái lui?

Đáp: Thoái sức tự tại trong thiền định, vì không phải tất cả A-la-hán đều được sức tư tại.

Hỏi: Không phải như Tì-kheo Cù-đề sáu phen thoái lui bèn lấy dao tự sát. Nếu như thoái thiền định cần gì tự sát? Vì trong Phật pháp quí hồ giải thoát, chứ không quí thiền định.

Đáp: Người ấy nương thiền định nầy, sẽ được A-la-hán đạo. Mà mất thiền định nầy là mất vô lậu, chứ không phải vô lậu có thoái. Sở dĩ vì sao? Như kệ nói hoàn toàn không tạo mới, ở trong các hữu, đều được chán lìa. Diệt sạch các kết sử không trở lại sinh tướng. Đó là các người mạnh, như ngọn đèn tắt.

Lại nói: Ví như núi đá, gió không thể động, người mạnh như vậy, chê khen không chao đảo.

Lại trong kinh nói: Ái sinh ái v.v…, A-la-hán nầy, vĩnh viễn nhổ gốc ái, thì do đâu sinh kết?

Lại nói: Gọi là Thánh nhân thì rốt ráo tận cùng biên giới, việc làm đã xong.

Lại nói: Thánh nhân diệt tan không nhóm, phá rách không dệt.

Lại trong kinh nói: Vô minh là nhân duyên khởi tham sân si. A-la-hán nầy, vĩnh viễn hết vô minh, làm sao sinh kết?

Lại trong kinh nói: Nếu các học nhân cầu đạo Nê-hoàn, ta bảo người nầy quyết không phóng dật. Nếu được hết lậu không tái sinh nữa, cho nên không thoái.

Lại nói: Người trí khéo suy nghĩ, khéo khẩu thân nghiệp, làm việc không lầm lỗi.

Lại nói: Tì-kheo vui hạnh không phóng túng, vì thấy lỗi của phóng túng, vậy là không thoái, gần gũi Nê-hoàn.

Lại trong kinh nói: Hươu nai nương đồng nội, chim chóc nương hư không, pháp quy về phân biệt, chân nhân quy về diệt.

Lại nữa, 3 nhân duyên sinh khởi các kết sử là tham dục không dứt, cảnh tham dục hiện tiền, trong lòng sinh tà niệm. A-la-hán nầy tham dục đã dứt, tuy đối dục cảnh mà không sinh tà niệm, nên không khởi kết.

Lại nói Tì-kheo tà quán các pháp, nên khởi 3 lậu. A-la-hán nầy không có tà quán, nên không khởi các lậu.

Lại trong kinh nói: Nếu dùng Thánh tuệ biết rồi thì không có thoái. Như quả Tu-đà-hoàn không có thoái.

Lại A-la-hán khéo biết tướng 3 thụ là sinh tướng, diệt tướng, vị quá xuất tướng, cho nên không khởi kết.

Lại nói: Tì-kheo nếu giới, định, tuệ 3 việc thành tựu thì không thoái chuyển.

Lại A-la-hán dứt kết đã sinh, chưa sinh khiến không sinh.

Lại trong kinh nói: Thánh nhân thật hành, quyết không có thoái. A-la-hán đã chứng 4 đế, các lậu diệt hết rồi nên gọi là người thật hành.

Lại nói 7 giác là pháp không thoái lui. A-la-hán đầy đủ 7 giác, cho nên không thoái. A-la-hán chứng được giải thoát không hư hoại, cho nên không thoái.

Lại A-la-hán trong Phật pháp, được lợi kiên cố, nên gọi là giải thoát không hư hoại.

Lại như người cụt tay, nghĩ hay không nghĩ, vẫn gọi là người cụt tay, A-la-hán cũng vậy, đã đoạn kết sử thì nghĩ hay không nghĩ, vẫn gọi là đoạn.

Lại trong kinh nói: Tín v.v… các căn lợi, gọi là A-la-hán. Người lợi căn quyết không có thoái.

Lại A-la-hán có thể ở trong pháp vô thượng đoạn ái, nên tâm khéo được giải thoát, rốt ráo diệt hết.

Lại ví như lửa cháy chỗ chưa cháy, cháy rồi không trở lại cháy chỗ cũ. Tì-kheo cũng vậy, vì được thành tựu 11 pháp nên quyết không có thoái.

Hỏi: Có 2 hạng A-la-hán, ông đã dẫn kinh nói người không thoái?

Đáp: Đây là nói tướng chung, các người học nhân phải không phóng túng. A-la-hán thì không cần, không phải nói tướng riêng, tướng không thoái.

Lại như Phật nói kệ: Thắng mà nếu sinh lại, thì không gọi là thắng. Thắng mà không sinh, mới là chân thật thắng.

Lại A-la-hán sinh đã hết nên không còn thụ thân lại. Kinh của ông tuy nói A-la-hán thoái pháp phải được lại. Nếu như vậy thì pháp cũng phải không thoái. Nếu như Tì-kheo có thể khiến các tướng không sinh, gọi là A-la-hán, cho nên không có thoái.

Phẩm 30: TÂM TÍNH

Luận giả nói: Có người nói tâm tính vốn trong sạch, vì khách trần, nên không trong sạch. Có người cho là không phải vậy.

Hỏi: Do nhân duyên gì nói vốn trong sạch, vì khách trần, nên không trong sạch? Lại do nhân duyên gì mà nói không phải vậy?

Đáp: Người cho rằng tâm tính không phải vốn trong sạch, vì khách trần nên không trong sạch. Sở dĩ vì sao? Vì phiền não cùng tâm thường tương ưng nhau sinh, chứ không phải tướng khách trần.

Lại có 3 thứ tâm là thiện, bất thiện, và vô ký. Tâm thiện và vô ký là không phải nhơ bẩn, như tâm bất thiện vốn tự không trong sạch, không do khách trần.

Lại nữa, tâm nầy niệm niệm sinh diệt không đợi phiền não, nếu phiền não cùng sinh thì không gọi là khách.

Hỏi: Tâm là chỉ biết sắc v.v…, rồi sau thủ lấy tướng, từ tướng sinh các phiền não, rồi cùng với tâm làm bẩn, nên nói vốn trong sạch.

Đáp: Không phải vậy. Khi tâm và tâm này diệt chưa có tướng bẩn, thì khi tâm diệt rồi bẩn thấm vào đâu?

Hỏi: Tôi không vì tâm mỗi niệm mỗi niệm diệt nên nói như vậy, mà bởi tâm liên tục nối nhau nên mới nói nhiễm bẩn?

Đáp: Cái gọi là tâm liên tục nối nhau nầy, thế đế mới có, chứ không phải nghĩa chân thật. Điều đó không nên nói.

Lại nữa trong thế đế cũng nhiều lỗi. Tâm sinh đã diệt, chưa sinh thì chưa khởi, vậy liên tục nối nhau như thế nào? Cho nên tâm tính không phải vốn trong sạch vì khách trần nên không trong sạch. Chỉ Phật vì chúng sinh bảo rằng tâm thường tồn tại, cho nên nói bị khách trần làm ô nhiễm làm cho tâm không trong sạch.

Lại Phật vì chúng sinh biếng nhác, nếu nghe tâm vốn không trong sạch, liền cho rằng tính không thể biến đổi, nên không phát tâm thanh tịnh. Cho nên mới nói là bản tịnh.

Phẩm 31: TƯƠNG ƯNG VÀ KHÔNG TƯƠNG ƯNG

Luận giả nói: Có người nói tâm tương ưng với các sử; lại có người nói tâm không tương ưng.

Hỏi: Do nhân duyên gì nên nói tâm tương ưng; lại do nhân duyên gì nói không tương ưng?

Đáp: Người nói tâm tương ưng, trong Phẩm Sử sau sẽ đề cập.

Lại tham dục v.v… các nghiệp phiền não, nghiệp này các sử tương ưng. Trong pháp của ông tuy nói tâm không tương ưng với sử, với tâm tương ưng làm nhân cho kết triền. Điều này không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì trong kinh nói do vô minh, tà niệm, tà tư duy v.v… khởi tham v.v… các kết, chứ không có kinh nào nói do sử sinh. Trong pháp của ông tuy nói tập luyện kết triền lâu thì gọi là sử sinh. Điều này không như vậy. Sở dĩ vì sao? Vì các nghiệp thân khẩu cũng có tướng tập luyện lâu, đây chỉ nên có tương tự sử tâm bất tương ưng hành, mà thật không có. Vì nếu như vậy thì các pháp đều từ nhân hiện tại sinh, không có nhân quá khứ. Vậy thì cũng không cần từ nghiệp sinh báo, cũng không cần từ ý sinh ý thức nữa.

Lại các sử này vì niệm niệm diệt thì do nhân nào sinh?

Hỏi:: Cùng chung làm nhân sinh?

Đáp: Như vậy cũng không đúng, vì nhân quả không được cùng một thời hợp lại. Điều này ra sau trong thí dụ ngọn đèn sẽ nói. Cho nên không nên nói các sử là không phải tâm tương ưng.

