tây phương yếu quyết thích nghi thông quy

Phật Quang Đại Từ Điển

(西方要决釋疑通規) Gọi tắt: Tây phương yếu quyết. Tác phẩm, 1 quyển, do ngài Khuy cơ soạn vào đời Đường, được thu vào Đại chính tạng tập 47. Nội dung sách này giải thích rõ ràng về những điểm còn hoài nghi đối với việc vãng sinh Tây phương để khuyến khích mọi người nên tinh tiến tu tập. Toàn sách chia làm 14 đoạn, trong đó, 6 đoạn trước giải thích chung về chí thú vãng sinh Tịnh độ nói trong các kinh: Kim cương bát nhã, Phật tạng, Duy ma, Di lặc vấn, Tối thắng diệu định, Niết bàn…; đoạn thứ 7 so sánh sự hơn kém giữa Tây phương và Đâu suất, nêu ra 10 điểm khác nhau; ba đoạn 8, 9, 10 theo thứ tự hỏi đáp về bất thoái, thiểu thiện căn, Nhị thừa…; đoạn 11 hội thích 5 điều nghi nhỏ của hành giả; đoạn 12 y cứ vào luận Nhiếp đại thừa mà bàn giải việc vãng sinh Tây phương có ý thú biệt thời hay không; đoạn 13 bàn rộng về tán tâm xưng danh có thể được vãng sinh; đoạn 14 thuyết minh về phương pháp của tác nghiệp và hành pháp của tứ tu. Sách này dưới tựa đề tuy có ghi 2 chữ Cơ thuật (Khuy cơ soạn thuật) nhưng về nghĩa lí có chỗ nghi ngờ, cho nên ngài Tế xiêm người Nhật bản mới nêu ra 5 điều: Nghĩa tướng chung trái nhau, nghĩa thủy giác bản giác trái nhau, nghĩa Nhất thừa quyền thực trái nhau, nghĩa Đâu suất thoái chuyển trái nhau và nghĩa nghinh tiếp không nghinh tiếp trái nhau, từ đó ngài Tế xiêm đã suy đoán sách này không phải do ngài Khuy cơ soạn thuật. Về chú sớ của sách này thì có Tây phương yếu quyết thích nghi thông qui khoa chú 2 quyển của ngài Viên trí người Nhật. [X. Chư tông kinh sớ mục lục; Tịnh độ y bằng kinh luận chương sớ mục lục].