THÀNH THẬT LUẬN
Ha-lê-bạt-ma tạo luận
Cưu-ma-la-thập dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: NHÓM MỞ ĐẦU LUẬN PHẬT BẢO, TRƯỚC TIÊN LÀ ĐỨC TÍNH ĐẦY ĐỦ

Trước lễ đấng đáng lễ,

Bậc chính trí tự nhiên,

Nhất thiết trí, Ứng cúng,

Đại Sư lợi thế gian.

Cũng lễ pháp chân tịnh,

Và các Thánh đệ tử.

Nay muốn giải lời Phật,

Lợi ích cho người đời.

Luận theo Tu-đa-la,

Không trái tướng thật pháp.

Cũng vào trong thiện tịch,

Đó là luận chính trí.

Như mặt trời mặt trăng,

Tính chúng vốn sáng sạch,

Bị khói mây bụi mù,

Năm thứ che không hiện,

Tà luận che chính kinh,

Nghĩa kinh không chiếu sáng,

Vì nghĩa kinh không sáng,

Cửa tà trí mở ra,

Bị tội tiếng ác đồn,

Lòng ăn năn mệt mỏi…

Suy não loạn tâm này,

Đều do tà trí khởi.

Nếu ai muốn trừ bỏ,

Tội ác và suy não,

Phải tìm học chính luận

Phải gần người trí sâu.

Gần người có trí sâu,

Là căn bản chính luận.

Vì nhờ chính luận nầy,

Có thể sinh phúc tốt.

Dù người trí lanh lợi,

Tụng trăm ngàn tà luận,

Với chúng không được gì.

Chỉ được tài miệng lưỡi.

Biết pháp Phật đệ nhất,

Nói ra được quả vui.

Muốn pháp tồn tại lâu,

Thì không vì tiếng khen.

Rộng học các dị luận,

Biết khắp ý người trí

Muốn tạo thật luận nầy,

Chỉ biết Nhất thiết trí.

Các Tì-kheo dị luận,

Nhiều thứ, Phật đều cho.

Nên tôi muốn luận đúng

Thật nghĩa trong 3 tạng.

Bắt đầu vào phần luận:

Hỏi: Tôi biết nay ông sẽ giảng thuyết Luận Thành Thật. Ông nói: Trước lễ đấng đáng lễ. Đó có phải là Phật không? Vì sao gọi là Phật? Thành tựu công đức gì mà đáng lễ?

Đáp: Phật là người tự nhiên, dùng Nhất thiết chủng trí biết tất cả tự tướng sai khác của các pháp, lìa tất cả bất thiện, tập họp tất cả thiện, thường cầu lợi ích cho tất cả chúng sinh, nên gọi là Phật. Những điều nói ra để giáo hoá, gọi là Pháp. Người thực hành pháp ấy, gọi là Tăng. Như vậy Tam Bảo là nhân duyên đáng lễ.

Tôi nay sẽ nói Phật có đầy đủ 5 phẩm chất, nên được người và trời trên thế gian kính trọng.

Hỏi: Có các Thánh nhân khác cũng có 5 phẩm công đức thì với Phật có chi khác?

Đáp: Năm phẩm pháp của Phật đầy đủ thanh tịnh. Sở dĩ vì sao? Vì các nghiệp của thân v.v… không sai lầm.

Giới phẩm đầy đủ, là Phật còn không sai lầm phạm cấm giới, huống là cố phạm.

Lại nữa Phật đã lâu đời tích chứa từ bi nên không phát ác tâm. Như trong kinh có nói: Phật bảo A-nan: Nếu có người từ khi sinh ra tu tập lòng từ thì lòng ác có thể sinh khởi được không? Thưa không, Thế Tôn! Không thể khởi được. Phật đã lâu đời tích chứa tính thiện, không vì e sợ tiếng đồn mà phải tự giữ gìn cấm giới.

Lại nữa, Phật ở trong vô lượng nơi các Phật tu giới hạnh đã lâu, đã nhổ gốc 3 độc, vĩnh viễn không còn tập gì khác. Bởi các duyên ấy nên giới phẩm đầy đủ.

Định phẩm đầy đủ, là Phật y theo định nầy chứng được Nhất thiết trí. Vì thế nên biết định phẩm đầy đủ. Như bơ dầu nhiều, tim đèn lớn thì ánh sáng cũng lớn.

Lại nữa, định của Phật bền chắc như dấu sơn, sơn vào cây. Thiền định của người khác như hoa nổi trên nước không dừng được lâu.

Lại nữa, thiền định của Phật trong vô lượng kiếp tuần tự dần thành nên được đầy đủ.

Lại nữa, định của Như Lai không đợi các duyên như người hoặc xứ, hoặc nói pháp v.v… Các người khác thì không như vậy.

Lại nữa, định của Như Lai thường tu tập sâu, như người tự giữ hằng nhớ không quên. Phật khi vào thiền định không gắng tâm lực. Cũng như người ở tại bản xứ tự nói tiếng mẹ đẻ dễ dàng không khó, Phật ở trong định cũng vậy. Cho nên nói Như Lai thường ở trong Tam-muội.

Lại các pháp như cả mừng hay phá hoại thiền định, Phật đều khéo dứt hết.

Lại nữa, quả báo của định được tự tại đã lâu thần thông vượt trội bậc nhất. Dùng Như ý thông, trong một niệm có thể vượt qua 10 phương vô lượng thế giới, tất cả việc phải làm tùy ý liền xong, với các biến hóa tự tại vô ngại. Tâm có thể phổ biến khắp tất cả các pháp. Còn các chúng sinh khác không sao kịp được.

Lại nữa, Phật thành tựu pháp Thánh tự tại, nên với cái đáng vui có thể sinh tưởng không vui, với cái không vui có thể sinh tưởng vui, với cái vui và không vui có thể sinh tưởng bình thường.

Hỏi: Với cái không vui, có thể sinh tưởng bình thường, chứ làm sao có thể sinh tưởng vui?

Đáp: Vì khéo tu tâm nên với pháp không vui như ác khẩu chẳng hạn, không bị chướng ngại. Với các thần thông như thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông, túc mạng thông cũng không bị ngại. Do định lực nên thần thông vô ngại. Với các thiền định thông đạt rõ ràng, các chúng sinh khác không nghe được tên, chỉ có Như Lai là ra vào thiền định không bị ngăn ngại.

Lại nữa, thiền định của Phật gọi là lực, như trong Phẩm Thập lực có nói, những người khác không có. Cho nên Như Lai định phẩm đầy đủ.

Tuệ phẩm đầy đủ, là có 2 thứ vô minh: một chướng thiền định, hai khởi phiền não, Như Lai đều dứt. Vì dứt pháp trái nhau nên tuệ phẩm đầy đủ.

Lại được pháp tự nhiên, không theo học với người khác mà khéo lời lẽ, khéo biết nghĩa lý, không cạn biện tài, không hết trí tuệ. Còn chúng sinh đối với các tài khéo ấy không thể đầy đủ, chỉ có Phật biết hết không thiếu chút nào. Cho nên Như Lai tuệ phẩm đầy đủ.

Lại nữa, Phật thuyết pháp làm rõ nghĩa thú. Những người tiểu trí nói ra lời gì, không thể không lỗi, chỉ có Như Lai nói ra không lầm lỗi. Cho nên biết Như Lai tuệ phẩm đầy đủ.

Lại còn vô lượng công đức thành tựu trí tuệ này nên được đầy đủ.

Lại nói pháp vi diệu, không sai lầm, như pháp quán bất tịnh để phá trừ dâm dục chẳng hạn.

Lại nữa trí tuệ vượt trội nên oai nghi cũng vượt trội. Bởi các duyên ấy nên tuệ phẩm đầy đủ.

Giải thoát phẩm đầy đủ, là với 2 thứ vô minh, tâm đều giải thoát không còn tập khí, vĩnh viễn không thoái lui. Như vậy gọi là giải thoát đầy đủ.

Giải thoát tri kiến đầy đủ, là có thể đối với việc đoạn tất cả phiền não, mỗi niệm đều biết. Như người chặt cây, tay cầm búa, bên cạnh có người trí thấy biết cán búa mòn hết. Phật cũng vậy với trí đoạn phiền não, từng niệm đều phân biệt biết.

Lại biết trong thâm tâm chúng sinh nghĩ gì, theo đó thuyết pháp giáo hóa khiến được giải thoát. Cho nên có thể đối chúng sinh trong các đạo giải thoát, thấy biết đầy đủ.

Lại nữa, Phật Thế Tôn biết thời cơ nói pháp, như đối với các Phạm Chí Nhũng-cù-lô vậy.

Lại Như Lai biết rõ các pháp sai khác, nên vì người nầy nói pháp như vậy. Như Phật bảo A-nan nên vì Xa-nặc nói Kinh Ly Hữu Vô. Cho nên Như Lai khéo biết giải thoát, lại khéo đem phương tiện đoạn cấu uế cho chúng sinh, như vì Nan-đà dùng dục đoạn dục.

Lại Phật biết trước chúng sinh đã thuần thục các căn như tín

v.v… rồi sau mới nói pháp, như trường hợp La-hầu-la.

Lại có chúng sinh bị nghiệp báo chướng không được giải thoát, Phật có thể khiến dứt hết, sau mới nói pháp.

Lại có chúng sinh đợi khi hết các lậu, như trong Kinh Phu Phụ nói.

Lại có chúng sinh đợi người hết các lậu, như Xá-lợi-phất đợi A-thuyết-kì.

Lại có chúng sinh đợi nơi hết các lậu, như Phất-ca-sa Vương.

Lại có chúng sinh đợi hết một nửa các lậu như Phóng Ngưu Nan-đà đợi người làng là A-do-đà.

Lại có chúng sinh đợi gặp chân thân của Phật.

Lại có chúng sinh đợi chân thân Phật, hoặc đợi hóa thân Phật mới được hết các lậu, Phật đều phân biệt hết rồi vì họ nói pháp, khiến được giải thoát.

Phật nói nhiều các pháp vi diệu có thể phá tất cả nghiệp chướng.

Vì là pháp giải thoát nên gọi là giải thoát tri kiến đầy đủ.

Lại nữa, Phật nói pháp nghĩa thú hay và lợi ích, không nói điều phi nghĩa và việc không quả báo.

