tây vực phật giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(西域佛教) Phật giáo ở các nước vùng Tây vực. Danh từ Tây vực được nói trong lịch sử, thực không có phạm vi nhất định, vả lại, tên gọi của các nước Tây vực cũng tùy theo sự biến chuyển của thời đại mà luôn thay đổi. Riêng danh từ Tây vực trong lịch sử Phật giáo thì chỉ cho các khu vực phải đi qua khi truyền Phật giáo từ Ấn độ đến Trung quốc bằng đường bộ. Đại khái các khu vực ấy là: Đại hạ dưới quyền thốnglãnh của Đại nguyệt chi vào thế kỉ III trước Tây lịch kỉ nguyên, một phần Afghanistan, Ca thấp di la, một phần địa phương Ngũ hà, miền bắc Ba tư dưới quyền thống lãnh của nước An tức, Sagdiana (Để lật qua) thuộc phạm vi quyền quản trị của nước Khang cư… Còn các nước có liên quan với Phật giáo thì về phía tây dãy Thông lãnh có Nguyệt chi (nay là Turkestan, Afghanistan và Bắc Ấn độ), An tức, Khang cư (nay là miền Bắc Turkestan, miền Nam Siberia), Kiện đà la, Kế tân (tức Ca thấp di la, và nay là Kashmir thuộc Ấn độ); về phía đông dãy Thông lãnh thì có Vu điền, Chước cú ca (phía đông nam Sa xa hiện nay), Cưu tư (nay là Khố xa), Sớ lặc (nay là Khách thập cát nhĩ), Cao xương (nay là Thổ lỗ phiên)… Trong đó, Kiện đà la và Kế tân là 2 nước quan trọng nhất. Sự hưng thịch của Phật giáo Tây vực bắt đầu vào khoảng năm 260 trước Tây lịch, vua A dục từng phái các ngài Ma ha lặc khí đa (Phạm:Mahàrakkhita) và Mạt xiển đề (Phạm: Majjhàntika) đến vùng này truyền giáo. Ngài Ma ha lặc khí đa chủ yếu truyền đạo ở nước Du na (Yona) là thực dân địa của Hi lạp thuộc miền Tây bắc Ấn độ, từ đó mở rộng phạm vi đến các vùng Afghanistan, An tức, Khang cư…; còn ngài Mạt xiển đề thì hoằng pháp tại các nơi Kiện đà la, Ca thấp di la… Phật giáo ở Tây vực lưu hành rất nhanh, thậm chí Cao xương thờ làm quốc giáo. Thời kì này là thời tột đỉnh của Phật giáo Tây vực. Trước đó, Phật giáo đã đi qua Tây vực để sang phía đông đến Trung quốc, có nhiều bậc cao đức danh tăng từ các nước Tây vực cũng đến Trung quốc truyền dịch kinh điển, như các ngài An thế cao, Đàm vô đế, An pháp hiền, An pháp khâm… người nước An tức; các ngài Chi lâu ca sấm, Chi diệu, Chi khiêm, Pháp hộ, Chi pháp độ, Đàm ma nan đề, Chi đạo căn… người nước Nguyệt chi; các ngài Khang cự, Khang mạnh tường, Khang tăng khải, Khang tăng hội, Đàm đế…người nước Khang cư; các ngài Bạch diên, Bạch thi lê mật, Bạch pháp cự, Phật đồ trừng, Liên hoa tinh tiến… người nước Cưu tư; các ngài Tăng già bạt trừng, Tăng già đề bà, Tăng già la xoa, Đàm ma da xá, Phất nhã đa la, Ti ma la xoa, Cầu na bạt ma… người nước Kế tân. Từ thế kỉ II đến thế kỉ V Tây lịch, các giáo phái Phật giáo Tây vực phần nhiều thuộc Tiểu thừa. Các nước thịnh hành Tiểu thừa lúc