thạch quật tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(石窟寺) Chùa nằm cách huyện lị huyện Củng tỉnh Hà nam về phía tây bắc 1km. Sau lưng chùa là núi Mang, trước mặt chùa là sông Lạc. Vì ở trên sườn núi sa nham có đục rất nhiều hang đá nên gọi là Thạch quật tự. Chùa được sáng lập vào năm Hi bình thứ 2 (517) đời Bắc Ngụy, có thuyết nói chùa được xây cất vào khoảng năm Cảnh minh (500-503), vốn có tên là Hi huyền tự, đời Tống đổi là Thập phương Tịnh độ tự, đời Thanh mới đổi tên như hiện nay. Các đời Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Tề, Tùy, Đường, Bắc Tống… tiếp nối nhau mở hang động, tạo tượng. Hiện nay còn 5 hang động với 7743 pho tượng Phật và mấy mươi thiên đề kí. Hang động thứ nhất nhỏ hơn cả, chỉ rộng khoảng 4m2, 2 bên phía trong cửa có khắc bức tranh Vua và Hoàng hậu lễ Phật, 3 vách còn lại khắc tượng Phật và các sự tích tiền thân của Phật. Ở góc vách khắc hình thần vương, quái vật, kĩ nhạc. Tranh Vua và Hoàng hậu lễ Phật được chia làm 3 lớp 6 nhóm, mỗi lớp có các vị tỉ khưu và tỉ khưu ni đi trước dẫn đường, vua, hoàng hậu và những người tùy tùng tiền hô hậu ủng, phản ảnh tín ngưỡng tông giáo của nhà vua. Các tượng điêu khắc này phần nhiều đã bị phá hư, rồi người sau tu bổ lại và chính vì thế mà làm mất đi cái vẻ mặt nguyên bản, nhưng hình ảnh thì đơn giản, sinh động, là các tượng khắc tương đối vẫn hoàn chỉnh trong các phù điêu hiện còn ở Trung quốc. Hang động thứ 2, thứ 3, dựa vào sự cấu tạo của chúng mà suy đoán thì gần như là các tác phẩm của cùng một người. Mỗi mặt của cây cột vuông ở chính giữa có khám thờ Tam tôn Phật và 2 vị La hán. Trên 4 mặt vách đều khắc tượng Phật thiên thể, chư thiên tấu nhạc và đoàn người cúng dường xếp thành hàng. Hang động thứ 4 gồm hai hang Đông và Tây. Hang Đông có Tam tôn Phật được khắc tạo vào đời Bắc Ngụy, phía trên có bài minh khắc vào tháng 10 niên hiệu Hàm hanh năm đầu (670) đời Đường, ở 2 bên đều có khám thờ Phật. Trên vách mé tây mặt trước của hang Tây cũng có 3 khám lớn nhỏ thờ Phật, một trong 3 cỗ khám ấy có bài minh được khắc vào tháng 8 năm Càn phong thứ 2 (667) đời Đường. Trên vách ngăn đôi 2 hang Đông và Tây còn có khám thờ Phật 3 tầng, trong có bài minh cho biết các tượng Phật trong khám 3 tầng này đều được khắc tạo vào các năm Long sóc thứ 2 (662) và Long sóc thứ 3 (663) đời Đường. Bởi vì lúc đầu, trong các thạch quật này chỉ khắc có Tam tôn Phật mà thôi, đến đời Đường mới đục mở thêm nhiều Phật khám. Hang động thứ 5 có hình vuông, diện tích lớn nhất, rộng khoảng 7m, thiên tỉnh (khung trang trí trên vòm nóc động) cũng cao khoảng 7m. Trên mặt vách ở 2 bên phía ngoài của cửa vào có khắc tượng Kim cương lực sĩ, vách phía đông đã đổ nát, vách phía tây thì có khám thờ Phật cỡ nhỏ, trong đó có các bài minh được khắc vào các năm Diên tải năm đầu (694), Cửu thị năm đầu (700) và Hàm thông thứ 8 (867). Ở chính giữa có cây cột vuông khoảng 3m, ở4mặt đều có khắc khám thờ Phật cỡ lớn. Trên vách 3 phía đông tây bắc ở trong hang động, mỗi vách đều đục mở 4 khám thờ Phật, an trí Tam tôn Phật, phần trên đều tạo tượng Phật thiên thể. Trên vách ở 2 bên cửa vào phía trước cũng giống như hang thứ 2 và thứ 3, trên đó có 3 lớp phù điêu, khắc tranh nhân vật cúng dường xếp thành hàng, trên mặt vách cũng khắc tượng Phật thiên thể và tranh chư thiên tấu nhạc… Tóm lại, đặc sắc chung của 5 thạch quật trên đây là trong mỗi thạch quật có làm cột hình vuông, nhìn vào thủ pháp thì đây là thừa kế nghệ thuật thạch khắc Vân cương, Long môn, được đục mở, kiến tạo vào thời Bắc Ngụy mà thành. Nhưng không rõ hoặc vì đã lâu đời mà bị phá hủy, hay vì đã qua nhiều lần tô đắp mà hiện tại chỉ có bài minh tạo tượng ở thạchquật thứ nhất được khắc vào năm Thiên bình thứ 3 (536) đời Đông Ngụy là còn, ngoài ra các bài minh khác khắc vào đời Bắc Ngụy thì không thấy nữa. Giữa các vách đá của động thứ 4, thứ 5 có khám thờ Phật, bên trong thờ 3 tượng Phật ma nhai(tức tượng được khắc vào sườn núi) lớn, hơn phân nửa các Phật khám to lớn đã bị phá hoại, tượng Bồ tát đứng hầu bên trái đã mất; còn phần trên của tượng Bồ tát đứng hầu bên phải cũng bị hư hại, tuy nhiên vẫn còn biểu hiện rất rõ cái đặc chất của nghệ thuật điêu khắc thời Bắc Ngụy. Bản tôn là tượng Phật Thích ca đứng, hiển thị phong cách Bắc Ngụy, nhưng từ đầu gối trở xuống đã bị chôn vùi trong đất. Ngoài ra, trong tấm bia được khảm vào vách bên ngoài đạiđiện của chùa này còn giữ được bài tháp minh và lời tựa của ngài Diễn công (Minh diễn), 1 bậc Đại đức của Thiền tông đời Đường, đồng thời, sân trước của chùa cũng còn giữ được tấm bia của Đại sư Bảo nguyệt chùa Tịnh độ được dựng vào tháng 12 năm Thiệu thánh thứ 3 (1096) đời Tống. [X. Cổ kim đồ thư tập thành chức phương điển 434]. (xt. Thạch Quật, Củng Huyện Thạch Quật).