Thăng-Ka

Từ Điển Đạo Uyển

T: thaṅ-ka;
Tranh vẽ trong Phật giáo Tây Tạng. Các Thăng-ka thường là vải lụa được cuốn tròn. Tranh này phần lớn lấy nội dung là giáo pháp, hay cuộc đời đức Phật. Vẽ tranh này, người ta phải chú ý đến ba nguyên tắc: sức truyền lên người xem, sự hài hoà và chi tiết bức tranh. Người ta cho rằng việc đặt vẽ Thăng-ka cũng như bản thân vẽ Thăng-ka mang lại rất nhiều phúc đức.
Thăng-ka được vẽ bằng màu lấy trong thiên nhiên và là đối tượng hay phương tiện để thiền định và tạo linh ảnh, như tranh vẽ Vòng sinh tử (s: bhavacakra), cuộc đời và tiền thân đức Phật (Bản sinh kinh). Ngoài ra, Thăng-ka cũng trình bày lại hình ảnh các vị giáo chủ các tông phái để các đệ tử chú tâm lúc quy y. Tuy nhiên, nội dung quan trọng nhất của Thăng-ka chính là phương tiện để thiết tưởng (e: visualize) linh ảnh lúc hành trì các giáo pháp Tan-tra, Nghi quỹ (s: sādhana). Ðến thế kỉ 16 tại Tây Tạng vẫn tiếp tục hình thành các trường phái vẽ Thăng-ka khác nhau, trong đó khuynh hướng vẽ của phái Cát-mã Ca-nhĩ-cư (t: karma-kagyu) là nổi tiếng nhất.