bấy giờ gồm có Sớ lặc, Kế tân, Kiện đà la; các nước trong đó tư tưởng Đại thừa và Tiểu thừa song song lưu hành nhưng vấn lấy Tiểu thừa làm chính thì gồm An tức, Khang cư, Cưu tư… Còn các nước trong đó chỉ có Đại thừa thịnh hành thì gồm có nước Chước cú ca, Cao xương, Vu điền… Thếkỉ V về sau, nhân có các ngài Vô trước (Phạm: Asaôga) và Thế thân (Phạm: Vasubandhu) xuất hiện ở Kiện đà la nên xu thế của Phật giáo Đại thừa có cơ phát triển ở miền Bắc Ấn độ. Theo với đà truyền bá Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo như kiến trúc, điêu khắc, hội họa… cũng nhân đó mà phát triển. Nguyên liệu tạo tượng Phật thì phần nhiều là đất sét, sơn đen, tranh Phật thì bích họa là chính, còn kiểu dáng thì phần nhiều thuộc hệ thống Kiện đà la hòa hợp 3 tinh thần Hi lạp, La mã và Ấn độ. Ngoài ra, cũng có kiểu Hồi cốt, kiểu Lạt ma. Từ thế kỉ VII về sau, sắc thái mĩ thuật Trung quốc dần dần đậm nét, các di vật phần nhiều ở vùng Thổ lỗ phiên. Phạm vi đề tài, về tượng Phật thì chủ yếu là tượng đức Phật và các bồ tát Quan âm, Văn thù…; về hội họa thì lấy các sự tích trong kinh Hiền ngu, kinh Lụcđộtập… làm đối tượng. Về việc biên soạn, viết chép và phiên dịch kinh điển ở Tây vực cũng rất thịnh hành. Chỉ riêng ở 2 nơi Cao xương và Vu điền không thôi, người đời sau đã phát hiện các kinh như: A hàm (kinh Ưu bà lợi), Tiểu bộ kinh tạng, Bát nhã, Bí mật (Vô lượng môn đà la ni, Đại bạch tản cái chú), Đại tích(Nguyệt tạng phần, Bảo tràng, Nhật tạng phần, Hiền hộ phần)… tất cả gồm hơn 20 loại. Khoảng thế kỉ VI, Hồi giáo mới được sáng lập đã dùng bạo lực quân sự để truyền giáo, vó ngựa họ đến đâu là Phật giáo bị tiêu diệt đến đấy, cho nên từ thế kỉ VII đến thế kỉ XV, Phật giáo các nước Tây vực như An tức, Đại nguyệt chi, Khang cư, Đại hạ, Ca thấp di la, Kiện đà la, Sớ lặc, Vu điền, Cưu tư, Cao xương… đã lần lượt bị diệtcho đến tuyệt tích. Thời kì gần đây, phong trào học giả các nước đến Đông bộ Thổ nhĩ kì tư thản (Eastern Turkestan) thám hiểm khảo cổ rất thịnh, qua nhiều lần khai quật các nơi như Khố xa, Hòa điền, Thổ lỗ phiên, Khách lạt sa nhĩ, Đôn hoàng thiên Phật động, Ô lỗ mộc tề, La bố nặc nhĩ… đã đào được tượng Phật, tranh Phật, kinh điển và các di vật văn hóa khác, nhờ đó đã giúp cho việc nghiên cứu văn vật Tây vực tiến được một bước dài.[X. Sử kí đại uyển liệt truyện thứ 63; Đường thư tây vực liệt truyện thứ 146; Hán tây vực đồ khảo; Cổ kim đồ thư tập thành biên duệ điển thứ 43 đến 73; Tây vực chi Phật giáo; Trung ương á tế á thám hiểm chi kinh quá dữ thành quả; Tây vực Phật giáo chi nghiên cứu (Vũ khê Liễu đế, Tông giáo nghiên cứu số đặc biệt); Cathay and the Way Thither,vol. 1 (H. Yule)]. (xt. Ca Thấp Di La Quốc, Kiện Đà La Quốc).