thạch phật

Phật Quang Đại Từ Điển

(石佛) I. Thạch Phật. Cũng gọi Thạch Phật tượng, Thạch tượng. Chỉ cho tượng Phật được khắc bằng đá. Trong các hang đá, trên vách núi ở Trung quốc, Ấn độ, Tây vực… đều có thể thấy những thạch Phật với qui mô rất lớn, có tượng cao tới 17m, cũng có tượng nhỏ đến 2cm. Còn ở Nhật bản, Triều tiên thì vì hoàn cảnh địa lí bị giới hạn, thiếu Tượng Phật Thích ca bằng đá đào được ở Mạt thố la Tượng Phật bằng đá đào được ở Kiện đà la nguyên liệu về đá, nên có rất ít các di phẩm và kĩ thuật điêu khắc cũng không được tinh xảo bằng Trung quốc, Ấn độ. Về nguyên liệu đá dùng để tạo lập tượng Phật cũng tùy theo chất lượng sản xuất ở mỗi nơi mà có khác nhau, như ở vùng Kiện đà la thuộc miền Bắc Ấn độ phần nhiều dùng những phiến đá có màu xanh lục, Trung Ấn độ thì dùng nham thạch màu trắng; Tích lan, Miến điện thì dùng đá Đại lí, các tượng Thạch Phật màu trắng được truyền lại từ thời Lục triều của Trung quốc chính là thuộc loại đá này. Thạch Phật được chia làm 3 loại là Viên điêu, Phù điêu và Tuyến điêu. Phong khí tạc thạch Phật thịnh hành ở thời Bắc Ngụy, các thời Bắc Tề, Bắc Chu nối tiếp. Đặc sắc nghệ thuật điêu khắc ở các thời kì này là nét mạnh mẽ, cứng cáp, còn thạch Phật khắc vào thời Đường thì vốn nổi tiếng về nét đầy đặn, phúc hậu. Ở Ấn độ, các di phẩm về thạch Phật hiện còn có nhiều, trong đó, tượng Phật Thích ca ngồi, tượng Bồ tát đứng được cất giữ trong viện bảo tàng ở Mathurà (Mạt thố la) thuộc châu Liên hợp và tượng Bồ tát đứng (chung quanh tòa ngồi có bài minh cho biết tượng được tạo lập vào thời Đại vương Ca nị sắc ca năm thứ 3) hiện được cất giữ trong viện bảo tàng ở vườn Lộc dã (Phạm: Mfgadàva) cũng thuộc châu Liên hợp là xưa nhất. Theo sự khảo chứng thì đây là những thạch Phật được tạo lập vào thời kì đầu của thế kỉ II Tây lịch.Tại Tích lan, xưa nay cũng thịnh hành việc tạo lập thạch Phật, ở Polonnaruwa còn có tượng ngài A nan đà đứng cao khoảng 6m và ở Awkana còn tượng Phật Thích ca đứng cao khoảng 15m. Còn ở Bà la phù đồ (Bara-budur) tại đảo Java, Indonesia, có khắc 504 pho tượng Phật bằng đá. Tại Trung quốc, theo Lương cao tăng truyện quyển 13 và Pháp uyển châu lâm quyển 12, vào niên hiệu Kiến hưng năm đầu (313) đời vua Mẫn đế nhà Tây Tấn, 2 tượng Thạch Phật đầu tiên là tượng Phật Duy vệ, Phật Ca diếp nổi lên ở cửa sông Hỗ độc tại Tùng giang, quận Ngô, do mấy mươi vị như Chu ưng, Bạch ni… rước về thờ ở chùa Thông huyền, tượng cao 7 thước (Tàu). Thư cừ Mông tốn ở Bắc Lương đục mở núi Tam nguy tại Sa châu để tạo tượng Phật là 1 sự kiện nổi tiếng. Thời vua Văn thành đế nhà Bắc Ngụy, ngài Đàm diệu đục mở 5 khám thờ trên vách đá của động Vân cương ở Đại đồng, tỉnh Sơn tây, gọi là chùa Linh nham, trong mỗi khám thờ tạc một pho tượng Phật, đó là những khám thờ đầu tiên ở Vân cương. Tượng thạch Phật lớn nhất ở Vân cương là tượng Bản tôn Thích ca ngồi khắc ở mặt chính của động Đại Phật thứ 5 ở chính giữa, cao khoảng 17m, đoan nghiêm hùng vĩ. Bởi vì tầng nham thạch ở Vân cương thuộc tầng lớp sa nham, rất thích hợp cho việc khắc tạo đại khám, đại Phật, thêm vào đó là chí hướng vĩ đại của vua Thác bạt nhà Bắc Ngụy mà qui mô hoành tráng của hang động đã khiến cho những tác phẩm thạch khắc ở Vân cương trở thành bậc nhất thế giới. Ngoài ra, như động đá Long môn ở tỉnh Hà nam, núi Ngọc hà ở tỉnh Sơn đông, núi Thiên long ở tỉnh Sơn tây, núi Nam hưởng đường ở tỉnh Hà bắc… cũng đều có khắc tạo tượng thạch Phật. Những tượng thạch Phật nói trên đều được khắc tạo ở miền Bắc Trung quốc, trái lại, ở miền Nam tương đối ít hơn, có lẽ miền nam ít sườn núi thích hợp cho việc khắc tạo những tượng thạch Phật to lớn. Tuy nhiên, cứ theo Phật tổ thống kỉ quyển 40 thì vào năm Khai nguyên 18 (730) đời Đường, sa môn Hải thông đục đá ở bãi Đại giang thuộc Gia châu, tạo lập tượng Di lặc, làm gác 9 tầng để che phủ, đây chính là chùa Lăng vân. Tượng Đại Phật này hiện còn ở núi Lạc sơn tỉnh Tứ xuyên, gần sông Dâu, 1 chi nhánh sông Dương tử, cao 71m, được khắc tạo trên 1 vách núi lớn, hiện nay cây cối mọc um tùm, rêu phong kín mít, trông giống như 1 ngọn đồi đứng chênh vênh, là tượng thạch Phật lớn nhất thế giới. [X. Hữubộtì nại da tạp sự Q.3; điều Phạm diễn na quốc trong Đại đường tây vực kí Q.1; Tục cao tăng truyện Q.1, 25; Quảng hoằng minh tập Q.2, 15; Ngụy thư Q.114; A History of Fine Art in India and Ceylon by V. Simth; Barabudur by N. J. Krom]. (xt. Thạch Quật). II. Thạch Phật. Cũng gọi Lão tăng nham, Tiếp khách tăng.Tên 1 ngọn núi trong dãy núi Nhạn đãng, huyện Lạc thanh, tỉnh Chiết giang, dưới chân núi có chùa Thạch Phật.