thân tâm nhất như

Phật Quang Đại Từ Điển

(身心一如) Tiếng dùng trong Thiền lâm. Đồng nghĩa: Sắc tâm bất nhị, Tính tướng bất nhị, Thân tâm như nhất. Thân và tâm là một. Thân chỉ cho sắc thân, thân thể; Tâm chỉ cho tâm linh, tinh thần. Thân tâm nhất như nghĩa là thân và tâm là cùng một thể như nhau, chứ không phải là hai thể khác nhau, tức là một thể hai mặt, thân là thân của tâm, tâm là tâm của thân. Ngoại đạo Tiên ni (Pàli: Senika) ở Ấn độ đời xưa cho rằng thân là vô thường và sinh diệt, chỉ có tâm là thường trụ bất biến, đây tức là đối với thân thì khởi đoạn kiến(thấy dứt hẳn), đối với tâm thì khởi thường kiến(thấy còn mãi). Thân và tâm, thiện ác và khổ vui đều liên quan mật thiết với nhau, không cái nào có thể tồn tại một cách độc lập, nếu thân là vô thường sinh diệt thì tâm cũng thế; nếu tâm là thường trụ bất diệt thì thân cũng vậy, cho nên Thân tâm nhất như là chân tướng của pháp giới.