tham thiên thai ngũ đài sơn kí

Phật Quang Đại Từ Điển

(參天台五臺山記) Cũng gọi Thiện huệ đại sư Tứ tử thành tầm kí. Du kí, 8 quyển, do ngài Thành tầm (1011-1081), vị tăng người Nhật bản soạn. Năm Diên cửu thứ 4 (1072), ngài Thành tầm lúc ấy đã 62 tuổi, cùng với các vị Lại duyên, Khoái tông, Thánh tú, Duy quán, Tâm hiền, Thiện cửu, Trường minh… từ Phì tiền tùng phố đến Trung quốc (đời Tống). Tháng 6 năm sau, ngài đến chiêm bái các Thánh tích như núi Thiên thai, núi Ngũ đài… rất được triều đình nhà Tống đãi ngộ, nên dùng chữ Hán viết nhật kí mà soạn thành sách này. Đây là tư liệu quí giá giúp người đời sau hiểu rõ sự giao thông bằng đường biển giữa Nhật bản và Trung quốc, tình hình chung của Phật giáo đời Tống, cũng như văn vật, phong tục Trung quốc đương thời. Toàn sách bắt đầu được viết từ lúc phát xuất ở Phì tiền tùng phố vào năm Diên cửu thứ 4 (1072) của Nhật bản cho đến khi gửi tượng Phật và các kinh Phật mới dịch về Nhật bản vào tháng 6 năm Hi ninh thứ 6 (1073) đời Tống của Trung quốc thì dừng. Tác phẩm này được người đời sau là Thành đảo Nhượng kiệm khảo chứng và chú thích mà thành San bổ Thiên thai ngũ đài sơn kí 8 quyển và ông Cao nam Thuận thứ lang dùng nguyên bản được cất giữ ở chùa Đông phúc tại Kyoto làm bản gốc, đối chiếu và hiệu đính bản sao ở nhiều chỗ, rồi lại soạn Thành tầm sở kí nhập Tống chư sư truyện khảo 1 quyển. Sách này được thu vàoĐạinhật bản Phật giáo toàn thư quyển 115, Cải đính sử tịch tập lãm quyển 26.