thanh quy

Phật Quang Đại Từ Điển

(清規) Chỉ cho những qui tắc sinh hoạt hằng ngày của chúng tăng(thanh chúng) trong các chùa viện(tùng lâm) của Thiền tông. Tức là các phép tắc được đặt ra để qui định uy nghi đi, đứng, ngồi, nằm của đại chúng trong tùng lâm mà chúng tăng phải tuân thủ. Thanh gọi đủ làThanh tịnh đại hải chúng. Qui nghĩa là khuôn phép mực thước. Khuôn phép mực thước được đặt ra này có năng lực làm cho đại chúng thanh tịnh, cho nên gọi là Thanh qui. Các Thiền tăng trong khoảng 300 năm từ sau khi Tổ Đạt ma đến Trung quốc, phần nhiều cư trú trong các luật viện, hoặc hang núi, gốc cây, chứ chưa xây dựng các Thiền viện. Đến đời Đường, vì muốn cho Thiền tăng có chỗ an trú để tu hành, thuyết giảng đúng pháp, nên Thiền sư Hoài hải ở núi Bách trượng tại Hồng châu mới thiết lập Thiền viện, đồng thời tham chiếu các kinh luật Đại, Tiểu thừa chế định các nghi tắc tùng lâm, soạn ra Thanh qui 2 quyển lưu hành rộng rãi, người đời gọi là Cổ qui, Cổ thanh qui, Bách trượng thanh qui. Đây là Thanh qui đầu tiên của Thiền tông. Bộ Bách trượng thanh qui bao gồm tất cả các việc trong tùng lâm và các thiết trí như Pháp đường, Tăng đường, Phương trượng, đồng thời từ trong tăng chúng chọn ra 10 Hiền chúng để đảm nhiệm 10 chức, được chia làm Tây tự và Đông tự. Tây tự gồm: Thủ tọa (Tiền đường, Hậu đường), Thư kí, Tri tạng, Tri khách, Tri dục; Đông tự gồm: Giám tự, Duy na, Phó tự, Điển tọa, Trực tuế. Ngoài ra còn đặt các chức vụ như Liêu nguyên, Đường chủ, Hóa chủ, Trang chủ, Tri điện…, tóm lại, tất cả mọi việc trong tùng lâm đều có người chuyên môn chịu trách nhiệm. Tất cả các việc triêu tham(tham thiền buổi sáng), tịch tụ(nhóm họp buổi tối), trai chúc(cơm cháo), phổ thỉnh(thỉnh toàn thể chư tăng)… của đại chúng đều có qui định. Học chúng nhóm họp ở Tăng đường, thứ tự chỗ ngồi được sắp xếp theo năm thụ giới; đồng thời đặt những chiếc giường dài liền nhau để ngồi thiền và nghỉ ngơi. Còn Trụ trì thì phải là người có đủ đạo nhãn và đức hạnh, cư trụ trong Phương trượng, thường lên Pháp đường nói pháp, hỏi đạo, chỉ dạy để nhắc nhở và điều phục đại chúng. Những việc như vậy đã trở thành nếp mới trong tùng lâm, nhưng khác với luật pháp. Người đời gọi nếp sinh hoạt mới này là Bách trượng thanh qui. Từ đó về sau, các tùng lâm trong nước đều y theo thanh qui này mà làm phép tắc sinh hoạt tự viện. Tuy nhiên, đời sau cũng có người cho rằng Thiền lâm thanh qui là trái với giới luật Phật chế, nên tỏ thái độ chê bai. Trải qua thời gian cuối đời Đường, sang đời Ngũ đại thì bộ Bách trượng thanh qui dần dần bị thất lạc, hiện nay chỉ còn thấy một phần trong 2 sách Thiền môn qui thức và Bách trượng qui thằng tụng của Dương ức. Sau Bách trượng thanh qui, ở Trung quốc có những thanh qui khác lần lượt được soạn ra như sau: 1. Thiền uyển thanh qui (Sùng ninh thanh qui), 10 quyển, do ngài Tông trách soạn vào đời Tống. 2. Nhật dụng tiểu thanh qui (Nhập chúng nhật dụng thanh qui; Nhập chúng thanh qui, Nhật dụng qui phạm), 1 quyển, do Thiền sư Vô lượng Tông thọ ở Thụy nghiêm soạn. 3. Tùng lâm giáo định thanh qui tổng yếu(Hàm thuần thanh qui, Giáo định thanh qui, Vụ châu thanh qui), 2 quyển, do Thiền sư Duy miễn ở Kim hoa, Vụ châu soạn. 4. Thiền lâm bị dụng thanh qui (Chí đại thanh qui, Trạch sơn thanh qui, Đông lâm thanh qui), 10 quyển, do Thiền sư Nhất hàm ở Trạch sơn thuộc Đông lâm soạn vào đời Nguyên. 