tây tạng phật giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(西藏佛教) Phật giáo Tây tạng, thông thường người ta gọi là Lạt ma giáo. Tây tạng (Phạm: Bhoỉa; Tạng: Bod, Bod-yul, Gaís-can-yul), cũng gọi Thổ phồn, Thổ bá đặc, Tây phiên, Ô tư tạng, Tuyết hữu quốc, Tuyết cốc quốc, Xích diện, nằm giữa rặng núi Côn lôn và dãy Hi mã lạp sơn, đông giáp tỉnh Tứ xuyên và tỉnh Vân nam của Trung quốc, tây giáp Làdak, bắc giáp tỉnh Tân cương và tỉnh Thanh hải của Trung quốc, nam giáp Miến điện, Bhutan, Tích kim, Nepal và Ấn độ; địa thế cao dốc, khí hậu rất lạnh, đời Hán, xứ này được gọi là Tây khương, Thổ phồn. Từ đời Đường về trước, người Tây tạng chỉ sống theo từng bộ lạc, đến giữa thế kỉ VII, vua Khí tông lộng tán (tức Tùng tán cán bố) lên ngôi, thống nhất các bộ tộc, vũ lực hùng mạnh, mở rộng lãnh thổ, thậm chí thường xâm phạm biên cương nhà Đường. Vua Thái tông nhà Đường cuối cùng quyết định dùng phương thức liên hôn để tranh thủ hòa bình ở biên thùy phía tây. Năm Trinh quán 15 (641), nhà Đường gả công chúa Văn thành cho vua Tây tạng, trước đó, vua Tây tạng đã cưới công chúa Ba lợi khố cơ của Nepal, 2 bà công chúa này đều là những tín độ Phật giáo thuần thành. Vua Tây tạng được 2 bà vợ khuyến hóa nên cũng rất kính tin Phật giáo. Vua thỉnh các vị cao tăng từ Trung Ấn độ đến Tây tạng hoằng pháp, đồng thời, gửi một phái đoàn gồm 16 người, do Đại thần Đoan mĩ tam bồ đề (Tạng: Thon-misambhoỉa) dẫn đầu, đến Ấn độ du học. Sau khi trở về Tây tạng, Đoan mĩ dùng tiếng Phạm làm nền tảng mà chế ra tự mẫu Tây tạng, phiên dịch kinh Bách bái sám hối, đó là bản kinh đầu tiên được dịch sang tiếng Tây tạng. Niên hiệu Cảnh văn năm đầu (710), vua Duệ tông nhà Đường lại gả công chúa Kim thành, người rất sùng tín Phật giáo, cho Khí lệ súc tán. Công chúa Kim thành sinh được một Vương tử, sau này lên ngôi tức là vua Cật lật song đề tán (Tạng:Khri-sroịlde-btsan), người đã lấy Phật giáo làm Quốc giáo của Tây tạng. Đến khi Lãng đạt ma kế vị Tán phổ lên làm vua (ở ngôi 836-841), vì sùng tín Bổng giáo nên đã phế bỏ Phật giáo, bởi thế, khi Khất li hồ lên ngôi thì Phật pháp đã bị diệt gần hết. Khi Đế quốc Mông cổ được kiến lập, Tây tạng trở thành một phần lãnh thổ của Đế quốc Mông cổ và Hốt tất liệt đã dùng Phật giáo để duy trì. May mắn cho Hốt tất liệt gặp được vị Tổ thứ 4 của phái Tát ca là Ban thiền Đại lạt ma Văn thù tát ca (Tạng: Sa-skya pan-chen). Ban thiền sai cháu là Bát tư ba đến triều Nguyên, Hốt tất liệt tôn làm Quốc sư. Sau, Bát tư ba (1229-1280) kế vị làm Tổ thứ 5củaphái Tát ca ở Tây tạng và một thế cuộc mới được mở ra, đó là Chính trị và tông giáo hợp làm một. Lịch sử Phật