thái qua nhĩ

Phật Quang Đại Từ Điển

(泰戈爾) Tagore, Rabindranath, 1816-1941. Nhà thơ, nhà văn học, nhà tư tưởng Ấn độ. Gọi theo tiếng Bengali thì tên ông làỈhàkur. Ông xuất thân từ một gia đình danh giá ở Calcutta, sớm được giáo dục theo tư tưởng, học thuật truyền thống của Ấn độ. Năm 1877, ông đến nước Anh học tập pháp luật, chịu ảnh hưởng tư tưởng Tây âu thời cận đại. Sau khi về nước, ông thừa kế sản nghiệp to lớn của cha để lại, ngoài ra thì chuyên làm thơ. Ông đem nhiệt tình yêu dân tộc, yêu đất nước của ông và niềm mơ ước lớn lao gửi gấm vào cuộc vận động độc lập cho Ấn độ, người đương thời tôn ông là nhà thơ trữ tình. Về sau, ông có khuynh hướng về quan niệm tự nhiên của Đông phương, từ trạng thái vắng lặng tự nhiên đi vào tông giáo và cảnh giới thầm tưởng thần bí, do đó hình thành phong cách thi ca theo hình thức tùy tưởng và mở ra nền triết học sinh mệnh đặc thù của ông. Ông chủ trương lấy tình yêu thực tiễn làm đệ nhất nghĩa trong sự điều hòa sinh mệnh thần bí. Ông từng đến thăm Trung quốc và Nhật bản. Trong các buổi diễn giảng, ông thường bày tỏ tấm chân tình chan chứa đốivới các dân tộc Á châu, đồng thời nghiêm trọng cảnh báo mối nguy hiểm của sự bắt chước văn hóa Tây phương. Một đời ông viết rất nhiều về thơ, tiểu thuyết, hí khúc, tùy bút, bình luận, triết học luận tập, tông giáo luận tập… chủ yếu ông dùng tiếng Bengali để trứ tác, đa số các tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Anh. Ông là người châu Á đầu tiên được tặng giải thưởng Nobel văn chương (1913). Ông bình sinh tha thiết chú ý đến việc giáo dục và nghệ thuật của dân chúng Ấn độ. Ông cũng giỏi về hội họa và sáng tác ca khúc. Năm 1901, ông sáng lập trường học ở Shantiniketan, vùng phụ cận Calcutta, tại tiểu bang West Bengal để giáo dục con em. Năm 1921 xây dựng lại thành Đại học, tức Đại học Quốc tế Tagore (sau đổi thành Đại học Quốc lập). Sự ra đời của ngôi trường này đã trở thành một trong các nguyên động lực của cuộc vận động độc lập cho Ấn độ.