Lại nữa, Phật tuần tự nói đạo giải thoát, giống như bài học toán pháp, nên dễ hiểu.

Lại nữa, Phật biết chúng sinh đời trước đã trồng thiện căn nên tuần tự nói pháp.

Lại nữa, Phật hiện chứng đắc giải thoát mà vì người nói pháp chứ không phải theo người học hỏi.

Lại nữa, Phật pháp đầy đủ nhiều các kỹ năng, như người dùng nhiều thứ thuốc đầy đủ chữa lành các bệnh, Phật pháp cũng vậy, dùng các pháp môn chữa trị trừ tất cả phiền não. Như 9 pháp quán tưởng thì các phiền não lớn nhỏ không thể làm hại lại được, cho nên có khă năng đầy đủ phá trừ các phiền não.

Lại nữa, Phật dùng phương tiện cao tột tế độ chúng sinh, hoặc dùng lời nói dịu dàng, hoặc lời khắc khổ, hoặc có khi dùng cả lời vừa êm dịu vừa khắc khổ. Đó là Như Lai giải thoát tri kiến đầy đủ.

Phẩm 2: MƯỜI NĂNG LỰC

Lại nữa, Phật thành tựu 10 lực nên trí tuệ đầy đủ. Vì nhân duyên đi về nên nói có 10 lực.

Trước tiên, thị xứ phi xứ lực, là trí quyết định trong nhân quả. Biết từ nhân như vậy thì sinh quả như vậy, không sinh quả như kia. Như làm điều không lành, ắt bị báo khổ, không sinh báo vui.

Thị xứ, là có việc như vậy. Phi xứ là không có việc như vậy. Lực đầu tiên là gốc của các lực khác.

Hỏi: Người đời cũng biết nhân quả của thị xứ phi xứ như lúa mì sinh lúa mì, không sinh lúa gạo?

Đáp: Thị xứ phi xứ lực nầy là biết các pháp về nghiệp nên nói lực này là sâu thẳm thứ nhất. Cái biết của trời, của người đời không sao kịp được.

Lại biết rõ nhân của sinh pháp tuần tự duyên tăng thượng. Cho nên nói lực nầy là vi diệu. Nghĩa là biết các nghiệp nhân và các quả báo của 3 đời, biết xứ, biết sự, biết nhân, biết báo. Cho nên gọi trí biết nầy là lực. Vì biết xứ, biết sự, biết nhân, biết báo cả 3 đời nên nói là rất sâu. Sở dĩ vì sao? Hoặc có người bảo không có pháp quá khứ và vị lai, nên Phật có năng lực nói lên điều này.

Lại nữa, các pháp trong quá khứ vị lai tuy không hiện tướng, Phật cũng hiện biết.

Lại nữa, nghiệp có 2 thứ: thiện và bất thiện. Hoặc có nghiệp thiện mà hiện bị khổ, như vì trì giới mà bị các bức não. Hoặc có nghiệp tội mà hiện nay được hưởng vui, như phá giới mà được tự tại. Hoặc có người sinh nghi cho rằng đời vị lai cũng như hiện tại. Cho nên Như Lai tiếp theo nghiệp là nói về thụ. Thụ pháp có 4 thứ: Có hiện khổ sau vui, hiện vui sau khổ. Có hiện vui sau khổ, hiện khổ sau vui. Phật đều biết rõ biết xứ, sự, nhân, báo.

Xứ tức là người lãnh thụ, sự tức là vật bố thí, nhân tức là tâm bố thí. Như trong kinh nói: Trước tâm hoan hỷ, lúc thí tâm thanh tịnh, thí xong không hối hận. Nghiệp nầy được quả, gọi đó là báo. Duy Phật có thể biết nghiệp nầy nhiều ít hoặc quyết định, không quyết định, quả báo đời hiện tại, quả báo đời sau, quả báo sau đời sau v.v… các việc đều biết hết không sót nên gọi là lực. Phật đối với các pháp thiền định, giải thoát, Tam-muội, Tam-ma-bạt-đề biết cấu, biết trụ, biết tăng, và biết tịnh. Trong các nghĩa nầy, thiền là 4 thiền, 4 vô săc định. Tức các hành nghiệp của cõi Sắc và cõi Vô săc. Còn giải thoát là 8 giải thoát. Có thể làm sạch hết các nghiệp này là thiền định cõi Vô săc và 8 giải thoát. Đó là Tam-muội. Được cái dụng của Tammuội nầy hiện tiền ra trước gọi là Tam-ma-bạt-đề. Tam-ma-bạt-đề phân biệt có 4 thứ là tùy cấu, tùy trụ, tùy tăng và tùy tịnh.

Biết cấu là tùy cấu định, biết trụ là tùy trụ định, biết tăng là tùy tăng định, biết tịnh là tùy đạt định. Tùy đạt định là noãn, đảnh, nhẫn v.v… 4 pháp. Phật đối với các pháp nầy đều hiểu biết không sót, nên gọi là lực. Phật rõ biết các căn lợi hoặc độn của chúng sinh. Tín v.v… các căn vượt trội nên gọi là lợi, như chư Phật v.v… Độn là bất cập, như xà nô chẳng hạn, không có trung căn, vì không nhất định. Lợi căn có biên giới như chư Phật. Độn căn cũng có biên giới như xà nô. Còn trung thì không biên giới nên không nói trung căn.

Lại nữa, có 2 thứ đạo là tín hành và pháp hành.

Lại có 2 thứ đạo nữa là nan đạo và dị đạo. Khác với 2 đạo này gọi là trung. Quán người lợi độn tức là bậc trung.

Lại nữa, tùy chỗ sở thích nên căn cơ có sai khác. Thích tín căn nên gọi là tín. Phần nhiều người có trí tuệ, các căn đều vượt trội. Bởi chỗ sở thích nên gọi Hòa-già-lợi là tín căn vượt trội. Các căn như vậy, Phật đều biết hết, nên gọi là lực. Phật biết chúng sinh đều có chỗ sở thích, sở thích đó là lạc tức là dục. Như người có sở thích nhậu nhẹt thì muốn vui cùng bạn bè chè chén. Phật tùy theo chỗ sở thích mà đều biết từng sở thích. Nghĩa là chúng sinh muốn vui thích nơi 5 thứ dục, hoặc vui thích tu đạo. Biết như vậy rồi tùy cơ nghi mà nói pháp, có thể rộng độ tất cả chúng sinh. Phật biết người đời có vô lượng chủng tính vì chúng sinh hằng lâu tập theo sở thích mà thành tính quen. Như Điều-đạt chẳng hạn, đời đời hủy báng Phật, ác tâm càng sâu, nên gọi là tính. Tính thiện cũng vậy. Hoặc có chúng sinh, từ tính sinh khởi dục, hoặc duyên hiện tại mà sinh khởi, Như Lai đều biết rõ chỗ sở thích và tính quen của chúng sinh ấy, nên gọi là lực.

Phật biết tất cả đạo, tức con đường đưa đến nơi. Biết nếu đi đường nầy sẽ sinh vào địa ngục, cho đến sinh lên trời. Biết nếu đi đường nầy được đến Niết-bàn. Những hành nghiệp này đều từ gốc dục tính phát sinh. Nghiệp nhân hữu lậu thì sinh trong 5 đường. Nghiệp nhân vô lậu thì được đến Niết-bàn.

Trước chỉ nói đạo, giờ đây nói đến quả của đạo. Lại nữa, trước nói tướng chung, giờ đây nói đến tướng riêng. Có nghiệp như vậy thì đến địa ngục. Có nghiệp như vậy thì được đến Niết-bàn. Đến địa ngục cũng có sai khác. Nghiệp này thì đọa vào Hoạt địa ngục, nghiệp nầy thì đọa vào Hắc thằng địa ngục. Cho nên Phật trong lực thứ 7 biết nghiệp vi tế, còn các người khác thì dù biết cũng không thể phân biệt được, cho nên gọi đó là lực. Phật biết nghiệp quả đời quá khứ như vậy gọi là túc mạng trí lực.

Lại nữa, Phật biết chỗ tu đạo chúng sinh đời trước, rồi mới nói pháp, cho nên túc mạng thông cũng gọi là trí lực.

Lại nữa, Phật không những nhớ biết tất cả chỗ sinh xứ của mình trong đời quá khứ, hoặc tại cõi Sắc hoặc tại cõi Vô sắc mà còn biết cả của chúng sinh nữa, nên gọi là lực. Trí thiên nhãn của Phật xem thấy 3 cõi nối nhau trong đời vị lai, biết 3 thứ nghiệp nhân, 4 thứ thụ pháp, rồi cũng ghi nhận mà nói, rõ biết không ngăn ngại, nên gọi là lực. Và Phật dùng trí lực lậu tận, biết không liên tục. Chúng sinh mạng chết, hoặc có liên tục, hoặc không liên tục. Lực nầy đều làm cho tất cả chúng sinh đến chỗ đạo lực, nói chung là Niết-bàn.

Nay trong lực này rộng phân biệt nói rõ, Phật biết nhân cấu uế, thanh tịnh nên có 10 lực. Chứng được 9 thứ trước thì thành tựu trí. Chứng được lực thứ 10 thì thảnh tựu đoạn. Đầy đủ trí đoạn nên gọi là Thế Tôn, được trời người cung kính.

Phẩm 3: BỐN VÔ ÚY

Lại nữa, Phật thành tựu 4 vô úy, tức 4 thứ không khiếp sợ, cho nên đáng kính lễ.

Bốn thứ không khiếp sợ, là Như Lai được nhất thiết trí, nhất thiết lậu tận, có thể nói chướng đạo và đạo hết khổ. Trong 4 pháp nầy, nếu có người đến nạn vấn đúng như pháp thì ta không chỗ e sợ gì cả. Cái không khiếp sợ đầu tiên là nhất thiết trí, mà cũng là 9 thứ lực trước. Cái không khiếp sợ thứ 2 là đoạn, tức là lực thứ 10, là đầy đủ trí đoạn. Như Lai tự mình đầy đủ công đức đức. Còn 2 thứ vô úy sau là khiến người đầy đủ. Phật nói chướng ngại là pháp thật chướng. Như là bất thiện hoặc thiện hữu lậu, vì bởi ngăn ngại sự giải thoát nên gọi là pháp chướng ngại. Vì muốn lìa chưóng ngại nên nói pháp xuất đạo.