Phẩm 32: NGHIỆP QUÁ KHỨ

Luận giả nói: Đạo nhân Ca-diếp-bệ nói báo nghiệp đời quá khứ chưa chịu thì có, các đời quá khứ khác thì không có.

Đáp: Nghiệp nầy nếu mất là quá khứ. Quá khứ nếu không mất tức là thường. Mất là tên khác của quá khứ. Mà mất rồi bị mất nữa, thì nghiệp nầy làm nhân cho quả báo đã diệt, vì quả báo sinh sau. Như trong kinh nói: Vì điều này nên việc kia được sinh. Như khi sữa diệt làm nhân cho bơ. Thế thì cần gì phân biệt nghiệp quá khứ ư? Mà nếu nói như vậy thì trong các nhân có lỗi, là vì sao không nhân mà thức được sinh? Như thế thì không sữa làm sao có bơ? Nếu không có 4 đại, thì thân khẩu các nghiệp nương đâu mà có? Nhưng lẽ như vậy, tôi trước nói quá khứ có lỗi, người kia nên đáp lại đi.

Phẩm 33: NÓI VỀ 2 NGÔI BÁU

Luận giả nói: Đạo nhân Ma-hê-xá-bà nói Phật ở trong số của Tăng.

Đáp: Nếu nói Phật ở trong 4 chúng là hữu chúng, sinh chúng, nhân chúng và Thánh nhân chúng thì không lỗi. Nếu nói Phật ở trong Thanh Văn chúng, thế là có lỗi. Vì do nghe pháp mà được giác ngộ gọi là Thanh Văn, và vì tướng Phật khác nên không ở trong chúng nầy. Hỏi: Phật đứng đầu trong Tăng, vì có người cúng thí gọi là thí Tăng.

Đáp: Thí nầy thuộc về bậc Tăng nào? Kinh nầy có chút lỗi. Vậy thì nên nói thí ấy thuộc về Phật Tăng.

Hỏi: Phật bảo Cù-đàm-di rằng: Đem áo nầy thí Tăng, tức cúng dường ta, mà cũng là cúng dường Tăng.

Đáp: Ý Phật nói đem lời nói vì cúng dường ta, vật nầy cúng dường Tăng. Như trong kinh nói: Nếu ai đi thăm người bệnh, tức là thăm ta.

Hỏi: Có các người đã thành tựu Thánh công đức như Xá-lợiphất v.v… đều ở trong Tăng số, Phật cũng như thế, vì đồng tướng.

Đáp: Nếu đem đồng tướng mà nói thì những người phàm phu và phi chúng sinh cũng phải nhập vào Tăng số, mà đâu có được như vậy. Cho nên biết Phật không thuộc trong Tăng số.

Lại nữa, Phật không vào Tăng Yết-ma, tức xử đoán và cũng không đồng các việc thuộc Tăng sự.

Lại nữa, vì Tam Bảo riêng biệt, cho nên Phật không ở trong Tăng.

Phẩm 34: VÔ NGÃ

Luận giả nói: Đạo nhân Độc tử nói có ngã. Những người khác nói không có.

Hỏi: Đàng nào là thật?

Đáp: Pháp vô ngã thật. Sở dĩ vì sao?`Như trong kinh, Phật bảo Tì-kheo rằng: Chỉ vì danh tự, chỉ vì giả thi thiết, và chỉ vì hữu dụng, nên mới gọi là ngã mà thôi. Bởi chỉ vì danh tự v.v…, cho nên biết không có chân thật ngã.

Lại như trong kinh nói: Nếu người nào không thấy khổ, thì người nầy thấy có ngã. Nếu như thật thấy khổ thì không còn thấy ngã. Nếu thật có ngã thì người thấy khổ cũng phải thấy ngã.

Lại nói: Thánh nhân chỉ vì tùy tục nên mới nói là có ngã.

Lại trong kinh Phật nói: Ngã tức là động xứ. Nếu thật có thì không gọi động xứ. Như mắt có nên không gọi động xứ.

Lại như trong các kinh đều ngăn chấp ngã. Như Thánh Tìkheo-ni bảo ma vương rằng: Người gọi là chúng sinh tức là tà kiến. Vì các nhóm pháp hữu vi đều là trống không, không có chúng sinh.

Lại nói: Các hành hòa hợp nối nhau nên có, tức là huyễn hóa dối gạt phàm phu, đều là oán tặc, như mũi tên đâm vào tim, không có chắc thật.

Lại nói: Không ngã, không ngã sở, không chúng sinh, không người, chỉ là trống không. Tướng 5 ấm sinh diệt bại hoại mới có nghiệp, có quả báo mà thôi, chứ người làm ra là không thể có được. Các duyên hòa hợp nên mới có các pháp nối nhau. Vì các duyên do nầy nên trong các kinh Phật đều ngăn chấp ngã. Nên không có ngã.

Lại như trong kinh giải nghĩa thức như sau: Sao gọi là thức? Nghĩa là có thể biết sắc cho đến biết pháp chứ không nói biết ngã. Cho nên không có ngã. Tì-kheo Quần-na hỏi Phật rằng: Ai ăn thức thực? Phật đáp: Ta không nói có người ăn thức thực. Nếu có ngã nên nói ngã ăn thức thực. Vì không nói cho nên biết không có ngã.

Lại như trong Kinh Bình-sa Vương Nghinh Phật, có nói: Phật bảo các Tì-kheo rằng: Các ông xem những người phàm phu đuổi theo giả danh cho là có ngã. Trong 5 ấm nầy thật không có ngã và ngã sở.

Lại nói vì 5 ấm nên có các thứ tên như là ngã, chúng sinh, nhân, thiên v.v…, như vậy vô lượng danh từ đều do 5 ấm mà có. Nếu có ngã thì phải nói nguyên nhân ngã.

Lại như Trưởng lão Phất-ni-ca bảo ngoại đạo rằng: Nếu người tà kiến thì không mà cho là có. Phật muốn dứt tà mạn nầy chứ không dứt chúng sinh. Cho nên nói không ngã.

Lại như trong Kinh Viêm-ma-già, Xá-lợi-phất bảo Viêm-magià rằng: Ông thấy sắc ấm là A-la-hán chăng?

Đáp: Không phải.

Hỏi: Thấy thụ, tưởng, hành, thức là A-la-hán chăng?

Đáp: Không phải.

Hỏi: Thấy 5 ấm hòa hợp là A-la-hán chăng?

Đáp: Không phải.

Hỏi: Thấy lìa 5 ấm là A-la-hán chăng?

Đáp: Không phải.

Xá-lợi-phất nói: Nếu như vậy xét tìm không thể được, thì có nên nói A-la-hán sau khi chết là không có chăng?

Đáp: Thưa Xá-lợi-phất! Tôi trước đã có tà kiến ác nay được nghe nghĩa nầy, tà kiến kia liền diệt. Nếu như có ngã không gọi là ác sao?

Lại trong 4 thủ có nói ngã ngữ thủ. Nếu thật có ngã, nên nói ngã thủ, như dục thủ v.v…, không nên nói ngã ngữ thủ.

Lại như trong Kinh Tiên-ni nói: Trong tam sư, nếu có sư nào bất đắc hiện ngã hậu ngã, ta nói sư đó là Phật đấy. Vì Phật là bất đắc, nên biết không có ngã.

Lại trong vô ngã, ngã tưởng là điên đảo. Nếu trong ý ông cho rằng ngã tưởng trong ngã không phải điên đảo thì điều đó không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì Phật nói: Chúng sinh thấy có ngã, đều là thấy 5 ấm đấy. Cho nên không có ngã.

Lại nói chúng sinh nghĩ nhớ bao nhiêu túc mạng cũng đều là nghĩ đến 5 ấm đó thôi. Nếu như có ngã cũng nên nghĩ đến ngã, vì không nghĩ nên biết không ngã. Nếu trong ý ông bảo cũng có kinh nói nghĩ nhớ chúng sinh, như với chúng sinh nào đó, ta gọi tên chúng sinh đó. Điều này cũng không đúng. Vì đây là thế đế phân biệt, nên nói là thật nghĩ 5 ấm, chứ không phải nghĩ chúng sinh. Sở dĩ vì sao? Vì ý thức nghĩ, ý thức chỉ duyên nơi pháp. Cho nên không có nghĩ nghĩ nhớ chúng sinh.

Lại như có người nói quyết định có ngã, thì trong 6 thứ tà kiến quyết sa vào một thứ. Nếu ý ông bảo vô ngã cũng là một thứ tà kiến, thế là không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì là 2 đế. Nếu đem thế đế nói không ngã, đem đệ nhất nghĩa đế nói có ngã, là có lỗi. Tôi nay nói đệ nhất nghĩa đế nên không lỗi, nếu thế đế thì có. Cho nên không lỗi.

Lại Phật nói nhổ gốc ngã kiến, như trong lời hỏi của vua Si Vương. Phật đáp: Này Si Vương! Nếu có người dùng nhất tâm quán các thế gian là trống không, thì nhổ được gốc ngã kiến, không còn thấy vua chết nữa.

Lại như vì các thuyết nói nhân duyên có ngã buồn vui các việc đều do 5 ấm mà ra, và để phá các ngã kiến nhân duyên của ngoại đạo, cho nên nói không có ngã.

