Thạch kinh sơn tạng kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(石經山藏經) Tạng kinh ở núi Thạch kinh. Đây là thạch kinh có qui mô lớn nhất trong các di vật hiện còn tại Trung quốc, thuộc loại Bi bản khắc(khắc trên mặt bia). Thạch kinh sơn, tên cũ là Bạch đới sơn, Vân cư sơn, tọa lạc ở huyện Phòng sơn, tỉnh Hà bắc. Vì ngài Tĩnh uyển (Minh báo kí ghi là Trí uyển) đời Tùy là người đầu tiên khởi xướng sự nghiệp khắc Thạch kinh tạng ở trong động núi này, cho nên mới đổi tên là Thạch kinh sơn. Lại vì dãy núi quanh co liền nhau, những ngọn núi thì cao đẹp, nên cũng được gọi là Tiểu tây thiên. Ở ngọn núi phía đông có chùa tên là chùa Vân cư, thông thường gọi là chùa Thạch kinh. Khoảng năm Đại nghiệp (605-616), sa môn Tĩnh uyển chùa Trí tuyền tại U châu, sợ tam tai kiếp Hoại ập đến làm cho Đại pháp tiêu mất như nạn diệt Phật đời Bắc Chu, Bắc Tề, nên ngài phát nguyện tạo Thạch khắc Đại tạng kinh, cất giữ ở trong núi để truyền lại cho đời sau. Bấy giờ, ngài từng được Hoàng hậu của vua Tùy Dạng đế giúp đỡ. Sang đời Đường, vào năm Trinh quán 13 (639), chí nguyện chưa hoàn thành mà ngài đã viên tịch, các đệ tử nối tiếp sự nghiệp của ngài, trải qua 4 đời: Huyền đạo, Nghi công, Huệ xiêm (có chỗ ghi là Huệ ngộ) và Huyền pháp khắc xong 4 bộ kinh lớn: Kinh Chính pháp niệm xứ 70 quyển, kinh Đại bát Niết bàn 40 quyển, kinh Đại hoa nghiêm 80 quyển và kinh Đại bát nhã 520 quyển, gọi là Tứ đại bộ kinh. Sự kiện lớn lao này được ghi trong Tứ đại bộ kinh thành tựu bi kí do cư sĩ Triệu tuân nhân soạn vào năm Thanh ninh thứ 4 (1058) đời Liêu và trong Tục bí tạng thạch kinh tháp kí, do cư sĩ Phương chí soạn vào năm Thiên khánh thứ 7 (1117), trong đó cóghi rõ ràng lời phát nguyện, ngày khởi công, quá trình thực hiện và họ tên của những người tham gia công cuộc khắc kinh. Về sau, lại có các vị Khả nguyên, Hưng tông, Triệu tuân nhân, Đạo tông, Thông lí… nối tiếp nhau san khắc, mãi đến năm Đại an thứ 10 (1094) đời Liêu, trải qua thời gian 480 năm mới hoàn thành, tính ra khắc được 80 quyển kinh Đại bát nhã còn lại (trước đó, các ngài Huyền đạo… mới khắc được 520 quyển), kinh Đại bảo tích 120 quyển, kinh Hoa thủ, kinh Phật danh, kinh Tâm địa quán, luận Đại trí độ, luận Thành duy thức, luận A tì đạt ma tạp tập… tất cả gồm 85 bộ kinh luận kể từ ngài Tĩnh uyển, là sự nghiệp khắc kinh chưa từng có trong lịch sử, người đời gọi là Phòng sơn thạch kinh. Sự nghiệp khắc kinh này đến năm Khang hi 30 (1691) đời Thanh mới đình chỉ. Trong đó, những kinh được khắc vào đời thịnh Đường, Liêu, Kim… có số lượng nhiều nhất. Trải qua thời gian gần 1000 năm, khắc hơn 1000 bộ kinh, hơn 3400 quyển, bản khắc đá lớn nhỏ tất cả gồm hơn 1 vạn 5 nghìn tấm. Đây là thạch khắc tạng kinh qui mô nhất hiện còn tại Trung quốc. Số kinh thạch khắc này được chia ra cất giữ ở trong 9 động đá tại núi Thạch kinh (Phòng sơn) và trong địa huyệt (được chôn dưới đất) phía tây nam chùa Vân cư. Ngoài 1 số ít bị gió mưa làm tổn hại, phần lớn vẫn còn đầy đủ, là những vật thực rất tốt để y cứ trong việc nghiên cứu xã hội, kinh tế, lịch sử Phật giáo, diễn biến thư pháp, nghệ thuật thạch khắc ở vùng đất này vào thời cổ đại, đồng thời cũng là chỗ dựa quí báu để khảo đính tạng kinh bản gỗ. Ngoài ra, ở chùa Vân cư và trên núi Thạch kinh còn giữ được 8 ngôi tháp đá hình vuông được kiến tạo vào đời Đường và 1 tòa tháp gạch 8 góc kiểu mái kín đời Liêu, cho thấy sự thành tựu của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc trong thời kì này. Nhân hải kí quyển thượng nói: Thạch kinh được cất giữ trong 7 nham động và 3 địa huyệt. Ở động thì chốt bằng cửa đá, ở huyệt thì trấn bằng phù đồ(tháp), xưa nay binh lửa không xâm nhập được. Tử bá lão nhân tập quyển 15 nói: Dưới đèn đọc bia kinh khắc trên vách đá ở chùa Trùng huyền của quan Thứ sử Tô châu là Bạch cư dị đời Đường, bỗng nhớ về tôn giả Tĩnh uyển đời Tùy, khắc kinh trên đá thành Đại tạng, trộm so sánh hơn kém, khôn xiết buồn thương. [X. Hàm sơn lão nhân mộng du tập Q.22; điều Trí uyển trong Minh báo kí Q.thượng].