Thân, Khẩu, ý

Từ Điển Đạo Uyển

身口意; S: kāya-vāk-citta;
Ba khái niệm quan trọng (thân thể, lời nói, ý niệm) trong đạo Phật, có ý nghĩa rất sâu xa. Từ thời Phật giáo nguyên thuỷ, khi luận về Nghiệp (s: karma), người ta đã chia ra ba loại Nghiệp do thân, khẩu, ý sinh ra. Ðến Kim cương thừa, ba thành phần trên đây của con người trở thành ba phép tu luyện thiền định. Mục đích cuối cùng của hành giả qua phương pháp tu tập các Nghi quỹ là chứng được Ba thân Phật (s: trikāya). Hành giả bắt Ấn (s: mudrā) thuộc thân, thực hành Thiền định (s: samādhi) thuộc ý và tụng đọc Man-tra (Thần chú) thuộc khẩu để chứng được ba thân đó. Sau đây là mối liên hệ: Phạm vi Phương pháp Chứng ngộ
Thân Bắt ấn Ứng hoá thân Khẩu Man-tra Báo thân Ý Thiền định Pháp thân
Phép chia ba thành phần này thường được biểu diễn bởi ba âm OṂ ĀḤ HŪṂ. Ba thành phần và ba âm đó đóng vai trò tuyệt đối quan trọng trong các phép hành trì Nghi quỹ (s: sādhana) và là bước đi cần thiết để tạo linh ảnh. OṂ được xem là có sắc trắng, đặt tại trán và đại diện cho Thân. ĀḤ có sắc đỏ, đặt tại cổ, đại diện cho Khẩu và HŪṂ sắc xanh, đặt tại tim, đại diện cho Ý. Ba khuynh hướng xấu ác của ba thành phần này chính là tham, sân và si, là ba nguyên nhân trói buộc trong Luân hồi. Sau khi được chuyển hoá, Thân khẩu ý được biểu diễn bằng ba Kim cương chử (s: vajra; t: dorje) tượng trưng cho thể tính đích thật của ba thành phần. Trong các tranh trình bày đức Phật (Thăng-ka), người ta hay thấy mặt sau bức tranh các âm OṂ ĀḤ HŪṂ đặt tại trán, cổ và tim.
Giáo pháp tu luyện biến Thân khẩu ý thành Ba thân được trình bày trong hệ thống Ðại thủ ấn (s: mahā-mudrā) và trong Ðại cứu kính (t: dzogchen) của Phật giáo Tây Tạng, gồm có bốn phép tu đặc biệt: 1. Quy y tam bảo (t: kyabdro) và phát Bồ-đề tâm (s: bodhicitta); 2. Quán tưởng đến Kim cương Tát-đoá (s: vajrasattva) để rửa sạch thân khẩu ý; 3. Tích tụ phúc đức (s: puṇya) bằng cách quán niệm Man-đa-la (s: maṇḍala); 4. Hoà nhập tự ngã vào một dòng tu dưới sự hướng dẫn của một Ðạo sư (s: guru).
Cần biết thêm rằng rất nhiều phép tu của Phật giáo Tây Tạng đều nằm trong mối liên hệ chung với ba thành phần Thân khẩu ý. Ðặc biệt trong ba thành phần này thì Khẩu đóng một vai trò trung gian giữa Thân và Ý.