giáo Tây tạng lấy Pháp nạn Lãng đạt ma làm mốc, trước đó gọi là Tiền truyền kì(thời kì truyền bá trước), sau đó gọi là Hậu truyền kì(thời kì truyền bá sau). Việc dịch kinh Phật ở Tây tạng bắt đầu vào thời vua Khí tông lộng tán, vua từng ban lệnh lập ra 10 điều thiện, 16 điều luật trọng yếu; lại lấy Lạp tát (Lha-sa) làm trung tâm, xây dựng cung Bố đạt lạp (Potala). Vua còn xây chùa Đại chiêu và chùa Tiểu chiêu để thờ tượng Phật Thích ca thỉnh từ Trung quốc và tượng Phật A súc thỉnh từ Nepal. Đây là thời kì hưng thịnh đầu tiên của Phật giáo Tây tạng. Về sau, vua Cật lật song đề tán thỉnh 2 vị tăng nhà Đường và ngài A nan đà, người nước Ca thấp di la, phiên dịch kinh điển, đồng thời, phái ngài Ba sa (Tạng: Pahsa) đến Nepal. Năm 747, ngài Ba sa gặp Đại sư Thiện hải Tịnh hộ (Phạm: Zanta-rakwita) thuộc học phái Trung quán Thanh biện, liền thỉnh ngài đến Tây tạng. Ngài Tịch hộ mang theo các bộ luận của phái Trung quán đến Tây tạng, rồi lại soạn Nhị đế phân biệt thích và tuyên giảng giáo pháp Trung quán. Ngài Tịnh hộ còn kiến nghị vua Cật lật song đề tán thỉnh Đại sư Liên hoa sinh (Phạm: Padma-sambhava) đến Tây tạng. Ngài Liên hoa sinh truyền Đà la ni và Chân ngôn nghi quĩ, khởi đầu cho Mật giáo Tây tạng. Đồng thời, đệ tử của ngài Tịnh hộ như các vị Ca ma la thập (Phạm: Kamalasìla, Liên hoa giới), Tì lô giá na khiếp đát (Phạm: Vairocana-rakwita)… cũng nhận lời đến Tây tạng dịch kinh, hoằng dương tư tưởng Trung quán. Nhưng sau một thời gian tương đối lâu, bỗng phát sinh cuộc tranh luận giữa ngài Hộ tịch và các đệ tử với một vị danh tăng của nhà Đường là Hòa thượng Đại thừa, sau đó Hòa thượng Đại thừa bị thua trong luận trường, tuy nhiên, ảnh hưởng của Thiền tông không vì thế mà dứt hẳn ở Tây tạng. Về sau, Phật giáo Tây tạng lấy phái Phật giáo Chủ tri thời kì cuối ở Ấn độ làm dòng chính; phái này chuyên về luận lí, nên các bộ luận Nhân minh được phiên dịch đến hơn 66 loại. Thời kì này là thời kì kiến lập của Phật giáo Tây tạng. Đến thời vua Cật lật lai ba thiệm (Tạng:Khri-ral pa-can, ở ngôi 815-836), lại qui định Thất hộ dưỡng tăng, chư tăng được tham dự việc chính trị trong nước, nếu ai khinh thường Tam bảo sẽ bị hình phạt nặng nề. Thời này là thời kì tột đỉnh của Phật giáo Tiền truyền ở Tây tạng. Thời kìnàyqui tụ nhiều bậc hiền tài, về phía học giả Ấn độ thì có các ngài: Thắng hữu, Giới đế giác, Thí giới, Giác hữu…; về phía học giả Tây tạng thì có các ngài: Bảo hộ, Cháp tính giới… Các vị này đã biên soạn thành bộ Phiên dịch danh nghĩa đại tập (Phạm: Mahàvyutpatti), rồi căn cứ vào sách này mà hiệu đính bổ túc cho các bản dịch cũ của Kinh bộ; dịch thêm các bộ luận trọng yếu của các bậc Đại sư: Long thụ, Đề bà, Mã minh, Từ thị, Vô trước, Thế thân… Sau đó, Lãng đạt ma lên ngôi vua, vì ông này sùng tín Bỗng giáo nên hủy diệt Phật giáo, không cho phiên dịch kinh luận, phá bỏ chùa viện, bắt tăng ni hoàn tục, đốt phá kinh điển, tượng Phật; do đó, chúng tăng đương thời phải lánh nạn sang các nước lân cận. Sau biến cố Lãng đạt ma, Phật giáo Tây tạng bước vào thời kì Hậu truyền. Thời Hậu truyền là thời kì phục hưng của Phật giáo, trước hết là Mật thừa, kế đến là Hiển thừa. Cuối thế kỉ XI, vị học giả bậc nhất của Mật thừa là ngài Lâm thân tang pha (Tạng: Rin-chen bzaí-po) đếnẤn độ, lúc trở về Tây tạng, sư thỉnh các học giả Ấn độ như: Tức đạt la ca la phạm mạnh (Phạm: Zradha-kara-varman), Ba địch ma ca la cấp đa (Phạm: Padma-karagupta)… mang theo về Luận bộ và 4 bộ Đát đặc la. Những kinh điển Mật thừa trước kia chưa được phiên dịch, thì bây giờ được dịch thêm rất nhiều, như các bộ: Cát tường thượng thừa lạc bản tục vương lược yếu, Hiện thuyết vô lượng bản tục, Du già đại giáo vương kinh… Giáo nghĩa mà chúng tăng Tây tạng học tập tu trì là lấy Trung quán hiển thừa làm chính; bấy giờ, sau khi việc phiên dịch các kinh điển Mật giáo được hoàn thành, thì Phật giáo Tây tạng bèn được chia làm 2 môn là Hiển môn và Mật môn. Những kinh điển Mật thừa được phiên dịch ở thời kì này khác với những kinh được dịch ở thời đại ngài Liên hoa sinh, cho nên Mật thừa ở thời kì nàyđược gọi là Tân phái Mật thừa, còn Mật thừa ở thời Đại sư Liên hoa sinh thì gọi là Cựu phái Mật thừa, hợp 2 phái tân cựu lại, gọi chung là Ninh mã phái (Tạng: Rĩin-mapa), hoặc gọi là Đại cứu cánh phái (Tạng: Rdsogs-chen-pa). Thời kì Phật giáo Hậu truyền đạt đến đỉnh cao là thời gian từ khi ngài A đề sa (Phạm: Atiza) đến Tây tạng (1035 hoặc 1038) về sau. Các tác phẩm của ngài như luận Bồ đề đạo đăng, kinh Thập bất thiện nghiệp đạo, Hành tập đăng… còn trong Đại tạng kinh Tây tạng có tới hơn 30 loại, trong đó, luận Bồ đề đạo đăng là tác phẩm tiêu biểu, chọn lựa chỗ trọng yếu của Hiển (giáo) và Mật (giáo), biện biệt rõ giới hạn tà chính, tận lực chấn hưng giáo pháp Đại thừa. Tư tưởng chủ yếu trong cuộc cải cách do ngài Tông khách ba (1417-1478) tiến hành sau này chính đã được khơi dậy bởi lí luận A đề sa. Từ sau khi ngài A đề sa đến Tây tạng, Phật giáo Tây tạng mới chia dòng phái, tất cả có 7 hệ 21 phái, chỉ trừ các phái đã truyền trước thời ngài A đề sa được gọi chung là phái Ninh mã, các phái còn lại như Ca đương, Ca nhĩ cư, Hi giải, Tát ca, Tước nam, Cách lỗ… đều có liên hệ với ngài A đề sa. Các phái nói trên, chỉ trừ phái Ca đương chuyên về việc giáo hóa, còn các