Hỏi: Như ông vừa nói các thứ lực tức là vô úy. Nay lực và vô úy có sai khác chi không?

Đáp: Trí gọi là lực. Vì nhờ lực nầy nên mới có sức kham chịu, nên gọi là vô úy. Có những người ngu si không biết hổ thẹn nên cũng có nhiều kham chịu. Sự kham chịu của Như Lai là từ trí tuệ mà sinh. Và cũng bởi trí tuệ mà không sợ người khác, nên gọi là vô úy. Sở dĩ vì sao? Vì hoặc có người tuy có trí mà còn khiếp sợ.

Lại nữa, trí gọi là lực vì có thể nói trí nầy gọi là vô sở úy. Sở dĩ vì sao? Vì có người tuy biết mà không nói tốt. Cho nên có thể hơn người gọi là vô úy. Sở dĩ vì sao? Vì có người tuy biết không hơn người, cho nên trí nầy vô tận, nên gọi là lực. Biện tài vô tận, nên gọi là vô úy.

Lại nữa, nói ra có nghĩa thú, nên gọi là lực. Nói ra tự tại, nên gọi là vô úy.

Lại nữa, nhân gọi là lực, quả gọi là vô úy vì từ trong trí sinh ra vô úy.

Lại như có người xưa nay khiếp nhược, về sau được chút trí tuệ liền có thể không sợ, huống chi Thế Tôn, từ kiếp lâu xa đến nay tâm trí rộng lớn, và chứng được Nhất thiết trí mà còn sợ ai?

Lại nữa, có người không thể hơn người khác được, nên phải e sợ. Phật không có một người nào hơn, cho nên không e sợ.

Lại có luận giả lời lẽ khéo hay, lại giỏi nghĩa thú, thì không e sợ, người ấy tức là Phật. Vì được Nhất thiết trí nên giỏi nghĩa thú, được vô ngại biện nên khéo lời lẽ.

Lại có người gặp việc, vì bất lực mà sinh khiếp sợ. Như Lai đạt được Nhất thiết trí nên đối với tất cả mọi việc không bất lực. Tất cả kinh sách, tất cả luận nghị v.v… đều thông suốt vấn đáp rõ ràng, nên không e sợ.

Lại nữa có người bị khuyết điểm về gia tộc, về tính tình, về hình sắc, về giới , về trí đa văn v.v…. nên bị đời chê bai. Như Lai với các điều kể trên đều không chút khiếm khuyết, cho nên không e sợ.

Lại như có luận giả luận đúng như pháp thì không ai phá hoại được, người ấy tức là Phật. Như Bà-la-môn A-thúc-la thưa Thế Tôn rằng: Luận đúng như pháp thì khó thắng, khó phá. Luận thuận đạo lý, luận có suy lường, luận có nhân cũng như vậy.

Lại nữa nếu có người thành tựu 4 thứ luận pháp, cũng khó thắng, khó phá: 1. Trụ chính chấp. 2. Thụ nhân và phi nhân. 3. Có thể thụ thí dụ. 4. Trụ trong luận pháp. Phật đủ 4 thứ nầy, chư thiên và người không ai hơn được, cho nên không e sợ.

Lại nữa, người không học hỏi thầy giỏi mà luận nghị thì dễ bị phá hoại. Như Lai xưa từng ở chỗ Phật Định Quang và vô lượng chư Phật khác tu tập luận pháp, nên không thể phá hoại được.

Lại nữa, Phật nói có 2 đế: Thế đế và đệ nhất nghĩa đế, cho nên người trí cũng không thể phá hoại được. Phàm phu vô trí Phật không tranh với chúng.

Lại Phật không tranh cãi với người đời. Người đời bảo có, Phật cũng nói có. Người đời nói không, Phật cũng nói không, nên không tranh cãi. Vì không tranh cãi, nên không phá hoại được.

Lại nữa, luận nghị có 2 thứ: một là chân thật luận, hai là siểm khúc luận. Các ngoại đạo phần nhiều là siểm khúc luận. Phật là chân thật luận, nên không thể phá hoại.

Lại nữa, trong Phật pháp chính hành thanh tịnh nên luận nghị cũng thanh tịnh. Chính hành thanh tịnh là nhân hết khổ. Luận của các ngoại đạo có nhân tương tự, không có chính nhân nên không được đắc thắng.

Lại Phật kinh thanh tịnh, nói ra nghĩa thú không trái thật tướng, không giống như ngoại đạo. Hơn nữa, đạo Phật nói không chỉ tùy theo lời nói, mà đều biết rõ ngay trong tự tâm. Như trong kinh nói Phật bảo Tì-kheo: Các ông chớ nên chỉ tin lời ta nói mà phải tự thấy biết, tự thân tu chứng nữa.

Lại nói: Các ông đến những người không siểm khúc, như ta sớm mai vì các ông nói pháp khiến chiều được đạo, chiều vì nói pháp khiến sáng sớm được đạo.

Lại nữa, nếu người đối với pháp có chỗ không thông suốt thì ngưng không nói nữa, vì dù có nói ra chắc sẽ bị phá hoại. Phật không chỗ nào không thông suốt nên được vô úy.

Lại nữa, Như Lai được các trí vô ngại, với tất cả pháp, không pháp nào không thông đạt, nên không phải sợ. Còn những người tiểu trí không biết chỗ biết của đại nhân. Đại nhân có thể biết tiểu trí. Phật là bậc đại trí nhất của chúng sinh, có thể biết tiểu luận nên không phải sợ. Lại luận của các ngoại đạo chỉ nhân chỗ thấy mà khởi; Phật biết cái thấy ấy là từ các duyên sinh, và biết tập, biết diệt, biết vị, biết lỗi và biết thoát ra. Các ngoại đạo không thể biết hết được, nên mới sinh tranh luận. Phật dùng Nhất thiết chủng trí biết tất cả các pháp, có thể phá tất cả luận, mà không bị tất cả các luận phá lại, nên không phải sợ. Bởi các duyên do như vậy cho nên lực và vô úy nghĩa có sai khác.

Hỏi: Phật đối với các pháp đều không e sợ, mà sao chỉ nói 4 thứ vô úy?

Đáp: Nói 4 thứ là đã gồm nói tất cả vô úy. Bởi vì sao? Vì 2 thứ vô úy trước là tự nói trí và đoạn về phần mình, 2 thứ vô úy sau là vì người khác nói pháp chướng đạo. Nói đạo hết khổ, cũng gọi là trí đoạn. Thầy và trò trí đoạn đầy đủ, nên nói chung là nhất thiết vô úy.

Hỏi: Vì sao chúng sinh nghi Phật không phải người nhất thiết trí?

Đáp: Lời Phật nói ra, có khi có những lời tựa hồ không phải người có nhất thiết trí. Như Phật hỏi: Người từ đâu đến đây có những việc như vậy?

Lại như trong kinh có nói: Có người đi vào trong thành đô, làng xóm rồi họ hỏi tên các nơi ấy. Ta không cho người ấy là Nhất thiết trí. Có người nghe kinh này nói thế, mới nghi Phật không phải bậc Nhất thiết trí.

Lại nữa, có khi Phật nói ra tuồng như còn tham trước, như trong kinh nói: Phật nói: Hay thay! Tì-kheo đến đây, ông với thân này là được đại lợi. Tùy thuận pháp ta là ta vui mừng.

Còn có những lời tuồng như giận dữ, như Phật bảo Điều-đạt:

Người là thứ người chết… là người ăn đồ khạc nhổ của người khác…

Lại còn có những lời in tuồng kiêu ngạo, như tự nói: Ta là sư tử trong loài người, vì ta thành tựu 10 lực, 4 vô sở úy, nên trong đại chúng có thể rống lên tiếng rống sư tử.

Lại có lời nói như kiến chấp, như nói: Khéo tu trì pháp ta như người bưng bát dầu. Và bảo Điều-đạt: Ta không đem chúng tăng giao cho Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên huống chi giao cho ông. Có người tiểu trí nghe các lời nói ấy vội bảo Như Lai chưa hết các lậu.

Lại nữa, Phật nói các thứ dục là thứ chướng đạo, mà có người thụ dục cũng vẫn đắc đạo.

Lại nữa, trong Luật chế ra pháp ngăn chận, mà có người hủy hoại pháp ấy cũng vẫn được đạo. Cũng vì vậy mà có người tiểu trí nghi Phật không biết pháp chướng đạo.

Lại có người tu đạo mà vẫn có kết sử, nên người tiểu trí nghi cho rằng tu Thánh đạo không thể hết các kết sử, kết sử không hết làm sao hết khổ? Vì vậy Như Lai với 4 pháp nầy nói không e sợ.

Hỏi: Đã bị các nghi như trên, làm sao dứt được?

Đáp: Đó là những lời Phật tùy theo lời nói thế tục, vì người đời có những việc đã biết mà vẫn hỏi và không cho thế là có lỗi. Phật cũng vậy, vì ở trong thế gian nên tùy theo thế tục mà hỏi.

Lại nữa, người đời cũng có người tâm không tham mà nói ra lời nói in tuồng có tham, có những trường hợp như vậy. Phật cũng vậy, vì muốn lợi cho chúng sinh nên hiện ra có những lời nói như thế. Hoặc nói: Dục không phải chướng pháp. Như Lai nói dục thật là chướng pháp, nếu dục còn ở nơi tâm thì không tu đạo được, phải trước trừ dục, nhiên hậu mới đắc đạo. Hoặc người nói tuy phạm pháp ngăn cũng vẫn đắc đạo, mà phá pháp thật ngăn, thì chắc chắn không đắc đạo. Nếu không phải thật tội mà vì trọng duyên nên Phật tự cho phép, chứ không phải phá hoại pháp ngăn. Hoặc nói người tu đạo cũng còn kết sử. Thánh đạo có thể phá trừ tất cả kết sử, vì chưa đầy đủ nên không thể phá trừ hết ví như tính của bơ có thể chữa được bệnh nóng, mà vì uống ít nên không lành bệnh. Tu đạo cũng vậy cho nên không có lỗi.

Như Lai thành tựu 4 thứ không khiếp sợ, cho nên đáng kính lễ.