Phẩm 35: CÓ NGÃ, KHÔNG CÓ NGÃ

Hỏi: Ông nói không có ngã, điều này không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì trong 4 cách trả lời là cách trả lời thứ tư.

Nghĩa là người sau khi chết, hoặc có hoặc không, cũng có cũng không, không phải có không phải không. Nếu thật không có ngã thì không nên có những lối trả lời ấy.

Lại như người nào nói không có chúng sinh thụ thân sau, đó tức là tà kiến.

Lại trong 12 bộ kinh, có Kinh Bản Sinh, Phật tự nói: Khi ấy vua Đại Hỷ Kiến kia tức là thân ta. Có các truyện bản sinh như vậy. Năm ấm nay không phải 5 ấm xưa. Cho nên có ngã từ xưa đến nay.

Lại Phật nói nay vui mừng sau vui mừng, làm lành được 2 đời vui mừng. Nếu chỉ có 5 ấm, thì không nên nói 2 đời vui mừng.

Lại trong kinh nói: Tâm cấu uế nên chúng sinh cấu uế. Tâm thanh tịnh nên chúng sinh thanh tịnh.

Lại như một người sinh thế gian, thì nhiều người bị tổn hại.

Lại một người sinh thế gian, thì nhiều người được lợi ích.

Lại như gây nghiệp nhân lành hay không lành đều căn cứ nơi chúng sinh chứ không căn cứ nơi số phi chúng sinh.

Lại nhiều chỗ trong kinh, Phật tự nói: Ta nói có chúng sinh có thể thụ thân sau, và có thể tự lợi mà không lợi tha-v.v…. Vì các lẽ ấy nên biết có ngã. Ông trước tuy nói chỉ vì danh tự v.v…. Điều này không đúng. Sở dĩ vì sao? Là Phật chỉ vì ngoại đạo nói lìa 5 ấm riêng chấp có tướng ngã thường không hoại. Muốn dứt tà kiến nầy nên mới nói không có ngã. Nay chúng tôi nói 5 ấm hòa hợp, gọi đó là ngã nên không bị lỗi.

Lại tuy nói: Ngã chỉ vì danh tự v.v…, nên suy nghĩ kỹ lời nói nầy: Nếu chúng sinh chỉ là danh tự, thì nếu giết con bò bằng đất không bị tội sát sinh, thì giết con bò thật cũng không nên có tội.

Lại như trẻ con lấy tên một vật gì cúng thí, đều có quả báo, thì người lớn chỉ nói thí bằng cái tên cũng nên được báo. Nhưng thật không có được.

Lại chỉ cái tên, nên không mà nói có thì Thánh nhân cũng có vọng ngữ sao? Vì nói thật ngữ mới gọi là Thánh nhân chứ! Cho nên biết có ngã.

Lại như Thánh nhân thấy thật không có ngã mà tùy theo thế tục nên nói có ngã, thế là thấy điên đảo, vì nói khác.

Lại như vì tùy theo thế tục không mà nói có, thì không nên lại nói thật nghĩa trong kinh là 12 nhân duyên, 3 thứ giải thoát, và các pháp vô ngã v.v…. Nếu có người bảo có đời sau nên tùy theo mà nói có, trái lại có người bảo không, cũng tùy theo mà nói không.

Lại bảo muôn vật trong thế gian đều do trời Tự Tại sinh ra. Các thứ kinh sách tà kiến như vậy, cũng đều nên tùy thuận mà nói theo. Đó là điều không thể được. Cho nên ông đã dẫn kinh, nói chung đều bị đả phá hết. Cho nên không phải không có ngã.

Đáp: Ông trước nói vì bỏ không đáp nên biết có ngã. Đó là điều không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì đây là pháp bất khả thuyết. Sau trong nhóm diệt đế sẽ phân biệt nói rộng. Cho nên không có thật ngã, và bất khả thuyết là chỉ vì giả danh mà nói, chứ không phải thật có.

Lại ngã trong pháp của ông lấy 6 thức mà biết, như trong kinh của ông nói: Do mắt thấy sắc cho nên ngã hoại. Vậy cái bị biết của nhãn thức thì không nên nói phi sắc phi phi sắc, thanh v.v… cũng vậy.

Lại nữa, nếu ngã là cảnh được biết của 6 thức thì cũng trái với kinh. Vì trong kinh nói: Năm tình thức không thể thay đổi nhau mà thủ 5 trần, vì chủ vào việc khác nhau. Nếu lấy 6 thức mà biết được ngã, thì 6 căn dùng được cho nhau sao?

Lại nữa, lời ông nói trước sau mâu thuẫn nhau, như cái được biết của nhãn thức không gọi là sắc?

Lại ông nói: Vô ngã là tà kiến. Trong kinh, Phật tự bảo các Tìkheo rằng: Tuy không có ngã, nhưng vì các hành nối nhau, mới nói có sinh tử. Ta dùng thiên nhãn thấy các chúng sinh khi sinh khi chết, cũng không nói là ngã.

Lại nữa, trong pháp của ông có lỗi, như ông nói ngã không sinh. Nếu không sinh thì không cha mẹ. Không cha mẹ thì không có nghịch tội, cũng không có các tội nghiệp khác nữa. Cho nên pháp ông là tà kiến.

Lại nữa, ông nói có bản sinh là do 5 ấm nên gọi là Hỷ Kiến vương, tức 5 ấm kia nối nhau, nên gọi là Phật. Cho nên nói ta là vua kia. Trong pháp ông, ngã là một, vậy không nên phân biệt.

Lại nữa, ông nói làm lành 2 đời mừng vui. Trong kinh, Phật tự ngăn điều này, nói ngã không nói có người bỏ 5 ấm nầy thụ ấm kia, chỉ vì 5 ấm nối nhau không khác, nên mới nói 2 đời mừng vui.

Lại nữa, ông nói tâm cấu bẩn nên chúng sinh cấu bẩn. Do đó nên biết không có thật ngã. Nếu có thật ngã nên cùng với tâm khác, không nên nói tâm cấu bẩn nên chúng sinh cấu bẩn. Sở dĩ vì sao? Vì không thể kia cấu bẩn mà đây nhận chịu. Chỉ vì giả danh nhân duyên mới có nhơ bản nên nói giả danh nhơ bẩn. Cho nên giả danh là ngã, không phải chận thật.

Lại như pháp ông nói ngã không phải 5 ấm. Vậy thì không sinh không diệt, không có tội phúc v.v…, có những lỗi như vậy. Tôi nói 5 ấm hòa hợp giả danh là ngã. Do ngã nầy cho nên có sinh có diệt, và có tội phúc v.v…, không phải không có giả danh, chỉ là không phải thật.

Lại như trước ông nói vì muốn phá ngoại đạo nên Phật nói không ngã. Đó là ông tự vọng tưởng phân biệt như thế, chứ ý Phật không phải vậy.

Lại các thuyết nói có ngã đều là lầm lỗi, như ông nói ngoại đạo rời 5 ấm rồi riêng chấp có ngã, ông cũng như vậy. Sở dĩ vì sao? Vì 5 ấm vô thường mà ngã không thể nói hoặc thường hay vô thường, tức là rời ấm.

Lại nữa ấm có 3 phần là giới định tuệ, thiện bất thiện vô ký, Dục giới hệ, Sắc giới hệ, Vô săc giới hệ. Phân biệt như thế, thì ngã là không thể được, nên khác với 5 ấm.

Lại ngã là người, 5 ấm không phải người, tức là khác.

Lại ấm là 5, ngã là 1, cho nên ngã không phải ấm. Nếu vì các duyên do nầy mà có ngã, thì khác với 5 ấm.

Lại thế gian không có một pháp nào không thể nói một không thể nói khác, cho nên không có pháp gọi là bất khả thuyết.

Hỏi: Như đốt cháy và cháy được, không được nói là một, không được nói là khác. Ngã cũng như vậy?

Đáp: Đó cũng là đồng nghi. Cái nào là đốt cháy, cái nào là cháy được? Nếu thứ lửa là đốt cháy, thứ khác là cháy được, thì đốt cháy khác với cháy được. Nếu thứ lửa tức là cháy được, làm sao nói không một? Nếu thứ cháy được tức là thứ lửa, nếu rời thứ lửa, cũng đều không được, nên mới gọi là đồng nghi. Nếu trong đốt cháy, có cái có thể cháy được, như trong ngã có sắc, tức sa vào thân kiến.

Lại phải nhiều ngã, như lửa củi khác, lửa phân bò khác. Ngã cũng như vậy, ngã nhân ấm khác, ngã thiên ấm khác, tức là nhiều ngã.

Lại như đốt cháy và cháy được ở trong 3 đời, ngã và 5 ấm cũng phải ở trong 3 đời như vậy, như đốt cháy và cháy được. Vì là hữu vi nên ngã và 5 ấm cũng phải là hữu vi.

Lại tuy ông nói đốt cháy và cháy được không một không khác. Nhưng mắt thấy tướng khác ngã và 5 ấm cũng phải có khác.

