thần thông

Phật Quang Đại Từ Điển

(神通) Phạm:Abhijĩà. Pàli:Abhiĩĩà. Hán âm: Tuần. Cũng gọi Thần thông lực, Thần lực, Thông lực, Thông. Năng lực siêu nhân, tự tại vô ngại không thể nghĩ bàn do tu thiền định mà được. Thần thông gồm có 5 thứ(Ngũ thông, Ngũ tuần, Ban đầu tuần)là Thần túc thông, Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông và Túc mệnh thông, nếu thêm Lậu tận thông nữa thì thành 6 thần thông (Lục thông). Ngoài ra, cũng đặc biệt chỉ cho Thần túc thông là Thần thông. Nói một cách rõ ràng hơn thì Lục thông là: 1. Thần túc thông(cũng gọi Thần cảnh trí chứng thông, Thần cảnh thông, Thân như ý thông, Như ý thông, Thân thông): Theo luận Đại trí độ quyển 5, 28 thì Thần túc thông có 3 thứ: a. Năng đáo(đi như bay): Theo ý muốn có thể đến bất cứ nơi nào. b. Chuyển biến(biến hóa): Thay đổi tướng trạng theo ý muốn. c. Thánh như ý(tùy ý tự tại): Chuyển biến các đối cảnh (6 cảnh) của thế giới bên ngoài theo ý muốn. Trong đó, loại thứ 3 chỉ riêng Phật mới có. 2. Thiên nhãn thông (cũng gọi Thiên nhãn trí chứng thông, Thiên nhãn trí thông): Tác dụng thấy suốt tất cả các việc xa gần, khổ vui, thô tế ở thế gian. 3. Thiên nhĩ thông(cũng gọi Thiên nhĩ trí chứng thông, Thiên nhĩ trí thông): Tác dụng nghe được tất cả âm thanh ở thế gian. 4. Tha tâm thông(cũng gọi Tha tâm trí thông, Tri tha tâm thông): Tác dụng có năng lực(năng lực biết rõ tâm người khác)biết rõ tất cả việc thiện ác mà người khác nghĩ tưởng trong tâm. 5. Túc mệnh thông(cũng gọi Túc trụ tùy niệm trí chứng thông, Túc trụ trì thông, Thức túc mệnh thông): Tác dụng có sức rõ suốt tất cả trạng thái sinh tồn của mình và người khác trong đời quá khứ. 6. Lậu tận thông(cũng gọi Lậu tận trí chứng thông): Năng lực giác ngộ dứt hết sạch các phiền não, vĩnh viễn không còn tái sinh trong cõi mê. Trong 6 thông trên đây, 3 thông (Túc mệnh thông, Thiên nhãn thông, Lậu tận thông) của Phật và A la hán rất thù thắng, cho nên gọi là Tam minh. Thiên nhãn(mắt trời) là năng lực thần thông thấy suốt thời gian sinh tử của chúng sinh và các loại tình huống ở đời vị lai, gọi là Sinh tử trí chứng minh. Theo luận Câu xá quyển 27 thì 6 thần thông đều lấy Tuệ làm bản chất(tự tính), trong đó, 5 thần thông là nhờ tu Tứ thiền mà được, không phải chỉ riêng bậc Thánh mới có mà phàm phu cũng có thể có; nhưng Lậu tận thông thì chỉ bậc Thánh có được. Theo luận Đại trí độ quyển 28 thì Bồ tát chỉ có 5 thần thông, Phật mới có đủ 6 thần thông. Luận Thành thực quyển 16 cho rằng, ngoài Phật giáo ra, ngoại đạo cũng có 5 thần thông. Những Tiên nhân được 5 thần thông gọi là Ngũ thông tiên nhân. Ngoài ra, sức thần thông của quỉ súc hoặc chư thiên cũng được chia ra 2 loại là Sinh đắc(sinh ra đã có) và Tu đắc(nhờ tu Thiền định mà được). Cứ theo Đại thừa nghĩa chương quyển 20, phần đầu, có 4 phương pháp chứng được thần thông là: 1. Báo thông: Do quả báo sinh về cõi trời Tứ thiền mà tự nhiên được. 2. Nghiệp thông (sức thần thông do nghiệp mà có): Các người tiên nhờ năng lực của thuốc(tiên dược)mà tự do bay đi trong hư không. 3. Chú thông: Thần thông do Bà la môn nhờ vào sức trì chú mà được. 4. Tu thông: Nhờ tu thiền định mà được sức thần thông. Trong đó, Nghiệp thông và Chú thông là thần thông thuộc ngoại đạo. Tông Kính lục quyển 15 chia Thông lực thành Ngũ chủng thông (Ngũ thông): 1. Đạo thông: Sức thần thông dùng vô tâm ứng vật, biến hiện ra vạn hữu sau khi giác ngộ lí Trung đạo. 2. Thần thông: Sức thần thông nhờ thiền định tĩnh tâm, tư duy quán xét mà biết được đời quá khứ… 3. Y thông: Sức thần thông nhờ vào thuốc, bùa hộ thân hoặc trì chú mà có. 4. Báo thông: Sức thần thông do quả báo của nghiệp mà được. 5. Yêu thông: Sức thần thông của loài yêu quái. [X. kinh Tăng nhất a hàm Q.34; phẩm Như lai thọ lượng trong kinh Pháp hoa Q.5;kinh Đại tát ni kiển tử sở thuyết Q.7, 8; phẩm Thập thông trong kinh Hoa nghiêm Q.28 (bản dịch mới); luận Tập dị môn túc Q.15; luận Đại tì bà sa Q.70].