Phẩm 4: MƯỜI DANH HIỆU

Lại nữa, trong kinh nói: Như Lai có 10 thứ công đức: Đó là Như Lai, Ứng cúng, Chính biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, và Phật Thế Tôn. Như Lai là nương đạo như thật đến thành chính giác, nên gọi là Như Lai. Có nói ra điều gì đều đúng sự thật không hư dối. Như Phật hỏi A-nan: Như Lai có nói 2 lời chăng? Thưa không, Thế Tôn. Cho nên gọi là như thuyết.

Lại nữa, Như Lai từ đêm đắc đạo cho đến đêm Niết-bàn, trong thời gian ấy, có nói ra lời gì đều chân thật không phá hoại được, nên gọi là như thuyết.

Lại dùng nhất thiết chủng trí biết biên tế trước sau, rồi sau mới nói, nên nói ra đều chân thật.

Lại nữa, chư Phật Thế Tôn ký ức bền chắc không quên mất. Có người hoặc đem trí so sánh hay theo trong kinh sách mới nói có thể được, hoặc có sự việc hiện tại không khéo thấy mà nói có thể. Người nầy nói ra là khi được khi mất. Như trong kinh nói: Người có trí so sánh nói ra khi được khi mất. Phật đối với các pháp hiện biết rồi mới nói cho nên lời nói đều không phá được, nên gọi là thật thuyết.

Lại nữa, Phật nói ra đều nói thật nghĩa, không phải như các người nói ra có thật có không thật, nên không phá được.

Lại nữa, lời nói hợp thời, như trong kinh nói: Phật biết chúng sinh tâm vui thích điều gì rồi nói đạo pháp, nên gọi là như thuyết.

Lại nữa, với người đáng nói, liền nói ngay, như trong Kinh Khẩn-thúc-già có nói.

Lại nữa, chỗ nên nói pháp liền vì nói ngay, như chỗ nói sơ lược, hoặc chỗ nói rộng các môn ấm, nhập. Cho nên nói ra đều là chân thật.

Lại nữa, có 2 thứ pháp ngữ: một là dựa vào thế đế, hai là dựa vào đệ nhất nghĩa đế. Như Lai dựa vào 2 đế nầy mà thuyết pháp, nên nói ra đều thật.

Lại nữa, Phật không nói thế đế là đệ nhất nghĩa đế, cũng không nói đệ nhất nghĩa đế là thế đế, cho nên lời nói của đôi bên đều không trái nhau.

Lại nữa, Như Lai nói pháp hoặc ngăn, hoặc mở cũng không trái nhau. Tùy theo việc ngăn thì điều này không mở, tùy theo việc mà mở thì điều này không ngăn, cho nên lời nói đều không trái nhau.

Lại có 3 thứ pháp ngữ: một từ kiến sinh, hai từ mạn sinh, ba từ giả danh sinh. Phật không có 2 loại trước, còn đối với loại thứ 3 thì thanh tịnh không nhiễm.

Lại có 4 thứ pháp ngữ: là kiến, văn, giác, tri. Phật với 4 lối nói nầy đều thanh tịnh tâm không tham đắm.

Lại có 5 thứ pháp ngữ: là quá khứ, vị lai, hiện tại, vô vi và bất khả thuyết. Năm thứ nầy, Phật đều thông suốt rõ ràng, biết rồi nhiên hậu mới nói, nên gọi như thuyết. Có thể như thuyết cho nên gọi là Như Lai. Bởi vì hết phiền não mới được pháp nầy, các thứ tham, sân si là cội gốc của vọng ngữ, diệt hết các kết sử nầy, cho nên gọi là Ứng cúng.

Lại nữa Như Lai nói pháp ứng cúng là pháp diệt kết sử, do chính trí sinh, đem trí tuệ của chính quán các pháp vô thường, khổ, không … nên mới diệt hết các phiền não. Nhờ chính trí mới sinh pháp ứng cúng. Pháp chính trí nầy từ minh, hành mà sinh biên tế trước sau và không liên tục, khéo thông suốt nên được gọi là chính trí. Tận hành các pháp bố thí Ba-la-mật v.v… nên gọi là Minh hành túc. Các người khác cũng ở trong vô thủy sinh tử tu các pháp bố thí, v.v… mà không có chính hành nên không gọi là Thiện thệ. Phật có chính đạo tu bố thí v.v… các hạnh nên gọi là Thiện thệ. Được 5 pháp nầy công đức của Như Lai về phần mình đầy đủ. Được chính trí nên có thể biết tất cả tâm niệm của thế gian, biết tâm niệm rồi mới vì đó nói pháp, nên gọi Vô thượng sĩ. Những người đáng điều phục chế ngự không một người nào không được điều phục. Đã được điều phục thì vĩnh viễn không còn bại hoại nữa. Người được điều phục là người, trời, nên gọi là Thiên nhân sư. Hoặc có người sinh nghi: Như Lai sinh trong loài người mà làm sao có thể giáo hóa trên cõi trời được? Cho nên Phật đã nói: Ta là bậc thầy của trời và người. Phật khi ngồi nơi đạo tràng, trừ giấc ngủ vô minh, chứng được nhất thiết trí, sáng tỏ đại ngộ tất cả các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại, các pháp hữu vi vô vi, hữu tận vô tận hoặc thô hoặc tế v.v… đều giác ngộ, nên gọi là Giác giả.

Như vậy 9 thứ công đức đầy đủ là đấng cao cả trong 3 đời 10 phương thế giới nên gọi là Thế Tôn.

Phật đầy đủ 10 hiệu nên tự thân đầy đủ, khiến người khác cũng đầy đủ, lợi mình lợi người, cho nên đáng kính lễ.

Phẩm 5: BA KHÔNG HỘ

Ba không hộ là 3 thứ không phải bảo hộ giữ gìn. Đó là 3 nghiệp thân khẩu ý của Phật không cần giữ gìn. Sở dĩ vì sao? Vì 3 nghiệp ấy của Phật không có bất tịnh, muốn khiến người khác không thấy không biết.

Lại các người khác hoặc có khi vô ký, tựa như 3 nghiệp thân khẩu ý có bất tịnh nên bị người trí chê trách. Phật không có như vậy. Sở dĩ vì sao? Vì tất cả 3 nghiệp ấy của Như Lai đều do trí tuệ và sự nghĩ nhớ chân chính mà sinh khởi. Còn những người tiểu trí bị vọng niệm không được nghiệp như vậy.

Lại người đời hoặc vì vội vã mà nói lầm lỗi. Phật thì không có các việc như vậy.

Lại nữa, Phật khéo tu thân giới tâm tuệ, các pháp như vậy đều khéo tu nên tất cả nghiệp nhân bất thiện và tương tự bất thiện v.v… đều trừ diệt.

Lại nữa, Thế Tôn từ kiếp lâu xa đến nay đã từng tu hành các thiện pháp không phải mới đời này, cho nên các nghiệp tính thanh tịnh không phải giữ gìn.

Lại Phật thường ưa tu giới hạnh, không phải vì lo sợ đọa ác đạo mà tu.

Lại tất cả 3 nghiệp thân khẩu ý của Phật đều vì lợi người nên không bất thiện, vì không bất thiện nên không phải gìn giữ. Vì 3 nghiệp thanh tịnh không cần gìn giữ nên đáng kính lễ.

Lại nữa, Phật thành tựu 3 niệm xứ, nên đáng kính lễ. Mỗi khi thuyết pháp, thính giả nhất tâm nghe, không lấy làm mừng, hay không chăm lòng nghe, cũng không lấy làm buồn, vì thường tu tâm xả. Sở dĩ vì sao? Vì Phật không còn chút mảy may tham sân tập khí.

Lại Phật biết các pháp rốt ráo là không, nên không mừng không buồn.

Lại Phật khéo nhóm họp tâm đại bi, nên đối với thiện hay bất thiện, tâm không vui buồn, mà chỉ sinh khởi tâm đại bi bình đẳng.

Lại Phật am hiểu tâm tính của mỗi chúng sinh, nên chăm nghe, không lấy làm mừng, không chăm nghe cũng không lấy làm buồn, vì bản tính là vậy, nên thường tu tâm xả.

Lại tâm Phật kiên cố như đại địa, cất bớt vật nặng không lên cao, hay đặt thêm vật nặng cũng không thấp xuống. Còn tâm phàm phu như cái cân, thêm chút là thấp xuống, bớt chút thì cao lên.

Lại Phật Thế Tôn gọi là đấng đại bi, cho nên người, trời đều nên kính lễ.

Lại Phật bỏ cái vui trong cảnh sâu thiền định mà vì người nói pháp. Bi tâm của người khác không thành xong. Đại bi của Thế Tôn có thể cứu chúng sinh, nên gọi là hữu quả. Và cũng nhờ đại bi mà thành tựu đạo vô thượng chứ không phải dựa vào duyên nào khác.

Lại nữa, Phật không có ngã tâm, hành thiểu dục tri túc rất là bậc nhất. Cũng do đại bi nên tự khen thân mình.

Lại nữa, tính Phật nhu hòa, mà vì đại bi nên mới có những lời khổ thiết, khởi đại phương tiện, chịu các điều cần khổ vì độ chúng sinh. Và Phật vì đại bi độ chúng sinh nên trụ trong thế gian mà thụ thân 5 ấm như hoàn sắt nóng, trong giây lát cũng không kham chịu nổi.

Lại Phật Thế Tôn khéo tu tâm xả, rồi bỏ tâm xả thưòng hành đại bi, nên được tôn kính.

Lại Phật là người thiện trong những người thiện. Sở dĩ vì sao? Vì mình được đại lợi cũng làm cho người khác được đại lợi, lợi mình lợi người, nên gọi người thiện.

Lại Phật là chân thiện tri thức của chúng sinh. Như trong kinh nói: Ta là chân thiện tri thức của chúng sinh, là người thương xót, người làm lợi ích…

Lại nữa, Phật Thế Tôn là nơi hội tụ các công đức như tinh tiến v.v…như Hòa Lợi dùng một trăm câu kệ khen Phật. Do các công đức nầy. Cho nên đáng kính lễ.

Lại nữa, Phật tự nói công đức của mình, như trong Kinh Tăng Nhất A-hàm, Phẩm Như Lai, Phật tự nói: Ta là sư tử trong loài người, là người đẹp như hoa, là người hùng như voi là đệ nhất Sa-môn mà cũng là đệ nhất trong Bà-la-môn, và là vua trong các Thánh, vì hành vi không còn sai lầm, là không tùy theo khổ vui, đó chính là thân ta.

