Thái Dương Cảnh Huyền

Từ Điển Đạo Uyển

太陽警玄; C: tàiyáng jǐngxuán; J: taiyō keigen; 943-1027;
Thiền sư Trung Quốc thuộc tông Tào Ðộng, đắc pháp nơi Thiền sư Lương Sơn Duyên Quán. Môn đệ chính truyền của Sư là Thánh Nham Viên Giám, Hưng Dương Thanh Phẩu và đặc biệt là Phù Sơn Pháp Viễn, một vị Thiền sư thuộc tông Lâm Tế. Phù Sơn – vốn là đệ tử kế thừa Diệp Huyện Quy Tỉnh – được Sư truyền trao y bát, sau lại truyền cho Thiền sư Ðầu Tử Nghĩa Thanh. Trong hệ thống truyền thừa của tông Tào Ðộng tại Trung Quốc và Nhật Bản, Ðầu Tử được xem là người kế thừa trực tiếp của Sư.
Không biết Sư quê quán ở đâu, chỉ biết lúc du phương, Sư đến tham học với Thiền sư Lương Sơn Duyên Quán. Gặp Lương Sơn, Sư hỏi: “Thế nào là đạo trường vô tướng?” Lương Sơn chỉ tượng Quán Thế Âm bảo: “Cái này là do Ngô Xử Sĩ vẽ.” Sư đang suy nghĩ để nói tiếp, Lương Sơn lại nói nhanh: “Cái này có tướng, cái kia không tướng.” Sư nhân đây tỉnh ngộ, liền lễ bái. Lương Sơn hỏi: “Sao không nói lấy một câu?” Sư thưa: “Nói thì chẳng từ, sợ sa vào dấy mực.” Lương Sơn cười bảo: “Lời này vẫn còn ghi trên bia.” Sư trình kệ:
我昔初機學道迷,萬水天山覓見知
明今辨古終難會,直說無心轉更疑
蒙師點出秦時鏡,照見父母未生時
如今覺了何所得,夜放烏雞帶雪飛.
Ngã tích sơ cơ học đạo mê
Vạn thuỷ thiên sơn mích kiến tri
Minh kim biện cổ chung nan hội
Trực tiếp vô tâm chuyển cánh nghi
Mông sư điểm xuất Tần thời cảnh
Chiếu kiến phụ mẫu vị sinh thì
Như kim giác liễu hà sở đắc
Dạ phóng ô kê đới tuyết phi.
*Con xưa học đạo cứ sai lầm
Muôn núi ngàn sông kiếm thấy nghe
Luận cổ bàn kim càng khó hội
Nói thẳng vô tâm lại sinh nghi
Nhờ thầy chỉ rõ thời Tần kính
Soi thấy cha mẹ lúc chưa sinh
Hiện nay giác ngộ đâu còn đắc
Ðêm thả gà đen trong tuyết bay.
Lương Sơn nghe kệ khen: “Có thể làm hưng thịnh tông Tào Ðộng.”
Sau khi rời Lương Sơn, Sư đến núi Thái Dương trụ trì, khai đường hoằng hoá. Sư có tinh thần rất kì lạ, từ nhỏ đến lớn chỉ ăn ngày một bữa và trụ trì tại Thái Dương 50 năm mà chưa bao giờ bước qua khỏi ranh giới.
Có một vị tăng hỏi: “Tùng lâm bát ngát, trống pháp ầm ầm, nhằm trên tông thừa nói bày thế nào?” Sư đáp: “Y không có tin tức, đâu cho phù hợp.” Tăng lại hỏi: “Hôm nay tông thừa đã nhờ thầy chỉ dạy, chưa biết pháp tự ai, nối pháp người nào?” Sư đáp: “Lương Sơn chỉ thẳng thời Tần kính, Trước ngọn Trường Khánh một ngôi ngời.” Tăng hỏi: “Thế nào là cảnh Thái Dương?” Sư đáp: “Hạc côi vượn lão kêu vang dội, tùng gầy trúc lạnh toả khói xanh.” Lại hỏi: “Thế nào là người trong cảnh?” Sư hỏi lại: “Cái gì? Cái gì?” Tăng hỏi: “Thế nào là gia phong Thái Dương?” Sư đáp: “Bình đầy nghiêng chẳng đổ, khắp nơi chẳng người đói.”
Ðời nhà Tống, niên hiệu Thiên Thánh năm thứ năm, ngày 16 tháng 7, Sư từ biệt chúng. Ba hôm sau, Sư viết kệ gửi Thị Lang Vương Thự:
Ngô niên bát thập ngũ
Tu nhân chí ư thử
Vấn ngã quy hà xứ
Ðỉnh tướng chung nan đổ
*Ta tuổi tám mươi lăm
Tu nhân đến thế ấy
Hỏi ta đi về đâu
Tướng đỉnh trọn khó thấy.
Sư viết xong liền tịch.
Thái Nguyên Tông Chân 太源宗真; J: taigen sáshin, ?-1370;
Thiền sư Nhật Bản thuộc tông Tào Ðộng, một trong năm vị đại đệ tử của Thiền sư Nga Sơn Thiều Thạc (gasan jōseki, 1275-1365).
Sư kế thừa Nga Sơn trụ trì Tổng Trì tự (sōji-ji) và cũng như thầy mình, Sư lấy thuyết Ðộng Sơn ngũ vị làm lí thuyết căn bản của tông phong. Dòng thiền của Sư được truyền bá rất rộng với hơn trăm lần khai sơn lập tự tại Trung và Ðông Nhật Bản. Về cuối đời, Sư trụ tại Vĩnh Quang tự (yōkō-ji) và sáng lập Phật-đà tự (budda-ji) tại tỉnh Kaga.