Thần Tú

Phật Quang Đại Từ Điển

(神秀) Thiền sư Trung quốc, sống vào đời Đường, người ở Úy thị, Biện châu (phía nam phủ Khai phong, tỉnh Hà nam), họ Lí. Sư mình cao 8 thước Tàu, lông mày rậm, mắt đẹp, có uy đức vòi vọi, từ nhỏ đã xem kinh sử, học rộng nghe nhiều. Khi đã xuất gia thụ pháp liền tìm thầy học đạo. Sau, sư đến chùa Đông sơn ở núi Song phong thuộc Kì châu, tham yết Ngũ tổ Hoằng nhẫn, thệ nguyện kham khổ, bổ củi, gánh nước để cầu đạo. Ngũ tổ rất kính trọng sư, cho làm Giáo thụ sư, vì ở vào địa vị cao nhất trong số môn nhân của Ngũ tổ cho nên sư được gọi là Thần tú Thượng tọa. Sư rất gần gũi với ngài Đại giám Tuệ năng, có khải phát lẫn nhau. Bài kệ sau đây là bài kệ nổi tiếng của sư: Thân thị Bồ đề thụ, Tâm như minh kính đài; Thời thời cần phất thức, Mạc sử nhạ trần ai. (Thân như cây Bồ đề, Tâm là đài gương sáng; Thường siêng năng lau chùi, Chớ để dính bụi bặm.) Tháng 10 năm Thượng nguyên thứ 2 (675) đời Đường, Tổ Hoằng nhẫn thị tịch, sư dời đến núi Đương dương tại Giang lăng hoằng pháp, đức hạnh của sư cao cả, tiếng tăm vang dội, chúng tăng theo về rất đông. Vũ hậu Tắc thiên nghe danh sư liền triệu sư vào Nội đạo tràng, đặc biệt kính trọng, ban sắc xây chùa Độ môn ở núi Đương dương để biểu dương đức hạnh của sư. Khi vua Trung tông lên ngôi cũng rất kính trọng sư, quan Trung thư lệnh là Trương thuyết giữ lễ đệ tử. Sư từng tâu lên Vũ hậu triệu thỉnh ngài Tuệ năng và tự viết thư mời, nhưng ngài Tuệ năng từ chối, đáp rằng mình có duyên với Lĩnh nam nên không vượt qua dãy núi Đại dữu, do đây mà trong Thiền môn có từ ngữ Nam Năng Bắc Tú. Tháng 2 năm Thần long thứ 2 (706), sư thị tịch ở chùa Thiên cung tại Lạc dương, thọ 102 tuổi, vua ban thụy hiệu Đại Thông Thiền Sư, là thụy hiệu đầu tiên trong Thiền môn. Dòng pháp của sư hưng thịnh ở vùng Trường an, Lạc dương. Sư nêu cao Thiền chỉ, chủ trương thuyết Tiệm ngộ, ngài Tuệ năng thuộc thiền Nam tông thì chủ trương Đốn ngộ, vì thế trong lịch sử Thiền tông có danh xưng Nam Đốn Bắc Tiệm. Đệ tử sư là ngài Đạo tuyền là người đầu tiên đến Nhật bản, cho nên những người tu thiền ở thời kì đầu tại Nhật bản phần nhiều thuộc hệ thống của sư. Đệ tử nối pháp có các vị: Phổ tịch ở Tung sơn, Nghĩa phúc ở Kinh triệu… Môn đình hưng thịnh 1 thời, người đời gọi sư là Tổ của thiền Bắc tông. Nhưng dòng pháp của sư chỉ được vài đời thì suy vi. [X. Tống cao tăng truyện Q.8; Cảnh đức truyền đăng lục Q.4; Ngũ đăng hội nguyên Q.2].