thân thể

Phật Quang Đại Từ Điển

(身體) Phạm:Kàya. Hán âm: Ca da. Hán dịch: Tích tập, y chỉ. Chỉ cho chỗ nương gá(y chỉ) của thức thân, Phật giáo gọi là Thân căn, hoặc gọi tắt là Thân, 1 trong 5 căn, 1 trong 6 căn, 1 trong 12 xứ, 1 trong 18 giới. Các căn như mắt, tai… tuy đều là chứa nhóm, nương gá, nhưng các căn đều phải nương vào Thân mới thành lập được, vì thế mới đặc biệt gọi Thân là Ca da. Trong 12 xứ gọi là Thân xứ (Phạm:Kàyàyatana) trong 18 giới gọi là Thân giới (Phạm:Kàyadhàtu). Trong các luận như luận Đại tì bà sa, để phân biệt Thân căn với thân gồm xương, thịt, gân, mạch… gọi thân xương, thịt… là Phù trần căn. Đối lại với Phù trần căn, Thân căn có tác dụng xúc giác, gọi là Thắng nghĩa căn. [X. luận Phẩm loại túc Q.1; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.3 phần đầu]. (xt. Thân Căn).