tây du ký

Phật Quang Đại Từ Điển

(西游記) Bộ tiểu thuyết nổi tiếng của Trung quốc, do ông Ngô thừa ân soạn vào đời Minh. Đây là bộ tiểu thuyết truyền kì lấy việc ngài Huyền trang đời Đường sang Thiên trúc thỉnh kinh làm chính, rồi phát triển rộng thêm qua nhiều tình tiết mà thành. Sách này vốn bắt nguồn từ người thực việc thực trong lịch sử, nhưng về sau dần dần nhuốm sắc thái biến ảo thần kì, như đời Tống có bộ Đại Đường tam tạng thủ kinh thi thoại, đời Nguyên dần dần trở thành các hình thái tạp kịch, thoại bản, đời Minh có Thế đức đường bản 100 hồi, Dương chí hòa bản, Chu đỉnh thần bản… lần lượt xuất hiện. Đến lượt ông Ngô thừa ân lại tập đại thành những bản đã có, tổ chức, mở rộng và sáng tạo thêm mà thành bộ tiểu thuyết li kì thần quái này với các huyễn cảnh yêu ma quỉ mị. Bút pháp miêu tả các truyện tích cực kì linh hoạt, điêu luyện; trong suốt cuộc hành trình thỉnh kinh đi và về, lồng vào 81 nạn và 41 truyện cổ. Nhân vật tạo hình được miêu tả đặc biệt lâm li hết mức. Các nhân vật chủ chốt như Đường tam tạng thì hiền từ phúc hậu, Tôn ngộ không thì thông minh lanh lẹ, Trư bát giới thì ngu độn thô lỗ, Sa tăng thì điềm tĩnh vụng về, nhân vật nào cũng lột hết được cái tinh thần của nhân vật ấy. Sang đời Thanh, vào những năm đầu đời vua Khang hi, có ấn hành bộ Tây du chứng đạo thư; năm Khang hi 33 (1694), ấn hành bộ Tây du chân thuyên, thường được gọi là Tây du kí. Năm Càn long 14 (1749) lại ấn hành bộ Tân thuyết tây du kí. Tóm lại, trải qua mấy trăm năm, cho đến tận ngày nay, bộ truyện vẫn còn gây nhiều ấn tượng li kì cho người đọc. Và đứng trên lập trường nghiên cứu văn học Trung quốc chịu ảnh hưởng của văn học Ấn độ mà nói thì Hầu vương Cáp nô mạn (Phạm: Hanumat) trong bộ Sử thi La ma da na (Phạm:Ràmàyaịa) của Ấn độ chính là nguyên hình của Tôn ngộ không trong Tây du kí.