thái hư

Phật Quang Đại Từ Điển

(太虛) Cao tăng Trung quốc sống vào thời đại Dân quốc, người ở Sùng đức, tỉnh Chiết giang, họ Trương, vốn tên là Cam sâm, pháp danh Duy tâm, hiệu là Hoa tử, Bi hoa, Tuyết sơn lão tăng, Tấn vân lão nhân, là người khởi xướng cuộc vận động đổi mới Phật giáo ở thời Trung Hoa Dân Quốc. Năm 16 tuổi sư xuất gia, năm 18 tuổi sư y vào Hòa thượng Kí thiền ở chùa Thiên đồng tại Ninh ba (nay là huyện Ngân) thụ giới Cụ túc, thường qua lại rất thân mật với Pháp sư Viên anh. Năm 19 tuổi, sư đọc Đại tạng ở chùa Tây phương, nhân xem kinh Bát nhã mà tỉnh ngộ. Về sau, sư đến học tại tinh xá Kì hoàn của Dương nhân sơn, cùng học với Âu dương tiệm, Mai quang hi… Nhân ảnh hưởng của tư trào thời đại nên sư chủ trương tẩy trừ các tệ hại đã chất chứa trong Phật giáo từ lâu để hoằng pháp hộ quốc, tiến xa hơn là hưng quốc cứu đời. Năm 1912 (Dân quốc năm đầu), sư đến Quảng châu tuyên dương Phật pháp, được suy tôn làm Trụ trì chùa Song khê ở núi Bạch vân. Sư cùng với Pháp sư Nhân sơn bắt đầu tổ chức Phật giáo hiệp tiến hội, đến Kinh đô yết kiến Tổng thống lâm thời là Tôn trung sơn tiên sinh, trình bày kế hoạch đổi mới Phật giáo, Trung sơn tiên sinh rất khen ngợi và khuyến khích việc ấy. Sư liền đề nghị đổi chùa Kim sơn làm Đại học Phật giáo, nhưng chưa thành công. Năm sau, sư sáng lập Trung quốc Phật giáo hiệp tiến hội tại Nam kinh, sau sáp nhập vào Trung quốc Phật giáo tổng hội. Trong đại hội truy điệu Hòa thượng Kí thiền, sư chủ trương 3 cuộc đổi mới lớn về giáo lí, giáo chế và giáo sản, soạn lời hô hào vận động phục hưng Phật giáo, thiết lập chế độ Tân tăng đoàn. Năm 1914 (năm Dân quốc thứ 3), sư nhập thất ở núi Phổ đà. Một đêm kia, bỗng nghe tiếng chuông khai tĩnh (chuông báo thức buổi sáng sớm) từ ngôi chùa phía trước vọng tới, tâm niệm sư chợt dứt bặt, lại trải qua ngộ cảnh lần thứ 2. Năm 28 tuổi, sư lại trải qua ngộ cảnh lần thứ 3. Trong thời gian nhập thất, sư lần lượt soạn thảo 3 bộ luận: Phật pháp đạo luận, Chỉnh lí tăng già chế độ luận và Thủ lăng nghiêm kinh nhiếp luận. Năm 29 tuổi, sau khi ra thất, sư được đề cử đại diện Pháp sư Viên anh tham dự Đài loan pháp hội, sau đó, sư sang thăm Nhật bản. Khi trở về Trung quốc, sư sáng lập Giác xã tại Thượng hải, làmChủ biên Giác xã tùng thư, năm sau đổi thành nguyệt san Hải triều âm. Năm 32 tuổi, sư có tranh luận về pháp nghĩa với học giả Âu dương tiệm, người chủ trì China nội học viện. Sư vốn phản đối sự ứng dụng phương pháp khảo chứng lịch sử của Tiến hóa luận (Theory of evolution) trong việc nghiên cứu kinh điển Phật. Bởi thế, đối với sự khảo chứng của các học giả Nhật bản cho luận Đại thừa khởi tín, kinh Thủ lăng nghiêm… là ngụy thư, sư đã kịch liệt phản đối. Sư từng soạn Bình Đại thừa khởi tín luận khảo chứng, Phật pháp tổng quyết trạch đàm, cực lực chủ trương Pháp tướng phải y cứ vào Duy thức, đồng thời bênh vực luận Khởi tín. Sư cũng chủ trương 8 tông của Đại thừa là bình đẳng, dùng Thiền, Luật để chấn hưng Phật giáo và mở rộng Phật pháp Đại thừa trên trường quốc tế. Người đương thời coi sư là đại biểu cho phái cách tân và xem ngài Đế nhàn là đại biểu cho phái thủ cựu trong giới Phật giáo. Năm 1924 (Dân quốc năm 13), Liên