tây hạ

Phật Quang Đại Từ Điển

(西夏) Gọi tắt: Hạ. Tên một nước thời xưa ở vùng tây bắc Trung quốc, do bộ tộc Đảng hạng (Tangut) kiến lập, tự gọi là Đại hạ. Vào những năm cuối đời Đường, thủ lãnh của bộ tộc Đảng hạng là Thác bạt Tư cung, nhờ có công trong việc giúp nhà Đường đánh dẹp giặc Hoàng sào, nên được phong tước Hạ quốc công, cho lấy theo họ Lí, con cháu đời đời sinh sống ở Hạ châu (nay là Ngạc nhĩ đa tư). Thời vua Thái tổ nhà Tống, Quốc chủ nước này là Lí kế phủng vào triều cống. Năm Ung hi thứ 3 (986), em ông là Kế thiên phản Tống theo Liêu. Sau, con của Kế thiên là Triệu đức minh nối lại bang giao với nhà Tống. Con của Đức minh là Nguyên hạo, tính khí cương nghị, có tài thao lược, vào niên hiệu Bảo nguyên năm đầu (1038), tự xưng Đại Hạ Hoàng Đế, thường cướpphá nhà Tống. Đến năm Bảo khánh thứ 3 (1227) đời Nam Tống, Tây hạbị Thành cát tư hãn tiêu diệt, tồn tại được 190 năm. Nước này vốn tin thờ Phật giáo, Đức minh, Nguyên hạo đều hiểu kinh Phật, riêng Nguyên hạo còn giỏi cả chữ Hán và Thổ phồn. Niên hiệu Cảnh hựu năm đầu (1034) Nguyên hạo thỉnh được Đại tạng kinh từ nhà Tống. Năm Cảnh hựu thứ 4 (1037) đặt ra chữ Tây hạ, thỉnh các vị tăng người Hồi cốt dịch kinh, đồng thời xây dựng chùa Cao đài tại Thủ đô và xây tháp Phật cao mấy mươi trượng, nhiều đời về sau đều kính tin Phật giáo; lại thườngsưu tầm kinh sách Nho, Phật, phiên dịch Tam tạng Phật giáo ra tiếng Tây hạ. Những di phẩm tiếng Tây hạ được người đời chú ý sớm nhất là kinh Phật đính phóng vô cấu quang minh nhập Phổ môn quán sát nhất thiết Như lai tâm đà la ni và kinh Phật đính tôn thắng đà la ni, được khắc bằng 6 thứ chữ là: Phạm, Hán, Mông cổ, Hồi cốt, Tây tạng và Tây hạ hiện còn trên mặt vách của tháp Quá nhai tại cửa ải Cư dung, cách thành phố Bắc bình khoảng 64 km về phìa bắc. Ngoài ra, trừ một số kinh điển sử sách Phật giáo chép bằng chữ Tây hạ do ông Bá hi hòa (P.Pelliot) người Pháp tìm thấy ở Đôn hoàng, tỉnh Thiểm tây, Trung quốc,năm 1914, ông Sử thản nhân (A.Stein) người Anh, còn đào được một số lượng lớn các bản kinh sách chép tay và in ấn bằng chữ Tây hạ tại thành Hắc thủy ở Tây hạ. Những tư liệu này, qua sự nghiên cứu của các học giả Trung quốc, Nhật bản, Mĩ, Nga… đã được xác nhận là các kinh: Quán Di lặc bồ tát thướng sinh Đâu suất đà thiên, Đại bảo tích kinh Pháp giới thể tính vô phân biệt hội, Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh Phổ hiền hành nguyện phẩm, Phật mẫu xuất sinh tam tạng bát nhã ba la mật đa… [X. luận Chương sở tri Q.thượng; Thích thị kê cổ lược Q.4; Tống sử liệt truyện thứ 244, 245; Cổ kim đồ thư tập thành biên duệ điển thứ 79-82; Tây hạ học nghiên cứu (Vương tĩnh như); P.Pelliot: Les documents chinois par la mission Kozlov (Journal asia-tique, 1914); A. Stein: Innermost Asia, vol.I].