phái khác thì đều câu kết với cường hào địa phương, tham dự việc chính trị, đặc biệt là phái Tát ca quan hệ rất mật thiết với chính quyền, chúng tăng ỷ thế kiêu căng, thao túng lũng đoạn, gây ra rất nhiều tệ nạn, công cuộc đổi mới nền Phật giáo Tây tạng của Tông khách ba đã diễn ra đúng lúc. Ngài Tông khách ba khởi xướng phong trào vận động cải cách tông giáo. Chúng tăng thuộccácphái Phật giáo Tây tạng trước Tông khách ba đều đội mũ và mặc áo màu đỏ, được gọi chung là Hồng giáo. Để phân biệt, Tông khách ba lập ra Hoàng giáo (chúng tăng đội mũ và mặc áo màu vàng), cũng gọi Cách lỗ phái (Ngạch nhĩ đức phái). Hoàng giáo chủ trương tôn trọng kinh giáo, nghiêm trì giới luật, chọn lấy những điều tốt đẹp của các phái, chỉnh đốn lại Hiển tông và Mật tông, nêu rõ nghĩa chân thật của Phật pháp, lập ra trình tự tu hành, khiến nền Phật giáo Tây tạng thay đổi lớn lao. Phái này về sau sản sinh ra 2 vị Lạt ma là Đạt lai và Ban thiền, lần lượt mở ra đầu mối cho nền chính trị tông giáo ở Tây tạng và 2 vị này được xem là chuyển sinh của đệ tử ngài Tông khách ba. Đạt lai truyền nối đến nay là đời thứ 14, còn Ban thiền thì là đời thứ 10. Cùng thời kì với Hoàng giáo của ngài Tông khách ba, có Bạch giáo (chúng tăng đội mũ và mặc áo màu trắng) lưu hành ở Hậu Tạng, phái này giữ gìn giáo pháp trang nghiêm thanh tịnh (tượng trưng bằng màu trắng), hoằng dương cả Hiển giáo và Mật giáo, nhưng lấy Mật thừa làm chính. Song, sau khi Hoàng giáo hưng thịnh thì Bạch giáo suy dần. Ngoài ra còn có Hắc giáo, vốn là ngoại đạo Bổng giáo, vì đội mũ và mặc áo màu đen, nên gọi là Hắc giáo. Phái này chuyên việc cầu đảo, chú thuật, chuộng đồng bóng, cúng tế, thích giáng bút cầu cơ… Thời cận đại, Phật giáo Tây tạng rất được trọng, học giả các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật, Ấn… đều nghiên cứu, tìm hiểu về Vương thống, ngôn ngữ, kinh sách… của Tây tạng và về giáo lí, sự thay đổi… của Lạt ma giáo một cách sâu rộng. [X. Thích ca phương chí Q.thượng; Đại đường tây vực cầu pháp cao tăng truyện Q.thượng; Đường thư liệt truyện thứ 141; Cựu ngũ đại sử ngoại quốc liệt truyện thứ 2; Tống sử liệt truyện thứ 251; Nguyên sử liệt truyện thứ 89; Ấn độ tông giáo sử khảo; Tây tạng chi Phật giáo (Đa điển Đẳng quan); Đường phồn hội bi văn (Tự bản Uyển nhã, Đại cốc học báo tập 3, số 10); Life of the Buddha (W.W Rockhill); Le Bouddhisme au Tibet (P.E. Foucaux); History of Indian and Easten Architecture, vol. 1 (J. Fergusson); Tibetan Temple Paintings (W.J. G. Van Meures); Tây tạng Phật giáo sử (Thánh nghiêm)]. (xt. Tông Khách Ba, A Đề Sa, Ban Thiền Lạt Ma, Đạt Lại Lạt Ma, Nghạch Nhĩ Đức Phái).