thần thông quang

Phật Quang Đại Từ Điển

(神通光) Cũng gọi Viên quang, Hiện khởi quang, Phóng quang. Ánh sáng phát ra trên thân Phật, Bồ tát, thường hằng bất diệt, chẳng phải là ánh sáng tầm thường, cho nên gọi là Thần thông quang. Phẩm Tựa kinh Pháp hoa (Đại 9, 2 trung) nói: Phật phóng ánh sáng từ sợi lông trắng ở giữa 2 đầu chân mày, chiếu soi 1 vạn 8 nghìn thế giới ở phương Đông. Trong luận Vãng sinh có từ ngữ Tướng hảo quang nhất tầm(Ánh sáng từ tướng tốt đẹp phóng ra một tầm) tức 8 thước Tàu, đó là luận theo Ứng thân Phật nên nói là ánh sáng một tầm; nếu nói theo Báo thân Phật thì ánh sáng không phải chỉ một tầm. Lại nữa, ánh sáng này chẳng phải chỉ có năng lực chiếu soi 10 phương mà còn biến hiện ra nhiều thứ, làm các Phật sự khiến cho chúng sinh được lợi ích. Thần thông quang gồm có nhiều loại, nếu phân biệt thì ánh sáng phát ra từ toàn thân Phật, gọi là Cử thân quang; ánh sáng phát ra từ một tướng hảo, gọi là Tùy nhất tướng quang; ánh sáng phát ra từ sợi lông trắng ở giữa 2 đầu chân mày, gọi là Bạch hào quang, Mi gian quang; ánh sáng phát ra từ lỗ chân lông gọi là Mao khổng quang; ánh sáng phátratừ 2 bên cổ gọi là Viên quang; còn ánh sáng phát ra từ trên thân của Phật, Bồ tát thì gọi chung là Thân quang, Sắc quang, Ngoại quang, Thần thông quang. [X. luận Đại trí độ Q.8, 34; Vãng sinh yếu tập Q.trung].