thanh giác

Phật Quang Đại Từ Điển

(清覺) Cao tăng Trung quốc sống vào đời Tống, người ở Đăng phong, Lạc dương, họ Khổng, hiệu là Bản nhiên. Thủa nhỏ, sư theo Nho học. Năm 27 tuổi, sư xem kinh Pháp hoa liền phát tâm cầu Phật đạo, sư lễ ngài Tuệ hải chùa Bảo ứng ở núi Long môn tại Nhữ châu xin xuất gia. Sau đó, sư xuống miền Nam tham yết Hòa thượng Thiên tuế ở núi Nga mi tại Gia châu, rồi đến núi Phù sơn ở Thư châu lập am tĩnh tu trong 20 năm. Năm Nguyên hựu thứ 7 (1092), sư đến tỉnh Chiết giang, năm sau, đến chùa Linh ẩn ở Hàng châu tham yết ngài Viên minh đồng, theo chúng tu học. Về sau, người đến theo học ngày càng đông nên sư ra trụ ở am Bạch vân sơn phía sau chùa và đề xướng nghĩa mới, phỏng theo kinh Phật lập Tứ quả, Thập địa, cũng chia Đại thừa, Tiểu thừa, lấy việc bài bác Thiền tông làm mục đích. Sớm chiều trì tụng, tự mình cày cấy, người theo ngày càng đông, họ gọi sư là Bạch vân hòa thượng, Bạch vân đại sư, đồ đệ của sư tự xưng là Bạch vân thái, đó chính là Bạch vân tông. Sau, sư lại dời đến núi Long môn tại Dư hàng, lập am Phúc địa, phát triển dần thành chùa Bảo ứng, dùng Tam qui ngũ giới để dẫn dắt học chúng khắp nơi. Sư lại nhận lời thỉnh của tăng tục giảng kinh Hoa nghiêm ở chùa Chính tế. Bấy giờ, rất nhiều người bắt bẻ nghĩa mới của sư, sư bèn soạn Chứng tông luận, Tam giáo biên, Thập địa ca… để biện giải. Niên hiệu Đại quan năm đầu (1107), sư cất am Thập địa ở phố Thiên kim tại Hồ châu, kế đó đến núi Ô trình thanh cất am Xuất trần và cư ngụ ở đó. Bấy giờ, có Giác hải ngu… cho rằng thuyết của sư làm loạn chính đạo, trái triều chính, nên tố cáo lên các quan địa phương. Do đó, năm Chính hòa thứ 6 (1116), sư đến ẩn náu ở Ân châu tại Quảng nam. Năm Tuyên hòa thứ 2 (1120), 10 người đệ tử của sư do Chính bố dẫn đầu về kinh đô trình bày sự việc và xin tạ lỗi, sư mới được bỏ qua. Năm sau, sư thị tịch, thọ 79 tuổi. Đệ tử là Tuệ năng tuân theo di chúc an táng ở núi Nam sơn thuộc huyện Dư hàng, tháp tên là Bạch vân, viện hiệu là Phổ an, sau đổi là Phổ ninh. Sư có các tác phẩm: Chứng tông luận, Tam giáo biên, Chính hành tập, Sơ học kí, Thập địa ca. [X. Thích môn chính thống Q.4; Phật tổ thống kỉ Q.46; Thích thị kê cổ lược Q.4].