thân loan

Phật Quang Đại Từ Điển

(親鸞) Tổ khai sáng của Tịnh độ chân tông Nhật bản, người Kyoto, họ Đằng nguyên. Sư mồ côi cha mẹ từ nhỏ, theo ngài Từ viên ở viện Thanh liên cạo tóc xuất gia. Từ đó sư đổi tên nhiều lần như: Phạm yến, Xước không, Thiện tín, Ngu thốc Thân loan… Sau, sư đến núi Tỉ duệ và Nam đô học tập, nghiên cứu các tông, nhưng chưa được thỏa mãn. Niên hiệu Kiến nhân năm đầu (1208), bấy giờ đã 29 tuổi, sư đến tham vấn ngài Pháp nhiên ở Cát thủy mới đạt được túc chí và dốc toàn lực vào pháp môn Niệm Phật tha lực. Nhưng pháp môn niệm Phật của ngài Pháp nhiên bị chê bai nên thầy trò đều đắc tội. Sau, ngài Thân loan được phép trở về Kyoto, bèn đến các vùng Tín nùng (huyện Trường dã), Hạ dã (huyện Bản mộc), Thường lục (huyện Thứ thành)… thuyết pháp giáo hóa, tín đồ qui y rất đông. Niên hiệu Nguyên nhân năm đầu (1224), sư soạn Giáo hành tín chứng 6 quyển tại thảo am Đạo điền ở Thường lục, trở thành Thánh điển căn bản của Chân tông sau này. Sau, niên hiệu Nguyên nhân năm đầu được lấy làm kỉ nguyên khai tông lập phái. Năm 60 tuổi, trên đường trở về Kyoto, sư sáng lập chùa Cẩm chức ở Mộc bộ thuộc Cận giang(huyện Tư hạ). Sau khi đến Kyoto, sư ra sức giáo hóa và soạn thuật tại các chùa Cương kì, Cát thủy, Ngũ điều tây động viện… Năm Hoằng trường thứ 2 (1262), sư thị tịch, thọ 90 tuổi. Đệ tử an táng sư ở Đại cốc, thụy hiệulàKiến Chân Đại Sư. Sau khi làm đệ tử ngài Pháp nhiên, được thầy cho phép, sư lấy ni Huệ tín làm vợ, đó là khởi nguồn cho chế độ lấy vợ của Chân tông. Con trai của sư là Thiện loan (Nghĩa tuyệt) và con gái là ni Giác tín đều nổi tiếng ở đời. Đệ tử của sư có các vị: Chân Phật, Tính tín, Duy viên… Sư để lại các tác phẩm: Giáo hành tín chứng, Tịnh độ văn loại tụ sao, Ngu thốc sao, Nhập xuất nhị môn kệ tụng, Nhất niệm đa niệm văn ý, Duy tín sao văn ý… và rất nhiều loại tán khác. [X. Thiện tín thánh nhân Thân loan truyện hội; Thập di cổ đức truyện Q.7, 9; Tịnh độ chân tông thánh giáo mục lục].