thắng nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(勝義) Phạm: Paramàrtha. Pàli: Paramattha. Cũng gọi Đệ nhất nghĩa, Chân thực. Chỉ cho đạo lí chân thực tối thắng vượt lêntrên nghĩa thế tục của thế gian. Tức những hành vi vô tướng, không thể nói năng, vượt ngoài mọi biểu tượng, dứt bặt tranh luận, siêu việt tất cả cảnh giới tầm tư. Cứ theo luận Hiển dương thánh giáo quyển 19 và luận Biện trung biên quyển trung thì Thánh đạo, Niết bàn, Chân như… đều là chân lí siêu việt tập tục thế gian, vì thế gọi là Thắng nghĩa đế (Phạm:Paramartha-satya, Pàli: Paramatthasacca);trái lại, đạo lí thông tục của thế gian thì gọi là Thế tục đế. Ngoài ra, lấy theo nghĩa chân thực hữu, đối lại với sự an lập thi thiết của thế tục mà gọi là Thắng nghĩa, như thắng nghĩa thiện và thế tục thiện, thắng nghĩa căn và phù trần căn, thắng nghĩa pháp và pháp tướng pháp. Trong đó, thiện pháp vô vi thuộc về thắng nghĩa thiện, thiện pháp hữu vi thì thuộc về thế tục thiện, hoặc gọi là Hữu lậu thiện. Bất cứ làm điều gì, hễ nương vào thế tục mà làm thì thuộc thế tục, cho nên tâm hữu lậu chính là tâm thế tục; trí hữu lậu lấy thế tục làm đối tượng là trí thế tục; dùng trí thế tục để đoạn trừ phiền não chính là đạo thế tục. Ngoài ra, Phật giáo thông thường bàn rộng về nghĩa lí của pháp môn, gọi là Pháp tướng pháp; trạch diệt niết bàn chân thực không hư dối, không dời không đổi, gọi là Thắng nghĩa pháp. Cứ theo luận Thành duy thức quyển 8 thì thắng nghĩa và thế tục đều chia làm 3 thứ, vì thế lập 3 thắng nghĩa và 3 thế tục. Phân biệt như sau: 1. Nghĩa thắng nghĩa: Chỉ cho Chân như, là đối tượng của trí tuệ thù thắng. 2. Đắc thắng nghĩa: Chỉ cho Niết bàn chứng được. 3. Hành thắng nghĩa(cũng gọi Chính hành thắng nghĩa): Chỉ cho trí vô lậu hướng tới thắng cảnh tu hành. Trên đây tương đương với Thắng nghĩa đế thứ tư, thứ ba và thứhaitrong 4 Thắng nghĩa đế. Lại phối hợp với 3 tính Duy thức là Biến kế sở chấp tính, Y tha khởi tính và Viên thành thực tính mà lập 3 thế tục như sau:1. Giả thế tục: Chỉ cho thực thể không có tự tính mà chỉ có giả danh, phối với Biến kế sở chấp tính. 2. Hành thế tục: Chỉ cho tất cả pháp hữu vi vô thường dời đổi, phối với Y tha khởi tính. 3. Hiển liễu thế tục: Chỉ cho Viên thành thực tính của Chân như, Chân như là Y tha khởi tính đã đoạn trừ hết sạch phiền não, cũng không còn dính với Biến kế sở chấp tính. Trên đây tương đương với các Thế tục đế thứ nhất, thứ hai, thứ ba, và thứ tư trong 4 Thế tục đế. Ngoài ra, luận Hiển dương thánh giáo quyển 6 lập 3 thế tục như sau: 1. Thế gian tục: Chỉ cho vật không có thực thể, chỉ nương vào giả danh mà lập, như ruộng vườn, nhà cửa… 2. Đạo lí tục: Chỉ cho những cái nương vào uẩn, xứ, giới mà lập. 3. Chứng đắc tục: Chỉ cho đạo nương vào 4 quả Sa môn hướng tới Bồ đề mà lập. Trên đây tương đương với 3 thế tục đế trước trong 4 thế tục đế. [X. phẩm Thắng nghĩa đế tướng trong kinh Giải thâm mật Q.1; luận Đại trí độ Q.31; luận Câu xá Q.1, 13, 22; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.4]. (xt. Nhị Đế, Đệ Nhất Nghĩa Đế).