thần diệt bất diệt luận tranh

Phật Quang Đại Từ Điển

(神滅不滅論爭) Sự tranh luận về vấn đềthầnthức diệt hay bất diệt. Từ khi Phật giáo truyền vào Trung quốc cho đến thời đại Lục triều, giữa những người tin thờ Phật giáo và những người phê phán Phật giáo nảy sinh các kiến giải khác nhau, trong đó, lấy thuyết Luân hồi báo ứng của Phật giáo làm chủ đề để tiến hành cuộc tranh luận, gọi là Thần diệt bất diệt luận tranh. Trước hết, những người thừa nhận thuyết Luân hồi báo ứng của Phật giáo cho rằng sau khi người ta chết, linh hồn(thần thức)ở trong thể xác không tử diệt theo mà sẽ tiếp tục chuyển sang nương gá trong 1 thể xác khác. Đồng thời, con người qua 3 đời(quá khứ, hiện tại, vị lai)luân hồi trong 5 đường hoặc 6 đường nhất định sẽ chịu thân phận tương ứng với nghiệp báo thiện ác mà mình đã tạo tác. Trái lại, những người chủ trương Thần diệt thì đứng trên lập trường tư tưởng truyền thống của Trung quốc, phủ nhận thuyết 3 đời, luân hồi báo ứng, tâm thần bất diệt mà cho rằng con người sau khi chết thì tâm thần ắt tan diệt theo nhục thể. Thuyết Thần bất diệt đầu tiên được thấy trong luận Lí hoặc của Mâu dung người đất Ngô ở thời đại Tam quốc. Nhưng có tính cách đại biểu nhất là chủ trương của ngài Lô sơn Tuệ viễn (334-416) đời Đông Tấn, trong luận Sa môn bất kính vương giả quyển 5 do ngài soạn có thuyết Hình tận thần bất diệt(Hình thể chết đi, tâm thần không diệt theo),ngài dùng mối quan hệ giữa củi và lửa để ví dụ mối quan hệ giữa thể xác và tâm thần, cho rằng tâm thần từ một thể xác này luân hồi sang một thể xác khác và tiếp tục tồn tại, giống như lửa đốt cháy củi, thanh củi này cháy hết thì lửa liền bén sang thanh củi khác, tiếp tục đốt cháy. Đệ tử ngài Tuệ viễn là Tông bính (375-443) soạn luận Minh Phật, nêu ra 2 nghĩa Thần bất diệt, một là thần thức luân hồi bất diệt, hai là thần thức pháp thân thường trụ. Có người cho rằng nghĩa Thần thức pháp thân thường trụ dung hợp thuyết Phật tính trong kinh Niết bàn với tư tưởng Đạo gia, xem Phật tính là tâm hư tĩnh vô vi trong cảnh giới lí tưởng của Đạo gia, tâm này chính là thần thức; lại Phật tính (ở đây chỉ cho pháp thân) thường trụ cũng hàm ý là tâm thần bất diệt. Ngoài ra, ngài Tông bính còn liên kết thần thức bản thể luân hồi với thần thức pháp thân, nói rõ trong quá trình luân hồi, con người dần dần dứt trừ phiền não thì thần thức luân hồi cũng có thể trở về thần thức pháp thân xưa nay vốn thanh tịnh; khi trở thành trạng thái chỉ có thần thức pháp thân thì con người liền thành Phật. Căn cứ vào những văn hiến như:1. Luận Sa môn bất kính vương giả quyển 5 của ngài Tuệ viễn. 2. Các bức thư của Hà thừa thiên (370- 447) bác bỏ luận Sa môn bất kính vương giả và luận Minh Phật. 3. Các bức thư Hà thừa thiên gửi cho người chủ trương Thần bất diệt là Nhan diên chi (384-456)… ta có thể hiểu rõ hơn về tình hình vặn hỏi lẫn nhau giữa những người chủ trương Thần diệt và Thần bất diệt.Các học giả đều cho rằng Thần diệt luận bắt nguồn từ tư tưởng truyền thống của Trung quốc, nhưng nói theo quan điểm của những người chủ trương Thần bất diệt thì việc những người chủ trương Thần diệt phủ định sự tồn tại của linh hồn và tinh linh, không khác gì phản lại truyền thống Nho gia; bởi vì khi Nho gia thực hành nghi thức cúng tế tông miếu là đã nghiễm nhiên thừa nhận sự tồn tại của tinh linh. Cho nên nhữngngườiphủ nhận sự tồn tại của thần thức sau khi chết là đã tự phản lại đạo Nho chính thống mà mình tin thờ. Ngoài ra, những người chủ trương Thần bất diệt coi thần thức bản thể của luân hồi và linh hồn sau khi chết là một, đây chính là điểm mà họ thường bị nhắm vào để phê bình. Nhưng sở dĩ có luận thuyết cho là một này là vì thần thức bản thể luân hồi có nguồn gốc từ Thần trong quan niệm truyền thống của Trung quốc. Song, loại thần thức bản thểluân hồinày thực ra là trái với luận thuyết vô ngã của Phật giáo, vốn phủ định thực thể tồn tại. Tóm lại, quan điểm Thần bất diệt được trình bày ở trên cũng chẳng phải được đặt nền tảng trên sự lí giải chính xác của Phật giáo mà chỉ là sự giải thích đặc thù do người Trung quốc suy diễn ra để giúp cho chính mình dễ dàng tiếp nhận thuyết nghiệp báo luân hồi của Phật giáo. Thời vua Lương vũ đế thuộc Nam triều, ông Phạm chẩn có soạn Thần diệt luận đã gây ra cuộc luận chiến kịch liệt giữa các học giả. Phạm chẩn cho rằng thân xác và tâm thần là một thể, thân xác là chất của tâm thần, tâm thần là dụng của thân xác, khi thân xác diệt mất thì tâm thần cũng diệt theo. Chủ trương này chẳng những phủ định thuyết nghiệp báo luân hồi mà còn phủ định cả sự tồn tại của tinh linh quỉ thần, là chủ trương phản Phật giáo điển hình, khiến các nhân sĩ tin Phật đương thời xôn xao và soạn sách bác bỏ. Như người em bên ngoại của Phạm chẩn là Tiêu sâm (476-513) soạn Nạn thần diệt luận, Tào tư văn soạn Nạn Phạm Trung thư thần diệt nghĩa, Thẩm ước soạn Thần bất diệt nghĩa, Nạn Phạm chẩn thần diệt nghĩa, Lương vũ đế soạn Đại Lương Hoàng đế lập thần minh thành Phật nghĩakí, Đại Lương Hoàng đế sắc đáp thần hạ Thần diệt luận… Vì vua Lương vũ đế thành tâm tin Phật nên Phật giáo đương thời cực kì hưng thịnh, bởi vậy, phản ứng đối với Thần diệt luận của Phạm chẩn cũng rất dữ dội. [X. Hoằng minh tập Q.1-5, 8-10; Quảng hoằng minh tập Q.22; Hán ngụy lưỡng tấn nam bắc triều Phật giáo sử, hạ (Thang dụng đồng)]. (xt. Tam Giáo Luận Hành).