Hỏi: Vì lý do gì Phật tự khen thân mình? Tự khen thân mình là tướng của người ngu.

Đáp: Thế Tôn không cầu danh lợi mà chỉ vì người khác nên tự khen thân mình.

Lại Phật tâm vô ngã, vì muốn lợi cho người khác nên tự khen không lỗi.

Lại cũng bởi nhân duyên mà tự khen ít nhiều vậy thôi, chứ với công đức của Phật không thể nói hết được, cho nên không đọa vào tướng người ngu, vì không có tự cao.

Lại như trong Kinh Thanh Tịnh, Xá-lợi-phất đứng trước Phật mà ngợi khen công đức của Phật. Cho nên đáng kính lễ.

Lại các hạnh thiểu dục tri túc và vô lượng công đức đều hội tụ nơi thân Phật. Sở dĩ vì sao? Vì Phật hội tụ đầy đủ tất cả các công đức. Bởi các duyên do đó nên kính lễ Phật.

Phẩm 6: LUẬN PHÁP BẢO, TRƯỚC TIÊN LÀ 3 THIỆN

Hỏi: Trước ông có nói nên lễ Pháp Bảo. Mà Pháp Bảo có công đức gì đáng kính lễ?

Đáp: Phật tự khen ngợi nói: Pháp ta nói ra trước, giữa, sau đều thiện, nghĩa thiện, ngữ thiện, độc pháp, cụ túc, thanh tịnh điều nhu, tùy thuận Phạm hạnh. Trước giữa sau đều thiện là Phật pháp không thời nào không thiện. Với thiếu thời, tráng thời, lão thời, 3 thời đều thiện. Nhập thời, hành thời, và xuất thời cũng đều thiện. Và trước là ngăn ác, giữa là xả phúc báo và sau là xả tất cả, cho nên gọi là ba thiện.

Lại 3 thời Phật thường thuần thuyết chính pháp không xen phi pháp như các ngoại đạo.

Lại 3 thời trước giữa sau Phật thường vì chỗ ưa thích của người trí mà thuyết pháp.

Lại trong 3 thời tất cả pháp đều rất sâu, không như kinh khác trước to, giữa nhỏ, sau nát vụn. Bởi các lẽ ấy nên gọi là 3 thiện.

Nghĩa thiện, là nghĩa Phật pháp có lợi ích sâu xa: được lợi đời nầy và đời sau, lợi xuất thế đạo, không phải như ngoại điển nguyện cầu tăng thêm thiên nhãn.

Ngữ thiện, là tùy theo phương ngôn tục ngữ có thể hiển thị chính nghĩa, nên gọi là ngữ thiện. Sở dĩ vì sao? Vì kết quả lời nói chính là nghĩa. Cho nên những lời nói ra có thể biện luận nghĩa lý, nên gọi là ngữ thiện.

Lại nữa, cái quý của Phật pháp là làm đúng như nói, chứ không quí ở nói suông, cho nên tùy theo phương ngôn tực ngữ, có thể khiến được đạo, đó gọi là ngữ thiện. Không như ngoại điển, chỉ quí lời nói, nếu sai lời nói hoặc lỗi âm thanh thì luận chủ bị tội.

Lại nữa khéo nói chân đế gọi là nghĩa thiện, khéo nói thế đế gọi là ngữ thiện.

Độc pháp, là Phật chỉ nói chính pháp chứ không vì hý luận mà nói chuyện đời xưa, và cũng không nói xen tạp pháp với phi pháp.

Lại độc pháp là Phật chỉ nói vì vô dư Niết-bàn, và chỉ độc nhất Phật có thể thuyết, cho nên gọi là độc pháp.

Hỏi: Có kinh Thanh Văn bộ, chỉ có Thanh Văn nói.

Lại có các kinh khác do các thiên thần nói, sao bảo chỉ độc nhất Phật nói?

Đáp: Là căn bản của pháp đều từ Phật mà ra, nghĩa là các Thanh Văn và thiên thần đều là những người truyền đạt lời Phật. Như trong Tì-ni có nói: Phật pháp là những gì Phật nói. Những lời đệ tử Phật nói, các vị biến hóa và chư thiên nói, tóm lại tất cả thiện ngữ trong thế gian đều là lời Phật nói nên gọi là độc pháp.

Cụ túc, là pháp Phật nói ra không có giảm thiểu, như trong Kinh Uất-đà-la-già nói về tướng đầy đủ.

Lại Phật pháp không đợi các kinh mới được thành tựu, như Kinh Hòa-già-la-na đợi 5 kinh nhiên hậu mới được thành tựu. Phật pháp không phải như vậy, trong một bài kệ vẫn đầy đủ ý nghĩa, như nói: Chớ làm các ác, vâng làm các lành, tự tịnh tâm ý, là chư Phật dạy. Cho nên gọi là đầy đủ.

Thanh tịnh điều nhu, là có 2 thứ thanh tịnh, nên gọi là thanh tịnh điều nhu. Đó là lời thanh tịnh gọi là thanh tịnh, nghĩa thanh tịnh gọi là điều nhu.

Lại Phật cho phép trong nghĩa chính đặt lời tùy nghĩa. Trong chính ngữ đặt nghĩa tùy ngữ, không phải như ngoại đạo tùy theo kinh mà lấy.

Lại trong Phật pháp, căn cứ vào pháp không căn cứ vào người. Mà trong pháp cũng còn phân biệt, là căn cứ vào kinh liễu nghĩa, mà không căn cứ vào kinh không liễu nghĩa, đó là tịnh pháp, không chỉ theo kinh.

Lại trong Phật pháp có 3 pháp ấn: Tất cả vô ngã. Các pháp hữu vi, niệm niệm vô thường. Niết-bàn tịch diệt. Với 3 pháp ấn này, các luận giả không thể phá hoại được, vì là chân thật nên gọi là thanh tịnh điều nhu.

Tùy thuận phạm hạnh, là 8 chính đạo gọi là phạm hạnh. Phạm là đạo Niết-bàn, vì có thể đến Niết-bàn nên gọi là phạm hạnh.

Pháp Bảo thành tựu công đức như vậy, cho nên đáng kính lễ.

Phẩm 7: CÁC GIÁO PHÁP

Lại nữa, Phật tự khen ngợi rằng: Pháp ta có thể diệt, có thể đến Niết-bàn, có thể sinh chính trí có thể khéo dẫn đường.

Có thể diệt, là diệt tắt các lửa phiền não tham, sân si nên gọi là có thể diệt, như tu quán bất tịnh diệt được lửa dâm dục, như tu từ tâm diệt được giận dữ, không phải như ngoại đạo tu pháp đoạn thực, cho nên gọi là có thể diệt. Có thể đến Niết-bàn, là rốt ráo Phật pháp chắc chắn đến Niết-bàn, không phải như ngoại đạo an trụ trong hữu phần, hay say đắm các thiền định.

Lại trong Phật pháp, nói tất cả pháp hữu vi đều có tội lỗi nên không đáng khen ngợi, không phải như Bà-la-môn khen ngợi trời Phạm Thế, cho nên nói Phật pháp có thể đến Niết-bàn.

Có thể sinh chính trí, là có bao nhiêu Phật pháp đều vì Niết-bàn, cho nên có thể sinh chính trí. Và trong Phật pháp có quả chân trí, như từ văn tuệ sinh tư tuệ, từ tư tuệ sinh tu tuệ, nên nói Phật pháp có thể sinh chính trí.

Có thể khéo dẫn đường, là Phật pháp mình trước khéo thành tựu, sau làm cho người khác an trú trong chính pháp, nên gọi khéo dẫn.

Lại nữa, Phật pháp có 6 pháp: 1. Thiện thuyết. 2. Hiện báo. 3. Vô thời. 4. Có thể đem. 5. Đến nếm biết. 6. Người trí tự biết.

Thiện thuyết, là các pháp Phật nói đúng như thật tướng của các pháp, như pháp bất thiện là nói tướng bất thiện, thiện là nói tướng thiện, gọi là thiện thuyết.

Hiện báo, là Phật pháp có thể được quả báo hiện tại, như trong kinh nói: Sớm mai thụ giáo, khiến chiều đắc đạo, chiều vì nói pháp khiến sáng ngày đắc đạo.

Lại hiện báo là như hiện tại trong Kinh Sa-môn Quả nói: Hiện được cung kính, danh tiếng, thiền định, thần thông, các việc lợi ích.

Lại nữa, Phật pháp đều có nghĩa lý, nên khiến được cung kính hiện đời, quả báo đời sau và quả báo Niết-bàn. Các pháp ngoại đạo không có nghĩa lý nên không được quả báo hiện tại và đời sau huống chi Niết-bàn, cho nên gọi là hiện báo.

Vô thời, là Phật pháp không đợi ngày tháng năm nào hay tinh tú cát hung mới được tu đạo, hay ngày tháng năm nào đó không được tu đạo. Không phải như pháp của Bà-la-môn là đầu xuân Bà-la-môn thụ pháp lửa, cuối xuân Sát-lợi thụ pháp lửa. Hoặc đợi mặt trời mọc, hoặc chưa mọc mới cúng dường lửa. Như thấy ngũ cốc đợi thời vụ mới gieo trồng, rồi bảo Phật pháp cũng phải như vậy. Cho nên nói là Vô thời. Như trong kinh nói: Phật pháp dễ tu, đi đứng ngồi nằm không lúc nào không tu được.

Có thể đem, là vì nhờ chính hành nên có thể đem chúng sinh đến chỗ giải thoát, nên gọi là có thể đem.

Đến nếm biết, là Phật pháp cần phải tự thân tác chứng, không phải chỉ theo người khác, như Phật bảo các Tì-kheo: Các ông đừng chỉ tin lời ta, mà phải tự suy nghĩ pháp ấy nên tu hay không nên tu. Không phải như ngoại đạo bảo các đệ tử rằng: Hãy bỏ lối vấn đáp này, như người rửa sạch không thích bụi đất, phải chỉ theo lời ta như đứa điếc câm . Cho nên gọi là nếm biết.

