thanh nguyên hạ

Phật Quang Đại Từ Điển

(青原下) Một trong các phái của Thiền tông Trung quốc. Thanh nguyên chỉ cho Thiền sư Thanh nguyên Hành tư đời Đường; Hạ hàm ý là phái dưới. Tức là pháp hệ của ngài Thanh nguyên Hành tư, đệ tử nối pháp của Lục tổ Tuệ năng, đối lại với Nam nhạc hạ là pháp hệ của ngài Nam nhạc Hoài nhượng, cũng là đệ tử của Lục tổ. Sau khi đắc pháp, ngài Hành tư trụ ở chùa Tĩnh cư, núi Thanh nguyên tại Cát châu thuộc tỉnh Giang tây, hoằng dương Thiền pháp. Pháp tự của ngài là Thạch đầu Hi thiên trụ ở núi Nam nhạc, tiếp hóa hậu học, soạn ra Tham đồng khế mở rộng tông phong, người đời tôn xưng là Thạch đầu đại sư; đệ tử ưu tú của sư có các vị Thiên hoàng Đạo ngộ, Đơn hà Thiên nhiên, Dược sơn Duy nghiễm… Hệ thống của ngài Thiên hoàng lần lượt có các vị: Long đàm Sùng tín, Đức sơn Tuyên giám, Tuyết phong Nghĩa tồn, Vân môn Văn yển… Trong đó, ngài Vân môn Văn yển trụ ở núi Vân môn tại Thiều châu (huyện Khúc giang, tỉnh Quảng đông) phát triển tông thú, môn hạ có tới 1000 người, pháp hệ của sư chính là tông Vân môn trong Ngũ gia thất tông của Thiền tông Trung quốc. Còn ngài Tuyết phong Nghĩa tồn thì mở mang Thiền pháp ở núi Tuyết phong tại Phúc châu, có tới hơn 1500 người từ khắp nơi qui tụ về tham học. Môn hạ của sư lần lượt có các vị: Huyền sa Sư bị, La hán Quế sâm, Pháp nhãn Văn ích… Trong đó, ngài Pháp nhãn Văn ích ở chùa Thanh lương tại Kim lăng (nay là huyện Giang ninh, tỉnh Giang tô), phát triển Thiền pháp một cách độc đáo. Pháp hệ của sư chính là tông Pháp nhãn trong Ngũ gia thất tông của Thiền tông Trung quốc. Còn pháp hệ của ngài Dược sơn Duy nghiễm thì lần lượt có các vị: Vân nham Đàm thạnh, Động sơn Lương giới, Tào sơn Bản tịch, Vân cư Đạo ưng. Trong đó, pháp hệ của các ngài Lương giới và Bản tịch chính là tông Tào động trong Ngũ gia thất tông của Thiền tông Trung quốc. Cho nên, hệ thống của 3 tông Vân môn, Pháp nhãn và Tào động đều được gọi là Thanh nguyên hạ. Trong 3 tông trên thì tông Vân môn từ đời Ngũ đại đến đời Tống, từ Quảng đông dần dần mở rộng phạm vi đến các tỉnh Giang tô, Chiết giang, Phúc kiến… và lấy đó làm trung tâm phát triển giáo pháp. Tông Pháp nhãn thì theo sự hưng thịnh của giáo đoàn ngài Tuyết phong Nghĩa tồn mà phát triển và được Mân vương họ Tiền qui y. Các vị Thiên thai Đức thiều, Vĩnh minh Diên thọ, Vĩnh an Đạo nguyên… của tông Pháp nhãn đều được các tông tôn là Cao tăng, ngài Đức thiều còn được khen là Trí khải tái thế. Ngoài ra, các tác phẩm quan trọng của Thiền như Tổ đường tập, Cảnh đức truyền đăng lục (do ngài Đạo nguyên soạn), Tông kính lục (do ngài Diên thọ biên tập)… cũng lần lượt được thành lập. Tông Tào động, sau ngài Động sơn Lương giới, vào các đời Nam Tống, Minh, Thanh thì có pháp hệ của ngài Vân cư Đạo ưng truyền nối, song song với tông Lâm tế thuộc pháp hệ Nam nhạc hạ đều nêu cao tông phong của mình, nhất là ngài Hoành trí Chính giác đề xướng Mặc chiếu thiền, đối lại với Khán thoại thiền do ngài Đại tuệ Tông cảo của tông Lâm tế chủ trương cùng nổi tiếng ở đời. (xt. Nam Nhạc Hạ).