thần hội

Phật Quang Đại Từ Điển

(神會) I. Thần Hội (668-760). Thiền sư Trung quốc, sống vào đời Đường, là Tổ khai sáng của tông Hà trạch, người ở Tương dương (tỉnh Hồ bắc), họ Cao.Thủa nhỏ, sư học Ngũ kinh, LãoTrang, Chư sử, sau theo ngài Hạo nguyên xuất gia ở chùa Quốc xương, đọc tụng các kinh dễ dàng như trở bàn tay. Năm 13 tuổi, sư tham yết Lục tổ Tuệ năng. Sau khi tổ Tuệ năng thị tịch, sư đi tham phỏng khắp nơi, lặn lội nghìn dặm. Năm Khai nguyên thứ 8 (720), sư vâng sắc trụ chùa Long hưng ở Nam dương, phát huy Thiền pháp, người đương thời gọi sư là Nam dương Hòa thượng. Sau khi Lục tổ nhập diệt khoảng 20 năm, yếu chỉ đốn ngộ của Tào Khê bị chìm lặng, người học ở 2 kinh (Nam kinh và Bắc kinh) đều hướng theo ngài Thần tú, do các vị như Phổ tịch… tiếp nối nhau nêu cao Thiền chỉ. Ban đầu, sư đến Lạc dương định chấn hưng Thiền phong của Lục tổ, nên vào năm Khai nguyên 20 (732), sư mở Đại hội Vô già ở chùa Đại vân tại Hoạt đài, tỉnh Hà nam, luận chiến với Sùng viễn ở Sơn đông. Sư chỉ trích pháp môn của ngài Thần tú Sư thừa là bàng, pháp môn là tiệm, muốn xác lập sự truyền thừa chính thống và tông chỉ của hệ thống Nam tông Tuệ năng. Đồng thời, vào năm Thiên bảo thứ 4 (745), sư soạn Hiển tông kí, định rõ 2 môn Nam đốn, Bắc tiệm, tức cho rằng Nam Năng là Đốn tông, Bắc Tú là Tiệm giáo, danh từ Nam đốn Bắc tiệm bắt nguồn từ đó. Sư cực lực công kích Tiệm môn của ngài Thần tú, do đó mà Nam tông mỗi ngày một thịnh, còn Bắc tông thì suy yếu nặng nề. Năm Thiên bảo 12 (753), sư bị quan Ngự sử là Lô dịch tấu gian, nên phải vâng sắc rời khỏi chùa Hà trạch ở Lạc dương, dời đến ở tại Dặc dương(tỉnh Giang tây), Vũ đương(tỉnh Hồ bắc). Năm sau, sư dời đến trụ ở Tương dương, rồi lại chuyển đến trụ viện Bát nhã chùa Khai nguyên tại Kinh châu. Loạn An sử nổi lên, 2 kinh đều rơi vào tình trạng vô luật pháp, bấy giờ ở các phủ lớn đều có lập đàn độ tăng, gom góp tiền lệ phí cấp độ điệp để sung vào quân nhu. Các giới đàn này thỉnh sư làm đàn chủ, thu được bao nhiêu tài vật đều sung vào quân nhu. Sau khi dẹp loạn, an bình trở lại, vua Túc tông ban chiếu thỉnh sư vào trong cung cúng dường, đồng thời xây dựng Thiền viện trong chùa Hà trạch thỉnh sư đến ở, cho nên người đời gọi sư là Hà Trạch Đại Sư. Sư trụ chùa Hà trạch vẫn xiển dương tông phong của Lục tổ. Niên hiệu Thượng nguyên năm đầu (760), sư nhập tịch, thọ 93 tuổi. Có thuyết cho rằng sư nhập tịch vào niên hiệu Càn nguyên năm đầu (758), thọ 75 tuổi. Vua ban thụy hiệu Chân Tông Đại Sư. Năm Trinh nguyên 12 (796), Hoàng thái tử triệu tập các Thiền sư, xác định tông chỉ của Thiền môn, suy tôn sư là Tổ thứ 7 của Thiền tông. Vua cho dựng bia kỉ niệm sư ở chùa Thần long. Dòng pháp của sư gọi là Hà trạch tông, đệ tử của sư có rất nhiều người tài giỏi, như các vị Vô danh, Pháp như… [X. Lục tổ đại sư pháp bảo đàn kinh; Viên giác kinh đại sớ sao Q.3 hạ; Tống cao tăng truyện Q.8; Cảnh đức truyền đăng lục Q.6; Hà trạch đại sư Thần hội truyện (Hồ thích chi)]. II. Thần Hội (720-794). Thiền sư Trung quốc, thuộc tông Tịnh chúng, sống vào đời Đường, người ở Phụng tường, tỉnh Thiểm tây, nguyên quán ở Tây vực, họ Thạch. Năm 30 tuổi, sư đến tham học ngài Vô tướngở chùa Tịnh chúng, phủ Thành đô, tỉnh Tứ xuyên, sau được ngài Vô tướng ấn khả và kế thừa trông coi chùa Tịnh chúng, tận lực mở mang tông phong, đề xướng thuyết Tức tâm thị Phật, tùy theo căn cơ thượng, trung, hạ của người học mà tiếp dẫn vào đạo một cách cá biệt. Năm Trinh nguyên thứ 10 (794), sư thị tịch, thọ 75 tuổi, pháp lạp 36. Đệ tử sư là các vị: Ích châu Nam ấn truyền pháp cho Toại châu Đạo viên, Đạo viên truyền pháp cho Khuê phong Tông mật. Ngoài ra, còn có các vị như Na đề… [X. Tống cao tăng truyện Q.9].