hiệp hội Phật giáo thế giới được tổ chức tại Lô sơn. Năm sau, sư dẫn đầu phái đoàn đi dự Đại hội Phật giáo Đông nam á tổ chức tại Nhật bản, đồng thời khảo sát các hoạt động của Phật giáo Nhật bản, người Nhật tôn sư là Minh chủ của giới Phật giáo Dân quốc. Năm 1927 (Dân quốc năm thứ 16), sư làm Trụ trì chùa Nam phổ đà ở Hạ môn kiêm Viện trưởng Phật học viện Mân nam. Năm 1928 (Dân quốc năm thứ 17), sư sáng lập hội Phật học Trung quốc tại Nam kinh, đồng thời du hóa các nước như: Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà lan, Hoa kì… thể theo kiến nghị của các học giả nước Pháp, sư trù hoạch thiết lập viện Phật học thế giới tại Paris. Sư là vị tăng Trung quốc đầu tiên đến Âu Mĩ truyền bá Phật giáo. Kể từ đó, tiếng tăm sư ngày càng trở nên lừng lẫy, trong nước có người coi sư là vị cứu tinh của Phật giáo. Năm 44 tuổi, sư trụ trì chùa Tuyết đậu ở Phụng hóa. Năm sau, sư lại biện luận về pháp nghĩa với học giả Hùng thập lực ở Chi na nội học viện. Năm 49 tuổi, sư viết Ngã đích Phật giáo cách mạng thất bại sử, trong đó, sư trình bày những nguyên nhân đã làm cho cuộc đổi mới Phật giáo bị thất bại. Về sau, sư tích cực trong việc thiết lập một tổ chức trung tâm của Phật giáo. Năm 1943 (Dân quốc năm 32), sư cùng với các cư sĩ Vu bân, Phùng ngọc tường, Bạch sùng hi… tổ chức Trung quốc tông giáo đồ liên nghị hội. Sau khi kháng chiến thành công, sư làm chủ nhiệm Trung quốc Phật giáo chỉnh lí ủy viên hội, ủy viên thiết kế của Quốc dân tinh thần tổng động viên hội. Năm 1946 (Dân quốc năm 35), sư được huân chương Lãnh tụ tông giáo thắng lợi. Ý sư muốn thành lập hội Phật giáo Trung quốc, nhưng tiếc thay chưa đạt thành thì sư đã thị tịch ở hiên Trực chỉ chùa Ngọc Phật tại Thượng hải vào năm 1947 (Dân quốc năm 36), thọ 59 tuổi. Sư một đời khởi xướng việc đổi mới Phật giáo, tận lực phụng sự Phật pháp, tuy sư chưa làm tròn ý nguyện nhưng ảnh hưởng của sư thì rất sâu xa. Sư từng tự nói: Chí nguyện là chỉnh lí chế độ tăng già, còn tu hành thì theo Bồ tát du già giới bản, cho nên trọn một đời sư đều gắng sức thực hiện chủ nghĩa Tam Phật: Phật tăng, Phật hóa, Phật quốc. Trước hết là đề xướng nền giáo dục chúng tăng, bồi dưỡng tăng tài, thiết lập viện Phật học Vũ xương (1922), viện Phật học Mân nam và viện Giáo lí Hán Tạng (1931, chùa Tấn vân ở tỉnh Trùng khánh). Kế đến là sáng lập các tạp chí: Hải triều âm, Phật hóa báo, Phật hóa tân thanh niên… để hoằng dương Phật pháp. Năm 1927 (Dân quốc năm 16), sư bắt tay vào việc tổ chức viện Phật học thế giới để kiến lập Phật giáo nhân sinh, xúc tiến việc Phật giáo hóa thế giới. Đồng thời, phái học tăng đến các nước Tây tạng, Ấn độ, Tích lan… du học để nghiên cứu tiếng Pàli, Phạm và Tây tạng. Sư đã gây dựng và bồi dưỡng rất nhiều tăng tài như các vị: Pháp phưởng, Pháp tôn, Chi phong, Ấn thuận, Đại tỉnh, Đại dũng… Sư có các phẩm: Chỉnh lí tăng già chế độ, Thích tân tăng, Tân đích duy thức quan, Chấn đán Phật giáo suy lạc nguyên nhân luận, Pháp tướng duy thức học, Chân hiện thực luận và rất nhiều loại tác phẩm khác mà sau do các ngài Ấn thuận… thu gom lại và biên thành Thái hư Đại sư toàn thư gồm 64 tập lưu hành ở đời. [X. Thái hư Đại sư niên phổ; Thái hư tự truyện].