5. Huyễn trụ am thanh qui, 1 quyển, do Thiền sư Trung phong Minh bản soạn. 6. Thiền uyển thanh qui tổng yếu, 2 quyển, do Thiền sư Đạo tề soạn. 7. Thôn tự thanh qui, 1 quyển, do Thiền sư Kế hồng soạn. 8. Thọ xương thanh qui, 1 quyển, do Thiền sư Đạo thịnh soạn vào đời Minh. Ngoài ra, Thiền sư Đức huy trụ trì núi Bách trượng, tỉnh Giang tây, vâng sắc vua, đem 4 bản Sùng ninh thanh qui, Hàm thuần thanh qui, Chí đại thanh qui và Huyễn trụ am thanh qui, lược bỏ bớt những chỗ rườm rà, bù thêm vào những chỗ thiếu sót mà biên soạn lại bộSắc tu Bách trượng thanh qui 2 quyển, chia ra làm 9 chương, sửa lại làm 2 quyển. Từ đời Minh đến nay, bản này rất thông dụng, tuy tên gọi vẫn là Bách trượng thanh qui nhưng tinh thần nội dung thì đã cách Cổ thanh qui xa lắm. Trong 9 chương, 4 chương đầu qui định về các nghi thức chúc thánh, quốc kị, kì đảo, Phật đản tiết, Niết bàn tiết, Đạt ma kị, Bách trượng kị và Kị chư Tổ nhiều đời của các chùa, đây đều là các nghi thức mà trong luật không qui định hoặc trong Cổ thanh qui còn thiếu. Từ chương 5 đến chương 9 là những qui chương chế độ của chính tùng lâm. Ngoài ra, các tông phái khác cũng phỏng theo qui chế trong thanh qui này mà soạn ra các thanh qui của tông phái mình, như ngài Tỉnh ngộ thuộc Luật tông soạn Luật uyển sự qui 3 quyển, ngài Tự khánh tông Thiên thai soạn Giáo uyển thanh qui 1 quyển… Từ sau đời Minh, qui chế của Giáo môn rơi vào tình trạng hỗn loạn, các hành pháp trong tùng lâm cũng lỏng lẻo theo. Ở Nhật bản, về việc soạn thuật thanh qui thì có Thiền sư Đạo nguyên soạn Vĩnh bình thanh qui, Thiền sư Thiệu cẩn soạn Oánh sơn thanh qui, ngài Tức trung Huyền thấu soạn Vĩnh bình tiểu thanh qui, ngài Thanh chuyết Chính trừng soạn Đạo giám thanh qui, ngài Đông tiệm Dị công soạn Tùng lâm thập di lược thanh qui, ngài Vô trước Đạo trung soạn Tiểu tùng lâm thanh qui… Đến thời đại Đức xuyên thì có ngài Ẩn nguyên Long kì soạn Hoàng bá thanh qui, Tiểu tùng lâm lược thanh qui của phái Diệu tâm, ngài Diện sơn thuộc tông Tào động soạn Tăng đường thanh qui… Ngoài ra còn có ngài Từ không thuộc tông Tịnh độ soạn Liên môn thanh qui, ngài Nhật đăng tông Nhật liên soạn Thảo sơn thanh qui… Về các điều mục chủ yếu được thực hành trong các tùng lâm hiện đại thì có: 1. Kết hạ và kết đông: Bốn lễ lớn được tùng lâm rất xem trọng là Kết hạ, Giải hạ, Đông chí và Niên triêu. Kết hạ tức kết hạ an cư, cũng gọi kết chế, vốn bắt đầu từ ngày 15 tháng 4 hoặc tháng 5 hằng năm theo âm lịch; Giải hạ thì vào ngày 15 tháng 7 hoặc tháng 8, nhưng từ đời Nguyên về sau thì trước 1 ngày có giảng tập lễ nghi để tiện cho việc chuyên tâm tu đạo trong 3 tháng; Kết đông thì trong khoảng thời gian từ ngày 15 tháng 10 đến ngày 15 tháng giêng năm sau, kết chế an cư, chuyên tu Thiền pháp. Tức thường gọi là Đông tham hạ giảng. 2. An đơn: Tỉ khưu đã thụ giới Cụ túc, nếu y bát giới điệp đều đủ, khi hành cước(đi tham học) đến các chùa đều có thể quải đơn tạm trú. Nếu quải đơn (ở tạm) đã lâu, biết là người có hạnh kiểm tốt có thể sống chung thì cho vào Thiền đường, gọi là An đơn (được chính thức an trụ).3. Đại thỉnh chức: Tức việc sắp xếp nhân sự trong một chùa. Đây là sự kiện quan trọng vào mùa đông trong tùng lâm, thông thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 hằng năm. 4. Thiếp đơn: Chỉ cho việc công bố danh sách các chức sự và nhân viên thường trú của một chùa, thường thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 10 hằng năm. 5. Đả thất: Cầu hẹn ngày chứng ngộ, mỗi năm từ ngày 15 tháng 10 âm lịch đến ngày mồng 7 tháng giêng năm sau, Thiền chúng trong tùng lâm cử hành Thiền thất, cứ 7 (thất) ngày là 1 kì, hoặc đả thất (7 ngày), hoặc đả thập thất (70 ngày) không nhất định. Đây là việc làm quan trọng trong kì Kết đông. 6. Phổ thỉnh(cũng gọi Xuất pha): Thỉnh toàn thểđại chúng làm việc. 7. Tuế kế: Báo cáo tổng kết việc chi thu trong năm của tùng lâm. 8. Túc chúng: Phân xử những vị tăng vi phạm thanh qui. 9. Bảng trạng bài thị: Chỉ cho phương thức thông tri hành sự trong tùng lâm, tức thông báo cho đại chúng trong tùng lâm biết các việc bằng cách viết yết thị lên bảng gỗ treo ở các nơi như Pháp đường, Tăng đường, chúng liêu… 10. Chung cổ pháp khí: Chuông trống pháp khí dùng làm hiệu lệnh trong tùng lâm.[X.Thiền tịch chí Q.thượng; điều Truyền thiền qui pháp trong Đại tống tăng sử lược; Cảnh đức truyền đăng lục Q.6, phần cuối; Thiền tông tùng lâm chế độ dã Trung quốc xã hội]. (xt. Nam Hoài Cẩn).