Thần đạo

Từ điển Đạo Uyển


神道; J: shintō; Tôn giáo truyền thống của Nhật Bản bắt đầu từ Công nguyên. Trong thế kỉ thứ 5, 6, Thần đạo chịu ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo Trung Quốc. Từ Phật giáo, Thần đạo thu nhận thêm một số tư tưởng triết học và giới luật. Năm 1868, Thần đạo trở thành quốc giáo, nhà vua được xem là có thiên mệnh. Năm 1945, Thần đạo mất tính chất quốc giáo và kể từ năm 1946, nhà vua không còn tự cho mình có tính thần quyền. Thần đạo thời nguyên thuỷ tin tưởng đa thần: mỗi con sông, ngọn núi, mỗi hiện tượng thiên nhiên đều do một vị thần (kami) trấn giữ. Các vị thần quan trọng nhất là cha trời mẹ đất, là hai vị đã tạo nên hải đảo Nhật Bản và các vị thần khác. Thần Amaterasu Omikami được xem là vị đại thần quan trọng nhất do cha trời mẹ đất sinh ra, vị này thống lĩnh mặt trời, cho con cháu xuống đất thống lĩnh từng hòn đảo của Nhật và dựng nên vương quốc vĩnh viễn tại đó. Ðó là huyền thoại xây dựng nước Nhật và hoàng gia, trở thành quan niệm của Thần đạo. Ðến năm 1868, Thần đạo vẫn đóng một vai trò phụ thuộc bên cạnh Phật giáo. Hơn thế nữa, Thần đạo chịu ảnh hưởng của Thiên Thai tông (j: tendai), Chân ngôn tông (j: shingon) và các vị thần Thần đạo được xem là hoá thân của chư Phật và Bồ Tát. Từ thế kỉ 16 đến giữa thế kỉ 19, dưới thời Ðức Xuyên (tokugawa), Thần đạo bắt đầu kết hợp với Khổng giáo, một lí do là vì Khổng giáo tôn sùng quyền lực của triều đình. Cũng trong thời gian đó, Thần đạo bị chia thành nhiều bộ phái khác nhau, dựa trên niềm tin mỗi nơi mỗi khác. Người ta tìm thấy 13 khuynh hướng khác nhau với nhiều khía cạnh khác nhau về phong tục, trong đó có cả nhóm chuyên thờ thần núi và thực hành phép chữa bệnh đồng cốt.