Lại 5 ấm mất, mà ngã không mất, vì chết nơi đây, sinh đến nơi kia, có 2 đời mừng vui. Nếu tùy theo 5 ấm có mất có sinh, thì đồng như 5 ấm không được gọi 2 đời mừng vui. Ông dùng vọng tưởng phân biệt có ngã, được những lợi gì?

Lại trong các thứ trần, không có một trần nào được biết của cả 6 thức. Ngã mà ông đã nói có thể 6 thức đều biết được, thế thì không phải là 6 trần.

Lại không gồm trong 12 nhập, tức không phải các nhập. Không gồm trong 4 đế, cho nên nếu nói có ngã tức vọng ngữ.

Lại trong pháp ông nói, pháp khả tri là 5 pháp tạng: quá khứ, vị lai, hiện tại, vô vi và bất khả thuyết. Ngã ở trong pháp thứ 5, tức khác với 4 pháp kia. Ông muốn cho khác với 4 pháp trước mà không phải thứ 5 là không thể được. Như nói ngã là bị các lỗi nầy thì cần gì vọng tưởng phân biệt ngã làm chi? Cho nên trước ông nói có câu:

Ngoại đạo rời 5 ấm rồi riêng chấp có ngã, chúng tôi không phải vậy. Điều này không đúng.

Lại trước ông nói ngã chỉ giả danh nên nghĩ kỹ. Điều này không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì trong Phật pháp nói việc thế đế không cần nghĩ kỹ.

Lại ông nói vọng ngữ thấy điên đảo, cũng như vậy.

Lại như ông nói: Không nên nói thật nghĩa trong kinh. Điều này nên nói, vì khiến cho biết đệ nhất nghĩa.

Lại ông nói, những chỗ thế gian nói đều nên tùy thuận theo. Nhưng nếu nói trời Tự Tại sinh ra muôn vật v.v… thì không nên chấp nhận. Nếu có lợi ích và không trái với thật nghĩa thì chấp nhận, nên không lỗi. Nếu trong thế đế có thể sinh công đức, có thể có lợi ích, như vậy nên chấp nhận. Điều này sau sẽ nói rộng.

Lại ông nói giết con bò bằng đất v.v…, không tội sát sinh. Nay xin trả lời: Nếu đối với các loài có tình thức, các ấm nối nhau thì có nghiệp và nghiệp báo. Với con bò bằng đất v.v… không có việc như thế. Cho nên phải biết 5 ấm hòa hợp giả danh là ngã, chứ không phải thật có.

Phẩm 36: SẮC TƯỚNG TRONG LUẬN VỀ SẮC CỦA NHÓM KHỔ ĐẾ

Hỏi: Trước ông nói sẽ luận về thành thật. Nay nói những gì là thật đây?

Đáp: Thật, là 4 đế. Đó là khổ, nhân của khổ, khổ diệt, đạo diệt khổ. Năm thụ ấm là khổ. Các nghiệp và phiền não là nhân của khổ. Hết khổ là khổ diệt. Tám Thánh đạo là đạo diệt khổ. Vì muốn thành lập pháp ấy nên mới tạo luận nầy. Phật tuy tự thành lập pháp nầy, để độ chúng sinh nên đã nói tản mác ở nhiều nơi.

Lại Phật lược nói pháp tạng có 8 vạn 4 ngàn, trong đó có 4 y, 8 nhân. Nghĩa nầy hoặc bỏ mà không nói, hoặc có nói lược qua. Tôi nay muốn soạn tập có thứ lớp cho nghĩa được rõ ràng nên nói.

Hỏi: Ông nói 5 thụ ấm là khổ đế. Những gì là 5?

Đáp: Sắc ấm, thức ấm, tưởng ấm, thụ ấm và hành ấm.

Sắc ấm là 4 đại, và những pháp gì do 4 đại mà thành. Và những pháp gì do 4 đại tạo thành gọi chung là sắc. Bốn đại là địa, thủy, hỏa, phong. Do sắc, hương, vị và xúc nên thành 4 đại. Do 4 đại nầy thành nhãn v.v… 5 căn. Các thứ này chạm nhau nên mới có tiếng. Địa là sắc v.v… nhóm họp cứng nhiều, nên gọi là địa. Như vậy ẩm ướt nhiều gọi thủy, nóng nhiều gọi là hỏa, nhẹ động nhiều gọi phong. Nhãn căn chỉ duyên sắc và làm chỗ nương cho nhãn thức, và khi đồng tính không nương, đều gọi nhãn căn. Bốn căn kia cũng như vậy. Sắc là chỉ làm chỗ bị duyên cho nhãn thức, và khi đồng tính không duyên, gọi là sắc. Hương, vị, xúc cũng vậy. Các thứ này chạm nhau nên có tiếng.

Phẩm 37: SẮC DANH

Hỏi: Trong kinh nói các sắc có, đều là 4 đại, và do 4 đại làm nhân mà thành.

Vì sao nói có, là đều là?

Đáp: Nói có, là đều là, là quyết định nói sắc tướng, chứ không nói gì khác. Vì người ngoại đạo nói có 5 đại. Vì muốn bỏ thuyết này, nên nói 4 đại và do 4 đại làm nhân mà thành. Bốn đại giả danh nên mới có. Phổ biến đến nên gọi là đại. Pháp không sắc không hình. Vì không hình, nên không phương. Vì không phương nên không gọi là đại. Lại vì thô hiện lên nên gọi là đại. Tâm số pháp không hiện, nên không gọi là đại.

Hỏi: Vì sao gọi các pháp như địa v.v… là sắc, mà không gọi thanh v.v…?

Đáp: Pháp có đối gọi là sắc, thanh v.v… đều có đối nên cũng gọi là sắc, chứ không phải như tâm pháp v.v…. Có hình nên gọi là sắc. Thanh v.v… đều có hình nên cũng gọi là sắc. Xứ sở ngăn ngại nên gọi là hình.

Hỏi: Sắc v.v… không phải đều có hình, thanh v.v… mới không có hình.

Đáp: Thanh v.v… tất cả có hình. vì có hình, vì có đối, nên có ngăn ngại, như bị vách ngăn thì không nghe.

Hỏi: Nếu thanh v.v… có ngăn ngại, thì phải không thu nhận các vật, như vách ngăn nên không dung nạp được gì.

Đáp: Vì thanh vi tế nên có thể thu nhận được, như hương vị v.v… vi tế nên chung nương một hình, mà không trở ngại nhau. Cho nên thanh v.v…, vì có ngại có đối, nên đều gọi là sắc.

Lại vì tướng nó có thể tổn hoại, nên gọi là sắc. Có những sự cắt đứt tàn hại v.v…, đều nương nơi sắc. Vì trái với sắc nầy, nên gọi là vô sắc định.

Lại hiển thị nghiệp lành dữ đời trước, nên gọi là sắc.

Lại cũng hiển thị tâm và tâm số pháp, nên gọi là sắc.

Lại vì xưng danh, nên gọi là sắc.

Phẩm 38: BỐN ĐẠI GIẢ DANH

Hỏi: Bốn đại là giả danh, nghĩa nầy chưa thành lập được vì có người nói 4 đại là thật có?

Đáp: Bốn đại giả danh nên mới có. Sở dĩ vì sao? Phật vì ngoại đạo nên nói 4 đại. Có các ngoại đạo nói sắc v.v… tức là đại, như phái Tăng-khư v.v…. Hoặc nói rời sắc v.v… là đại, như Vệ-thế sư v.v…. Cho nên kinh nầy quyết định nói do sắc v.v… mới thành địa v.v… các đại. Cho nên biết các đại là giả danh có.

Lại như kinh nói địa chủng là cứng và nương cứng. Cho nên không chỉ có cứng cho là địa.

Lại người đời cũng đều tin các đại là giả danh có. Sở dĩ vì sao? Vì người đời nói trông thấy đất, ngửi thấy đất, chạm vào đất và mùi vị đất.

Lại trong kinh nói: Đất có thể trông thấy và đụng chạm.

Lại vào đất v.v…, vào trong tất cả, người ấy thấy sắc đất mà không thấy cứng v.v….

Lại người chỉ ra sắc đất, hương đất, vị đất, xúc đất; trong pháp thật có, không thể chỉ ra gì khác.

Lại nghĩa của tên đại là phổ biến cùng khắp, tướng nầy là nói trong giả danh, chứ không chỉ nói trong tướng cứng.

Lại nói địa trụ trên thủy là giả danh địa trụ, không phải chỉ có tính cứng trụ.

Lại nói cõi đại địa bị đốt cháy tận diệt mà không còn khói than là đốt cái địa giả danh, không phải chỉ đốt cái tính cứng.

Lại vì sắc v.v… nên tin có địa v.v…, không phải chỉ có tính cứng v.v….

Lại trong thí dụ cái giếng nói, nước cũng thấy cũng xúc. Nếu tính ướt là nước thì không có 2 thứ được. Sở dĩ vì sao? Vì Phật nói 5 tình thức không thể thay nhau thủ trần cảnh. Cho nên Phật nói nước có 8 công đức là nhẹ nhàng, mát mẻ, mềm mại, ngon ngọt, trong sạch không hôi, mỗi khi uống vào điều hòa khoan khoái, và uống rồi không bệnh hoạn. Trong đây như nhẹ mát mềm đều thuộc xúc nhập, ngọt thuộc vị nhập, trong sạch thuộc sắc nhập, không hôi là hương nhập, điều hòa khoan khoái và không bệnh là thế lực của nước. Tám thứ hòa hợp nầy gọi chung là nước. Cho nên biết các đại là giả danh có.