Người trí tự biết, là lợi ích của Phật pháp, người trí tuệ mới có thể tin hiểu, còn pháp đoạn thực những người thô ngu tin ưa, chứ người trí không chấp nhận. Bởi chính trí tuệ có thể phá trừ phiền não. Những pháp như thế người trí mới hiểu. Tuy dùng vật thực đầy đủ nuôi thân mà nhất tâm tinh tiến tu trì, không nhiễm tham sân. Các việc như thế người trí hiện biết, như người lành bệnh tự nhiên biết được khỏi bệnh, như tướng nước lạnh chỉ người uống mới biết.

Lại nữa, hoặc có quá ngữ pháp, như nói tướng cứng của đất. Cứng lấy gì làm tướng? Không thể lấy lời nói đáp được, mà phải chạm đến mới biết. Cũng như có người mù bẩm sinh không thể nói cho người đó biết màu xanh vàng đỏ trắng được. Nếu người chưa thấm được khí vị Phật pháp thì không thể đem thật nghĩa Phật pháp mà bảo với người đó được, vì Phật pháp là pháp tịch diệt.

Lại nữa, Phật pháp có thể tự chứng biết chứ không thể đem chỗ chứng của mình trao cho người khác như đồ vật hay của cải. Như trong Kinh Bà-la-diên, Phật nói: Ta không thể tự dứt nghi cho ông để ông có thể chứng pháp của ta. Nghi của ông tự dứt lấy.

Lại nữa pháp ấy khi đến thân người khác thì không thể thấy được, như lửa đã truyền đi nơi khác.

Lại người phàm phu ngu nhân bị núi vô minh che ngăn nên không tin pháp nầy, như Phật nhân Sa-di A-di-la-việt nói thí dụ núi lớn. Cho nên nói người trí tự biết.

Lại nữa, Phật pháp rất sâu, khai thị thì cạn để dứt trừ hư ngụy, lưu bố khắp người trời. Nói rất sâu, là Phật pháp rất sâu. Vì không biết nguyên nhân nên người đời phần nhiều chỉ thấy hiện quả, không thể biết nguyên nhân nên nói do trời Tự Tại v.v… do các thứ tà nhân. Mười hai pháp nhân duyên sâu xa khó hiểu. Người đời trí cạn đối với Phật pháp không có tưởng sâu xa được nên không thể thông suốt các pháp nhân duyên, cho đến cộng cỏ nhỏ cũng do các nhân duyên. Suy nghĩ quan sát thì tướng nó càng trở nên sâu. Như Phật có nói: Các pháp nhân duyên, điều này rất sâu, ái hết lìa diệt, và chỗ Niết-bàn, cũng là khó thấy.

Hỏi: Nếu nhân duyên rất sâu sao A-nan sinh nghĩ tưởng nông cạn?

Đáp: Có luận sư đã bảo rằng: Lời nói ấy không đúng. A-nan là bậc đại đệ tử thông đạt pháp tướng làm sao lại nói pháp nhân duyên là nông cạn?

Lại nếu đem tướng chung mà quán sát pháp nhân duyên nên sinh tưởng nông cạn. Bởi vì sao? Vì người ấy không khéo phân biệt mà quán nghiệp phiền não.

Lại nữa, như người đối với sở học đã được rốt ráo liền sinh lòng nghĩ cạn dễ, như khi được đại trí trở lại xem bài học ban đầu. Trái lại có người trí tuệ chưa thành tựu, đối với pháp rất sâu, sinh tưởng dễ dàng nông cạn.

Lại nữa, vì Phật khéo thuyết pháp nên hoặc có chúng sinh nghe liền sinh ý nghĩ cho là cạn dễ.

Lại Phật pháp đều không, vì lý không nầy rất sâu nên Phật dùng nhiều thứ nhân duyên thí dụ nói rõ nghĩa làm cho dễ hiểu, trẻ con cũng hiểu được, như Sa-di Tu-đà-da chẳng hạn.

Lại nữa, Phật pháp kiên cố, nên trong các lời nói rất là chân thật, không phải như những kinh Bà-la-đà-la-ma-diên chỉ có lời nói mà không có thật nghĩa. Như Phạm Chí Lô-đề thưa Thế Tôn rằng: Các Tì-kheo đối với pháp chân thật lợi ích tinh cần tu học thì được hết lậu.

Lại nữa, Phật pháp vì làm lợi ích cho tất cả người đời nên mới nói, chứ không phải như Bà-la-môn nói pháp Bà-la-môn chỉ có tự mình được đạo, người khác không được. Phật pháp là pháp tôn trọng, các vì Thiên vương là những người buông thả hưởng ngũ dục mà vẫn đến tín thụ. Vì các nhân duyên nầy, cho nên đáng kính lễ Pháp bảo.

Phẩm 8: MƯỜI HAI BỘ KINH

Lại nữa, Phật pháp phân biệt có 12 loại: 1. Tu-đa-la. 2. Kì-dạ. 3. Hòa-già-la-na. 4. Già-đà. 5. Ưu-đà-na. 6. Ni-đà-na. 7. A-ba-đà-na. 8. I-đế-viết-đa-già. 9. Xà-đà-già. 10. Tì-phật-lược. 11. A-phù-đa-đạtma. 12. Ưu-ba-đề-xá.

Tu-đa-la, là những lời nói thẳng.

Kì-dạ, là dùng kệ tụng lại Tu-đa-la, hoặc Phật tự nói, hoặc các đệ tử nói.

Hỏi: Vì sao phải dùng kệ tụng lại Tu-đa-la?

Đáp: Muốn cho nghĩa lý vững chắc, như dùng dây xâu hoa, thứ lớp chặt chẽ, lại muốn trau giồi lời lẽ, khiến người ưa thích, như rải hoa, hoặc cầm hoa xâu để trang sức.

Lại nữa, đưa nghĩa lý vào trong kệ thì tóm tắt dễ hiểu. Hoặc có chúng sinh ưa nói thẳng, hoặc thích kệ tụng.

Lại trước nói thẳng pháp, sau dùng kệ tụng thì nghĩa lý rõ ràng khiến lòng tin kiên cố.

Lại nghĩa được đưa vào trong kệ thì thứ lớp làm rõ cho nhau, dễ xưng tán. Cho nên phải cần nói kệ.

Hoặc có người bảo: Phật pháp không nên tạo kệ vì giống lối ca vịnh. Lời nói ấy không đúng, vì Phật pháp cần nên tạo kệ. Sở dĩ vì sao? Vì Phật tự dùng kệ nói các nghĩa.

Lại như kinh nói: Tất cả các lời đẹp đẽ trong thế gian đều phát xuất từ pháp ta. Cho nên kệ tụng mới có lời đẹp đẽ.

Hòa-già-la-na, là các kinh có giải nghĩa thì gọi là Kinh Hòa-giàla-na. Nếu có kinh không đáp không giải như Tứ Vô Ngại chẳng hạn thì gọi là Tu-đa-la, kinh có vấn đáp gọi là Hòa-già-la-na, như nói có 4 hạng người: từ tối vào tối, từ tối vào sáng, từ sáng vào tối, từ sáng vào sáng. Hạng từ tối vào tối, là như những người bần tiện mà còn gây 3 ác nghiệp sẽ đọa vào ác đạo. Những kinh như thế gọi là Hòa-già-la-na.

Hỏi: Vì sao Phật nói kinh không đáp không giải?

Đáp: Có kinh nghĩa lý thâm sâu, nghĩa của kinh này sẽ nói riêng trong phần A-tì-đàm, cho nên không giải.

Hoặc có người nói: Phật nói kinh đều có giải nghĩa. Nhưng vì người kết tập Pháp bảo lựa kinh nào nghĩa thâm sâu đặt vào trong A-tì-đàm, như bởi 2 nhóm người kết tập trong hang và ngoài hang, trọn đêm giải nghĩa. Nghĩa này nên ở trong nhóm kết sử.

Già-đà, là đệ nhị bộ thuyết Kì-dạ. Kì-dạ là kệ. Kệ có 2 thứ: một gọi là Già-đà, hai gọi là Lộ-già. Lộ-già lại có 2 thứ: một thuận phiền não, hai không thuận phiền não. Không thuận phiền não là trong Kìdạ gọi là Già-đà.

Trừ 2 thứ kệ nầy, ngoài ra các kinh không phải kệ, gọi là Ưuđà-na.

Ni-đà-na, là các kinh nhân duyên. Sở dĩ vì sao? Vì chư Phật hay các bậc hiền thánh nói kinh pháp cần có nhân duyên. Nhân duyên của các kinh này hoặc ở trong Tu-đa-la, hoặc ở nơi khác, thì gọi là Ni-đà-na.

A-ba-đà-na, là nói có đầu đuôi thứ lớp, như trong kinh nói: Người trí nói thì có gốc ngọn, có thứ lớp, có nghĩa có giải không cho tán loạn. Đó gọi là A-ba-đà-na.

I-đế-việt-đa-già, là kinh nhân duyên và kinh thứ lớp. Nếu 2 kinh này ở quá khứ thì gọi là I-đế-việt-đa-già, tiếng Trung Quốc dịch là: Điều này đời quá khứ như vậy.

Xa-đà-già, là nhân việc hiện tại mà nói việc quá khứ. Như Lai tuy nói việc đời vị lai, nhưng điều này đều nhân quá khứ và hiện tại nên không nói riêng.

Tì-phật-lược, là kinh Phật nói rộng thì gọi Tì-phật-lược. Có người không tin bảo: Các bậc Đại Thánh, vì thích vắng lặng không ưa ồn ào, chán tạp ngữ thế gian, vì muốn nhổ các gốc ưa vui, nên không ưa nói rộng. Như trong kinh nói: Có người chứng được đạo, hơn 2 tháng mới nói một lời. Vì muốn dứt nghi này nên nói có kinh nói rộng rất nhiêu ích cho người khác. Như nói Như Lai có 2 lối thuyết pháp: một rộng hai sơ lược. Cố nhiên là rộng hơn sơ lược.

A-phù-đà-đạt-ma, là các kinh nói việc chưa từng có. Như nói các việc lạ khi kiếp hết như có đại biến, thân lượng các chư thiên, đại địa chấn động. Có người không tin các việc như vậy, cho nên nói có kinh nói việc chưa từng có. Hiện nghiệp quả báo, thế lực các pháp, không thể nghĩ bàn.

Ưu-ba-đề-xá, là như Đại Ca-chiên-diên v.v… là các bậc đại trí rộng giải lời Phật. Có người không tin cho là không phải Phật nói. Phật vì những người ấy cho nên nói có luận kinh. Kinh mà có luận thì nghĩa dễ hiểu.

