thân căn

Phật Quang Đại Từ Điển

(身根) Phạm,Pàli:Kàyendriya. Gọi tắt: Thân. Chỉ cho tịnh sắc(vật chất rất nhỏ nhiệm) tiếp thu lấy xúc cảnh vô kiến hữu đối, là chỗ nương gá của thức thân. Ở đây chỉ cho tịnh sắc căn trong thân thể chứ không phải nói về phù trần căn của nhục thể; là 1 trong 5 căn, 1 trong 6 căn, 1 trong 12 xứ, 1 trong 18 giới, 1 trong 22 căn. Theo Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương quyển 3 thì nghĩa của chữ Thân là lấy theo nghĩa chứa nhóm, nghĩa nương tựa của tiếng Phạm Kàya (Hán âm: Ca da). Các đại chủng và tạo sắc khác như nhãn căn… tuy cũng đều chứa nhóm, nhưng Thân căn là chỗ nương tựa của các căn và nhiều pháp, tức nhiều pháp đều chứa nhóm trong thân căn, cho nên đặc biệt gọi Thân Là Kàya. Thân căn này, trong 12 xứ được gọi là Thân xứ (Phạm: Kàyàyatana), trong 18 giới, gọi là Thân giới (Phạm:Kàya-dhàtu). Thông thường gọi Thân là chỉ chung cho khối thịt, khác hẳn với Thân căn. Trong các luận Tì bà sa… gân, thịt… được gọi chung là Phù trần căn, đối với Thân căn có tác dụng năng xúc thì gọi là Thắng nghĩa căn. Thân căn chỉ tồn tại ở cõi Dục và cõi Sắc, cõi Vô sắc thì không. Luận Đại tì bà sa quyển 90 cho rằng Thân căn ở địa ngục khác với Thân căn ở cõi người, nghĩa là trong địa ngục cho dù bị cắt đứt ra từng lóng đốt, cho đến rữa nát ra cũng vẫn có Thân căn. [X. luận Đại tì bà sa Q.144; luận Du già sư địa Q.3, 54; luận Thành duy thức Q.10; luận Câu xá Q.4; Câu xá luận quang kí Q.2, 4; Thành duy thức luận thuật kí Q.3, phần đầu, 10 phần cuối; Phật gia danh tướng thông thích Q.thượng (Hùng thập lực)].