Lại pháp do làm thành đều là giả danh không thật có. Như trong kệ nói: Bánh xe v.v… hòa hợp, nên gọi là cái xe, 5 ấm hòa hợp, nên gọi là người.

Lại như A-nan nói: Các pháp do nhiều duyên thành, ta không quyết định chỗ nào cả.

Lại như có người nói tính cứng v.v… là đại. Người ấy cho rằng tính cứng v.v… làm chỗ nương cho sắc v.v…. Vậy thì có nương, có chủ không phải là Phật pháp. Cho nên biết 4 đại đều là giả danh.

Lại trong các pháp có mềm mịn trơn láng v.v…, đều thuộc xúc nhập. Tính cứng v.v… 4 pháp có nghĩa gì đâu mà riêng được gọi là đại? Lại nữa, một thứ mà có 4 chấp, đều có sai lầm. Cho nên biết 4 đại chỉ là giả danh.

Lại nữa, thật pháp hữu tướng, giả danh hữu tướng, và giả danh sở năng sau sẽ nói rộng. Cho nên 4 đại không phải thật có.

Phẩm 39: BỐN ĐẠI THẬT CÓ

Hỏi: Bốn đại là thật có. Sở dĩ vì sao? Vì trong A-tì-đàm nói: Tướng cứng là địa chủng, tướng ướt là thủy chủng, tướng nóng là hỏa chủng, tướng động là phong chủng. Cho nên 4 đại là thật có.

Lại sắc v.v… tạo sắc, do 4 đại sinh, giả danh có thì không thể sinh pháp được.

Lại lấy tính cứng v.v… chỉ cho 4 đại, như nói tính cứng, nương tính cứng là địa. Cho nên tính cứng v.v… là thật đại.

Lại như trong kinh, Phật nói 2 thứ: Cứng nương cứng, ướt nương ướt v.v…. Cho nên biết cứng là thật pháp, nương cứng là giả danh. Các đại khác cũng vậy. Cho nên cứng v.v… là thật đại. Pháp nương cứng vì tùy tục nên gọi là đại thôi. Cho nên mới có 2 thứ đại, vừa thật vừa cũng là giả danh.

Lại như trong A-tì-đàm nói: Hình xứ là địa, tướng cứng là địa chủng. Các đại khác cũng như vậy.

Lại trong kinh Phật nói: Trong con mắt có tính cứng và nương cứng là địa, tính ướt và nương ướt là thủy, tính nóng và nương nóng là hỏa. Thịt là địa. Trong thịt nầy Phật nói có 4 đại, thì phải biết cứng v.v… là thật đại, mà hình là giả danh đại.

Lại Phật không nói trong phong có nương, nên mới biết phong là thật đại.

Lại nếu ai nói 4 đại là giả danh, thì lìa tướng đại, nếu nương cứng gọi là địa chủng thì thủy nương vật cứng, thủy tức là địa ư? Cục đất bùn nương ướt, đất bùn tức là thủy ư? Như người bị sốt, cả thân đều nóng, thân tức là hỏa ư? Điều này không đúng. Cho nên không được nói nương cứng là địa chủng, mà chỉ có tính cứng mới là địa chủng. Các đại khác cũng như vậy.

Lại nữa, 4 đại cùng sinh, cho nên không rời nhau. Như trong kinh nói: Có bao nhiêu sắc đều do 4 đại tạo thành. Nếu ai nói 4 đại là thật, thì không rời nhau. Mà nếu 4 đại giả danh thì phải rời nhau. Sở dĩ vì sao? Vì các thứ sắc v.v… nương cứng, rời các thứ ướt v.v…, như vậy thì trong con mắt không có 4 đại, tức trái với kinh. Ông muốn không trái với kinh thì phải công nhận 4 đại là thật.

Trước ông nói: Vì ngoại đạo nên nói 4 đại. Điều này không đúng. Bởi vì sao? Vì các ngoại đạo nói 4 đại cùng với sắc v.v… hoặc một hoặc khác. Chúng tôi nói một phần ít xúc nhập là 4 đại. Cho nên không bị lỗi.

Lại chúng tôi nói hiện thấy cứng v.v… là 4 đại, chứ không phải như người phái Vệ-thế sư nói 4 đại cũng có mà không phải hiện thấy.

Lại ông nói cứng và nương cứng. Có 2 nghĩa của nương, như trong kinh nói sắc nương sắc.

Lại nói tâm nương đại pháp. Trong nghĩa nầy nói cứng tức là nương cứng, mà không nói pháp nào khác. Nếu vậy thì đâu có lỗi gì?

Lại ông nói người đời đều tin, cho đến nước có 8 thứ công đức. Đó chỉ là tùy tục mà nói vậy thôi, chứ không phải là thật đại.

Lại ông nói pháp nhân đó mà thành, đều là giả danh. Điều này không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì trong kinh nói: Nếu 6 xúc nhập, hoặc pháp do 6 xúc nhập mà thành.

Lại có Tì-kheo hỏi Phật: Những gì là mắt? Phật đáp: Do 4 đại tạo thành sắc thanh tịnh, đó gọi là mắt. Như vậy thành 12 thứ nhập.

Lại ông nói có chủ có nương. Chúng tôi không cho là như vậy, mà chỉ nói: Pháp trụ ở trong pháp.

Lại ông nói: Cứng v.v… có nghĩa gì mà được riêng gọi là đại? Cứng v.v… có nghĩa là như tướng cứng có thể gìn giữ, tướng nước có thể thấm ướt, tướng lửa có thể làm nóng, còn gió có thể thành tựu. Cho nên 4 đại là thật.

Phẩm 40: KHÔNG PHẢI KIA CỨNG

Đáp: Không đúng. Bốn đại là giả danh. Ông tuy dẫn trong A-tì-đàm nói tướng cứng là địa chủng v.v…. Điều này không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì Phật tự nói cứng và nương cứng là địa, chứ không phải chỉ nói tướng cứng. Cho nên đấy không phải nguyên nhân chính.

Lại ông nói sắc v.v… do 4 đại sinh. Điều này không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì sắc v.v… do nghiệp phiền não, ăn uống, dâm dục v.v… mà sinh. Như trong kinh nói: Mắt do đâu sinh? Do nghiệp sinh.

Lại nói tham vui nhóm nên sắc nhóm.

Lại như A-nan dạy Tì-kheo-ni rằng: Thân chị là từ ăn uống mà sinh, từ ái mạn mà sinh, và từ dâm dục mà sinh. Cho nên biết sắc v.v…, không chỉ từ 4 đại mà sinh.

Hỏi: Sắc v.v… tuy do nghiệp v.v… sinh, mà 4 đại cũng cần có dự một chút nhân chứ? Như nhân nghiệp nên mới có lúa, lúa nầy cũng nhờ hạt giống v.v… mà sinh. Như vậy mắt v.v… tuy do nghiệp sinh, mà 4 đại cũng làm một chút nhân.

Đáp: Hoặc có vật không nhân duyên mà sinh, như khi kiếp tận rồi, kiếp sơ có trận mưa lớn, thì nước mưa nầy do từ đâu sinh?

Lại như sở dục của các chư thiên, nghĩ là được. Như người ngồi thiền và những người đại công đức, sở dục tùy ý. Các điều nầy đâu có duyên do gì, đâu phải chỉ là nghiệp?

Lại như sắc tướng dứt nối rồi lại sinh nữa. Như người sinh về cõi Vô săc, rồi sinh trở lại cõi Sắc. Sắc nầy lấy gì làm gốc?

Hỏi: Tại sao có vật chỉ do nghiệp sinh, tại sao lại có vật đợi trợ duyên bên ngoài mới sinh?

Đáp: Nếu có chúng sinh nghiệp lực yếu nên phải nhờ hạt giống của các duyên trợ giúp mới thành. Nếu nghiệp lực mạnh thì không cần ngoại duyên.

Lại nữa, pháp là phải như vậy, hoặc có nghiệp, hoặc có pháp, hoặc có sinh xứ, nhưng chỉ do nghiệp lực mà được, chứ không cần ngoại duyên.

Lại nếu cần nhân duyên, thì nên nói hạt giống làm nhân cho mầm v.v…. Vì sao phải nói do cứng v.v… sinh?

Lại vì nghĩa gì mà do cứng v.v… sinh sắc v.v… mà không do sắc v.v… sinh cứng v.v… ư?

Lại nữa cứng v.v… có sắc v.v… cùng chung lại sinh, tại sao nói do cứng v.v… có sắc v.v…, mà không do sắc v.v… có cứng v.v…?

Lại pháp đồng thời sinh, thì không thể làm nhân cho nhau được, như 2 cái sừng đồng sinh, không được nói tả hữu làm nhân cho nhau.

