thai mật

Phật Quang Đại Từ Điển

(台密) Chỉ cho Mật giáo do tông Thiên thai của Nhật bản truyền, lấy chùa Diên lịch và chùa Viên thành tại núi Tỉ duệ làm trung tâm. Vì khác với Đông tự Mật giáo (Đông mật) do ngài Không hải truyền nên gọi là Thai mật. TôngThiên thai của Nhật bản được hình thành là do kế thừa tư tưởng của 4 tông: Thai, Mật, Thiền và Luật, trong đó, ngoài việc phát triển tông nghĩa của chính tông Thiên thai ra, thì việc phát triển Mật giáo là đáng chú ý nhất. Giữa Thai mật và Đông mật có 4 điểm khác biệt chủ yếu sau đây: 1. Thai mật cho Tam thừa giáo là Hiển giáo và Nhất thừa giáolà Mật giáo; Đông mật thì cho giáo pháp do Pháp thân Đại nhật Như lai tuyên thuyết là Mật giáo, còn giáo pháp do Ứng thân Thích ca Như lai tuyên thuyết là Hiển giáo. 2. Thai mật chủ trương Viên giáo và Mật giáo là một, còn Đông mật thì chủ trương Mật giáo hơn Hiển giáo kém. 3. Thai mật cho rằng Đại nhật Như lai và Thích ca Như lai là đồng thể, còn Đông mật thì cho 2 vị là khác thể. 4. Thai mật đối với 3 bộ đại pháp: Kim cương, Thai tạng và Tô tất địa đều coi trọng; nhưng Đông mật thì chỉ xem trọng 2 bộ Kim cương và Thai tạng. Những kinh điển mà Thai mật sử dụng làm y cứ gồm có: Kinh Đại nhật 7 quyển, kinh Kim cương đính 3 quyển, kinh Tô tất địa 3 quyển, Kinh Nhất tự đính luân vương 5 quyển, kinh Du kì 1 quyển, gọi chung là Ngũ bộ mật kinh (5 bộ kinh bí mật).Thai mật có 3 lưu phái chủ yếu là : – Căn bản đại sư lưu, đại biểu là ngài Tối trừng. – Từ giác đại sư lưu, đại biểu là ngài Viên nhân. – Trí chứng đại sư lưu, đại biểu là ngài Viên trân. 1. Ngài Tối trừng được tôn xưng là Truyền giáo đại sư, đến Trung quốc vào đời Đường, theo A xà lê Thuận hiểu nhận lãnh 2 bộ đại pháp Kim cương, Thai tạng và các học thuyết ở chùa Linh nham. Sau khi trở về nước, sư tổng hợp giáo nghĩa Thiên thai và Mật tông làm nền tảng mà sáng lập tông Thiên thai Nhật bản, đặc biệt lấy Chỉ quán(Viên giáo Thiên thai), Già na (Mật giáo) làm qui củ tu học, đề xướng thuyết Viên Mậtnhấttrí(Viên giáo Mật giáo một mối). 2. Tổ thứ 4 của Thai mật là ngài Tứ giác Viên nhân cũng đến Trung quốc, theo A xà lê Toàn nhã nhận lãnh pháp Quán đính của Kim cương giới và theo A xà lê Nguyên chính học tập pháp Kim cương giới. Ngoài ra, sư còn theo A xà lê Nghĩa chân ở chùa Thanh long thụ đại pháp Thai tạng và Tô tất địa, đồng thời, theo A xà lê Pháp toàn thụ đại pháp Thai tạng. Chủ trương của sư hơi khác với thuyết của ngài Tối trừng, tức là trong Viên Mật nhất trí có một phần sai khác, do đó, sư đề xướng thuyết Lí mật sự mật, Lí đồng sựbiệt. Nghĩa là đứng về mặtLí mà nói thì Thích ca Như lai và Đại nhật Như lai là tương đồng, nhưng nói theo phương diện Sự thì có sai khác. 3. Tổ thứ 6 của Thai mật là ngài Trí chứng Viên trân cũng từng đến Trung quốc, sư theo Tam tạng Bát nhã đát la học 2 bộ Mật ấn, rồi theo Tam tạng Trí tuệ luân tu tập 2 bộ bí pháp và theo A xà lê Pháp toàn nhận lãnh 3 bộ đại pháp Thai tạng, Kim cương, Tô tất địa. Chủ trương của sư khác nhiều với thuyết của các ngài Tối trừng và Viên nhân; sư nói rõ sự sai khác giữa Viên giáo và Mật giáo, lập thuyết Hiển liệt Mật thắng (Hiển giáo kém, Mật giáo hơn). Mật giáo do 3 vị Tối trừng, Viên nhân và Viên trân truyền thừa, được gọi là Căn bản tam lưu, Thai mật tam lưu. Trong đó, ngài An nhiên (đệ tử Đại sư Viên nhân) là người tập đại thành Thai mật, sư đề xướng thuyết Lí đồng sự thắng, chủ trương Đại nhật Như lai hơn Thích ca Như lai. Dưới cửa ngài Viên nhân lại có 2 dòng phái là Từ tuệ đại sư lưu (cũng gọi Xuyên lưu) và Hoành khánh lưu(cũng gọi Tục lưu). Hoành khánh lưu là người tập đại thành về sự tướng, dòng này lại tách ra làm 8 lưu phái là: Viện tôn, Tam muội, Phật đính, Liên hoa, Vị cương, Trí tuyền, Huyệt thái, Pháp mạn, Công đức và Lê bản, gọi chung là Thai mật thập tam lưu (13 dòng Thai mật). Ngoài ra còn có danh xưng Sơn tự lục lưu(6 dòng chùa núi), tức là 3 dòng Tam muội, Huyệt thái, Pháp mạn nói trên và 2 dòng Tây sơn, Diệp thượng từ dòng Huyệt thái tách ra cùng với dòng của Đại sư Trí chứng. [X. Thai mật cửu lưu tương thừa; Hợp quán kí trong A sa phược sao; Viên mật nhị giáo danh mục; Mật giáo phát đạt chí]. (xt. Đông Mật).