thân nghiệp

Phật Quang Đại Từ Điển

(身業) Phạm: Kàya-karman. Pàli: Kàya-kamma. Một trong 3 nghiệp, chỉchocác nghiệp do thân tạo tác, được chia làm 3 loại là thiện, ác và vô kí. Thân ác nghiệp chỉ cho giết hại, trộm cướp, gian dâm; trái lại, không giết hại, không trộm cướp, không gian dâm là Thân thiện nghiệp. Còn các nghiệp chẳng phải thiện, chẳng phải ác, không có năng lực cảm quả thì là Thân nghiệp vô kí. Thân nghiệp lại có Biểu nghiệp và Vô biểu nghiệp khác nhau. Biểu nghiệp chỉ cho tất cả động tác được bày tỏ ra, như huơ tay, giơ chân… đều thuộc Biểu nghiệp. Vô biểu nghiệp chỉ cho các nghiệp không bày tỏ ra, nhưng do năng lực của Biểu nghiệp mà tự sinh thế lực phòng ngừa điều sai trái, xấu ác. Thuyết nhất thiết bộ Tiểu thừa cho rằng Thân nghiệp và Ngữ nghiệp gọi chung là Tư dĩ nghiệp, chủ trương Biểu nghiệp lấy hình sắc làm thể, Vô biểu nghiệp lấy Vô biểu sắc làm thể. Kinh bộ thì chủ trương Biểu nghiệp lấy tâm sở Tư (chỉ cho Động thân tư) làm thể, còn Vô biểu nghiệp thì lấy chủng tử của tâm sở Tư làm thể. Các nhà Duy thức Đại thừa cũng lấy Động phát thắng tư (Động thân tư, Phát ngữ tư) là thể của nghiệp, chủ trương Biểu nghiệp và Vô biểu nghiệp đều là giả lập, chứ chẳng phải có thật; tức cho rằng Biểu nghiệp được giả lập dựa theo sự sinh diệt nối tiếp nhau của các sắc tướng như tay, chân tựa hồcóbày tỏ ra…, còn Vô biểu nghiệp thì được giả lập dựa theo phần vị của chủng tử thuộc tâm sở Tư. Tông Thành thực thì chủ trương thể của nghiệp là pháp chẳng phải sắc chẳng phải tâm. [X. luận Chúng sự phân A tì đạt ma Q.5; luận Câu xá Q.1, 13; luận Thành duy thức Q.1; luận Đại bà sa Q.113; luận Thành thực Q.7; Câu xá luận quang kí Q.13; Thành duy thức luận thuật kí Q.2, phần đầu; Đại thừa nghĩa chương Q.7; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.3, phần cuối]. (xt. Nghiệp).