Hỏi: Như đèn với sáng tuy đồng thời sinh, cũng nói sáng nhờ đèn, đèn không nhờ sáng. Điều này cũng vậy?

Đáp: Đèn với sáng không khác. Đèn do 2 pháp hợp thành: 1. Sắc. 2. Xúc. Sắc tức là sáng, cho nên không được nói khác với đèn. Ví dụ nầy, ông không suy nghĩ kỹ.

Hỏi: Sáng nầy từ đèn đi tản đến các nơi. Cho nên phải khác?

Đáp: Không đi tản đến chỗ khác. Sắc sáng nầy hiện thấy ở trong đèn. Nếu đi chỗ khác, thì khi đèn tắt cũng vẫn còn thấy sáng, mà thật không thấy. Nên phải biết sáng nầy không khác đèn.

Hỏi: Lại có pháp đồng thời sinh cũng làm nhân quả cho nhau, như cái thức trong hữu đối, lấy nhãn sắc làm nhân duyên, chứ không phải nhãn sắc, lấy thức làm nhân duyên?

Đáp: Không đúng. Nhãn thức lấy tâm trước làm nhân, lấy nhãn sắc làm duyên. Bởi tâm trước diệt rồi làm sao đồng sinh?

Lại nếu pháp tùy sở nhân mà sinh tức là nhân thành, nếu tâm nhân nhờ tình trần mà có, tức là pháp do nhân thành.

Lại nữa, 4 đại tức là tạo sắc, vì là nhân sở sinh.

Lại hiện thấy vật ở thế gian do từ nhân giống nhau mà sinh, như do lúa sinh lúa, do bắp sinh bắp. Như vậy do đất sinh đất, không sinh nước v.v…. Cũng như do sắc sinh sắc. Cứ như vậy v.v….

Hỏi: Cũng thấy có vật do từ nhân khác sinh, như trồng ngược lông bò thì có cây xương bồ sinh, trồng sừng thì có cây lau sinh?

Đáp: Tôi không nói không do từ nhân khác sinh, chỉ nói trong nhân giống nhau cũng sinh được. Cho nên nói từ sắc v.v… sinh sắc v.v…, không chỉ từ 4 đại sinh. Cho nên không được nhất định nói sắc v.v… từ 4 đại sinh.

Lại như ông nói do cứng v.v… hiển thị 4 đại. Cho nên cứng v.v… là thật đại. Điều này không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì tướng cứng v.v… quyết định có thể dùng phân biệt 4 thứ mềm v.v… không nhất định. Hoặc ở trong nhiều thứ cứng, hoặc ở trong nhiều thứ ướt. Cho nên không thể dùng phân biệt các thứ ấy được. Các thứ khác cũng vậy.

Lại với xúc các cứng v.v… phân biệt thứ nào gọi là mềm v.v…. Tại sao? Nếu cho ướt cũng sinh được tính dẻo, mềm, trơn, láng. Vì tướng cứng nhiều cho nên cứng rắn, thô rít như thế v.v…. Cho nên chỉ dùng tính cứng phân biệt 4 thứ.

Lại như trong kinh nói: Vì nương cứng nên hiển thị 4 đại sai khác. Cho nên biết pháp nương cứng gọi là địa chủng, chứ không phải chỉ là tướng cứng. Cho nên nói tướng cứng là nhân thành địa.

Lại với trong sự tạo thành địa, tướng cứng là nhân vượt trội, cho nên đặc biệt nói đến nó, các tướng khác cũng vậy.

Lại do đặt danh tự có bao nhiêu cứng nương cứng đều gọi địa chủng.

Hoặc lại có người chỉ nói tướng cứng là địa chủng. Vì muốn phá nghĩa nầy nên Phật mới nói cứng nương cứng là địa chủng. Các đại khác cũng như vậy.

Lại trong nhiều tướng cứng, vì cứng nhiều nên có 2 thứ nói. Trong tất cả thứ nhiều đều có cứng v.v… các xúc. Nếu cứng nương cứng, gọi là địa chủng; hoặc ướt nương ướt, gọi là thủy chủng; hoặc nóng nương nóng, gọi là hỏa chủng.

Lại cứng là nhân vượt trội thành địa, cho nên đối với trong ấy gọi là địa thành. Trong giả danh nhân duyên, có giả danh danh tự, như nói ta thấy người chặt rừng.

Lại như người nói có 2 thứ nói. Điều này không đúng. Nếu tùy theo thứ nói là thật, thì 12 nhập v.v… không phải thật. Cho nên nhân nhãn duyên sắc mới có nhãn thức sinh, vậy là không phải thật, vì không nói thứ nào. Đó là tà luận.

Lại như Phật nhập Hỏa chủng định, từ thân Phật phóng ra nhiều thứ sắc lửa; trong ấy thứ nào là hỏa chủng? Do sắc v.v… thành hỏa, không phải chỉ có tướng nóng.

Lại như Phật nói thân nầy là cái hòm nhỏ, trong chỉ đựng những tóc lông móng tay v.v…. Như trong kinh nói: Trong thân nầy có tóc lông móng tay v.v…. Do đó tóc lông móng v.v… là địa chủng chứ không phải lấy có 2 thứ lời nói mà gọi là thật pháp.

Lại trong Kinh Chủng Tử nói: Nếu có địa chủng mà không có thủy chủng thì các hạt giống không thể sinh trưởng được. Trong đây thứ nào là địa chủng? Nghĩa là giả danh ruộng, không không phải chỉ là tướng cứng. Thủy cũng giả danh, không phải chỉ là tướng ướt.

Lại một pháp mà 2 thứ vừa thật vừa giả danh là không thể được. Cho nên sắc v.v… là thật.

Lại nhãn v.v… vì giả danh nên có các đại cũng thật cũng giả danh, đó cũng là tà luận.

Lại trong Kinh Lục Chủng, Phật nói tóc lông móng v.v… gọi là địa chủng.

Lại trong Kinh Tượng Bộ Dụ cũng nói tóc lông móng v.v… là địa chủng.

Lại nữa, lấy nghĩa gì nói chủng là thật, mà không nói chủng là giả danh? Và nghĩa nầy không phải chép trong kinh.

Lại như ông nói Phật nói trong con mắt có bao nhiêu cứng nương cứng là địa v.v…, Phật dùng lời nầy để chỉ rõ 5 căn do 4 đại mà thành. Hoặc có người nói do từ ngã sinh căn, hoặc bảo lìa đại riêng có căn, hoặc nói các căn do các thứ tính sinh, nghĩa là từ địa đại sinh tĩ căn v.v…. Vì Phật muốn dứt các chấp nầy nên mới nói nhãn v.v… các căn do 4 đại hợp thành, không có thật pháp.

Lại do phân biệt mà thành giả danh nhân duyên, thì giả danh cũng không có.

Lại trong thịt nầy có 4 phần cứng nương cứng v.v…, Phật dùng lời nầy để chỉ trong các vật có là do từ 4 đại sinh.

Lại ông nói Phật không nói trong phong có nương, nên gọi là thật đại, Điều này không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì tính nhẹ trong phong là tướng vượt trội, không phải nương pháp nhẹ. Trong địa v.v… nương pháp cứng v.v… là vượt trội, phong thì không phải vậy. Lại nương pháp nhẹ ít, nên không nói.

Lại như ông nói: Nếu nói 4 đại là giả danh thì rời tướng đại, điều này không đúng. Như cứng nương cứng do 4 đại sinh, gọi là địa chủng, chứ không gọi vật khác đến nương. Nếu pháp khác tướng, thì không gọi là nương nhau, mà là rời nhau.

Hỏi: Sinh, thì không gọi là nương, mà nương là vật khác đến nương?

Đáp: Danh tự là nương, chứ không phải vật khác đến nương, vì sinh pháp sai khác. Như nói hư không phổ biến đến khắp cả, mà sự thật là không đến đâu cả.

Lại ông nói 4 đại chung sinh, điều này không đúng. Như trong ánh sáng mặt trời, chỉ có sắc và có thể tiếp xúc cái nóng được, chứ không có pháp gì khác. Trong ánh sáng mặt trăng, chỉ có sắc và có thể cảm xúc cái mát lạnh, mà không có pháp gì khác. Cho nên không phải trong tất cả vật đều có 4 đại. Như có vật không có mùi vị như kim cương v.v…, có vật không hương như vàng bạc v.v…, có vật không sắc như hơi ấm trong nhà v.v…, có vật không nóng như mặt trăng v.v…, có vật không lạnh như lửa v.v…, có vật động nhau như gió v.v…, có vật không động như tảng đá v.v…. Như vậy hoặc có vật không cứng, hoặc có vật không ướt, hoặc có vật không nóng, hoặc có vật không động. Cho nên 4 đại không phải không rời nhau.

Hỏi: Vì nhờ nhân duyên bên ngoài, nên tính các đại phát ra. Như vàng trong đá v.v… có tướng chảy, chờ khi có lửa thì phát ra. Trong nước có tướng cứng, nhờ lạnh thành băng giá. Trong gió có tướng lạnh nóng, nhân khi nước lửa thì phát ra. Trong cỏ cây có tướng động, khi có gió phát ra. Cho nên trước sẵn có tự tính, rồi nương nhờ duyên ngoài mà phát sinh ra. Cho nên biết 4 đại không thể lìa nhau được. Nếu không sẵn có bản tính thì làm sao phát ra được?

