thanh nguyên sơn

Phật Quang Đại Từ Điển

(青原山) Cũng gọi Thanh nguyên an ẩn sơn. Núi ở cách Lư lăng (nay là huyện Cát an) 15 km về phía đông nam thuộc tỉnh Giang tây. Trong núi có ngọn Lạc đà, dãy Chá cô cao đến tận mây, lại có các suối Lôi tuyền, Tích tuyền, Hổ bào tuyền, nổi tiếng xa gần. Thiền sư Hành tư (?-740), Tổ thứ 7 của Thiền tông Trung quốc từng khai sáng chùa Tĩnh cư ở núi này, năm Trị bình thứ 3 (1066) đời Bắc Tống được vua ban tấm biển hiệu là An Ẩn Tự, đến khoảng năm Sùng đức (1636-1643) đời vua Thái tông nhà Thanh, chùa được khôi phục lại tên cũ là Tĩnh cư. Cuối đời Nguyên, chùa bị thiêu hủy; cuối đời Minh được sửa lại làm tùng lâm, hiện nay vẫn còn, người đời gọi là Đại miếu. Trong chùa có điện Thiên vương, điện Đại hùng, gác Tì lô… thờ 4 vị Kim cương, 18 vị La hán, bồ tát Quán âm…, còn có các cổ vật như nồi đồng nghìn người ăn, lò hương nặng trăm cân, chuông lớn nặng nghìn cân, trên cửa chính của chùa có khắc chữ: Thanh Nguyên Sơn do Văn thiên tường viết. Ngoài ra, trong núi còn có các di tích cổ nổi tiếng như tháp Thất tổ, tháp Phi lai, thành Niết bàn, nhà tháp, am Thanh hựu, chùa Phương quảng ở núi Hoa cái, chùa Tư phúc… Kế tiếp sau ngài Hành tư, có các vị cao tăng lần lượt cư trụ núi này như ngài Thanh nguyên tề, Thanh nguyên Duy tín, Bản tịch Chân nguyên, Chuyên ngu Quán hành, Mi am Hành tú, Tiếu phong Đại nhiên… Ngài Tiếu phong Đại nhiên đời Thanh có biên tập Thanh nguyên sơn chí lược, sau do ngài Thi nhuận chương biên tập bổ sung, tất cả 13 quyển, được ấn hành vào năm Khang hi 41 (1702), nội dung ghi chép thơ văn, sớ, bia minh, du kí, kỉ sự… của các vị Thiền sư, cư sĩ, văn nhân, mặc khách cư trụ hoặc du ngoạn núi này để lại trong khoảng hơn 1000 năm từ khi ngài Thanh nguyên Hành tư vào núi khai sáng về sau. [X. Đại minh nhất thống chí Q.46; Đại thanh nhất thống chí Q.249; Thanh nguyên sơn chí lược].