thanh biện

Phật Quang Đại Từ Điển

(清辨) Phạm: Bhàvaviveka, Bhavya. Hán âm: Bà tì phệ già, Bà tì bệ ca. Cũng gọi Minh biện, Phân biệt minh. Cao tăng Ấn độ sống vào thế kỉ VI, Luận sư của học phái Trung quán thuộc Phật giáo Đại thừa tại Nam Ấn độ. Có thuyết cho rằng sư thuộc Vương tộc nước Mạt lợi da na (Phạm: Malyara)ở Nam Ấn độ; lại có thuyết nói sư thuộc chủng tính Sát đế lợi ở nước Ma già đà. Sư từng đến Trung Ấn độ thờ ngài Tăng hộ (Phạm: Saôgharakwita) làm thầy, chuyền cần tu học kinh điển Đại thừa và giáo thuyết của bồ tát Long thụ (Phạm:Nàgàrjuna). Sau, sư trở về Nam Ấn độ tuyên dương nghĩa Không mở màn cho cuộc tranh luận về Không, Hữu với ngài Hộ pháp (Phạm: Dharmapàla) thuộc tông Du già ở nước Ma yết đà. Ngài Hộ pháp thừa kế học thuyết của các bồ tát Vô trước, Thế thân, chủ trương Hữu là tận cùng của không, ngài Thanh biện thì noi theo học thuyết của bồ tát Long thụ, chủ trương Không là tận cùng của Hữu, 2 bên bác bỏ nhau và thành tựu cho nhau. Hoặc truyền thuyết cho rằng sau khi trở về Nam Ấn độ, sư chủ trì hơn 50 ngôi già lam, tuyên thuyết giáo pháp, soạn Trung luận thích, bác bỏ thuyết của ngài Phật hộ (Phạm:Buddhapàlita), cũng là người thuộc học phái Trung quán, cứ xem Bát nhã đăng luận thích của sư thì thấy ý kiến của sư trái với quan điểm của ngài Phật hộ. Về già, sư ở ẩn trong núi phía nam nước Đà na yết trách ca, đọc tụng chân ngôn rồi thị tịch. Sư soạn các tác phẩm: Luận Đại thừa chưởng trân 2 quyển, Bát nhã đăng luận thích 15 quyển, Trung quán tâm luận tụng (đã được truyền đến Tây tạng). [X. luận Biện chính Q.4; Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.4; điều Đà na yết trách ca quốc trong Đại đường tây vực kí Q.10; Đại từ ân tự tam tạng pháp sư truyện Q.4; Pháp hoa kinh huyền tán yếu tập Q.5; Ấn độ triết học nghiên cứu 5; The Conception of BuddhistNirvàna by Th. Stcherbatsky].