Đáp: Nếu như vậy thì trong gió hoặc có hương, hương phải có ở trong gió, như hương ướp trong dầu, hương phải có ở trong dầu. Điều này không đúng. Lại không do các đại sinh tạo sắc, như do ướt sinh ướt. Như vậy do sắc sinh sắc.

Lại nếu không rời nhau, thì trong nhân có quả, như đồng nữ có con; trong đồ ăn có bất tịnh v.v…. Chúng tôi không nói trong nhân có quả. Tuy trong sữa không bơ, mà bơ từ sữa sinh. Như vậy cần gì nhớ tưởng phân biệt bảo 4 đại cùng sinh không rời nhau ư?

Phẩm 41: LÀM SÁNG TỎ BẢN TÔNG

Trước ông nói: Chúng tôi không nói 4 đại với sắc hoặc một hoặc khác, cho nên không có lỗi. Điều này không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì các ngoại đạo muốn thành lập thuyết thần ngã, nên lấy 4 đại là một là khác làm thí dụ. Cho nên Phật đối với trong giả danh lấy 4 đại làm thí dụ, mới nói nghĩa 4 đại. Nếu không phải như vậy thì không nên nói. Người thế gian đều tự nhiên biết địa v.v… 4 đại mà không thấu rõ thật tính, cho nên mới vì nói, mà không nói cái tay v.v…. Nếu cho cứng v.v… là 4 đại, thì có lợi ích gì?

Lại như ông nói nghĩa nương có 2 thứ là các đại là thật. Điều này chưa rõ. Phải biết nghĩa nương nầy khác, đó tức là giả danh.

Lại ông nói tùy tục mà nói không phải là thật đại. Điều này không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì hoặc trong kinh sách, hoặc người đời đều không cho rằng không nhân duyên nên trong sắc v.v… đặt ra tên 4 đại. Như người đời nói: Tôi thấy người. Trong sắc v.v… nói tên người, chứ không phải không nhân duyên. Nếu không có nhân duyên mà miễn cưỡng đặt tên, vậy thì thấy ngựa nên nói là người, mà thật đâu phải vậy được.

Lại vì cớ chi mà không đối với tiếng nói gọi là đất? Người đời thường nói tiếng đất mà không bao giờ nói tiếng là đất. Nếu không nhân duyên mà miễn cưỡng đặt tên, thì cũng có thể nói tiếng là đất được. Mà thật không phải nói vậy được. Cho nên sắc v.v… 4 pháp là địa. Trong địa phần, gọi tên địa. Như sắc là nhân thành giả danh, trong đó gọi tên người, trong cây gọi tên rừng, trong Tì-kheo gọi tên Tăng. Như vậy trong pháp sắc v.v… gọi tên tứ đại.

Lại ông nói 6 xúc nhập, hoặc nhân 6 xúc nhập tạo thành. Kinh nầy không phải như vậy. Như trong pháp ông, tạo sắc không có chỗ có thể sinh. Trong pháp tôi cũng vậy, trong giả danh lại không có cái được sinh. Cho nên kinh nầy không nên có, nếu có nên đổi nghĩa nầy đi.

Lại ông nói nhân 4 đại tạo sắc thanh tịnh nên gọi là nhãn. Điều này không phải như vậy. Bốn đại hòa hợp giả danh là nhãn. Phật gọi 4 đại là sắc, sắc thanh tịnh nên gọi là nhãn.

Lại tuy ông nói pháp trụ trong pháp, không nương không chủ, tức là có nương chủ, vì nghĩa trụ là nương, pháp bị nương là chủ.

Lại ông nói tướng cứng có thể duy trì v.v…, Điều này không phải vậy. Không phải chỉ có tính cứng có thể duy trì mà nhờ nhiều nhân duyên khác nữa. Các thứ khác cũng như vậy. Cho nên 4 đại là giả danh có.

Phẩm 42: KHÔNG CÓ TƯỚNG CỨNG

Hỏi: Ông nói nhiều sắc cứng thành địa đại. Cho nên địa v.v… là giả danh. Điều này không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì pháp cứng còn không có, huống là giả danh địa. Nếu cục đất bùn là cứng, cục đất bùn cũng tức là mềm. Cho nên biết tướng cứng không nhất định.

Lại vì ít nhân duyên nên sinh tâm biết cứng, nếu vi trần hợp thưa thớt, gọi là mềm, hợp dày đặc gọi là cứng. Cho nên không nhất định.

Lại trong một pháp không có 2 chạm xúc, khiến tâm nầy sinh biết thân cứng mềm không nhất định. Vì đối đãi nhau mà có, như thấy tấm Khâm-bạt-la thì gọi là mền vì nó mềm, mà gọi là nệm vì nó cứng. Xúc pháp không nên đối đãi nhau mà có.

Lại tự thấy vàng đá, thì biết là xúc cứng, không phải mắt có thể biết được cho nên không có cứng. Vì các nhân duyên nầy nên các xúc như mềm v.v… cũng đều không có.

Phẩm 43: CÓ TƯỚNG CỨNG

Đáp: Thật có tướng cứng. Tuy ông nói cục bùn là cứng, cục bùn tức là mềm. Điều này không đúng. Sở dĩ vì sao? Vì chúng tôi không cho có pháp thật cục đất bùn, chỉ các pháp hòa hợp giả danh cục bùn, nên không bị lỗi.

Lại ông nói vì nhân duyên ít nên sinh tâm biết cứng. Điều này không đúng. Tôi thì trong vi trần hợp dày đặc, được thành tướng cứng, nên gọi là cứng, không dày, được thành tướng mềm. Cho nên không lỗi. Nếu pháp thành được thì gọi là có. Ông lại nói trong một pháp không có 2 xúc. Điều này không đúng. Tôi thì trong một pháp có thể được nhiều xúc cũng cứng cũng mềm. Ông lại nói cứng mềm đối đãi nhau nên không nhất định. Điều này không đúng. Vì như dài ngắn v.v… do đối đãi nhau mà có.

Lại như nếm vị đường phèn trắng, liền cho đường phèn đen là đắng. Nếm vị Ha-lê-lặc, lại cho đường phèn đen là ngọt. Nếu vì đối đãi nhau nên không có, thì vị cũng không.

Hỏi: Trong đường phèn đen có 2 thứ vị vừa ngọt vừa đắng chăng?

Đáp: Trong tấm vải cũng có 2 xúc, vừa cứng vừa mềm.

Lại như nói thấy đá biết cứng, do trước kia đã có chạm xúc nên nay so sánh biết. Như thấy lửa biết nóng, nóng không thấy được.

Lại như người thấy vải Khâm-bạt-la sinh nghi là cứng hay mềm? Cho nên xúc không phải mắt thấy được. Do đó nên có cứng v.v… các xúc.

Lại thật có cứng v.v…. Sở dĩ vì sao? Vì có thể khởi tâm phân biệt. Nếu không cứng làm sao phân biệt được? Lại cứng có thể cùng tâm làm duyên và cũng làm ra nghiệp khác nghĩa là đập, ném đi v.v…, Lại với mềm ướt trái nhau nên gọi là cứng.

Lại do có thể duy trì nhân duyên nên gọi là cứng.

Lại có thể trở ngại cái tay v.v… nên gọi là cứng. Lại chúng tôi hiện biết là cứng. Trong sự hiện biết không cần nhân duyên.

Lại do bởi việc thế gian được gọi là cứng. Các thứ khác cũng như thế, cho nên biết có cứng.

Phẩm 44: TƯỚNG CỦA 4 ĐẠI

Hỏi: Tôi đã biết có pháp cứng nầy, nhưng nay thấy vàng nóng thì chảy, nước lạnh thành băng. Vàng này do cứng nên thuộc đất, chảy nên thuộc nước?

Đáp: Mỗi pháp có tự tướng riêng. Như pháp cứng nương cứng là địa chủng; như ướt nương ướt là thủy chủng v.v….

Hỏi: Vàng cứng thì bị tiêu chảy, nước ướt thì đóng băng. Tại sao các đại không bỏ tự tướng? Như trong kinh nói: Tướng 4 đại hoặc có thể biến đổi. Người được 4 tín không thể được khác?

Đáp: Tôi không lấy cứng làm chảy, lấy ướt làm cứng. Có điều là cứng và chảy là nhân, ướt và cứng là nhân. Cho nên không bỏ tự tướng.

Hỏi: Trong A-tì-đàm nói: Ướt là tướng nước. Hoặc có người nói: Chảy là tướng nước. Trong kinh nói: Thấm là tướng nước. Rốt cuộc cho đàng nào là thật?

Đáp: Chảy, ướt, thấm đều là biệt danh của nước.

Hỏi: Chảy là hành nghiệp của nước, vì là pháp mắt thấy được. Cho nên chảy không phải ướt thấm?

Đáp: Vì ướt thấm nên chảy, ướt nên chảy rút xuống. Cho nên chảy tức là thấm, mà ướt thấm cũng là tướng của nước, chảy là nghiệp của nước.