Mười hai bộ kinh này là Phật pháp. Pháp Bảo đầy đủ công đức như thế, cho nên đáng kính lễ.

Phẩm 9: LUẬN TĂNG BẢO, TRƯỚC TIÊN LÀ THANH TỊNH

Hỏi: Trước ông có nói nên kính lễ Tăng Bảo. Sao phải kính lễ?

Đáp: Ở nhiều nơi Phật tự khen ngợi Tăng. Tăng Bảo là giới phẩm thanh tịnh, định phẩm, tuệ phẩm, giải thoát phẩm, giải thoát tri kiến phẩm đều thanh tịnh, nên thỉnh nên lễ, chắp tay cung kính cúng dường thì thí chủ có thể được lợi ích, vì đó là ruộng phúc cao tột.

Giới phẩm thanh tịnh, là các đệ tử Phật giữ giới không bị tì vết, cho đến bị lỗi nhỏ cũng rất ôm lòng lo sợ.

Lại đệ tử Phật, không phải vì cầu phúc báo sinh về cõi người, cõi trời, cũng không phải vì lo sợ địa ngục, ngạ quỷ mà siêng có thể giữ giới, mà chỉ vì ưa thiện pháp nên gọi là thanh tịnh.

Lại nữa, giữ tịnh giới chẳng hạn cuộc theo thời tiết, không như Bà-la-môn giữ giới 6 tháng, hay 1 đêm, cho đến rốt ráo. Nên gọi là thanh tịnh.

Lại nữa, giữ tịnh giới lìa 2 bên, là xa lìa vui ngũ dục và lìa khổ nơi thân, cho nên gọi giới này được Thánh ưa mến, mà giới này cũng được người trí yêu chuộng.

Lại nữa, bởi tâm tịnh nên giới cũng thanh tịnh.

Lại bởi thâm tâm ngăn ác, chứ không phải giữ giới chỉ vì lo sợ đời sau, cho nên gọi Tăng Bảo là giới phẩm thanh tịnh.

Định phẩm thanh tịnh, là nhờ thiền định có thể sinh chân trí nên gọi thanh tịnh.

Tuệ phẩm thanh tịnh, là nhờ tuệ mới được hết phiền não, nên gọi thanh tịnh.

Giải thoát thanh tịnh, là như được hết các phiền não, không phải chỉ có thể ngăn chận phiền não, nên gọi giải thoát thanh tịnh.

Giải thoát tri kiến thanh tịnh, là đối với các phiền não hết mà được trí tuệ là hết ngã sinh, chứ không phải chưa hết phiền não mà nói hết ngã sinh. Đó là giải thoát tri kiến thanh tịnh.

Nên thỉnh nên lễ nên cúng dưòng, là vì có thể đầy đủ các công đức như thế, cho nên cần cầu thỉnh kính lễ và cúng dường các bậc phúc điền ấy. Trong đó mà trồng phúc thì được quả báo vô lượng, cho đến khi các vị vào Niết-bàn cũng không thể hết được.

Có thể làm lợi ích thí chủ, là có thể khiến công đức của thí chủ tăng thêm lợi ích, như ruộng 8 công đức, làm tươi tốt ngũ cốc không cho hư hoại. Ruộng Tăng Bảo cũng vậy, vì thành tựu 8 công đứ, nên có thể khiến thí chủ được tăng trưởng công đức. Cho nên đáng kính lễ.

Phẩm 10: Phân biệt hiền thánh

Hỏi: Do pháp gì nên gọi là Tăng?

Đáp: Do 4 hành, 4 đắc, và giới, định, tuệ các công đức thanh tịnh, nên gọi là Tăng.

Bốn hành, là hành Tu-đà-hoàn, hành Tư-đà-hàm, hành A-nahàm, hành A-la-hán.

Bốn đắc, là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán.

Hành Tu-đà-hoàn có 3 hạng người: 1. Tùy tín hành 2. Tùy pháp hành. 3. Tùy vô tướng hành.

Tín hành, là nếu người chưa được trí không vô ngã, vì tin Phật pháp thực hành theo lời Phật dạy gọi tín hành. Như trong kinh nói: Ta đối điều này vì tin nên làm. Nếu được chân trí thì không chỉ theo lòng tin mà làm. Như trong kinh nói: Biết người không làm, người không tin, đó là Thượng nhân. Cho nên phải biết chưa được chân trí là Tùy tín hành. Như trong kinh nói: Nếu người đối với Pháp đem chút trí tuệ quan sát nhẫn, lạc, gọi là Tín hành. Vượt khỏi bậc phàm phu, nhưng chưa chứng được quả Tu-đà-hoàn, trong thời gian ấy không bị mạng chết, gọi là Tín hành. Người nầy trong văn tư tuệ chính quán các pháp, tâm nhẫn dục lạc, tuy chưa được trí không vô ngã mà có thể sinh tâm thế gian tương tự nhẫn pháp, từ đây trở đi gọi là vượt khỏi bậc phàm phu. Sở dĩ vì sao? Sau sẽ nói rộng. Nếu không có tín v.v… 5 căn, thì người nầy còn ở ngoại phàm phu. Cũng người nầy lần hồi tu tập được noãn v.v… các pháp tu tuệ mà bản danh vẫn còn nên cũng gọi là Tín hành, vì hoàn toàn không kịp người Pháp hành. Kinh nầy nên nói cần phải chứng được quả Tu-đà-hoàn, chứ không nên nói không bị mạng chết. Sở dĩ vì sao? Vì người Tín hành hãy còn xa. Như trưởng giả Úc-già cúng dường chúng Tăng, có Thiên thần cáo thị cho biết vị này là A-la-hán, vị này là hành A-la-hán, cho đến vị nầy là Tu-đà-hoàn, vị này hành Tu-đà-hoàn. Nếu còn ở 15 tâm thì không có thể được cáo thị như vậy. Phải biết người hành Tu-đà-hoàn có gần có xa, gọi là Tín hành.

Người pháp hành, là người này được trí không vô ngã, mà còn ở trong pháp noãn, đảnh, nhẫn, thế đệ nhất, tùy thuận pháp hành, tu các pháp không vô ngã thì gọi là pháp hành. Hai hành nhân này nhập vào kiến đế đạo, thấy diệt đế, nên gọi là vô tướng hành. Ba hạng người này là hành quả Tu-đà-hoàn. Trong đạo thế tục vì không đoạn kết, nên không được gọi là hành. Còn 3 quả kia, sau sẽ nói.

Tu-đà-hoàn, như trong kinh Phật nói: Nếu người đoạn được 3 kết là thân kiến, nghi, giới thủ thì gọi là Tu-đà-hoàn, không đọa ác đạo, chắc chắn được chính trí, cùng cực đến 7 hữu.

Hỏi: Nếu Tu-đà-hoàn kiến đế, các phiền não đều đoạn hết, diệt được vô lượng khổ, như Kinh Địa Dụ nói, sao đây chỉ nói đoạn 3 kết ư?

Đáp: Vấn đề này sau sẽ nói rộng. Nghĩa là thân kiến hết, các thứ khác cũng hết theo. Còn không đọa ác đạo thì ra sau, trong phần nhóm nghiệp cũng sẽ nói rộng. Nói chắc chắn được chính trí, là người nầy được vào trong dòng pháp chắc đến Niết-bàn, như cây trôi giữa sông Hằng, lìa 8 nhân duyên chắc chắn đến biển cả. Nói cùng cực 7 hữu, là người nầy trong 7 đời trí vô lậu sẽ thành thục, như Ca-la-la v.v… trong bào thai, cứ bảy ngày biến thành trạng thái khác.

Lại như uống các thứ tô lạc đến 7 ngày thì lành bệnh khó.

Lại như dòng họ giới hạn đến 7 đời.

Lại như thân người bị một thứ rắn độc cắn, vì sức của tứ đại chỉ đi được 7 bước và vì sức độc của nọc rắn nên không đi được bước thứ 8.

Lại pháp dối gạt cũng đến 7 đời.

Lại như đến khi 7 mặt trời xuất hiện là kiếp thiêu hết. Như vậy 7 đời chứa nhóm tuệ vô lậu đốt cháy hết phiền não.

Lại pháp ấy ứng với 7 hữu. Có Tu-đà-hoàn đời nay vào Niết-bàn, có đời thứ 2 thứ 3 cùng cực là đến đời thứ 7. Đó gọi là Tu-đà-hoàn.

Hành Tư-đà-hàm, là tư duy đoạn kết có 9 phẩm. Nếu đoạn 1, 2, cho đến 3, 4, 5, đó là người hành Tu-Đà-Hàm. Có người nói chỉ dùng 1 vô ngại đạo mà đoạn. Điều này không phải như vậy, vì trong kinh Phật nói phải đem vô lượng tâm mà đoạn trừ, như trong Kinh Phủ Kha Dụ đã nói.

Lại hành giả Tư-đà-hàm còn có tên là Gia gia, là người nầy hoặc 2 hoặc 3 phen qua lại hoặc hiện thân nầy được vào Niết-bàn. Đó là hành giả Tư-đà-hàm.

Tư-đà-hàm, là chỉ còn đến nhân gian một phen rồi nhập Niếtbàn. Người nầy do tư duy đoạn được kết bạc, trụ trong bạc địa này gọi là Tư-đà-hàm. Tư-đà-hàm này, hoặc hiện đời nầy vào Niết-bàn.

Hành A-na-hàm, là nếu đoạn được kết phẩm thứ 7, thứ 8, người nầy đều gọi là hành A-na-hàm. Đoạn phẩm thứ 8 gọi là Nhất chủng. Người hành A-na-hàm, hoặc có người hiện đời nầy được vào Niết-bàn. Lìa hết 9 phẩm kết của cõi Dục nên được gọi là A-na-hàm. A-na-hàm nầy có 8 thứ sai khác. Như là có người do thân trung ấm nhập diệt, có người do sinh hữu nhập diệt, có người không hành nhập diệt, có người có hành nhập diệt, có người lên đến A-ca-ni-trá hành nhập diệt, có người đến Vô sắc xứ, có người chuyển thế nhập diệt, có kẻ do hiện đời nhập diệt. Tùy theo căn cơ thượng, trung, hạ nên có sai khác.

