thần phật phân li

Phật Quang Đại Từ Điển

(神佛分離) Tiếng dùng của Phật giáo Nhật bản. Vào tháng 3 năm Khánh ứng thứ 4 (1868), chính phủ Nhật bản ra thông cáo Tế chính nhất trí, Thần kì quan tái hưng(Tông giáo và chính trị hợp nhất, phục hưng địa vị Thần kì). Từ đó, phong tập Thần Phật hợp nhất từ trước đến nay bắt đầu suy đồi. Minh trị Duy tân lấy việc khôi phục vương quyền từ ngàn xưa làm lí tưởng chính trị của ông và lấy tinh thần sáng nghiệp thần vũ làm nền tảng, cho nên bắt đầu cuộc vận động tông giáo phục hưng Thần đạo, hợp nhất tông giáo chính trị và tách rời Phật với thần, vua ban lệnh buộc các xã tăng và Biệt đương ở các Thần xã(tự viện) phải hoàn tục. Các thần của thần xã cũng thoát li sự chi phối của Phật giáo và được đặt dưới sự chỉ huy của các quan thần kì, loại bỏ các thần hiệu mang tính cách Phật hiệu như Quyền hiện, Minh thần, Bồ tát… Ngoài ra còn loại bỏ tượng Phật, tượng tăng, kinh điển, pháp cụ… Trái lại, địa vị của quan thần kì được đề cao, các Thần chức được đãi ngộ ngang với quan lại nhà nước, trở thành chính sách lấy Thần kì làm trung tâm, lấy thần đạo làm quốc giáo. Chính sách Thần Phật phân li này đã phát triển thành cuộc vận động bài trừ Phật giáo một cách quá khích, tình hình cực kì nghiêm trọng. Phật giáo Nhật bản ở Giang hộ được sự che chở của Mạc phủ, từ lâu vẫn được an ổn, bỗng trải qua biến cố này, các nhân sĩ bèn thức tỉnh và lấy việc phục hưng Phật giáo làm nhiệm vụ của mình.