Hỏi: Trong gió nói tướng nhẹ động. Nhẹ khác, động khác. Nhẹ là thuộc về xúc nhập, động thuộc về sắc nhập. Nay có thể cho cả 2 là pháp là gió được sao?

Đáp: Nhẹ là tướng của gió; động là nghiệp của gió. Tướng với nghiệp hợp lại nói.

Hỏi: Không có tướng động, vì các pháp niệm niệm diệt, nên không đến chỗ khác. Vì có đến chỗ khác mới gọi là động. Đến, đi, động là đồng một nghĩa vậy?

Đáp: Tôi chỉ dùng thế đế nên mới gọi là nghiệp, chứ không phải đệ nhất nghĩa. Nhờ pháp nhẹ nầy, chỗ khác pháp sinh được gọi là nghiệp. Lúc bấy giờ gọi là đi.

Hỏi: Tướng nhẹ không nhất định. Sở dĩ vì sao? Vì đối đãi mới có. Như vật 10 cân, đối với 20 cân là nhẹ, với 5 cân là nặng?

Đáp: Pháp nặng, pháp lường, nhờ tâm v.v… các pháp đối đãi nhau mà có. Như hoặc có pháp đối đãi nên dài, hoặc có pháp đối đãi nên ngắn. Tướng chung là nhờ tâm nên mới có tướng riêng. Nếu pháp nhẹ vì đối đãi nhau nên không có, thì các pháp nầy cũng phải đều không, mà đâu phải vậy. Cho nên đối đãi nhau không phải là nguyên nhân chính.

Lại nhẹ không phải đối đãi nhau mà có, vì không thể cân được nên có. Vật không thể cân được như gió trong đãy. Cho nên không phải đối đãi nhau mới có. Chỉ pháp nặng đối đãi nhau, vì không có vật nặng nào mà không cân được.

Hỏi: Nếu không cân được gọi là nhẹ. Vậy thì trừ nặng, còn các pháp sắc thấy, không cân được, đều phải là nhẹ, mà đâu phải vậy. Cho nên ông đã nói không phải là tướng nhẹ?

Đáp: Ý chúng tôi nói lìa sắc v.v…, lại không pháp gì khác gọi là nặng. Pháp sắc v.v…, hoặc có sinh tính cân được. Như cứng không cứng, sức không sức, mới, cũ, mục không mục, tiêu không tiêu, thô nhuyễn v.v…, đều không lìa sắc v.v… mà có tướng nặng. Cũng như vậy, các sắc nầy hoặc thuộc địa thủy thì cân được; hoặc thuộc phong hỏa thì cân không được.

Hỏi: Nếu pháp nặng không lìa sắc thì pháp nhẹ cũng phải không lìa sắc mà có chứ?

Đáp: Nhưng lìa sắc v.v…, không riêng có pháp nhẹ. Chỉ có sắc v.v… hòa hợp là nhẹ.

Hỏi: Không phải vậy. Muốn phân biệt nặng nhẹ, ắt phải dùng thân căn. Cho nên nặng nhẹ không phải sắc v.v…?

Đáp: Như phân biệt cứng v.v…, hoặc dùng mắt, hoặc dùng tai v.v…. Những vật cứng này không lìa sắc. Nhẹ nặng cũng như vậy. Tuy dùng thân căn, trong ấy lại không có tướng gì khác.

Lại thân căn không xúc không sinh thân thức. Tướng nặng nầy tuy thân chưa chạm xúc, mà cũng có thể sinh thức. Như vật nặng tuy dùng vật gói cầm mà cũng biết là nặng.

Hỏi: Không phải lúc bấy giờ biết là tướng nặng?

Đáp: Như người mặc áo tuy không chạm xúc nhau, nhưng cũng được biết họ có hay không có sức mạnh. Nhẹ nặng cũng như vậy. Sở dĩ vì sao? Vì do các thứ xúc sinh các thứ biết về thân. Như hoặc bởi đè bấm sinh biết cứng mềm, hoặc bởi cử động sinh biết nhẹ nặng, hoặc bởi nắm bắt sinh biết mạnh yếu, hoặc bởi tiếp xúc sinh biết lạnh nóng, hoặc bởi xoa vuốt sinh biết rít trơn hoặc bởi bóp nắn sinh biết cứng yếu, hoặc bởi cắt đâm, hoặc bởi roi gậy sinh biết khác thứ. Hoặc có thứ xúc thường ở trong thân, không phải như lạnh nóng v.v… từ bên ngoài đến. Nào là khoan khoái, mệt mỏi, không mệt mỏi, hoặc bị bệnh, hoặc lành bệnh, thân lợi thân độn, biếng nhác, mê muội, tỏ mờ, đau đớn tê liệt, rên rỉ, đói khát, no nê, thèm muốn, không thèm muốn, mờ ám v.v… các thứ xúc, đều sinh biết khác nhau.

Hỏi: Nếu tướng nhẹ nặng tức trong các sắc v.v… thì làm sao với trong sắc v.v… đem thân thức duyên biết được?

Đáp: Không phải trong các sắc v.v… dùng thân thức duyên biết, chỉ trong xúc này có phần ít do thân thức duyên, như cứng không cứng v.v… tuy ở trong các sắc v.v…, hoặc dùng mắt thấy được biết.

Lại như khoan khoái v.v… là do các sắc v.v…, nhưng cũng dùng thân thức phân biệt. Điều này cũng như vậy.

Hỏi: Nếu nhẹ nặng chỉ là xúc thì có lỗi gì, cần gì phải dùng phân biệt các sắc v.v…?

Đáp: Như người đời nói lúa mới lúa cũ. Tướng mới cũ là phải khác sắc v.v…, mà thật không phải vậy. Chỉ có sắc v.v… mới sinh gọi là mới. Nếu tướng mới nầy là tướng nặng của các sắc v.v… thì sao không phải?

Hỏi: Nếu các sắc v.v… tức là nhẹ nặng v.v… thì tướng nhẹ ở trong lửa gió, thì các sắc nhẹ nhiều phải gọi là gió chứ?

Đáp: Tùy tướng nào nhiều tức gọi là đại. Trong lửa cũng có tướng nóng nhẹ. Vì nóng nhiều nên gọi là lửa, chứ không lấy nhẹ nhiều mà gọi là lửa được. Trong gió chỉ có nhẹ không nóng. Cho nên chỉ lấy nhẹ mà gọi.

Lại chúng tôi không những lấy nhẹ gọi là gió, mà nếu nhẹ nặng làm nhân cho động, thì cũng gọi là gió. Như trong kinh nói: Tướng nhẹ động gọi là gió. Với trong đây tướng nhẹ là gió, động là nghiệp của gió.

Hỏi: Gió có thể làm sập núi. Nếu là vật nhẹ làm sao sập núi được?

Đáp: Gió bạo mà có sức mạnh, thế lực nó có thể như vậy. Nếu như có gió có thể động cộng cỏ nhỏ, hoặc có thể xô núi sập, phải biết đó là nghiệp dụng của gió như vậy.

Hỏi: Nay địa v.v… các đại đều là các sắc hương vị xúc, không sai khác ư?

Đáp: Không nhất định. Như nói trong đất có sắc hương vị xúc. Hoặc chỉ có sắc xúc, như vàng bạc v.v…. Hoặc trong nước có sắc hương vị xúc, hoặc có 3 là sắc, vị và xúc. Hoặc trong lửa có sắc hương vị xúc, hoặc có 3 thứ là sắc hương xúc, hoặc chỉ sắc xúc. Trong gió hoặc có xúc không hương, hoặc có cả hương xúc. Cho nên không nhất định.

Hỏi: Phong xúc như thế nào?

Đáp: Lạnh nóng cứng mềm yếu v.v… các xúc. Nếu tùy các đại nối nhau không rời để có thể biết, thì đó là đại xúc.

Hỏi: Có thầy thuốc bảo sắc gió là đen. Sự thật như thế nào?

Đáp: Gió với sắc đen là nhân. Như người bị cảm gió trong miệng có vị đắng, nhưng người thầy thuốc không nói trong gió có vị. Đó tức gió và vị là nhân.

Hỏi: Có người nói gió lạnh mà không nói gió nhẹ. Sự thật như thế nào?

Đáp: Không có chuyện gọi lạnh là gió. Như băng tuyết lạnh mà không gọi là gió.

Lại gió và lạnh tên khác nhau. Sở dĩ vì sao? Vì như gió nóng và gió không lạnh không nóng, cũng gọi là gió. Cho nên cần y theo các nhẹ gọi là gió.

Lại không sinh pháp sắc xúc v.v… gọi là gió, chứ không phải lạnh là gíó.

Hỏi: Nếu gió có sắc vị thì có lỗi gì?

Đáp: Sắc vị không thể có trong gió được. Nếu nói tuy có mà vì quá vi tế nên không thể biết được, nhưng trong tâm cũng nên nhớ tưởng phân biệt cho là có sắc vị, thì điều này cũng không đúng.

Lại nữa, chúng tôi không nói trong nhân có quả. Cho nên nếu việc trong quả có, thì bất tất trong nhân có trước. Đây gọi là thành lập 4 đại là thật.