Trung ấm nhập diệt cũng có 3 thứ thượng căn, trung căn, hạ căn. Có A-na-hàm rất chán thế gian mà có chút chướng ngại nên hiện đời không được nhập diệt, người nầy khi ở trong thân trung ấm mới nhập diệt.

Sinh hữu cũng có 3 hạng là sinh diệt, hành diệt và không hành diệt. Sinh diệt, là khi sinh rất chán lìa sinh hữu liền vào Niết-bàn, gọi là sinh diệt, vì căn cơ lanh lợi. Hoặc có khi sinh xong, các pháp vô lậu đạo tự nhiên hiện tiền không cần gia hành siêng tu mà vào Niếtbàn, gọi là không hành diệt, vì căn cơ bậc trung. Hoặc có người sinh xong rất sợ việc thụ thân, siêng tu hành đạo mới vào Niết-bàn, gọi là hành diệt vì căn cơ chậm lụt.

Thượng hành diệt cũng có 3 hạng: Hoặc từ một nơi mạng chung, đến một nơi khác sinh, rồi bèn vào Niết-bàn, gọi là lợi căn. Hoặc từ 2, 3 nơi sinh gọi là trung căn. Tất cả nơi mạng chung, tất cả nơi sinh, gọi là độn căn. Từ Sơ thiền đến cõi trời Quảng Quả, gọi là quyết định. Đến cõi trời Quảng Quả rồi nếu sinh về cõi trời Tịnh Cư, người nầy không còn đến cõi Vô săc xứ, vì ưa thích tuệ. Nếu vào Vô sắc xứ thì người này quyết không sinh về cõi trời Tịnh Cư, vì ưa thích định.

Chuyển thế, là hoặc đời trước chứng được quả Tu-đà-hoàn, hay quả Tư-đà-hàm; về sau chuyển thân lại chứng được quả A-na-hàm.

Người nầy không vào cõi Sắc, cõi Vô sắc.

Hiện diệt, là người lợi căn số một, tức hiện thân này được vào Niết-bàn.

Lại có 2 hạng người: một là tín giải thoát, hai là kiến đắc. Hai hạng nầy vì căn cơ có sai khác, như người học nhân độn căn trong tư duy đạo gọi là tín giải thoát. Lợi căn là kiến đắc. Nếu A-na-hàm đủ 8 pháp giải thoát gọi là thân chứng, các hạng nầy đều là người hành A-la-hán vì đồng đoạn kết. Nếu đoạn diệt tất cả phiền não gọi là A-la-hán. A-la-hán có 9 hạng: 1. Thoái tướng. 2. Thủ tướng. 3. Tử tướng. 4. Khả tiến tướng. 5. Trụ tướng. 6. Bất hoại tướng. 7. Tuệ giải thoát tướng. 8 Cầu giải thoát tướng. 9. Bất thoái tướng. Các bậc A-la-hán nầy vì chứng được Tín v.v… các căn nên có sai khác nhau.

Người rất độn căn gọi là thoái tướng, là thoái lui mất Tammuội. Vì thoái lui Tam-muội nên trí tuệ vô lậu không thể hiện tiền. Thủ tướng, là người có chút căn cơ khá hơn, nếu gìn giữ Tam-muội thì không thoái mất, mà không giữ thì mất. Tiền thoái tướng, là trước kia dầu có cố giữ cũng thoái lui mất. Tử tướng, là người nầy căn cơ lại khá hơn chút nữa; rất chán các hữu, người nầy vì không thể được Tam-muội nên trí tuệ vô lậu khó được hiện tiền, giả sử được nhưng vui mừng rồi cũng mất, nên tự tìm lấy cái chết. Trụ tướng, là nếu được Tam-muội, nhưng không tiến không lui gọi là Trụ tướng. Ba hạng trước là ở trong thoái phần Tam-muội, còn trụ tướng nầy ở trong trụ phần Tam-muội. Khả tiến tướng, là nếu được Tam-muội thì tăng thêm bền chắc, người nầy trụ ở trong tăng phần Tam-muội. Bất hoại tướng, là được Tam-muội rồi các thứ nhân duyên không thể làm hư hoại. Người nầy trụ ở đạt phần Tam-muội, vì trí tuệ rất sắc bén nên khéo lấy Tam-muội nhập vào tướng trụ khởi nên không thể hoại. Do diệt tận định nên có 2 hạng người không được định này gọi là Tuệ giải thoát. Được định này gọi là câu giải thoát. Bất thoái tướng, là những công đức được đều không thoái mất, như trong kinh nói: Phật bảo các Tì-kheo: Nếu đệ tử ta đem giường chở ta, ta trước đã được, đều không lui mất.

Chín hạng như vậy gọi là vô học nhân. Trước có 18 học nhân và 9 vô học là 27 hạng người, tất cả gọi là ruộng phúc của thế gian. Trong Tăng Bảo có đầy đủ công đức cho nên đáng kính lễ.

Phẩm 11: Ruộng phúc

Hỏi: Do những gì mà các hiền thánh nầy được gọi là ruộng phúc?

Đáp: Dứt hết tham, sân si và các phiền não nên gọi ruộng phúc. Như nói không trừ bỏ thứ cỏ giống như lúa, thì hại cây lúa. Cho nên cúng thí người vô dục được quả báo lợi lớn.

Lại người nầy tâm không, nên gọi ruộng phúc. Sở dĩ vì sao? Vì không tướng nên các phiền não tham, sân si không khởi, không sinh ác nghiệp.

Lại các hiền thánh chứng được pháp bất tác nên gọi là ruộng phúc.

Lại các người nầy thiền định đã được v.v… đều thanh tịnh, vì đã vĩnh viễn lìa các phiền não lớn nhỏ.

Lại xả bỏ hết sự buồn vui nên gọi ruộng phúc.

Lại có thể dứt trừ 5 thứ trói buộc tâm, nên tâm được thanh tịnh gọi là ruộng phúc.

Lại nữa, thành tựu 8 thứ ruộng công đức. Lại dùng 7 thứ định cụ khéo giữ nơi tâm.

Lại có thể tận diệt 7 thứ lậu nên không còn các lầm lỗi.

Lại đầy đủ các giới hạnh, 7 pháp thanh tịnh.

Lại được thành tựu 8 công đức của hạnh thiểu dục và tri túc.

Lại có thể vượt qua bờ bên kia, và đang siêng năng có thể cầu độ, nên gọi là ruộng phúc. Như trong kinh nói: Chỉ có thể phát tâm muốn tu thiện pháp còn được nhiều lợi ích, huống chi là tu hành. Các hiền thánh nầy thường hành thiện pháp nên gọi ruộng phúc. Như trong kinh nói: Có người thí chủ nào cúng dường Tì-kheo có trì giới, vị ấy nhận cúng dường rồi nhập vô lượng định, người thí chủ được phúc vô lượng. Trong chúng có người nhập vô lượng Tam-muội, vô tướng Tam-muội, vô động Tam-muội có thể khiến thí chủ được quả báo vô lượng, nên gọi ruộng phúc.

Lại như trong kinh nói: Ba việc hòa hợp nên được phúc lớn. Một là có lòng tin, hai là vật thí, ba là ruộng phúc. Với trong chúng Tăng, người có nhiều công đức, đối với người có công đức ấy dễ sinh lòng tin.

Lại nữa, cúng chúng Tăng đủ 9 nhân duyên nên được quả báo lớn, và cúng chúng Tăng là vì người thụ thanh tịnh nên người thí chắc chắn được thanh tịnh.

Lại cúng thí có 8 thứ: Có tâm thanh tịnh ít, vật thí cũng ít, thí cho người phá giới. Có tâm thanh tịnh ít, vật thí nhiều, thí cho người phá giới. Có tâm thanh tịnh ít, vật thí cũng ít, thí cho người giữ giới. Có tâm thanh tịnh ít, vật thí nhiều, thí cho người trì giới. Có tâm thanh tịnh nhiều, thí 4 thứ vật cũng như vậy. Ở trong chúng Tăng cúng thí chắc chắn được thành tựu hoặc 2 hoặc 3. Tất cả người thiện đều nhờ chúng Tăng mà tăng thêm công đức, nhiên hậu mới tùy ý nguyện hồi hướng Bồ-đề. Và nhờ đem vật thí Tăng nầy đều sẽ được quả giải thoát ở trong sinh tử quyết không thể hết.

Lại đem thí chúng Tăng đều vì trang nghiêm tâm.

Lại nữa, nếu đối với một vị Tăng sinh lòng tin thanh tịnh hoặc có khi có thể hoại, nhưng đối với chúng Tăng lòng tin thanh tịnh quyết không hư hoại.

Lại đối với một người sinh lòng ái kính hoặc không được rộng, mà đối với chúng Tăng sinh lòng tin kính thì tâm được rộng lớn vì cảnh duyên nhiều vô lượng.

Lại nữa, cúng thí vì muốn tất cả người vào Tăng số, vì tâm rộng lớn nên được quả báo cũng lớn.

Do các duyên như trên nên các hiền thánh nầy gọi là ruộng phúc. Cho nên đáng kính lễ.

Phẩm 12: CÁT TƯỜNG

Bởi Tam Bảo nầy có công đức đầy đủ nên kinh nói đến trước.

Lại nữa, ngôi Tam Bảo nầy với tất cả thế gian là điều tốt lành thứ nhất. Như trong kệ Cát tường nói Phật, Pháp và chúng Tăng gọi là rất tốt lành.

Lại có các kinh lấy tốt lành làm tăng tuổi thọ muôn năm cho người mới học đạo được tiếng tăm đồn khắp, đó là ý kiến của người tác kinh, như dùng các chữ A Đà trước đầu kinh, đây không phải là tướng tốt lành, sau sẽ nói rộng. Nếu người nào muốn cầu điều rất tốt lành thứ nhất chính là Tam Bảo. Cho nên phải qui y. Như bài kệ Cát tường nói:

Phật là bậc Đại giác,

Đấng Đạo sư cao tột,

 Trong các cõi trời, người,

Đó là rất tốt lành.

Nếu ai đối với Phật,

Vững lòng tin không động,

Vâng giữ giới thanh tịnh,

 Đó là rất tốt lành.

Xa lìa người ngu si

Gần gũi người có trí,

Người đáng kính thì kính,

Đó là rất tốt lành.

Cho nên phải kính lễ Tam Bảo vì rất tốt lành. Tôi trước phải nói rõ.