Thanh Biện

Từ điển Đạo Uyển


清辯; ?-686 Thiền sư Việt Nam thuộc thiền phái Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ tư, nối pháp Thiền sư Huệ Nghiêm. Sư họ Ðỗ, quê ở Cổ Giao, xuất gia năm 12 tuổi với Thiền sư Pháp Ðăng. Khi Pháp Ðăng thị tịch, Sư chuyên trì tụng kinh Kim cương và lấy đó làm sự nghiệp. Một hôm, một vị thiền khách ghé chùa, hỏi Sư: “Kinh này là mẹ của Phật tam thế (quá khứ, hiện tại, vị lai), thầy hiểu ›mẹ Phật‹ thế nào?” Sư đáp: “Tôi từ trước trì tụng kinh này nhưng cũng chư hiểu ý ấy.” Khách hỏi: “Trì tụng đã bao lâu?” Sư thưa: “Tám năm.” Khách bảo: “Tám năm chỉ trì tụng một kinh mà chưa hiểu ý nghĩa thì dù trì tụng cả trăm năm cũng chẳng có công dụng gì.” Nghe lời khuyên của thiền khách, Sư đến tham vấn Thiền sư Huệ Nghiêm tại chùa Sùng Nghiệp. Thấy Sư, Huệ Nghiêm hỏi: “Ngươi đến có việc chi?” Sư thưa: “Ðệ tử trong tâm chưa yên ổn.” Huệ Nghiêm hỏi: “Chưa ổn cái gì?” Sư thuật lại cuộc đàm thoại với thiền khách. Huệ Nghiêm bảo: “Ngươi quên hết rồi! Sao ngươi không nhớ câu kinh ›Các Phật tam thế cùng lối pháp Vô thượng chính đẳng chính giác đều xuất xứ ở kinh Kim cương‹, thế chẳng là ›Mẹ của Phật‹ hay sao?” Sư thưa: “Quả thật đệ tử còn mê muội.” Huệ Nghiêm lại hỏi: “Thế kinh ấy ai thuyết.” Sư hỏi: “Chẳng phải là lời thuyết pháp của Như Lai hay sao?” Huệ Nghiêm nói: “Trong kinh nói ›Nếu nói Như Lai có thuyết pháp gì thì phỉ báng Như Lai.‹ Câu ấy người ta không giải được. Cái nghĩa ta vừa nói, ngươi cứ thử nghĩ xem, nếu nói kinh ấy không phải là lời thuyết pháp của Phật thì thế là phỉ báng kinh; nếu lại nói đúng là những lời thuyết pháp của Phật lại là phỉ báng Phật. Sao ngươi lại cứ muốn ta trả lời ngay?” Sư suy nghĩ, muốn hỏi thêm, Huệ Nghiêm bèn cầm Phất tử đánh vào miệng. Sư ngay đây tỉnh ngộ, bèn sụp lạy. Sau, Sư đến trụ trì chùa Kiến Dương giáo hoá tông đồ. Năm Bính Tuất, niên hiệu Ðường Thuỳ Cung thứ hai (686), Sư quy tịch.