thánh giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(聖教) Phạm;Pàli:Àgama. Hán âm: A cấp ma. Giáo pháp do bậc Thánh nói. Tức chỉ cho giáo lí do đức Phật nói và các sách vở do Thánh hiền soạn thuật. Tam tạng Kinh, Luật, Luận và các trứ tác khác của thánh hiền cũng được gọi chung là thánh giáo. Dị bộ tông luân luận thuật kí (Vạn tục 83, 212 thượng) nói: Thánh có nghĩa là chính, hợp với chính lí gọi là Thánh. Khế lí thông thần cũng gọi là Thánh. Điều mà những lời nói ở đây hiển bày tức là giáo. Thái tử Thánh đức pháp do đức Phật Thế tôn thuyết giảng có năng lực khiến người thực hành trở thành Hiền Thánh, vì thế gọi là Thánh giáo. Những kinh điển do ngài Huyền trang dịch thuật vào đời Đường được gọi chung là Tân dịch Thánh giáo. Ngoài ra, bài tựa Đại đường tam tạng Thánh giáo của vua Đường Thái Tông, bài tựa Đại đường trung hưng tam tạng Thánh giáo của vua Đường Trung Tông và bài tựa Đại tống tân dịch tam tạng Thánh giáo của vua Tống Thái Tông, đều gọi chung Tam tạng và Thánh hiền tập là Thánh giáo. Nhật Bản thì gọi chung các kinh luận nghi quĩ thỉnh từ Trung Quốc về và sách vở được truyền thụ là Thánh giáo. [X. luận Đại tì bà sa Q.71; luận Du già sư địa Q.4, 20, Phật tổ thống kỉ Q.44]