thanh đàm

Phật Quang Đại Từ Điển

(清談) Bàn luận về lí cao xa, trống không. Chỉ cho cái phong khí xã hội Trung quốc được hình thành vào cuối đời Đông Hán đến đầu đời Ngụy, trong đó, giai tầng trí thức muợn sự đàm luận biện biệt để cầu đạt chân lí. Phong khí này thịnh hành vào đời Ngụy và Tấn (202-419). Thanh đàm thuần túy thuộc phạm vi tư tưởng triết học, như Nhân sinh luận, Vũ trụ luận, Bản thể luận, Tri thức luận, Nhạc lí, Luân lí, Mĩ học, Ngữ ngôn ngữ ý học… chứ không dính dáng gì đến chính trị, công danh, lợi lộc hoặc thuật mưu sinh…, cho nên ý thức xã hội đương thời biểu hiện phong cách tìm cầu sự thanh khiết. Cũng thời kì này, còn có phong khí Huyền đàm (bàn về lí sâu xa, kín nhiệm)mà chủ đề chỉ giới hạn ở Vũ trụ luận và Bản thể luận thuần túy trong Thanh đàm và làm thế nào để phối hợp phần Vũ trụ luận này với Nhân sinh luận. Các danh sĩ đương thời như Vương bật, Hướng tú… phần nhiều chuộng Huyền đàm, đề cao học thuyết Lão Trang, do đó Huyền đàm rất thịnh. Các danh sĩ Huyền học tuy bị chê là những người theo lí suông, bàn suông nhưng lúc Phật giáo truyền vào thì chính cũng nhờ Huyền đàm, Thanh đàm mà truyền bá đến được các phần tử trí thức.